Pages

Thứ Sáu, 6 tháng 7, 2012

Còn phải đổ nhiều máu


Năm mươi người thăm dò trong vòng ba năm đã không thể dẫn Việt Nam đến gần hòa bình thêm được một bước nào. Sau mỗi một cố gắng tiếp xúc bị thất bại giữa Washington và Hà Nội, cuộc đấu tranh lại quyết liệt hơn.
Tổng thống Johnson và Tướng Westmoreland
Tổng thống Johnson và Tướng Westmoreland
Trong vòng hai tuần vừa rồi, những người chiến đấu trong rừng rậm Hồ Chí Minh và Lyndon B. Johnson đã dò dẫm bước liền nhiều bước lại gần với nhau. Lần ngưng ném bom một phần của Johnson, lời yêu cầu đàm phán của ông ấy, cộng với lời tuyên bố từ bỏ không ra tranh cử, đã phá vỡ điều cấm kỵ; cả hai bên đều từ bỏ những vị trí “không thể nhượng bộ được” trước đó:

Hoa Kỳ chấm dứt cuộc chiến tranh ném bom xuống phần phía Bắc của nước Cộng hòa đỏ mà không cần có những điều kiện tiên quyết – và qua đó đã từ bỏ lập trường đàm phán được Tổng thống Johnson tuyên bố trong mùa Thu vừa rồi ở San Antonio trong bang Texas. Hà Nội chấp nhận đàm phán – và qua đó đã rời bỏ chương trình bốn điểm của họ, cái yêu cầu chấm dứt ném bom không điều kiện và người Mỹ phải rút khỏi Việt Nam thì mới đàm phán.
Tuần vừa rồi, hai chính phủ, đã không nói chuyện với nhau ba năm trời, đã nhanh chóng đá bóng qua lại.
Sau khi Hà Nội đồng ý đàm phán, Johnson bổ nhiệm các nhà ngoại giao hàng đầu của mình Averell Harriman và người là đại sứ ở Moscow Liewellyn Thompson làm sứ giả hòa bình, nói sẽ gửi họ đến “bất cứ địa điểm nào”, và hé lộ rằng ông ấy thích Genève nhất – nơi diễn ra Hội nghị Đông Dương năm 1954.
Hà Nội phản ứng với lời đề nghị tiến hành các tiếp xúc đầu tiên trên bình diện đại sứ quán. Pnom Penh là một nơi hội họp dễ chịu, thủ đô của láng giềng Việt Nam, Campuchia. Một làn sóng hân hoan vì hòa bình lan đi khắp nơi trên thế giới. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc U Thant, người cũng đã thất bại hàng chục lần trong việc làm trung gian cho Việt Nam, vui mừng: “Một bước tiến tích cực đầu tiên.” Charles de Gaulle nhìn những lần tiếp xúc đấy như một “hành động của lý trí”.
Nó là như thế – nhưng đến cùng với niềm hân hoan là tan vỡ ảo tưởng. Vì chẳng bao lâu sau đó người ta biết rõ rằng sẽ không có ngưng chiến ngay ngày mai ở Việt Nam, rằng sẵn sàng đối thoại chỉ là một bước đầu tiên trên một con đường nghìn dặm.
Trong khi số người dân ủng hộ Johnson tăng vọt từ 38 lên 57% sau lần loan báo hòa bình thì các thế lực đấy đã cất tiếng nói ở cả hai bên, các thế lực mà đối với họ, những người thăm dò hòa bình chỉ là một điều gây bực mình.
Các diều hâu Mỹ lo ngại Hoa Kỳ sẽ mất thanh thế ở châu Á và trên thế giới mà không bao giờ có thể bù đắp lại được. Tướng lĩnh Mỹ cảnh báo các hậu quả mang tính thảm họa cho tinh thần của các lực lượng chiến đấu. Họ không muốn yên lặng mặc nhận rằng các chính trị gia chấp nhận cuộc chiến tranh hao mòn không có kết quả trong rừng rậm này là chiến bại đầu tiên của quân đội Mỹ trong lịch sử quốc gia.
Giới tướng lĩnh cầm quyền của Nam Việt Nam hô hào phản bội to tiếng nhất. Chính phủ quân đội dựa trên lưỡi lê Mỹ ở Sài Gòn lo sợ bị người Mỹ bán đứng. Mỗi ngày nhiều lần, đại sứ Mỹ Ellsworth Bunker đến gặp tổng thống – tướng Thiệu của Nam Việt Nam để giải thích các kế hoạch của Johnson cho ông ấy. Ông không thể trấn an được ông ấy, nhất là khi Thiệu phải chấp nhận cay đắng đến hai lần, vì Johnson đã không hội ý ông ấy.
Tướng lĩnh Sài Gòn cũng có cảm giác bị kẻ địch lừa bịp trong chính đất nước của mình. Ở lần ngưng ném bom của Johnson, đầu tiên là họ đã nghĩ đến một mưu mẹo tuyên truyền. Khi họ nhận ra tính nghiêm chỉnh của lời đề nghị qua lời tuyên bố từ bỏ của Tổng thống Mỹ, họ hy vọng vào sự ngoan cố của những người đồng hương Cộng Sản của họ ở phương Bắc. Nhưng khi Hà Nội nhanh chóng đổi hướng thì một bộ trưởng ở Sài Gòn đã kêu lên: “Họ điên rồi à, những người miền Bắc ấy? Tại sao họ lại phải vội đến thế?”
Bây giờ, sự chống đối của giới quân đội Sài Gòn tập trung vào việc xây tường ngăn chận cái giải pháp thỏa hiệp đấy, cái dường như là giải pháp có thể duy nhất: Mặt trận Dân tộc Giải phóng tham gia vào trong một chính phủ liên minh ở Nam Việt Nam.
Tổng thống Thiệu cương quyết từ chối một thỏa hiệp như thế. Phó của ông ấy, Kỳ, lần đầu tiên đoàn kết với ông ấy, to tiếng: “Nếu như đã đến lúc chúng ta phải chấp nhận một chính phủ liên minh dưới sự ép buộc của Mỹ và vì vậy mà từ bỏ đất nước, thì tốt hơn là hãy mất nó trong chiến đấu.”
Nhưng cả Mặt trận Giải phóng cũng không hứng thú – vì cho tới nay người ta không bàn đến sự tham gia của họ vào trong các cuộc nói chuyện giữa Hà Nội và Washington.
Trước lần đầu hàng của thế lực bảo vệ to lớn, sự run rẩy cũng len lỏi vào trong các đồng minh châu Á còn lại của Mỹ. Tổng thống Hàn Quốc Park yêu cầu hội ý với Johnson, thủ tướng Thái, thống chế Kittikachorn cảnh báo: “Nếu bây giờ Hoa Kỳ thay đổi chính sách của mình ở châu Á thì sẽ không còn ai tin tưởng họ nữa.”
Người Trung Quốc đỏ thì lộ rõ vẻ thù địch, những người trước nay bao giờ cũng muốn chiến đấu ở Việt Nam cho tới người Việt Nam cuối cùng. Họ cảnh báo Hà Nội trước “những mưu mẹo của tên bịp bợm Johnson”, yêu cầu chiến đấu tới cùng và đe dọa cắt tiếp tế cho các đồng chí muốn thỏa hiệp.
Không chỉ những kẻ phá hoại ở cả hai bên, cả những mục đích đàm phán trái ngược nhau của các bên cũng để cho người ta lo ngại rằng sẽ còn đổ nhiều máu nữa ở Việt Nam.
Người Mỹ cố cải thiện vị trí ban đầu của họ bằng cách dùng những lời nói hùng hồn để che đậy kết quả buồn thảm của lần kiểm kê sự việc Việt Nam. Tổng thống Johnson tuyên bố vào thứ hai vừa rồi sau một cuộc trao đổi với viên tổng tư lệnh Việt Nam tạm thời của mình, Westmoreland: “Chúng ta đã giành trở lại được thế chủ động.” Westy khoe khoang như thường lệ: “Về mặt quân sự, chúng ta chưa bao giờ ở trong tình thế tốt hơn.”
Bắc Việt Nam thì lại cho rằng Mỹ chỉ muốn thương lượng vì đã thua cuộc rồi. Hà Hội hướng đến giải pháp cực đại: thống nhất Việt Nam dưới lá cờ đỏ.
Đầu tiên, Hồ cũng hoàn toàn không muốn nói về hòa bình. Hơn thế, những người đàm phán của Hoa Kỳ, theo như Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trinh, cần phải giải thích trong lần gặp gỡ đầu tiên rằng “khi nào thì chấm dứt vô điều kiện tất cả các cuộc ném bom và tất cả các hành động chiến tranh chống nước Cộng hòa Nhân dân Việt Nam.”
Và theo ý muốn của quân Đỏ thì họ cần nên làm điếu đấy ở Pnom Penh. Người Bắc Việt Nam không muốn đến Genève, vì nó nằm cách bộ chỉ huy ở quê hương quá xa.
Pnom Penh thì lại không thích hợp cho người Mỹ từ nhiều lý do khác nhau: thủ đô của Campuchia chỉ có đường dây điện thoại quốc tế mỗi ngày một giờ đồng hồ, và cũng chỉ từ thứ hai cho tới thứ sáu, điện tín của nó chỉ kêu lạch cạnh 18 tiếng một ngày. Hoa Kỳ đã đóng cửa đại sứ quán của họ ở Pnom Penh trước đây ba năm trong một cơn giận dữ. Nhưng vì có cảm giác bị ràng buộc vào lời nói của Johnson, đàm phán ở “bất cứ nơi đâu”, nên họ đã đề nghị thủ đô Vientiane của Lào như là một thỏa hiệp – với một chi nhánh có nhiều nhân viên của mật vụ Hoa Kỳ.
“Vì Chúa”, một nhà cố vấn cho Johnson rên lên trước các nhà báo vào tuần rồi, “xin các anh hãy đừng kể lại cho người dân rằng hòa bình sẽ bùng phát ra ngay ngày mai.”
Vẫn còn bắn nhau ở Việt Nam. Tuy 20.000 lính Hoa Kỳ, những người giải vây căn cứ Khe Sanh của Thủy Quân Lục Chiến sau 76 ngày bị bao vây, chỉ gặp phải sự chống cự tượng trưng của người Bắc Việt. Phần lớn các sư đoàn đỏ đã biến mất – nhưng không trở về Bắc Việt Nam, như sau này người ta biết được.
Quân Đỏ đã hành quân đến những vị trí khác mà từ đó họ đe dọa căn cứ Đà Nẵng và thành phố Huế đã bị phá hủy – những mục tiêu quan trọng hơn Khe Sanh rất nhiều.
Vì thế mà hầu như còn chưa nhìn thấy được một tia sáng hòa bình nào ở Việt Nam, nhưng hẳn là có thể cảm nhận được một linh tính cho sự chấm dứt: cuộc bùng nổ của những người hưởng lợi từ chiến tranh ở Sài Gòn chấm dứt một cách đột ngột, giá đất trong thành phố giảm 40%, chủ đồn điền và nhà máy bán đổ bán tháo sở hữu của họ: trong một nước Việt Nam đỏ, họ sẽ bị tước quyền sở hữu.
Phan Ba dịch từ Der Spiegel 16/1968: http://www.spiegel.de/spiegel/print/d-46050227.html
Đọc những bài trước ở trang Chiến tranh Việt Nam trên báo Spiegel

Không có nhận xét nào: