Pages

Thứ Hai, 9 tháng 7, 2012

Clinton sẽ ‘mềm mỏng với Trung Quốc’





Các nỗ lực nhằm giảm căng thẳng trên Biển Đông được dự đoán sẽ chi phối các cuộc đối thoại về an ninh châu Á trong tuần này ở thủ đô Phnom Penh của Campuchia, hãng tin Pháp AFP dẫn lời các nhà phân tích cho biết.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton sẽ tham dự Diễn đàn khu vực Asean ARF vào thứ Năm ngày 12/7 – chỉ một vài ngày sau khi ngoại trưởng các nước đông nam Á bắt đầu các phiên họp vốn cũng có sự tham gia của các nước đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc.



‘Thời khắc quyết định’

Mười quốc gia thành viên Asean sẽ nhóm họp trước hết vào thứ Hai ngày 9/7 với vấn đề tranh chấp Biển Đông hứa hẹn sẽ làm nóng diễn đàn.
Manila đang dẫn đầu một nỗ lực đoàn kết Asean để thuyết phục Trung Quốc chấp nhận một bộ quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc (COC) trên Biển Đông, nơi căng thẳng đã bùng phát trong thời gian qua khi mà cả Việt Nam lẫn Philippines đều cáo buộc Bắc Kinh có thái độ hung hăng.
“Đây là thời khắc quyết định đối với các thành viên Asean,” Carl Thayer, giáo sư chính trị và là chuyên gia về an ninh đông nam Á tại Đại học New South Wales, nói với AFP.
“Họ (các nước Asean) đã xác định thời hạn là trong tháng này phải cho ra đời bản thảo COC. Có thể đã có tiến triển,” ông nhận định.
Tại hội nghị thượng đỉnh vừa qua hồi tháng Tư, các nước Asean đã chia rẽ về việc khi nào sẽ để Trung Quốc tham gia bàn thảo COC – dẫn đến ‘bất đồng lớn’, theo như lời mô tả của Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario vào lúc đó.
"Hoa Kỳ sẽ thể hiện sức mạnh một cách âm thầm"
Tuy nhiên Asean đang hy vọng vẫn có thể đạt được đồng thuận với Trung Quốc vào cuối năm nay, 10 năm sau khi họ lần đầu tiên cam kết sẽ tạo ra một khung ràng buộc pháp lý để giải quyết các tranh chấp.
Kurt Campbell, trợ lý ngoại trưởng Mỹ về Đông Á, hồi cuối tháng trước phát biểu rằng ông nhìn thấy thời cơ cho COC sau khi nhận thấy ‘sự gia tăng các hoạt động ngoại giao’ giữa Asean và Trung Quốc trên vấn đề này.
Hoa Kỳ gần đây đã mở rộng quan hệ quân sự với Philippines và Việt Nam, do đó sự đối đầu chiến lược giữa Washington và Bắc Kinh sẽ là vấn đề nổi trội trong các hội nghị ở Phnom Penh trong tuần này, theo nhận định của Ernie Bower đến từ Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington.

Clinton xuống giọng



Theo ông Bower thì Ngoại trưởng Clinton sẽ ‘giảm nhẹ mâu thuẫn Trung-Mỹ’ giữa những quan ngại rằng trọng tâm mới của Hoa Kỳ ở châu Á sẽ làm Trung Quốc bất an trước đợt chuyển giao thế hệ lãnh đạo vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, Bower cũng cho rằng bà Clinton sẽ ‘rất khó khăn để thúc đẩy hợp tác Trung-Mỹ’. Thayer cũng đồng ý về điều này.
Trên tinh thần đó, Clinton có lẽ sẽ ôn hòa hơn trên vấn đề Biển Đông so với hồi hội nghị thượng đỉnh khu vực vào năm 2010. Khi đó, bà đã làm Bắc Kinh nổi giận khi tuyên bố rằng Mỹ ‘có lợi ích quốc gia’ đối với tự do hàng hải ở vùng biển này.
“Đừng trông đợi những lời lẽ đao to búa lớn từ Ngoại trưởng Clinton ở Phnom Penh,” Bower nhận định.
“Hoa Kỳ sẽ thể hiện sức mạnh một cách âm thầm và ủng hộ hậu trường cho lập trường của Asean... nhưng sẽ không có gì nói thẳng ra hay diễu võ giương oai từ phía Mỹ,” ông nói thêm.
Các nhà phân tích cũng cho rằng Clinton cũng muốn trấn an các đối tác châu Á rằng Washington có cam kết với khu vực chứ không phải chỉ tìm cách đối trọng với Trung Quốc.
“Ngoại trưởng Clinton sẽ cố gắng thúc đẩy một loạt các đề xuất để nhấn mạnh rằng sự quan tâm của Mỹ ở Đông Nam Á bao quát rộng hơn nhiều chứ không chỉ có việc cân bằng quân sự với Trung Quốc,” ông Thayer nói.
Nỗ lực này của bà bắt đầu ngay cả trước khi bà đặt chân đến Campuchia với một chuyến thăm ngắn ở Hà Nội, nơi bà sẽ gặp gỡ đại diện trong các cộng đồng doanh nghiệp Mỹ và Việt Nam, và chặng dừng chân ở Vientiane với tư cách là là ngoại trưởng Mỹ đầu tiên đến thăm quốc gia cộng sản này trong vòng 57 năm qua.
Sau khi hội nghị an ninh khu vực kết thúc, Clinton sẽ dẫn đầu một phái đoàn Mỹ tham dự một diễn đàn kinh tế tại Siem Reap vào thứ Sáu ngày 13/7.
Khối Asean thường bị chỉ trích là nói nhiều hơn làm.
Tuy nhiên trong bối cảnh mà Washington ‘xoay trục’ chính sách ngoại giao sang châu Á và sự vươn lên của Trung Quốc trong những năm gần đây thì khối này trở nên có vai trò chiến lược quan trọng./Nguồn: BBC

Không có nhận xét nào: