Pages

Chủ Nhật, 8 tháng 7, 2012

Biểu tình 'lớn' ở Hà Nội phản đối TQ


Đoàn biểu tình bắt đầu từ Nhà hát Lớn
Cuộc biểu tình lần này diễn ra quy mô hơn cách đây một tuần
Hàng trăm người đã xuống đường trong một cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc và đòi chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông tại Thủ đô Hà Nội, sáng Chủ Nhật 08 tháng Bảy.
Tại Hà Nội, đoàn biểu tình xuất phát từ Nhà hát lớn lúc 8h45 và kết thúc lúc 10h50 sau khi đã diễu hành qua nhiều tuyến phố chính ở khu vực Hồ Gươm như các phố Tràng Tiền, Hàng Bài, Tràng Thi và tiếp cận khu vực Đại sứ quán Trung Quốc ở phố Hoàng Diệu...

Đoàn biểu tình tiếp cận khu vực Đại sứ quán Trung Quốc ở phố Hoàng Diệu, nhưng khu vực này đã bị công an phong tỏa khiến cho dự định không thể thực hiện.
Cuộc biểu tình diễn ra trong hòa bình, trật tự mặc dù luôn có sự hiện diện được cho là "khá ôn hòa" với "độ quyết liệt không cao" của các lực lượng cảnh sát, an ninh mặc quân phục hoặc thường phục được hậu thuẫn bởi các lực lượng thanh niên xung phong gìn giữ trật tự.

Đám đông đã quay trở lại Hồ Gươm sau khi nâng cao biểu ngữ và hô các khẩu hiệu.
Bác sỹ Phạm Hồng Sơn, người có mặt trong cuộc biểu tình nói với BBC vào một trong những thời điểm đông nhất đã có tới ít nhất trên 300 người biểu tình diễu hành.
Tuy nhiên, theo luật sư Lê Quốc Quân, đã có tới gần 1.000 người tham dự, và ông nói với BBC rằng cuộc biểu tình lần này có thể đông gấp đôi về số lượng so với cuộc biểu tình tuần trước ở Thủ đô.
Các trang blog Ba Sàm và blog Nguyễn Xuân Diện cũng tường thuật có trên dưới một nghìn người biểu tình tham gia sự kiện sáng Chủ Nhật ở Hà Nội, với ít nhất 300 người xuất phát từ Nhà hát lớn.
Một số trang mạng xã hội đưa tin khoảng một trăm người dân ở thành phố Hồ Chí Minh xuất hiện ở một số địa điểm trong đó có công viên 30 tháng Tư với biển hiệu 'chống Hải tặc' trên Biển Đông để 'tham gia biểu tình.'
Tại Hà Nội, cuộc biểu tình có mặt các nhân sỹ, trí thức bên cạnh quần chúng đủ mọi lứa tuổi, thành phần xã hội và đặc biệt có sự tham gia của 'đông đảo dân oan khiếu kiện.'
Trong số các nhân sỹ, trí thức tham gia có bà Lê Hiền Đức, người đoạt giải thưởng quốc tế chống tham nhũng, bác sỹ Phạm Hồng Sơn, luật sư Lê Quốc Quân, Giáo sư Ngô Đức Thọ cùng nhiều nhân vật khác nữa. Đặc biệt có sự xuất hiện của Hiệp sĩ Công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng, một trí thức tật nguyền từng được Nhà nước vinh danh.
Đây là lần biểu tình thứ hai trong năm nay sau cuộc biểu tình cách đây đúng 1 tuần để phản đối Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa cũng như mời thầu 9 lô dầu khí thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và ủng hộ Luật Biển vừa được Quốc hội Việt Nam thông qua.
'Nông dân biểu tình'
"Họ (nông dân mất đất) không còn nghĩ đến quyền lợi của mình mà đã hướng đến quyền lợi quốc gia."
Luật sư Lê Quốc Quân
Luật sư Lê Quốc Quân nói với BBC rằng số lượng người tham gia biểu tình lần này là ‘cao hơn gấp đôi’ so với cách đây một tuần và đạt đến con số ‘trên dưới một ngàn người’.
Đoàn biểu tình bắt đầu từ một nhóm nhỏ tụ tập trước Nhà hát Lớn vào lúc 8:30 sáng. Cụ bà Lê Hiền Đức cùng bản thân luật sư Quân là những người có mặt sớm nhất vào lúc đó, ông Quân cho biết.
“Lúc đầu chỉ có 15, 20 người sau đó lên đến 30 người,” ông Quân nói và cho biết thêm lúc đoàn bắt đầu đi thì số lượng chỉ khoảng từ 100 đến 200 người.
“Đến Tràng Thi qua Bờ Hồ rất đông người gia nhập vào đoàn,” ông nói thêm, “Đến đỉnh điểm ở đầu đường Điện Biên Phủ lúc bị chặn lại thì lên đến 1.000 người.”
Đoàn biểu tình đi theo lộ trình là Tràng Tiền – Tràng Thi đến Điện Biên Phủ để tiến về Đại sứ quán Trung Quốc nằm trên phố Hoàng Diệu.
Tuy nhiên theo lời ông Quân khi đoàn gần đến được đích thì gặp hàng rào chắn ngang toàn bộ đường Điện Biên Phủ không cho đoàn tiếp cận Sứ quán Trung Quốc.
Do đó dòng người buộc phải quay trở lại theo đường Hai Bà Trưng, rẽ vào Hàng Bài và tập hợp lại ở tượng đài Lý Thái Tổ trước khi giải tán, ông Quân nói.
Theo ông Quân thì có ba lý do người dân Hà Nội lần này đi biểu tình đông đảo hơn lần trước.
“Lần này có nhiều sự gia tăng gây hấn hơn của chính quyền Trung Quốc,” ông giải thích.
“Lần trước thấy độ ôn hòa của chính quyền – không đánh đập, không bắt giữ – nên khí thế nhân dân được tiếp sức hơn,” ông nói.
'Dân oan mất đất'
Người dân Hà Nội hô các khẩu hiệu chống Trung Quốc
Đoàn biểu tình đã không đến được đích là Tòa Đại sứ Trung Quốc
Nguyên nhân thứ ba là có sự tham dự của ‘dân oan mất đất’ ở Văn Giang và Dương Nội, ông cho biết.
“Trước đây họ vẫn đi tuần hành ở Hà Nội với khẩu hiệu chống tham nhũng và đòi đất,” ông nói, “Còn hôm nay họ đi hô vang những khẩu hiệu bảo vệ Tổ quốc Việt Nam và phản đối Trung Quốc gây hấn.”
“Họ không còn nghĩ đến quyền lợi của mình mà đã hướng đến quyền lợi quốc gia,” ông nói thêm.
Sự hiện diện của những người nông dân mất đất này đã ‘đem lại sắc thái mới’ cho cuộc biểu tình, ông Quân nhận xét, vì họ ‘rất quyết liệt’ và ‘ào ào đi luôn’ khi qua các chốt có cảnh sát giao thông chặn lại.
Theo quan sát của ông Quân thì dù cảnh sát giao thông có chặn đoàn biểu tình ở tất cả các ngã tư mà đoàn đi qua nhưng ‘tính chất quyết liệt không cao’.
“Họ kêu gọi bà con đi lên vỉa hè, giữ gìn trật tự. Cuối cùng đoàn vẫn vượt qua 4, 5 ngã tư liền bị chặn như thế,” ông nói và nói thêm rằng ‘họ không có hành động quá khích hay trấn áp nặng nề’.
Tuy nhiên khi đến gần Tòa đại sứ Trung Quốc thì lực lượng an ninh hiện diện rất đông nên đoàn biểu tình ‘dứt điểm không đi tiếp được nữa’.
"Chặn bắt đàn áp người biểu tình vào thời điểm này là hết sức bất lợi cho Việt Nam. Nó sẽ làm mất uy tín của Đảng và Nhà nước đối với nhân dân rất nhiều."
Luật sư Lê Quốc Quân
Ông Quân không nghĩ rằng chính quyền đang tạo điều kiện cho người dân biểu tình chống Trung Quốc.
“Chặn bắt đàn áp người biểu tình vào thời điểm này là hết sức bất lợi cho Việt Nam,” ông nói, “Nó sẽ làm mất uy tín của Đảng và Nhà nước đối với nhân dân rất nhiều.”
“Người dân hiện rất phẫn uất trước sự gây hấn ngày càng gia tăng của Trung Quốc và họ chỉ xuống đường thể hiện quan điểm đó,” ông nói thêm.

‘Khí thế hào hùng’

Ông Quân mô tả là nhiều người dân Hà Nội xem biểu tình rất đông. Từ cửa sổ trên cao, họ ‘vẫy tay’ và chào đoàn biểu tình.
“Bất cứ ở đâu người ta cũng nở nụ cười, cũng hô hào thể hiện thái độ thiện chí và ủng hội với đoàn biểu tình,” ông cho biết.
Ngay cả những người đang lưu thông trên đường bị cảnh sát bắt dừng lại để nhường đường cho đoàn biểu tình cũng ‘không tỏ vẻ gì bực bội’, theo như ông Quân quan sát.
"Bất cứ ở đâu người ta cũng nở nụ cười, cũng hô hào thể hiện thái độ thiện chí và ủng hội với đoàn biểu tình."
Luật sư Lê Quốc Quân
“Khí thế rất tuyệt vời. Cá nhân tôi lâu lắm mới sống trong một cảm giác rất là xúc động, hào hùng và tràn ngập tình yêu nước,” luật sư Quân bày tỏ.
Mặc dù có sự tham gia đông đảo của nông dân mất đất nhưng sự hiện diện của thanh niên, sinh viên vẫn là đông nhất. Theo ông Quân thì lực lượng này chiếm đến gần 2/3 đoàn biểu tình trong khi nhân sỹ trí thức tham gia không đông.
Trước khi đoàn bắt đầu khởi hành trước Nhà hát lớn, bà Lê Hiền Đức đứng ra nói về chủ quyền và lòng yêu nước của người Việt Nam còn luật sư Quân thì đứng ra hô các khẩu hiệu phản đối Trung Quốc và ủng hộ Luật Biển Việt Nam, ông Quân cho biết.
Hình ảnh đưa lên mạng cho thấy bà Lê Hiền Đức ngồi trên xe lăn dẫn đầu đoàn biểu tình.
Trong tay bà cầm khẩu hiệu là lời nói bất hủ của nữ anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh: ‘Tôi muốn cưỡi con gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở Biển Đông’.
“Trước khi kết thúc, những người nông dân còn hỏi rất rõ là lần sau gặp nhau như thế nào, khi nào, ở đâu và tiếp theo như thế nào,” ông Quân kể.
“Tất cả anh em đều hẹn nhau tuần sau nhé, gặp ở Nhà hát lớn bắt đầu lúc 8:30.”

Không có nhận xét nào: