Pages

Thứ Năm, 5 tháng 7, 2012

Biển Đông: Việt Nam - TQ – Mỹ

 
Đào Như
-

Nói đến vấn đề Biển Đông thế giới vẫn chú trọng đến sự tranh chấp trường kỳ giữa VN và TQ. Mỹ là yếu tố ngoại lai luôn luôn cố giữ quân bình trên Biển Đông, tránh xung đột vũ trang với TQ, lợi ích của Mỹ là điều quan trọng. Hồi tháng 11-2011 trên tạp chí Foreign Policy, Ngoại trưởng HK, Hillary Clinton, trong bối cảnh những thay đổi nhanh chóng tại Châu Á Thái Bình Dương, phóng chiếu cho thế giới và những đồng minh Đông Á, Đông Nam Á của Mỹ thấy rõ đường lối ngoại giao mới của Tổng thống HoaKỳ, Barack Obama, mệnh danh Nền Ngoại Giao Tiên Phong-Forward-Deployed-Policy gồm có 6 điểm:
1-Củng cố quan hệ đồng minh song phương
2-Phát triển sâu rông với các quốc gia đang phát triển
3-Giao tế đối thoại với định chế đa phương trong vùng
4-Phát triển thương mại và đầu tư
5-Thiết lập sự hiện diện quân sự sâu rộng
6-Phát huy dân chủ và nhân quyền

Thông qua sáu điểm này ai cũng thấy “Nền Ngoại Giao Tiên Phong” này chủ yếu vẫn là bảo vệ và phát huy quyền lợi của nước Mỹ. Biết rõ như vậy, TQ đã không ngần ngại tung ra chiến lược xâm lấn biển cùng một lúc với Chiến lược Chuyển trục quyền lực sang châu Á Thái Bình Dương của Mỹ. Điều cốt yếu ở đây, trừ trường hợp Mỹ trực tiếp xâm phạm quyền lợi của TQ trên Biển Đông, TQ cũng phải biết lách mình qua khỏi những xung đột vũ trang với Mỹ.

Bà Yuriko Koike, nguyên Bộ trưởng Quốc Phòng, Cố vấn An ninh Quốc gia Nhật, hôm 24/5/2012 trên tạp chí Project Syndicate lên tiếng tố cáo bản chất bá quyền trên biển của TQ khi nước này tuyên bố quần đảo Điều ngư/Senkaku là lợi ich cốt lõi của họ. Đây là lần đấu tiên TQ dùng cụm từ “lợi ích cốt lõi” cho quần đảo Senkaku, mặc nhiên TQ xác nhận Senkaku thuộc chủ quyền lãnh thổ của TQ như Tây Tạng, Đài Loan, Hongkong… Cùng lúc, để thách thức Nhật, Bắc kinh điều động nhiều tàu chiến cỡ lớn và tàu Hải Giám đến vùng biển này. Trong thực tế lịch sử, theo bà Koike, quần đảo Senkaku thuộc chủ quyền lãnh thổ của Nhật từ thời triều đại Meiji-1895. Hai quần đảo Senkaku của Nhật và bãi cạn Scorborough Shoal của Philippines đều nằm cách xa hải phận TQ theo đường cánh chim bay hơn 200 hải lý.

Trước cảnh thị oai của những chiến hạm và tàu Hải Giám của TQ tại vùng biển Senkaku hồi tháng 5 vừa rồi, Washington vẫn đứng ngoài xa Tokyo, không đưa ra một phản ứng nào cụ thể để thể hiên tinh thần Hiệp ước An ninh Quốc phòng ký kết giữa Mỹ và Nhật hơn nửa thế kỷ.

Trước đó TQ và Philippines cũng có căng thẳng ngoại giao trong vụ tranh chấp chủ quyền trên vùng biển của quần đảo bãi cạn Scorborough Shoal của Philippines. Trung quốc điều những tàu đánh cá đến vùng biển này. Vụ tranh chấp khá căng thẳng này kéo dài hơn 3 tháng, vừa được giảm nhiệt trong vài ngày gần đây. Chính TQ chủ động giảm nhiệt bằng cách rút các tàu đánh cá của TQ ra khỏi vùng biển Scorborough Shoal hôm 25/6 sau vụ một tàu TQ húc vào tàu đánh cá của Philippines làm một ngư dân Philippines chết và 4 ngư dân khác của Philippines bị mất tích.

Nào là ký kết, nào là cam kết chiến lược quân sự, quốc phòng toàn diện giữa Mỹ và Philippines. Năm 2011-12 Philippines đã phải bỏ ra gần cả tỷ Dô la để mua tàu chiến và vũ khí của Mỹ để nâng cấp tiềm lực hải quân của nước này. Đến khi tàu TQ công khai húc vào tàu đánh cá của Philippines gây thiệt hại nhân mạng các ngư phủ Philippinnes, ngay trên vùng biển đặc quyền kinh tế của Philippines và trước sự hiện diện của nhiều tàu chiến và chiến hạm của Mỹ, ngay trước mủi của siêu hạng tiềm thủy đỉnh nguyên tử USS-North Carolina của Mỹ đang soi bóng trên biển Scorborough shoal, Mỹ vẫn làm ngơ không một hành động can thiệp nào để thể hiện tinh thần hiêp định An ninh Quốc phòng giữa Mỹ và Phillinnes ký kết từ năm 1951. Thế đó, Mỹ lúc nào cũng kiên định lập trường tránh xung đột với TQ. Hy sinh những cam kết vì lợi ích của Mỹ - Mỹ không bao giờ hy sinh lợi ích của Mỹ vì những cam kết với bất cứ quốc gia nào.

ViệtNam Công Hòa năm 1974 tai Hoàng sa, Nhật tại Senkaku tháng 5 vừa rồi, và Philippines hôm nay đang phải đối mặt với bài học lịch sử cay đắng ấy.

Sau những thử nghiệm trên, Bắc kinh nắm chắc lập trường kiên định của đối tác Washington, Bắc kinh đang tìm kiếm cơ hội tiến đến nguồn năng lượng có tiềm năng lớn thuộc vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam bằng tất cả mọi phương tiện, xem chừng Bắc kinh sẻ không từ chối cả vũ lực. Và cơ hội đã đến.

Ngày 21/6/2012, Quốc Hội VN vừa thông qua Bộ Luật Biển. Lần đầu tiên VN có Bộ Luật Biển Đông trong đó VN khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền lãnh thổ của VN. Bộ luật Biển Đông hôm 21/6 được 495/496 đại biểu bỏ phiếu tán thành.

Ngay lập tức chính quyền Bắc Kinh, Quốc Hội và Báo chí TQ đồng loạt lên tiếng phản đối bộ luật này. Hồng Lỗi, phát ngôn viên của BNG-TQ tuyên bố TQ cực lực phản đối và kiên quyết bác bỏ việc VN khẳng định cả hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng biển chung quanh là thuộc chủ quyền lãnh thổ của VN. Tại Bắc Kinh, thứ trưởng Ngoại giao TQ,Trương Chí Quân, đã triệu đại sứ VN, ông Nguyễn Văn Thơ trao kháng nghị của chính phủ TQ về Bộ Luật Biển Đông của VN. Phản úng tức thì của TQ là Quốc Vụ Viện TQ quyết định phê chuẩn thành lập Thành phố cấp địa khu Tam Sa thay cho văn phòng quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa), Nam Sa (Trường Sa) và Trung Sa (Hải Nam). Và trụ sở hành chánh của Tam Sa đặt ở đảo Vĩnh Hưng, một đảo thuộc quần đảo Hòang Sa.

Ngay lập tức Bộ Ngoại Giao VN kịch liệt lên tiếng phản đối Quốc Vụ Viện TQ trong việc Q.V.V.-TQ phê chuẩn thành lập thành phố cấp địa khu Tam Sa gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền lãnh thổ của VN.

Theo Việt Tấn Xã-VTX- hôm 23/6 Chính quyền Đà Nẵng (quảng lý Hoàng Sa) và Chính quyền Khánh Hòa (quảng lý Trường Sa) cũng đồng loạt lên tiếng phản đối chính phủ TQ về việc chính phủ này phê chuẩn cho thành lâm thành phố cấp địa khu Tam Sa thâu gồm cà hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền ViệtNam.

Dửng dưng trước những phản đối chính đáng của Việt Nam, hôm 23/6 TQ mở một mũi nhọn khác tấn công kinh tế ViệtNam: Tập đòan dầu khí hải dương Trung Quốc-CNOOC-thông báo chào thầu quốc tế tại 9 lô dầu khí. Chín lô dầu khí này đều nằm trong nằm trong vùng đặc quyền kinh tế thuộc thềm lục địa VN

Người phát ngôn Bộ Ngoại Giao-VN, ông Lê Thanh Nghị, liền lên tiếng phản đối và yêu cầu chính phủ TQ phải hủy bỏ ngay việc chào thầu sai trái của CNOOC, không nên có hành động làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông. PetroViệtnam, tập đoàn dầu khí ViệtNam cũng vừa lên tiếng phản đối CNOOC và yêu cầu ngưng ngay tức khắc hành động sai trái trên. PetroVietNam thông tri các hãng dầu khí quốc tế hay rằng 9 lô dầu khí mà TQ chào thầu đều nằm trong vùng biển đặc quyền kinh tê VN-Do vậy việc gọi thầu của chính phủ TQ với 9 lô dầu khí là sai, bất hợp luật, bất hợp lệ, là vi phạm nghiêm trọng luật biển và chủ quyền VN. Tin giờ chót hôm 29/6 cho hay các Tâp đoàn dầu khí quốc tế đồng tình với PetroViệtNam, không một ai đáp ứng lại lời chào thầu của chính phủ TQ.

Ngày 25/6, TQ lại điều đội tàu tuần tra gồm có 4 tàu Hài giám vào vùng Biển Đông với một hải trình đi sâu vào Biển Đông dài 4500km gần chí ranh giới Ấn Độ Dương, thậm chí còn có thể tổ chức các cuộc diễn tâp theo đội hình cũng có thể sẽ được tiến hành.

Hôm 28/6 đại diện Bộ Quốc Phòng TQ, đại tá Cảnh Nhạn Sinh, cho hay là nước này đang thành lập các đội tuần tiểu trên BIển Đông và sẵn sàng chiến đấu trên các vùng biển mà TQ cho là thuộc chủ quyền của mình. Rất có thể TQ cho thành lập trong nay mai Bộ Tư Lệnh của quân khu thành phố Tam Sa. Người phát ngôn Bộ Quốc Phòng Của TQ, Cánh Nhạn Sinh, cũng lên tiếng phản đối các chuyến bay tuần tra của VN trên không phận của quần đảo Hoàng Sa và cho đó là những thái độ khiêu khích và đe dọa sẽ có sự đáp trả thích hợp.

Ngày mai và những ngày, tháng, năm, sau đó Trung Quốc sẽ dựng ngược lên những chuyện gì nữa trên Biển Đông để quấy rối VN?

Trong quan hệ với TQ, ViệtNam luôn luôn ở thế bị động. Chúng ta chỉ lo đối phó với TQ. Sau mỗi lần đối phó hữu hiệu với TQ, ViệtNam luôn luôn nhún nhường coi trọng mối quan hệ với TQ, VN sẵn sàng cùng TQ thỏa đáng mối quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược toàn diện theo phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt.

Sau gần 39 năm giành lại độc lập, quyền lợi, lãnh thổ, lãnh hải, bầu trời, biển đảo của ta vẫn còn tiếp tục bị đem ra bàn thảo tại các thủ đô, hay những trung tâm nghỉ mát của Ngoại bang. Là những người thế hệ trẻ Việt Nam, anh chị nghĩ gì khi VNexpress đưa tin “Mỹ Muốn Nghe Bản Thảo Qui Tắc Ứng Xử Trên Biển Đông…ông Kurt Campell trợ lý Ngoai giao Mỹ và các nghĩ sỹ Mỹ Jim Webb, Joe Lieberman sẽ đóng góp xây dựng hòa bình trên Biển Đông bằng những bài diễn từ của họ trước buổi hội thảo thường niên do Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế- CSIS-do MỸ đỡ đầu…”. Trong khi đó TQ tiếp tục xua quân đưa tàu chiến vào Biển Đông với mục đích cuối cùng là lấn chiếm những lô dầu khí có tiềm năng lớn thuộc khu đặc quyền kinh tế, ngay trên thềm lục địa của ViệtNam.

Trước tình thế này, tôi nhớ lại câu ai nói không sức mạnh nào hơn sức mạnh đoàn kết dân tộc. Hy vọng với sức mạnh đoàn kết của 90 triệu đồng bào ta sẽ cho phép ta làm chủ đất nước ta, chủ động đánh trả hữu hiệu với mọi tình thế xấu như dân tộc ta đã từng kiên trì đoàn kết, làm nên những trang sử vẻ vang giống nòi... trong suốt quá khứ dài 2000 năm biên niên sử./.

Đào Như
Oak park, Illinois,USA
29-6-2012
Theo VietBao

Không có nhận xét nào: