Pages

Thứ Hai, 30 tháng 4, 2012

30/4/1975: “Ai Thắng Ai,” Ai Giải Phóng Ai?

30 tháng Tư năm 2012
Thấm thoát đã 37 năm kể từ cái ngày định mệnh 30 tháng Tư năm 1975 khi xe tăng quân cộng sản Bắc Việt húc đổ cổng Dinh Độc Lập tại Saigon, chấm dứt cuộc chiến để chiếm đóng Nam Việt Nam, thiết lập chế độ cộng sản toàn trị trên toàn lãnh thổ Việt Nam từ ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau.

Theo thống kê không chính thức thì trong cuộc chiến, về nhân mạng Việt nam mất khoảng 4 triệu người trong đó “quân đội Nhân dân” Bắc Việt mất 1 triệu rưỡi, quân đội Nam Việt Nam mất khoảng 250 ngàn, và quân đội Mỹ khoảng 58 ngàn người; còn lại là thường dân, phần lớn là tại Miền Nam vì các cuộc tấn công, khủng bố, pháo kích của Việt cộng vào các khu dân cư; số người ở Miền Bắc chết và bị thương do các cuộc thả bom của Mỹ ít hơn nhiều so với số thường dân chết ở Nam Việt Nam.
Những số liệu này chỉ là ước tính vì nhà nước Việt cộng không bao giờ công khai bất cứ chi tiết nào không có lợi cho họ trong suốt 30 năm chiến tranh, trước là với Pháp, sau đó là với Mỹ trong cái họ gọi là “nhiệm vụ quốc tế cộng sản” nhưng được che đậy dưới ngọn cờ “giải phóng dân tộc” là bước đầu của chiến lược cướp chính quyền để “quá độ” (chuyển tiếp) lên “cách mạng xã hội chủ nghĩa” và sau cùng đạt đến chủ nghĩa cộng sản. Đó là chiến lược lâu dài để đạt mục đích tối hậu của chủ thuyết Mác-Lê Nin và được dùng làm kim chỉ nam cho mọi sách lược của đảng cộng sản Việt Nam. Lời tuyên bố của Lê Duẫn, “Ta đánh Mỹ đây là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc,” đã để lộ rõ mặt thật của tập đoàn cộng sản Hà nội khi phóng tay phát động cuộc xâm lăng Miền Nam vì nghĩa vụ quốc tế vô sản và để chứng minh lòng trung thành của Việt cộng với hai nước đàn anh lớn nhất. Trong thời gian chiến tranh Việt cộng vẫn chơi trò hai mặt để được Liên Xô viện trợ vũ khí súng đạn và Trung cộng cung cấp từng bánh lương khô, từng chiếc bi đông đựng nước để tiếp tục chiến tranh giết hại đồng bào Miền Nam cùng giòng máu. (Ở đây không đề cập đến cái gọi là “tư tưởng Hồ Chí Minh” như các báo cáo chính trị của đảng cộng sản Việt nam sử dụng sau khi Liên Xô sụp đổ và khối Đông Âu giải thế vì việc gán ghép những câu vè, những lời khuyên bảo dân giã thành một hệ tư tưởng chỉ là việc “không có chó bắt mèo ăn cứt” như dân quê Việt nam thường nói.) Vả lại, ngay cả Hồ Chí Minh cũng đã nói ông ta không có tư tưởng gì, Stalin và Mao đã lập thuyết cả rồi và hai ông đó thì không bao giờ sai!

37 năm là một quãng thời gian dài trong một đời người và có thể nói là giai đoạn sung mãn nhất của một thế hệ Người Việt. Vậy thì Việt nam hiện nay đang ở đâu sau khi Việt cộng đã thực hiện được mục tiêu chiếm trọn Miền Nam bằng vũ lực để áp đặt chế độ cộng sản như họ đã có kế hoạch ngay từ khi hiệp định Genève chưa ráo mực năm 1954. Trước hết xin trình bày sơ lược các biến chuyển chính trị, xã hội trong 37 năm qua, sau đó sẽ trình bày tổng quan tình trạng đất nước hiện nay.

Có thể nói Việt nam đạt đến tình trạng hiện nay qua hai giai đoan:

- Giai đoạn 1: 1975-1990, có thể xem là giai đọan “sắt máu” sau chiến tranh, trong đó chính quyền cộng sản thực hiện những chính sách “giáo khoa” của các chế độ cộng sản, trước hết là những chính sách kiểm soát nghiệt ngã về xã hội, kinh tế, hiển nhiên là dựa trên mô thức chính trị độctài “chuyên chính vô sản” mà cộng sản Bắc Việt đã có kinh nghiệm toàn trị ở Miền Bắc trong 20 năm sau hiệp định Genève, thường được ngụy biện là cần thiết trong khi tiến hành chiến tranh xâm lược Miền Nam nhưng núp dưới chiêu bài “chống Mỹ cứu nước.”

Phải nói rằng sự cuồng tín về ý thức hệ và cái kiêu căng tự phụ của người cộng sản đã làm họ “say men chiến thắng” sau 30/4/1975 để không còn nghĩ gì về hậu quả của những chính sách hà khắc đó dù rõ ràng những chính sách ấy đã mang lại bao tủi nhục, mất mát cho người dân Miền Nam. Những câu nói đãi bôi như của tướng Trần Văn Trà rằng “Giữa chúng ta không có kẻ thắng người thua, chỉ có nhân dân là người chiến thắng,” chỉ là những lời tuyên truyền rẻ tiền cố hữu của “cán bộ Vẹm,” chỉ lừa dối được những kẻ ấu trỉ về cộng sản và ngây thơ về chính trị! Có người nói sau 30/4/1975 “Cái Ác Đã Lên Ngôi” hay như thượng nghị sỹ Mỹ John McCain nói tại Saigon trong chuyến đi thăm Việt nam năm 2000 rằng, “The Bad Guys Won – Kẻ Ác Đã Thắng.”

Nhưng do đâu Việt cộng không do dự, ngần ngừ làm điều Ác? Chính là từ chủ thuyết, ý thức hệ cộng sản của họ. Trong những buổi họp tập chính trị cho sinh viên tại đại học Vạn Hạnh những ngày đầu sau 30/4/1975 có một bài học cơ bản là bài “Ai Thắng Ai” với nội dung chính là trong cuộc chiến Việt nam, khối cộng sản đã thắng khối tư bản, trái ngược với những bài bản tuyên truyền với thế giới và dân Miền Nam trước đó là cuộc chiến chỉ vì độc lập, thống nhất đất nước và những người cộng sản Bắc Việt đã chối bai bãi rằng không có “Quân đội Nhân dân” ở Miền Nam! Một vài năm sau 1975, khi Ethiopia và Angola trở thành cộng sản, Việt cộng lại càng kiêu căng, phách lối, đến độ những cán bộ tuyên huấn ở Saigon còn “dọa” sẽ “đem cách mạng” sang Thái Lan trước rồi nếu cần sẽ mang cách mạng sang cả “đế quốc Mỹ.” Chỉ đến khi chiến tranh với Campuchia năm 1978 và với Trung cộng 1979 thì Việt nam đã rơi vào đồng lầy của nghèo nàn, khốn khổ! Nhưng ngoài miệng thì cán bộ vẫn tiếp tục tuyên truyền về sự vô địch của khối cộng sản và cho rằng khối tư bản “vẫn đang dẫy chết!”

Khi học tập chính trị các giảng viên từ Thành Đoàn đều viết lên bảng câu khẩu hiệu “Yêu Nước là Yêu Chủ Nghĩa Xã Hội” nhưng khi được hỏi CNHX là gì thì họ lại trả lời lòng vòng là “giai đoạn quá độ lên chủ nghĩa cộng sản, khi đó làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu, không có người bóc lột người, v.v.” Họ cũng rao giảng rằng “đạo đức phải là đạo đức xã hội chủ nghĩa, không được đạo đức chung chung kiểu tư sản; rằng những gì có lợi cho đảng, cho cách mạng là đạo đức.”

Được trang bị bởi hệ thống giáo điều cuồng tín đó nên những chính sách cầm tù dài hạn những cựu quân nhân, viên chức của chính phủ Việt Nam Cộng Hoà dưới chiêu bài “giáo dục cải tạo”; đuổi dân thành thị về vùng xa xôi, hiểm trở trong chính sách “kinh tế mới” mà chẳng có hổ trợ gì để dân tái định cư, rồi sau đó để cho dân Miến Bắc vào chiếm những chổ ở cũ; hay chính sách tịch thu, nôm na là ăn cướp, tài sản những doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa của Miền Nam qua chính sách “cải tạo công thương nghiệp tư bản, tư doanh.” Nghe đâu cán bộ cầm đầu thực hiện chính sách tàn ác này là Đỗ Mười, người đã nổi danh qua chính sách tương tự ở Hà nội và Hải phòng sau năm 1954 với hậu quả là nhiều người đã tiếc của mà tự tử chết. Nhưng đối với Việt cộng những việc đó có lợi cho đảng, cách mạng nên họ không hề băn khoăn về hậu quả; vả lại người cộng sản vốn là vô thần nên không có những băn khoăn về tâm linh, nhân quả, và khi thấy rằng họ cũng tự nhiên đạt được nhiều lợi quyền sau khi cướp được chính quyền, đúng như phong trào cộng sản quốc tế hứa hẹn trong bài hát “Internationale – Quốc Tế Ca: Tất cả lợi quyền sẽ qua tay mình,” thì họ lại càng hăng hái hơn trong các chính sách “Vào, Vơ, Vét, Về.”

Trong thập niên 1976-1986 Việt nam nằm trong sự toàn trị của cố tổng bí thư Lê Duẫn và tập đoàn Lê Đức Thọ. Lê Duẫn là một người cộng sản cuồng tín, thiển cận và độc ác. Với một vốn học vấn khiêm nhường của lớp năm tiểu học rồi làm công nhân đường xe lửa và chỉ được dạy dỗ những giáo điều cộng sản và cách sử dụng bạo lực cách mạng trong nhà tù nên Lê Duẫn rất “sắt máu” về chính trị. Chính Lê Duẫn là tác giả của “Đề Cương Cách Mạng Miền Nam” năm 1957 tức là kế hoạch xâm lăng và chiếm đóng Miền Nam, sau đó được đảng cộng sản Việt nam thực hiện năm 1959 với việc thành lập đoàn 559 mở đường mòn Trường Sơn để xâm nhập người và súng đạn vào tấn công Miền Nam. Cá tính gian dối của Lê Duẫn cũng được thể hiện qua hành động lừa đảo ấu trĩ là giả vờ xuống tàu ra Bắc tập kết rồi đêm đến lẻn lên bờ trở lại nằm vùng ở Miền Nam vì thực ra lúc đó cũng chả ai quan tâm đến việc một người thay đổi thái độ đi hay ở! Và trong thời gian nằm vùng, tính gian dâm của Lê Duẫn đã thở thành huyền thoại ở Nam Bô, trong khi nhiều cán bộ cấp thấp hơn bị khiển trách, trừng phạt về tội “hủ hóa” tức gian dâm, ngoại tình!

Chính sách mang dấu ấn đậm nhất của Lê Duẫn sau 1975 là “Làm Chủ Tập Thể” với tất cả những cái ấu trĩ, ngu dốt của nó. Nếu ai đã học xong bậc tiểu học ở Việt Nam tất biết những câu châm ngôn như, “Nhiều Thầy Thối Ma, Nhiều Người Ta Thối Cứt,” hay “Cha Chung Không Ai Khóc” để chỉ việc chung thường bị người ta đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, chẳng ai lo! Kết quả là những tổ hợp, hợp tác xã nông nghiệp hay công nghiệp đều thất bại, không hiệu quả, đến độ là kinh tế Việt nam đến bờ vực thẳm vào năm 1986 khi Lê Duẫn mất!

Trong thập niên 1980 kinh tế Việt nam suy sụp thảm hại, một phần vì chi phí quốc phòng khi cộng sản Việt nam sa lầy tại Campuchia sau khi xâm lăng và chiếm đóng đất nước đó cuối năm 1978, dẫn đến cuộc chiến ở vùng biên giới phía Bắc với Trung cộng vào ngày 17 tháng 2 năm 1979. Đến nay chi tiết về các cuộc chiến này vẫn không được Việt cộng công bố; những bộ đội đã hy sinh cũng không được ghi công, tưởng niệm vì phật lòng Trung cộng, Thiên triều mà họ đã sang khấu đầu thần phục năm 1990 để được bảo đảm tiếp tục cầm quyền sau khi Liên Xô sụp đổ và khối Đông Âu giải thể cuối thập niên 1980.

Trong gần 15 năm sau chiến tranh, Việt nam lún dần vào vai trò của một nước nghèo nàn và tụt hậu so với những quốc gia trong khu vuc Đông Nam Á. Nguyên nhân đơn giản là một chế độ độc tài toàn trị, với tham nhũng lan tràn vì vô trách nhiệm và thiếu giám sát trong khi dân chúng bị áp bức, các quyền tự do cơ bản bị chà đạp trắng trợn, không thể nào đạt được tiến bộ xã hội để nâng cao mức sống của người dân. Trong khi đó, nhũng kẻ cầm quyền lại thường khoe khoang rằng “nền dân chủ xã hội chủ nghĩa hơn vạn lần dân chủ tư sản!” Phải chăng khả năng hổ thẹn đã mất đi trong người cộng sản vì họ nói dối quá lâu đã thành quán tính?

Trước khi Saigon bị chiếm đóng, chỉ khoảng 140 ngàn người là những viên chức cao cấp trong chính phủ VNCH hay quân đội đã di tản cùng với vợ con, thân nhân họ, nhất là những người đã từng có kinh nghiệm với Việt cộng; còn rất nhiều thành phần trí thức, nhân viên trung cấp, sinh viên đều nghĩ rằng họ sẽ có cơ hội góp phần xây dựng lại đất nước sau một cuộc chiến tranh dài nên đã ở lại, không di tản, dù nhiều người có cơ hội. Không ai ngờ rằng chính quyền cộng sản lại có những chính sách trả thù, tàn ác, phân biệt như thê. Nhất là chính sách đối xử phân biệt qua lý lịch mà thực chất là thể hiện nguyên lý “đấu tranh giai cấp” của chủ thuyết cộng sản.

Khi người dân Miền Nam nhận ra bộ mặt thật của đám lãnh đạo Việt cộng dốt nát, cuồng tín, gian ác thì chỉ còn một cách là thoát ly khỏi cái địa ngục đỏ đó mà thôi. Kết quả là hiện tượng thuyền nhân từ cuối năm 1977! Lúc đó các lãnh tụ Việt cộng đã nguyền rủa, nhục mạ những kẻ trốn chạy, rằng “đó là bọn đĩ điếm, mê bơ thừa sữa cặn của đế quốc”; nói chung là dùng ngôn từ của những kẻ vô học, côn đồ, không thích hợp với quan chức cấp cao của một quốc gia. Điều càng mỉa mai là sau một thời gian, những thuyền nhân này ổn định cuộc sống ở đất nước mới và bắt đầu gửi hàng, tiền về giúp thân nhân của họ vẫn còn ở Việt nam thì giọng điệu của nhà nước Việt cộng lại thay đổi, nào là “khúc ruột nghìn dặm, là máu thịt của dân tộc” v.v. Nói chung thật là vô liêm sĩ.

Có thể nói hiện tượng “thuyền nhân” xảy ra từ giữ năm 1977 cho đến nửa thập niên 1990, khi các quốc gia ở Đông Nam Á từ chối không cho những người trốn chạy Việt cộng vào các trại tỵ nạn vì đã quá đông. Trong thời gian đó, thủ tướng hiện nay, Nguyễn Tấn Dũng, là một trưởng công an ở tỉnh Kiên giang, chưa đầy 30 tuổi nhưng rất mưu mô, xảo quyệt, nên đã tổ chức các chuyến vượt biên bán chính thức, hay chính thức cho Hoa kiều hồi hương, để lấy vàng (trẻ em 6 lượng vàng mỗi em, người lớn từ 10 đến 12 lượng); ngoài ra còn có dịch vụ cho thuê tàu, bán bãi đáp. Số vàng hàng chục nghìnlượng ông Dũng thu được đã được chia hậu hĩnh cho các thành viên bộ chính trị lúc đó nên ông Dũng được đặc cách lên chức nhanh chóng. Và lúc này chính ông Dũng là thủ tướng của một đất nước với thể chế chính trị man rợ, kinh tế khủng hoảng, đạo đức xuống cấp, văn hóa đồi trụy, và giáo dục tụt hậu!

Một số trí thức phản chiến, khuynh tả thường tìm cách biện hộ, chạy tội cho Việt cộng với lập luận rằng vì Mỹ cấm vận Việt nam sau 1975 nên Việt cộng mới áp dụng những chính sách như thế! Họ quên rằng ngay sau khi trở thành tổng thống Mỹ năm 1976, tổng thống Jimmy Carter đã đề nghị bình thường hóa quan hệ Mỹ-Viêt. Nhưng trong những cuộc đàm phán suốt năm 1977 tại Hà nội, Paris, và New York, tập đoàn cộng sản giáo điều ở Hà nội khăng khăng đòi 3 tỷ rưỡi đô la “tiền bồi thường chiến tranh” mà cựu tổng thống Richard Nixon hứa hen trong một bức thư riêng để Hà nội ký Hòa ước Paris năm 1973! Người ta không thể hiểu cộng sản Hà nội có còn biết liêm sĩ hay không khi đã xé nát hiệp định Paris, tấn công và chiếm đóng Miền Nam bằng vũ lực chỉ hai năm sau đó, rồi đòi Mỹ thi hành một điều khoản không chính thức trong hiệp ước! Điểm thứ hai là họ không hiểu hệ thống chính quyền Hoa kỳ: Tất cả mọi chương trình dự án gì của chính phủ cũng phải do phía lập pháp tức Quốc hội, chuẩn chi (cấp ngân khoản) mới thực hiện được. Việc một tổng thống hứa hẹn điều gì với ai không có nghĩa gì với Quốc hội! Có lẽ tập đoàn Hà nội lúc đó tưởng rằng ai cũng như họ muốn gì là làm, không ai giám sát, chuẩn chi! Đó chẳng qua la do ngu dốt nhưng không tìm hiểu, học hỏi vì cái bệnh kiêu căng, hãnh tiến cộng sản. (Xem quyển “Brother Enemy – Anh em Thù địch” của nhà báo Ấn độ khuynh tả Nayan Chanda để biết những chi tiết khá khôi hài như đầu năm 1977 Hà nội chắc mẫm phen này sẽ có 3 tỷ rưỡi đô la và Lê Duẫn cùng tập đoàn cầm quyền đã dự định dùng số tiền đó để làm gì! Khi Richard Holbrooke là đối tác thương thuyết bình thường hóa quan hệ với Việt nam được biết điều này, ông ta đã phải kêu lên, “They must be crazy! – Chắc là họ điên!”)

Sau khi Lê Duẫn mất, Trường Chinh tạm thay thế trong chức vụ tổng bí thư chờ đại hội đảng VI. Trái với quan điểm của nhiều người cho rằng Trường Chinh là thủ phạm chính của các tội ác trong Chiến Dịch Cải Cách Ruộng Đất và bị chuyển sang làm chủ tịch quốc hội khi sửa sai, thực ra người phải chịu trách nhiệm lớn nhất và đầu tiên là Hồ Chí Minh, lúc đó là chủ tịch nước và chủ tịch đảng. Chính Hồ Chí Minh sang Nga năm 1950, cùng Mao Trạch Đông, và nhận lệnh của Stalin về tiến hành cải cách ruộng đất với sự cố vấn của cán bộ Trung cộng như Trần Canh, La Quí Ba, Vi Quốc Thanh, v.v. Trường Chinh lúc đó cũng là một con dê tế thần như Hoàng Quốc Việt, dù chỉ vài năm sau họ đều được phục chức và Hồ CHí Minh vẫn tuyên bố cải cách ruộng đất đại thành công! Nói như thế không phải chạy tội cho Trường Chinh vì ông này tôn sùng Trung Cộng một cách mù quáng, đã giải thích cho cán bộ đảng viên về công hàm bán nước 14/9/1958 của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng là, “Trung quốc là nước xã hội chủ nghĩa anh em; họ chỉ giữ dùm ta, khi nào ta đòi lại là bạn trả ngay.” Chính sự cuồng tín giáo điều của Việt cộng đã gieo mầm cho việc nhượng đất, dâng biển, cho thuê rừng của các thế hệ Việt cộng sau này.

Trong những năm cuối thập niên 1980 Việt cộng lâm vào tình trạng khủng hoảng tư tưởng khi Liên Xô và khối Đông Âu bắt đầu tan vỡ. Tại đại hội đảng VI năm 1986 Nguyễn Văn Linh trở thành tổng bí thư và bắt chước một vài động thái cởi mở như “cởi trói văn nghệ sĩ” và giảm kiểm duyệt, cho phép xuất bản một số tác phẩm có nội dung phản kháng. Thế nhưng sau khi chế độ cộng sản ở Ba Lan, Tiệp Khắc, Hung có vẻ sắp sụp đổ và với sự chống đối của phe bảo thủ, Nguyễn Văn Linh đã siết lại chính sách cai trị. Thế rồi khi thấy Trung cộng thẳng tay đàn áp sinh viên biểu tình chống tham nhũng, đòi hỏi dân chủ ở Thiên An Môn, đảng cộng sản Việt nam đã quyết định thần phục, theo đường lối cứng rắn của Trung cộng để đảm bảo tiếp tục cầm quyền toàn trị ở Việt nam. Cùng lúc với thanh trừng những nhân vật “chệch hướng, có lập trường lung lay” như tướng Trần Độ và ủy viên Bộ Chính trị Trần Xuân Bách, bộ ba Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, và Đồ Mười đã sang Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, gặp Giang Trạch Dân và Lý Bằng xin bình thường hoá quan hệ với Trung cộng “để cùng tiếp tục” cứu vãn phong trào xã hội chủ nghĩa. Thực ra Việt cộng không ngây thơ như cựu thứ trưởng ngoại giao Trần Quang Cơ trình bày trong hồi ký “Hồi ức và Suy nghĩ,” nhưng “Ba Người Đó” đã chỉ thực hiện phương châm bất biến của cộng sản là “Cứu cánh Biện minh Phương tiện,” nghĩa là cầm quyền bằng mọi giá, kể cả nhượng đất, dâng biển. Nếu có ai hỏi thì sẽ tìm cách bịt miệng hay dùng độc quyền truyền thông để hướng dẫn, chỉ đạo dư luận sau.

Hãy nhớ rằng chuyến đi thần phục Thiên triều Trung cộng năm 1990 xảy ra chỉ hai năm sau khi hải quân Trung cộng chiếm một số đảo của Việt nam ở Trường Sa và giết chết 70 thủy thủ Việt nam năm 1988. Hiện nay những hy sinh này bị chính quyền cố tình bỏ quên vì nhà nước cấm đoán mọi sinh hoạt tưởng niệm những người đã hy sinh trong các cuộc chiến giữ gìn sự toàn vẹn lãnh thổ chống Trung cộng năm 1974, 1979 và 1988. Đó phải chăng là thái độ trung thành của Việt cộng đối với quan điểm duy vật trong thế giới đại đồng với những người đồng chí của họ còn sót lại trên thế giới này?

Và một giai đoạn thực dân nội địa của Việt nam với mọi sự hiếp đạp, ép buộc từ phía Trung cộng bắt đầu. Đầu tiên là Đỗ Mười được chọn trở thành tổng bí thư thay thế Nguyễn Văn Linh chính vì một vài động thái nới lỏng sự chuyên chế của đảng vào thời 1986-1988. Và một giai đoạn sắt máu trở lại ở Việt nam vì Đỗ Mười nổi tiếng tàn ác từ hồi còn ở Miền Bắc. Vốn thất học, ông này chỉ có trình độ lớp Ba trường làng, sau đó làm cái nghề thất đức là đi “thiến heo” ở các làng quê ở Việt nam rồi theo Việt cộng, rất hung hăng trong cải cách ruộng đất nên được giao nhiệm vụ đánh tư sản ở Hải phòng, Hà nội sau năm 1954. Trong thời gian Đỗ Mười làm tổng bí thư vô số người bị thanh trững, tù đày tùy tiện nhưng vì kinh tế cho tự do tranh quyền đoạt lợi nên chẳng ai phản kháng, chống đối. Phải nói Đỗ Mười là hung thần của Việt cộng thời thập niên 1990 trong khi các doanh nghiệp ngoại quốc thì chỉ lo tìm cách làm ăn buôn bán kiếm lời, không ai chú ý hay lên tiếng về tình trạng áp bức, vi phạm nhân quyền có hệ thống ở Việt Nam. Đặc biệt Đỗ Mười tham nhũng trắng trợn như khi đi thăm Hàn Quốc được một tập đoàn viễn thông tặng riêng 1 triệu đô la bỏ túi nhưng về Việt nam không khai báo, chỉ khi ông ta bỏ ra mấy chục nghìn đô tặng làm nhà trẻ ở vùng ông ở người ta hỏi thì ông trả lời đó là món qua để ông làm việc từ thiện! Ngay tờ báo Nhân Dân cũng có bài đăng vụ này. Những người trẻ sẽ nghĩ gì khi thấy tấm gương tham nhũng của vị lãnh đạo tối cao mà báo đài lề đảng luôn ca tụng là “đỉnh cao trí tuệ”?

- Giai đoạn 2: Từ 1990 đến nay: Có thể gọi là giai đoạn “đi dây từ đổi mới” của Việt cộng. Sau khi nối lại quan hệ ngoại giao với Trung cộng và rút quân khỏi Cam pu chia năm 1990, Việt cộng tìm cách nối lại quan hệ với Mỹ để hy vọng một phần nào giải tỏa được áp lực từ Trung cộng và cũng để cứu nề n kinh tế đang trước bờ vực thẳm. Tuy trên danh nghĩa là chính sách “Đổi mới” bắt đầu từ năm 1986 nhưng lúc đó những hành động “xé rào” được bỏ qua, ngó lơ, miễn là lợi ích được chia nhau đầy đủ; đến năm 1990 mới có những chính sách nới lỏng về sản xuất và buôn bán cho nông dân và tiểu thương. Chỉ trong vòng vài năm sau vấn đề đói kém, lạm phát đã giảm và Việt cộng gia tăng việc cải thiện ngoại giao với các quốc gia ở Đông Nam Á để khỏi bị Trung cộng hoàn toàn kiểm soát. Đến năm 1993, tổng thống Mỹ William J. Clinton, với sự ủng hộ, che chắn của hai thượng nghị sĩ cựu binh ở Việt Nam là John McCain và John Kerry, đã đáp ứng hành động thân thiện, hợp tác tìm lính Mỹ mất tích, cho phép các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân Hàng Thế Giới (World Bank), Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (International Monetary Fund) v.v. trợ giúp cải tổ kinh tế ở Việt Nam. Sau đó, đến năm 1995, Mỹ và Việt Nam nối lại quan hệ ngoại giao.

Trong giai đoạn này, sau tổng bí thư Đỗ Mười(1991-1996) là Lê Khả Phiêu(1996-2001), Nông Đức Mạnh (2001-2011) rồi hiện nay là Nguyền Phú Trọng (2011-). Đặc điểm chung của thời các tổng bí thư này là tham nhũng phát triển khủng khiếp, gia đình và thân nhân của các quan chức cộng sản lợi dụng chức vu để cấp đủ các loại giấy phép mở ngân hàng, công ty chứng khoán, xây dựng cầu đường, trùng tu các cơ sở; hay ăn chặn một phần các dự án đầu tư, ngay cả những chương trình từ thiện giúp người già, trẻ em nghèo khó. Phải nói là cán bộ Việt cộng ăn rất bẩn! Hệ quả là xã hội càng phân hóa rõ rệt khi có những thành phần một sớm một chiều giàu sụ vì đổi chác, mua bán quyền lực hay trao đổi lợi ích cho nhau! Nhiều con cha cháu ông tự nhiên giàu lên rất nhanh nên tiêu xài hoang phí để “khẳng định đắng cấp,” ném tiền qua cửa sổ vô tư, chẳng nghĩ gì đến đại đa số nhân dân Việt nam vần còn đầu tắt mặt tối, chỉ hy vọng ngày kiếm đủ ăn. Đến năm 2010, lợi tức bình quân đầu người Việt nam đạt khoảng 1000 đô la Mỹ và Việt nam được xếp vào hạng thu nhập trung bình, nhưng ai cũng ngạc nhiên vì sự tiêu xài phung phí của một giai cấp mới giàu gọi là tư bản đỏ mà đa số là những ông quan cách mạng!

Sau khi nối lại quan hệ với Mỹ và ký kết Hiệp Ước Thương Mại Song Phương năm 2001, kinh tế Việt nam được cơ hội phát triển và cả thiện nhiều mặt nhờ số viện trợ lớn lao và đầu tư trực tiếp khổng lồ từ ngoại quốc, và hàng sản xuất được xuất cảng tự do sang thị trường mở lớn nhất thế giới là Hoa kỳ. Lợi dụng tình trạng này, chính quyền Việt cộng chỉ chú tâm trục lợi cho cá nhận gia đình, bè phái mà không xây dựng được một hạ tầng công nghiệp nào để làm nền tảng cho sự phát triển đất nước lâu dài. Ví du, họ đã không chịu lắng nghe, hay không muốn nghe, lời khuyên của chính phủ Nhât về việc tạo dựng các cộng nghệ phụ trợ cho ngành cộng nghiệp xe hơi như dây an toàn, cáp cao su, đinh ốc cơ bản v.v. để rồi sau 25 năm “đổi mới” kinh tế, Việt nam chủ yếu vẫn xuất cảng hàng dệt may, giày dép, thủy sản, hay khai thác tài nguyên bán lấy lời chia nhau như dầu khí, than, v.v. Các chính quyền kế tiếp nhau chỉ tranh nhau ăn hối lộ, lấy cắp của công, lại biện hộ theo kiểu “thấy tiền quỹ nhiều quá nên mượn tạm” như lời chính cựu chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã phân bua ở buổi họp mặt với Việt kiều tại Hà nội. Những vụ tham những dính líu các thành viên bộ chính trị nay đã vươn ra tầm quốc tế như vụ tham nhũng về xây dựng cầu đường ở PMU18 bị khám phá qua những trận cá độ bóng đá hàng trăm nghìn đô la Mỹ,công ty tư vấn của Nhật PCI, vụ tham nhũng về in tiền nhựa của gia đình cựu thống đốc ngân hàng nhà nước Lê Đức Thúy và đồng bọn. Khủng khiếp nhất là vụ tham nhũng, biển lận ở tập đoàn đóng tàu VINASHIN: chỉ trong 5 năm tập đoàn này đã tẩu tán, chia nhau tài sản làm mất 4,5 tỷ đô la Mỹ mà người có toàn quyền điều hành, giám sát là chính thủ tướng chính phủ lại chẳng có trách nhiệm gì. Một vài con dê được đem ra tế là xong! Và còn bao nhiêu vụ tham nhũng tày đình khác mà người ta đã quét rồi che đậy dưới tấm thảm.

Tất cả những gì xảy ra trên đất nước ngày nay chính quyền Việt cộng không thể che dấu như trước kia vì trong thời đại thông tin tin tức lan truyền nhanh như ánh sáng. Những gì đảng và nhà nước tuyên bố thường không được tin vì người ta thấy ngay nó không đúng với thực tế và những bài lên lớp về đạo đức, trách nhiệm công dân thì lại bị chính những hành vi tham những, ăn cắp của công, trịch thượng, đàn áp, bạo lực, v.v. phủ định tất cả. Người ta nhận ra bản chất dối trá và tàn bạo của thể chế Việt cộng, cho dù cả hệ thống báo đài hàng ngày ra rả tuyên truyền, lừa mỵ!

Khi những người cầm quyền Hà nội thấy rằng họ thoát hiểm bị tước quyền cai trị, họ gia tăng nới lỏng kinh tế đồng thời siết chặt hơn nữa quyền lực chính trị. Hàng trăm người trước đó có phát biểu hay thái độ chống đối chính quyền đã bị bắt, cầm tù trong một hời gian dài; một số nhỏ được đem ra xử trong một số “phiên toà” diễn hài trong đó quan tòa, công tố và bản án đã được ấn định trước. Mục đích là để tuyên truyền với công luận quốc tế là dưới thể chế Việt cộng vẫn có xử án! Và đối với giới truyền thông Tây phương vốn chống Mỹ trước đây thì mặc nhiên là vẫn có cảm tình với Việt cộng dù thể chế này có tàn ác, gian manh, tham nhũng hơn thể chế VNCH trước đó đi nữa. Khi thấy nhà nước chủ trương chính sách đàn áp chính trị nhưng thả lỏng cho tự do làm giàu, các cán bộ quan chức tranh nhau giành dựt các lãnh vực để làm giàu vì không có luật pháp chế ngự và hệ thống lúc nào cũng bao che cho đảng viên, không giám sát và chế tài. Nếu có trường hợp đảng viên nào quá tham lam và vi phạm pháp luật trầm trọng thì họ cũng chỉ phải kiểm điểm nội bộ rồi sau đó tiếp tục cầm quyền hay được thuyên chuyển sang một chức vụ khác, đôi khi lại béo bở hơn. Với điều kiện là cấp dưới phải liên tục dâng lên cấp trên đủ loại quà cáp, còn gọi là lại quả, hối lộ, phong bì, v.v. Đây chính là “nếp sống xã hội chủ nghĩa ưu việt” của các quan cách mạng ở nước Việt nam cộng sản thời mở cửa!

Có người cho rằng Việt cộng ngu dốt! Họ có thể dốt vì ít học nhưng họ không ngu và các chính sách của họ đã chứng tỏ điều đó. Họ có thể dối trá, gian xảo, lật lọng, ác độc, nhưng họ không ngu. Và sở dĩ họ không ngần ngại làm điều ác thì như trên đã nói là đối với họ “cứu cánh biện minh cho phương tiện” vì họ định nghĩa đạo đức XHCN là bất cứ gì có lợi cho đảng, cho họ! Vì vậy việc đàn áp, bắt bớ, tù đày những kẻ không theo đảng là chuyện bình thường. Còn đối với những ai chưa lộ quan điểm chống đối, nhất là giới trẻ, thì họ tìm cách vô hiệu hóa, khá dễ dàng, bằng cách khuyến khích thanh niên, sinh viên tôn sùng lối sống hưởng lạc, ăn nhậu, gái gú, ma túy, thuốc lắc, v.v. và thế là những kẻ đối kháng đó trở thành vô hại. Thử hỏi tại sao tỉnh nào ở Việt nam, cho dù sinh hoạt kinh tế chẳng là bao, mà cũng xây một, hai nhà máy bia? Và cứ đến chiều là cả thành phố trở thành làng nướng ăn uống nhậu nhẹt, ồn ào đến tận khuya! Ai còn có thì giờ để suy nghĩ về vấn đề nào khác ngoài chuyện kiếm tiền để hưởng thụ? Chính sách đó thâm độc nhưng hiệu quả khi đã hủy diệt truyền thống chống áp bức, xâm lăng của người Việt nam, để Việt cộng được đảm bảo tiếp tục cầm quyền, cho dù sự bảo kê đó là từ kẻ thù truyền kiếp của dân tộc. Việt cộng dốt nhưng không ngu.

Lý do thứ hai làm Việt cộng hân hoan làm điều ác là vì họ không có những băn khoăn, ray rứt vì họ là những kẻ vô thần. Một người không cộng sản thường được hướng dẫn, khuyến khích, và ngăn cản, chế ngự bởi những giá trị tâm linh qua tôn giáo của họ. Ví dụ một Phật tử chắc hẳn sẽ lo việc làm ác sẽ tạo nghiệp và sẽ phải chịu “quả” đời sau, hay một tín đồ Công giáo sẽ ngần ngại trước việc ác vì sợ phạm các điều răn và phải bị phán xét đời sau. Trái lại, người cộng sản chỉ cần ngụy biện rằng việc đó là vì lợi ích của đảng nên hành vi đó hợp đạo đức, cho dù có ác độc, nham hiểm đến đâu! Nên nhớ rằng “vô tôn giáo” là một trong ba nguyên lý rường cột của chủ nghĩa cộng sản và do đó mọi tôn giáo cần bị triệt tiêu vì đó là “thuốc phiện của nhân dân.”

Đến nay, Việt nam đã trải qua 22 năm không chiến tranh, tái lập ngoại giao và hội nhập với thế giới, được các định chế tài chính, phát triển viện trợ và giúp cải tổ hành chính, kinh tế, luật pháp ngoại trừ chính trị vì việt cộnmg khăng khăng không cải tổ chính trị. Nhưng chính yếu tố này đã giữ việt nam lại trong một vũng bùn lầy chính trị lỗi thời, làm ngăn cản phát triển kinh tế, qua đó làm tụy hậu toàn xã hội Việt nam. Chưa bao giờ lợi ích của cả dân tộc bị lãng quên để phục vụ cho một thiếu số cầm quyền, chẳng qua vì họ sẵn sàng sử dụng bạo lực với quân đội và công an trong tay, vá một hệ thống tuyên truyền rộng khắp để bịt mắt, che tai nhân dân qua truyền thông “lề đảng” mà thực chất chỉ gốm những cán bộ truyền thông được gọi nôm na là “bồi bút.”

Trên đây chỉ là sơ lược quá trình xã hội Việt nam đã trải qua trong một đoạn đường khá dài mà nhiều người cho rằng Việt nam đã đánh mất rất nhiều cơ hội để đem lại cơm no, áo ấm cho toàn dân và đoàn kết dân tộc để bảo vệ, phát triển đất nước. Việt cộng đã độc quyền cai trị trong suốt thời gian đó nên họ phải gánh chịu trách nhiệm trước lịch sử và đánh giá của các thế hệ tương lai.

Thực tế đất nước Việt nam hiện nay có thể được tóm tắt như sau:

- Chính trị: Việt nam nay đã hội nhập với thế giới và có quan hệ ngoại giao với hầu hết các nước nhưng thể chế chính trị độc tài cộng sản đã tự cô lập mình với một thiểu số đếm trên đầu ngón tay. Đảng cộng sản tiếp tục lừa dối người dân Việt nam và công luận thế giới khi, một mặt tuyên bố theo đuổi chủ nghĩa cộng sản và thể chế hóa sự độc tài chính tri, mặt khác lại thiết lập hệ thống kinh tế tư bản man rợ để vơ vét mọi lợi lộc tài chính, kinh tế cho thiểu số cầm quyền và các nhóm lợi ích cánh hẫu. Các quốc gia giao thương với Việt nam vì lợi ích kinh tế nhưng ai cũng chỉ trích Việt nam, hay ngoảnh mặt làm ngơ, vì nhân quyền của người dân Việt nam bị xâm phạm một cách có hệ thống năm này qua năm khác. Chẳng qua vì quá khứ bạo lực và tàn ác của Việt cộng khiến người dân lúc nào cũng lo sợ, không biết lúc nào mình sẽ là nạn nhân của bạo hành do đảng tổ chức. Dẫu vậy, không ai cho rằng một thể chế như thế sẽ bền vững, cho dù Việt cộng có vũ khí tối tân và tàn ác đến mức nào. Sẽ có một ngày mọi sự sẽ thay đổi.

- Kinh tế: Với mô hình “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” mà thực chất là một loại kinh tế tư bản man rợ trong đó các tập đoàn kinh tế, tổng công ty của đảng được hưởng mọi đặc quyền về tín dụng, đất đai, nhân sự, lại thiếu giám sát vì bè phái bao che, sẽ thao túng mọi sinh hoạt kinh tế và bóp nghẹt thành phần kinh tế tư nhân, làm cho nền kinh tế méo mó, què quặt, không thể phát triển bền vững. Mặc dù sự thực được mọi người công nhận là các doanh nghiệp nhà nước làm ăn thiếu hiệu quả dù được ưu đãi mọi mặt, đó lại là nguồn tham nhũng vô tận cho quan chức Việt cộng từ bộ chính trị trở xuống. Trường hợp tập đoàn VINASHIN đã điểm mặt một số gương mặt tham nhũng cao cấp hiện nay. Hơn nữa, hạ tầng kinh tế hổ lốn này cũng gián tiếp cho thấy thượng tầng chính trị Việt nam hiện này là một loại đầu voi đuôi chuột.

- Giáo duc: Có thể nói đây là lãnh vực suy đồi nhất trong xã hội Việt nam hiện nay. Người Việt nam vốn có truyền thống tôn sư trọng đạo người thầy được kính trọng bậc nhất. Nhưng khi giáo dục bí chính trị chi phối một cách tối đa cả về nội dung giáo dục và nhân sự trong đó đảng viên nắm giữ mọi chức vụ, dù có khả năng sư phạm hay chuyên môn hay không. Và trong cơn sốt tôn sùng đồng tiền, tranh nhau làm giàu, trường học đã bị biến thành môi trường mua bán bằng cấp, học giả bằng thật, độc quyền sách giáo khoa, mua bằng, bán học bạ, bán giấy giới thiệu vào đại học nước ngoài, v.v. nền giáo dục Việt nam đã suy đồi đến độ thầy lạm dụng tình dục trò được đăng nhan nhãn trong báo lề đảng. Đặc biệt trường hợp hạ cấp nhất là của hiệu trưởng Sầm Đức Xương ở Bắc Giang khi đã lạm dụng tình dục học trò rồi làm môi giới mại dâm cho quan chức trong tỉnh! Thế mà chỉ giơ cao đánh khẽ rồi các quan chức cũng thoát vòng tù tội, chỉ “kiểm điểm nghiêm túc.” Giáo dục trong xã hội Việt cộng hiện nay đúng như một vũng bùn xú uế!

Một lý do của hiện tượng gian dối trong thi cử, bằng thật học giả, mua chứng chỉ, sổ điểm, là mặc cảm tự ti của các quan cách mạng. Trong thời chiến tranh rồi bao cấp, lý lịch của cán bộ càng “cốt cán” bao nhiêu thì được tin tưởng, thăng thưởng nhanh chóng bấy nhiêu vì cán bộ lãnh đạo phải đảm bảo tính “giai cấp.” Đến khi hội nhập với thế giới bên ngoài thì rõ ràng là trình độ cán bộ Việt cộng quá kém cỏi vì phần đông gốc gác là du kích, bần cố nông! Thế là phong trào học tại chức để có bằng cử nhân, cao học (thạc sĩ hiện nay) và ngay cả tiến sĩ đã trở nên thời thượng đến nỗi vào năm 2010, một thống kê ở Nhật cho thấy Việt nam là nước cóquan chức với bằng tiến sĩ nhiều nhất thế giới! Có điều khôi hài là đã lộ trường hợp quan chức có bằng tiến sĩ nhưng chưa tốt nghiệp trung học, sau đó lại phải học bổ túc văn hóa để “hợp thức hóa” tấm bằng trung học phổ thông!

- Văn hóa: Trong 37 năm sau chiến tranh, có thể nói chỉ có hai năm 1987-1988 là tương đối dễ thở trong đời sống văn nghệ sĩ khi tổng bí thư Nguyễn Văn Linh tập tễnh thử nghiệm với việc “nới lỏng gông cùm” tư tưởng. Nhờ đó văn học Việt nam có được một số tác phẩm có hồn như “Nỗi Buồn Chiến tranh” của Bảo Ninh, “Ly Thân” của Trần Mạnh Hảo, “Tướng Về Hưu” của Nguyễn Huy Thiệp, “Thiên Sứ” của Phạm Thị Hoài, v.v. Nhưng ngay sau đó vòng kim cô đã bị đảng siết chặt lại, cắt đứt cái dưỡng khí tự do tối cần cho sinh hoạt văn học nghệ thuật. Đo là lý do tại sao sau 37 năm hết chiến trạnh cuộc sống dễ dãi hơn thời chiến mà Việt nam chẳng có tác phẩm nào “LỚN”? Tác phẩm lớn phải từ tác giả lớn, nhưng khi tác giả sống trong một xã hội mà dưỡng khí tự do được cấp phát nhỏ giọt như khẩu phần thì làm sao có tác phẩm lớn?

Một lãnh vực thú vị khác là âm nhac. Sau 30/4/1975 Việt cộng đã cấm các loại nhạc “Vàng” của Miền Nam và trong một thời gian ngắn, đi đâu cũng chỉ nghe bài hát đỏ được trình bày với những giọng the thé kiểu nhạc của Tàu cộng! Nhưng con người không phải lúc nào cũng tung hô “đấu tranh giai cấp” hay ca ngợi “lập trường nghị quyết” mà còn có tình cảm nhẹ nhàng về tình yêu đôi lứa, thân phận cuộc đời, v.v. Kết quả là ngày nay các chương trình ca nhạc chẳng nghe một bài hát ca tụng bác, đảng nào cả mà đều là những bài tình ca nhạc “Vàng” một thuở của Miền Nam! Vậy về văn hóa ai bền vững, ưu việt hơn ai?

- Xã hội: Việt nam được xem là nước có thu nhập trung bình nhưng có nguy cơ không thoát được cái bẫy thu nhập đó vì không tạo được nền tảng cho việc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế. Trong khi đó cách biệt giàu nghèo, thành thị với nông thôn ngày càng lớn; thiểu số vẫn độc quyền về cơ hội, quyền lực nên phân hóa xã hội ngày càng gia tăng. Sự ổn định xã hội mà chính quyền quảng cáo để kêu gọi đầu tư chỉ là mặt hình thức, những mâu thuẫn xảy ra ngày càng nhiều và không giải quyết được thì bạo loạn xã hội chỉ là vấn đề thời gian.

Xã hội Việt nam hiện nay thực ra đang tan rã. Những quan hệ giữa chính quyền và nhân dân và giữa người dân với nhau thường đượm tính man rợ trong bạo lực. Chính quyền thì lạm dụng độc quyền chính trị để đàn áp mọi tiếng nói không đi đúng đường lối, lập trường hay chỉ trích cáđượm tính c quan chức cao cấp về sự mỵ dân, đạo đức giả, tham quyền, dối trá. Việc đóng cử trung tâm nghiên cứu duy nhất ở Việt nam khi họ đặt nghi vấn về tính hiệu quả, khả thi của một dự án khai thác nhôm ở vùng cao nguyên quan yếu về quân sự là một thể hiện của tính ti tiện, nhỏ nhen của đảng và chính phủ, việc bắt giam và cầm tù nhữbng người biểu tình tuần hành bất bạo động chỉ chứng tỏ sự lạm quyền và bất an của chính quyền mà thôi. Hệ quả của chính sách đàn áp bằng bạo lực đã đẩy người dân đến việc giải quyết các đụng chạm dù rất nhỏ nhặt bằng bạo lực với nhau. Ngoài ra tình trạng đạo đức xã hội suy đồi cũng được thể hiện qua nhiều tội ác man rợ do những tội phạm vị thành niên gây ra mà không có chút ân hận, hối tiếc nào!


Tình trạng bạo lực trong xã hội hiện nay đã đến độ bệnh hoạn khi nhiều người bị đưa vào đồn công an chỉ vì vi phạm một lỗi giao thông nhẹ nào đó, ví dụ không đội mũ an toàn, cũng có thể bị đánh chết mà công an cũng chẳng bị trừng phạt gì vì công an quân đội là công cụ bảo vệ quyền lực của đảng, là thanh gươm lá chắn, nên được ưu đãi đến độ những hành xử kiêu binh, giết người, cũng chỉ bị “giơ cao đánh khẽ” mà thôi. Do đó, dân Việt nam hiện nay gọi Việt cộng là bọn “hèn với giặc, ác với dân” để chỉ thái độ nhu nhược, hèn nhát trước mặt quan thầy Trung cộng nhưng lại đối xử ác độc với đồng bào mình!

Trở lại với đề mục “Ai Thắng Ai” mà Việt cộng huyênh hoang sau 30/4/1975 thì để họ thỏa mãn chúng ta có thể nhìn nhận rằng sau khi họ đã xé Hiệp định Paris tấn công và tiến chiếm Miền Nam bằng vũ lực, họ đã đạt được mục đích quân sự của họ. Nhưng chiến thắng và chiếm đóng để rồi dâng toàn thể Việt nam cho cộng sản quốc tế là Liên Xô, Trung cộng và dân tộc phải hứng chịu thêm bao nhiêu tai ương, mất mát. Những chính sách tàn ác, độc hiểm sao chép từ Liên Xô và Tàu cộng đã làm hơn một triệu người Việt nam bỏ thây dưới lòng biển cả, trong rừng sâu núi thẳm của Campuchia, ở những trại tù xa xôi hiểm trở, những khu kinh tế mới hoang vu, khô cằn, v.v.

Đó là sau khi đã hết chiến tranh. Nếu cộng thêm 4 triệu nhân mạng trong thời chiến thì phải nói là Việt cộng đã phạm tội diệt chủng (genocide.) Công lý tương lai sẽ xét xử và phán quyết.

Nếu Việt cộng biện hộ rằng cuộc “chiến tranh chống Mỹ cứu nước” là vì độc lập, thống nhất thì những gì xảy ra sau chiến tranh đã chứng tỏ sự ngoa ngôn, xảo ngữ của chế độ, được sự phụ họa của đám trí thức, cán bộ văn hóa cộng sản nô dịch để che dấu thực tế là Việt nam ngày càng mất đất, mất biển, mất rừng về tay “anh Hai Trung quốc,” bè lũ mà Hồ Chí Minh và đảng cộng sản đã ngoan ngoãn thần phục từ ngày hoạt động chui rúc ở Tàu thời thập niên 1930.

Còn chuyện “Ai Giải phóng Ai” thì càng mai mỉa hơn nữa! Việt cộng đến nay vẫn tiếp tục khua chiêng, gióng trống tổ chức lễ hội mừng ngày giải phóng và tuyên truyền về sự ưu việt của nếp sống xã hội chủ nghĩa ở Miền Bắc. Nhưng ngay sau 30/4/1975 hàng triệu người từ Miền Bắc đã bồng bế gia đình di cư vào Nam để đổi đời, sống tốt và văn minh hơn xã hội man rợ mà đảng đã bắt dân xây dựng cả hơn nửa thế kỷ để rồi thấy mình lạc hậu, man dã hơn hầu hết các dân tộc trong vùng Đông Nam Á. Đảng viên cộng sản nào còn có liêm sĩ để công nhận thức tế này không?

Nếu không có ngày 30/4/1975 và Miền Bắc tiếp tục con đường cộng sản thì sau các chiến dịch cải cách ruộng đất (với 174,000 nạn nhân theo sử gia kinh tế Đặng Phong của đảng), cuộc thanh trừng văn nghệ sĩ trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm, những thanh toán lẫn nhau trong vụ án “Xét lại chống đảng” thời 1960, v.v. thì Bắc Việt ngày nay cũng có thể phát triển bằng Bắc Hàn. Nhưng chắc chắn Bắc Việt sẽ không có khả năng sản xuất tên lửa, bom nguyên tử vì Việt cộng chỉ dùng loại người cốt cán, dốt nát, bần cố nộng, còn trí thức đúng nghĩa thì hầu hết đã bị tận diệt qua chính sách “trí, phú, địa, hào: đào tận gốc, trốc tận rễ.” Trí thức xã hội chủ nghĩa chẳng qua là một tập thể xu nịnh, phụ họa cho đảng, chẳng có tri thức gì về trách nhiệm xã hội và vai trò hướng dẫn dư luận. Cách đảng đối xử với hai trí thức Nguyễn Mạnh Tường và Trần Đức Thảo đã gieo một nỗi sợ tày đình trong đám trí thức để rồi họ an phận để được sống như nô lệ trong “Trại Loài Vật – Animal Farm” ở Miền Bắc. Nhà văn Nguyễn Tuân đã làm một số trí thức Miền Nam “sáng mắt, sáng lòng” khi phát biểu, “Tao còn sống đến ngày này là nhờ tao biết sợ.”

Ngày định mệnh 30 tháng Tư năm 1975 chính là ngày thực tế đời sống Miền Nam đã giải phóng đại đa số người dân Bắc Việt khỏi sự dối trá, lừa đảo mà đảng đã bịt mắt, bít tai họ trong suốt cuộc chiến. Như nhà văn Dương Thu Hương đã trả lời một cuộc phỏng vấn rằng ngay khi vào Miền Nam sau chiến tranh, bà đã ngồi khóc ở lề đường vì nhận ra ngay là dân Miền Bắc đã bị đảng lừa rằng Miền Nam sống cơ cực dưới “sự kềm kẹp của Mỹ, Ngụy” trong khi thực tế lại khác hẳn: Miền Nam, dù phải tự vệ trước sự xâm lăng của Bắc cộng, vẫn xây dựng được một xã hội tương đối dân chủ, những tự do căn bản được tôn trọng, tôn ti trật tự xã hội được gìn giữ! Nghĩa là xã hội Miền Nam thực sự “ưu việt hơn vạn lần xã hội man rợ Miền Bắc”! Theo nhà văn Dương Thu Hương, “30 tháng Tư 1975: Nền văn minh đã thua chế độ man rợ.” Đó là điều mỉa mai cho tất cả những ai vẫn còn bám víu vào cái huyền thoại “chống Mỹ cứu nước.”

Có thể tổng kết rằng: Dối trá, tàn bạo, và tham nhũng là thuộc tính của Việt cộng, xoắn kết thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình hiện hữu và cai trị của đảng tại Việt nam. Và đó chính là nỗi bất hạnh của dân tộc Việt.

Nhưng cũng có người hỏi đến nay đã 37 năm hòa bình, phát triển thì chắc cũng có mặt nào tích cực trong xã hội Việt Nam chứ? Xin thành thật trả lời rằng không có mặt nào của xã hội Việt cộng hiện nay đáng khen cả! Nói tóm lại, đây là thời mạt vận của Việt nam do chế độ cộng sản gây ra vì đảng nhúng tay vào mọi lãnh vực của đời sống, mà chuyện gì có đảng dính vào là chuyện đó hư hỏng, tan nát! Đây là thời kỳ mà thi sĩ cách mạng Bùi Minh Quốc tóm tắt chính xác qua hai câu thơ:

“Quay mặt phía nào cũng phải ghìm cơn mửa!

Cả một thời đểu cáng đã lên ngôi!”

Trần Việt Anh
30 tháng Tư năm 2012

Không có nhận xét nào: