Pages

Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2012

“Cả một lượng lớn kiểm lâm không báo được tin phá rừng nào!”

(Dân trí) - “…Có bao nhiêu vụ lâm tặc được lực lượng kiểm lâm trực tiếp phát hiện? Bao nhiêu vụ bắt giữ khi đi tuần? Bao nhiêu vụ do kiểm lâm tổ chức đánh án? Lực lượng kiểm lâm thừa nhận không có vụ nào!” - Phó Chủ tịch tỉnh Thái Nguyên, Đặng Viết Thuần trăn trở.
Suốt một thời gian dài, khu bảo tồn Thần Sa Phượng Hoàng tại huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) là điểm nóng của nạn phá rừng khiến chính quyền địa phương đau đầu và dư luận bức xúc. Làm việc với PV Dân trí, ông Đặng Viết Thuần - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên - cho biết: “Hiện rừng đặc dụng tại huyện Võ Nhai vẫn đang là điểm nóng trên địa bàn tỉnh. Do việc buôn bán gỗ lậu mang lại lợi nhuận ngang với thuốc phiện nên các đối tượng hết sức manh động, liều lĩnh và trắng trợn. Quan điểm của UBND tỉnh Thái Nguyên là làm quyết liệt, không dung túng với bất cứ một đối tượng phá rừng nào”.
Theo ông Thuần, tình trạng lâm tặc hoành hành được lãnh đạo Tỉnh ủy tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo giải quyết rất quyết liệt. Một lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên đã đích thân đi kiểm đếm tất cả những cây gỗ bị đốn hạ trong rừng. UBND tỉnh đã thành lập ban thu hồi số gỗ bị đốn hạ do Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên làm trưởng ban. Số gỗ thu hồi được tổ chức bán đấu giá công khai. 

Ông Đặng Viết Thuần cho biếtviệc buôn bán gỗ lậu mang lại lợi nhuận ngang với thuốc phiện nên việc dẹp nạn “nghiến tặc” là rất khó

Theo thông tin mà PV Dân trí có được, cho đến thời điểm này, cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên vẫn chưa công bố được số lượng gỗ nghiến bị lâm tặc chặt hạ trong Khu bảo tồn Thần Sa Phượng Hoàng và đã mang đi trót lọt mà chỉ nắm được số liệu về lượng gỗ bị bắt giữ, thu hồi.
“Giải pháp được chúng tôi thực hiện mấy năm nay là bố trí cán bộ, điều kiểm lâm từ những vùng ít “nóng” hơn lên rừng. Đến khi khu vực “nóng” cảm thấy đã “thỏa mãn” về nhân lực mới thôi. Nếu như còn mất rừng nữa, khi đó chúng tôi sẽ xử lý lực lượng kiểm lâm”, ông Thuần khẳng định. 
Tuy nhiên ông Thuần thừa nhận một thực trạng đáng buồn: “Trong buổi họp cách đây 1 năm, tôi đã yêu cầu lực lượng kiểm lâm báo cáo làm rõ có bao nhiêu vụ lâm tặc được lực lượng kiểm lâm trực tiếp phát hiện, bao nhiêu vụ bắt giữ khi đi tuần và quan trọng là bao nhiêu vụ do lực lượng kiểm lâm tổ chức đánh án...? Cuối cùng lực lượng kiểm lâm thừa nhận không có một tin báo nào từ cán bộ. Điều đó là sự thật. Tôi quán triệt ngay giữa cuộc họp rằng cả một lực lượng lớn như vậy mà không báo được một cái tin nào. Hay là các đồng chí báo tin qua dân, sợ không dám nói thật? Tôi lưu ý với lực lượng kiểm lâm rằng nếu mà cứ như thế này chúng ta cứ nói là mất rừng, mất ở đâu? Mất chính là ở chỗ chúng ta chưa làm tốt việc này”.



Ai sẽchịu trách nhiệm khi những cánh rừng nghiến chảy máu?

Một khó khăn trong công tác bảo về rừng ở đây là người dân sống ngay giữa rừng, đời sống nghèo nạn, dân trí thấp nên việc phá rừng là đương nhiên. Nhưng di dời dân ra khỏi khu bảo tồn Thần Sa Phượng Hoàng là điều không thể. Bởi vậy, cùng với việc tuyên truyền, biện pháp trước mắt của UBND tỉnh Thái Nguyên là hỗ trợ đời sống cho người dân. 
Lãnh đạo tỉnh cũng vừa ban hành văn bản yêu cầu ngành kiểm lâm tham gia thực hiện việc đưa tất cả các xưởng chế biến lâm sản ra khỏi rừng. Địa bàn nào có “đầu nậu” gỗ, kiểm lâm phải kê khai hết. Nếu kiểm lâm không báo cáo, trách nhiệm sẽ thuộc về chính lực lượng kiểm lâm. 
Ông Nguyễn Xuân Hải - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên - cho biết, thẩm quyền xử lý lâm tặc cũng như thẩm quyền sử dụng vũ khí của lực lượng kiểm lâm chỉ có hạn. Nếu như không có cơ chế động viên tốt, một bộ phận cán bộ kiểm lâm sẽ rất dễ tắc trách bởi trong cuộc chiến với lâm tặc, ngăn chặn đối mặt thì khó, còn bỏ qua lại rất dễ. 
Tại khu bảo tồn Thần Sa Phượng Hoàng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên bố trí 7 chốt kiểm lâm chốt chặn. Tuy nhiên, thực trạng rừng bị phá vẫn đang là một tồn tại. Chi cục đang cố gắng làm rõ để có hướng xử lý những cán bộ kiểm lâm “có vấn đề”.

Anh Thế - Quốc Đô

Không có nhận xét nào: