Pages

Thứ Bảy, 14 tháng 7, 2012

Bốn năm, giá điện tăng 57%, chỉ EVN hưởng lợi


Xuân Thu (SGTT.VN) - Tính từ năm 2008 đến nay, giá điện bán lẻ đến tay người tiêu dùng tăng tới 57% song giá mua điện của tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trả cho các nhà máy thuỷ điện nhỏ vẫn giữ nguyên. Sự độc quyền của EVN đang dồn ép các doanh nghiệp đầu tư thuỷ điện nhỏ.
Tại hội thảo với nội dung “Phát triển thuỷ điện nhỏ” tổ chức hôm qua (12.7) tại Hà Nội, các doanh nghiệp đầu tư thuỷ điện đồng loạt kiến nghị phải thúc đẩy nhanh thị trường điện cạnh tranh để đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư thuỷ điện và người tiêu dùng.
EVN “ăn cả”
Ông Trần Đình Hải, chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc tập đoàn Hưng Hải, cho biết thời gian qua các chủ đầu tư thuỷ điện nhỏ không có lãi, thậm chí lỗ nặng. Một trong những nguyên nhân chính là do hợp đồng mua bán điện với EVN không được thay đổi giá cho dù các điều kiện đầu vào để đàm phán mua bán điện như chi phí nhân công, lãi suất vay tín dụng… đã tăng lên rất nhiều. Hiện nay, các nhà máy thuỷ điện đang bán điện cho EVN giá trung bình khoảng 650 đồng/kWh. Mức giá này duy trì suốt từ năm 2006 đến nay. Trong khi đó, giá điện mà EVN bán đến tay người tiêu dùng đã tăng từ mức bình quân 870,8 đồng/kWh năm 2008 lên 1.369,9 đồng/kWh năm 2012, tương đương 57% (mỗi năm tăng khoảng 14%).
“Đáng lẽ phần chênh lệch do giá bán điện đến người tiêu dùng tăng phải chia đều cho tất cả các khâu từ sản xuất, truyền tải… đằng này, ông EVN hưởng tất!”, ông Hoàng Minh Tuấn, chủ tịch hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lào Cai, bức xúc. Ông Tuấn cho biết thêm: Lần nào các doanh nghiệp sản xuất điện cũng phải đàm phán tới lui không dưới ba lần với EVN về giá điện nhưng rốt cuộc EVN quyết thế nào họ phải theo thế ấy, làm gì có chuyện đòi giá này, giá kia bởi điện sản xuất ra nếu không bán cho EVN thì bán cho ai? “Nếu cất được điện ở nhà thì tôi đã mang về nhà cất lâu rồi”, ông Tuấn kết luận.
“Lĩnh vực điện làm gì có thị trường mà cạnh tranh”
Làm gì có thị trường mà cạnh tranh
Lý giải về sự bất hợp lý này, ông Hoàng Minh Tuấn nói thẳng: “Lĩnh vực điện làm gì có thị trường mà cạnh tranh”. Ông Trần Viết Ngãi, chủ tịch hiệp hội Năng lượng Việt Nam, thì phân tích: cả nước hiện có khoảng 300 nhà đầu tư vào điện, gồm các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư thuỷ điện nhỏ… Tuy nhiên, EVN giữ toàn bộ các khâu: sản xuất, truyển tải, điều độ, hệ thống điện quốc gia, các công ty điện tại 62 địa phương. “Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh, phải thành lập ba tổng công ty phát điện. Thế nhưng bộ Công thương lại vẫn đề nghị các tổng công ty này nằm trong EVN. Thế thì làm sao có thị trường điện cạnh tranh được. Tôi không dám dùng từ bắt nạt nhưng rõ ràng các nhà sản xuất điện đang gặp rào cản lớn…”, ông Ngãi nhận xét.
Ông Ngãi cũng nói thêm: “Theo quy định của Chính phủ, dự án thuỷ điện có công suất 30MW trở lên mới được tham gia vào thị trường bán buôn. Tuy nhiên, phần lớn các dự án thuỷ điện nhỏ hiện nay đều dưới công suất quy định này, vậy các nhà đầu tư sẽ bán điện cho ai?” Ông Ngãi kiến nghị điều chỉnh quy định về công suất thuỷ điện nhỏ về con số 10kWh để tăng cơ hội cho các doanh nghiệp.
Một vấn đề khác, theo ông Ngãi, là ngay cả khi có tìm được lối ra là bán cho các địa phương thì các đơn vị sản xuất cũng sẽ vướng vì chưa có quy định về mức giá nên không biết phải bán theo giá nào, sỉ hay lẻ. Do vậy, vị cựu phó tổng giám đốc EVN khuyến nghị các doanh nghiệp thuỷ điện: “Không chỉ vấn đề giá, khi đàm phán, các anh cũng phải lưu ý về thời gian nhà máy của mình được phát điện. Giá điện có thay đổi mà một năm họ chỉ mua của các anh 1.000 giờ, thậm chí chỉ 500 giờ, thì các anh cũng chết”.
Ông Ngãi cho biết hiệp hội Năng lượng vừa có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị hàng loạt biện pháp nhằm thúc đẩy cạnh tranh cho thị trường điện. Theo đó, đề xuất tách một số đơn vị ra khỏi EVN như công ty Mua bán điện, trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, công ty Truyền tải, phát điện… Các đơn vị này có thể trực thuộc bộ Tài chính hoặc Công thương. Cùng với đó, cần tách bạch khâu sản xuất, phân phối; đây là cơ sở để hình thành thị trường phát điện, thị trường bán lẻ và bán buôn cạnh tranh. Chỉ có làm được vậy, theo ông Ngãi, mới đảm bảo được quyền lợi chính đáng không chỉ của các nhà sản xuất điện nhỏ mà còn cả của người tiêu dùng.

Không có nhận xét nào: