Pages

Thứ Hai, 30 tháng 4, 2012

Miến Điện không thể ‘quay đầu trở lại’


Ban Ki-moon phát biểu trước Quốc hội Miến Điện ngày 30/4
Ông Ban là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu
tiên phát biểu trước Quốc hội Miến Điện
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon đã kêu gọi Tổng thống Miến Điện và nhà lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi cùng nhau làm việc trên một lộ trình chuyển đổi.
Trong một bài phát biểu lịch sử trước Quốc hội nước này hôm thứ Hai ngày 30/4, ông Ban nói con đường thay đổi của họ ‘quá hẹp để có thể quay đầu trở lại’ và ca ngợi tinh thần dũng cảm và tầm nhìn của cả hai nhà lãnh đạo Miến Điện.

Tổng thư ký Ban đã gặp Tổng thống Thein Sein và sau đó có cuộc hội đàm với bà Aung San Suu Kyi.
Trước đó, bà Suu Kyi đã loan báo bất đồng về lời tuyên thệ của các tân nghị sỹ, điều khiến đảng của bà tẩy chay phiên khai mạc của Quốc hội, đã được giải quyết.
Ông Ban từng đến thăm Miến Điện vào năm 2009 nhưng lúc đó ông không được phép gặp bà Aung San Suu Kyi.

Người dân kỳ vọng

“Miến Điện có thể đối mặt với các thách thức hòa giải và phát triển, nhưng quốc gia này sẽ quyết tâm cao độ với sự lãnh đạo và hợp tác cùng nhau,” ông nói.
“Con đường thay đổi là khó khăn nhưng nó quá hẹp để có thể quay đầu trở lại,” ông nói thêm.
Ông kêu gọi các đảng phái ở Miến Điện ‘huy động ý chí chính trị để tạo ra những thay đổi bền vững’ và bỏ qua những khác biệt chính trị để cùng nhau giải quyết những vấn đề rộng lớn hơn của đất nước.
"Con đường thay đổi là khó khăn nhưng nó quá hẹp để có thể quay đầu trở lại."
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon
“Các cuộc bầu cử và chính phủ mở cần phải được đi cùng với bầu không khí chính trị lành mạnh và năng động,” ông nói.
Ông nói người dân Miến Điện đang kỳ vọng rất nhiều.
“Họ hy vọng Quốc hội này không chỉ thúc đẩy các cải cách mà còn đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi,” ông phát biểu.
Ông cũng nhắc quốc gia này còn nhiều việc phải làm để đạt được hòa bình với các nhóm sắc tộc thiểu số, nhất là với người Kachin.
“Tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy làm nhiều hơn nữa để dỡ bỏ, đình chỉ và nới lỏng các hạn chế thương mại và các lệnh trừng phạt khác,” ông phát biểu.
Chuyến thăm của ông Ban Ki-moon là chuyến thăm cấp cao mới nhất sau hàng loạt chuyến thăm của các lãnh đạo quốc tế đến quốc gia từng một thời bị cô lập này kể từ khi chính phủ có đường lối cải cách lên cầm quyền một năm trước đây.
Ông Ban đã từng thất vọng trong chuyến thăm lần trước theo lời mời của Thống tướng Than Shwe, nhà lãnh đạo đầy uy quyền của phe quân sự. Ông mô tả chuyến thăm lúc đó là ‘một sứ mạng rất khó khăn’.
Ông sẽ gặp bà Aung San Suu Kyi, người vừa lãnh đạo Liên đoàn quốc gia vì dân chủ giành được 43 ghế trong cuộc bầu cử Quốc hội bổ sung hồi đầu tháng Tư vừa qua, vào thứ Ba ngày 1/5.

Chấp nhận tuyên thệ

Hôm thứ Hai ngày 30/4, bà Suu Kyi cho biết bất đồng xung quanh câu chữ của lời tuyên thệ dành cho các nghị sỹ đã được giải quyết và đảng của bà sẽ tham dự họp Quốc hội lần đầu tiên vào thứ Tư 2/5.
"Lý do chúng tôi chấp nhận (lời tuyên thệ), trước hết là vì nguyện vọng của người dân. Các cử tri bầu cho chúng tôi vì họ muốn chúng tôi có mặt trong Quốc hội."
Aung San Suu Kyi, lãnh đạo đối lập Miến Điện
Trước đó, Liên đoàn quốc gia vì dân chủ phản đối các tân nghị sỹ phải tuyên thệ ‘bảo vệ Hiến pháp’.
Tuy nhiên, bây giờ bà Suu Kyi cho biết đảng của bà đã chấp nhận lời tuyên thệ trên.
“Một số người có thể hỏi tại sao lúc đầu chúng tôi không chấp nhận chữ ‘bảo vệ’ mà bây giờ lại chấp nhận. Lý do chúng tôi chấp nhận, trước hết là vì nguyện vọng của người dân,” bà nói.
“Các cử tri bầu cho chúng tôi vì họ muốn chúng tôi có mặt trong Quốc hội,” bà giải thích.
Một trong những điểm chính trong bài diễn văn của ông Ban là căng thẳng sắc tộc ở quốc gia này.
Giao tranh bùng phát trở lại giữa quân đội Miến Điện và các nhóm nổi dậy người Kachin đã làm hàng chục ngàn người phải rời bỏ nhà cửa. Liên Hiệp Quốc đã cố gắng tiếp cận với những khu vực bị ảnh hưởng để giúp đỡ các nạn nhân.
Hôm Chủ nhật 29/4, ông Ban cũng đã đến viếng mộ nhà ngoại giao Miến Điện U Thant, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc từ năm 1961 cho đến năm 1971.

Không có nhận xét nào: