Pages

Thứ Hai, 9 tháng 7, 2012

Giáo xứ Nghi Lộc, GP Vinh hướng lòng về giáo điểm Con Cuông trong ngày mừng kính Thánh Phêrô Nguyễn Khắc Tự


Giáo xứ Nghi Lộc, GP Vinh hướng lòng về giáo điểm Con Cuông trong ngày mừng kính Thánh Phêrô Nguyễn Khắc Tự
Đêm thứ Bảy, ngày 7 tháng 7 năm 2012, cả Giáo phận Vinh rực sáng trong ngàn vạn ánh nến nguyện cầu. Muôn người như một cùng hướng lòng về giáo điểm Con Cuông. Một vùng đất xa xôi ở phía Tây tỉnh Nghệ An, một vùng đất mà tên gọi từ xưa nay vẫn thường chỉ giới hạn trong địa giới xứ Nghệ, bỗng trở nên nổi tiếng khắp thế giới vì sự kiên cường của người giáo dân trước sự áp bức và khủng bố liên miên của bạo quyền.
Hưởng ứng lời mời gọi của Tòa Giám mục, trong thánh lễ tối thứ Bảy, giáo xứ Nghi Lộc đã cùng thắp lên những ngọn nến sáng, trong bầu khí sẻ chia và hiệp nhất với toàn Giáo phận, cách riêng với những anh chị em Con Cuông – tuy xa mặt nhưng không hề cách lòng.

 
Trong đêm Chúa nhật, ngày 8.7.2012, giáo xứ Nghi Lộc tiếp tục tổ chức một thánh lễ thứ hai, cầu nguyện cách đặc biệt cho giáo điểm Con Cuông. Hôm nay cũng là ngày giáo xứ mừng kính Thánh Phêrô Nguyễn Khắc Tự – Bổn mạng các thầy cô Giáo lý viên trong toàn giáo xứ. Phải chăng, đó chỉ là một sự vô tình trùng hợp, hay Thánh ý Chúa được thể hiện qua sự khéo léo sắp đặt của dòng thời gian, để ngày giáo xứ mừng kính Thánh Phêrô Tự, cũng đồng thời trở nên như một biến cố lớn lao cổ vũ cho Công lý và Sự thật – lý tưởng mà Nghi Lộc luôn luôn đề cao trong truyền thống lịch sử của mình.
Lần giở những trang sử Giáo hội, chúng ta biết rằng, Phêrô Nguyễn Khắc Tự sinh năm 1808 tại Ninh Bình, dưới thời vua Gia Long. Từ nhỏ cậu đã được vào nhà Chúa, rồi trở thành thầy giảng theo giúp cha già Quế. Khi cha già qua đời, thầy được cử đến giúp linh mục Borie Cao. Cuộc tử đạo của Thánh Phêrô Tự là một biểu hiện sâu sắc của mối tình thầy trò, mối tình cha con trong Giáo hội. Ngày 31.7.1838, sau khi quân lính bắt được cha Borie Cao, các tín hữu sợ liên lụy nên làm ngơ như không quen biết. Nhưng thầy giảng Tự vẫn đi theo đám lính, vừa khóc lóc vừa xin theo gót thầy mình. Quân lính thấy thế sinh nghi, bắt thầy đưa đến trước mặt vị thừa sai. Cha Cao vì không muốn thầy bị liên lụy, liền giả bộ không hề quen biết “người thanh niên” này, sau đó tình nguyện bỏ tiền ra để chuộc tự do cho anh. Nhưng thầy Tự đã quyết tâm thực hiện ý định của mình khi làm điều đó. Thầy tuyên bố mình là đệ tử của người bị bắt, và năn nỉ với ngài: “Xin cho con được theo cha đến cùng”.
 
Tấm gương tử đạo của Thánh Phêrô Tự là một minh chứng rõ ràng, sống động cho sự kiên vững trong Đức tin, nhiệt thành trong Đức cậy và nồng nàn yêu thương trong Đức mến. Với Nghi Lộc, một xứ đạo có lịch sử bị bách hại triền miên, và vốn được sinh ra từ trong những cuộc bách hại, thì tấm gương sáng ngời của Thánh nhân càng trở nên ý nghĩa và gần gũi hơn. Từ những ngày đầu mới hình thành, Nghi Lộc ngày ấy với tên gọi đơn sơ là “làng Nghi”, số giáo dân chưa quá 200 người nhưng đã có đến 77 vị ngã xuống vì Đức tin.
Dòng máu tử đạo đổ ra đã vun trồng nên những hoa thơm quả ngọt. Những hồng phúc cha ông xưa để lại cho cháu con bây giờ như sợi chỉ thắm nối dài những ân lộc tuôn đổ từ Trời. Sự thật, công lý, hòa bình là khát khao, là lý tưởng của mỗi chúng ta.
Thánh lễ tối nay quy tụ đông đảo bà con giáo dân trong giáo xứ, được cử hành trọng thể ở lễ đài Đức Mẹ. Lễ đài thật rực rỡ và lung linh trong muôn ngàn ánh nến. Những lời cầu nguyện sốt sắng vang lên, cầu cho những người anh em ở Con Cuông mau thoát cơn gian nan mà bạo quyền mang đến. Những hình ảnh, video về vụ đàn áp được trình chiếu rộng rãi để mọi người được biết cụ thể hơn. Có những cụ ông, cụ bà, khi xem những hình ảnh này, đã không giấu nổi sự phẫn nộ đối với hành vi khủng bố dã man của chính quyền.
Từ sự kiện hơn 300 tên côn đồ cùng công an đến tụ tập, phá hoại nhà nguyện Con Cuông ngày 13.11.2011, khi cha Phạm Ngọc Quang và cha Nguyễn Đình Thục đang dâng lễ, đến việc hai kẻ lạ mặt đi xe máy đến ném mìn vào nhà nguyện lúc nửa đêm ngày 30.11.2011. Tiếp tục đến ngày 24.6.2012, hàng trăm cán bộ và côn đồ đến quấy rối, ngăn cản không cho cha Nguyễn Đình Thục cử hành Thánh lễ mừng kính Thánh Gioan Tẩy giả.
Đỉnh điểm của những sự việc này là hành động chính quyền huy động binh lính thuộc trung đoàn 335 với đầy đủ súng ống, chó nghiệp vụ, cùng lực lượng công an và hàng trăm côn đồ đến bao vây nhà nguyện tại giáo điểm Con Cuông. Tại đây, tượng Đức Mẹ đã bị chúng đập vỡ nát, nhà nguyện bị phá hoại, linh mục và giáo dân bị đánh trọng thương. Những hành động vô nhân đạo này, một lần nữa cho chúng ta thấy tính chất công khai, trắng trợn của chính quyền huyện Con Cuông và những kẻ đồng lõa trong việc chống phá Giáo hội.
Lời cầu nguyện sốt sắng vang lên chan hoà cùng ngàn vạn ánh nến. Cầu cho những chiên lành vô tội đang bị khủng bố, đàn áp. Máu người Công giáo Việt Nam lại thêm một lần nữa phải đổ xuống. Những nỗi đau ngày xưa cha ông Nghi Lộc đã chịu giờ lại ập đến với giáo dân Con Cuông vô tội. Giữa thời đại văn minh và phát triển này, có ai nghĩ rằng việc đàn áp tôn giáo lại có thể xảy ra và xảy ra khủng khiếp như thế. Chúng ta về đây, không phải để cầu xin đảng cầm quyền rủ lòng thương. Càng không phải để phô trương sức mạnh bạo lực của người Công giáo. Mà chúng ta đang hiệp lời cầu nguyện cùng Mẹ hiền Giáo hội, cùng những anh chị em chung một niềm tin để dâng lên Thiên Chúa tấm lòng thảo kính và khiêm cung. Dâng lên Thiên Chúa lời nguyện cầu thành tâm cho những con người đang chịu khổ đau vì một niềm tin kính Chúa.
Những lời cầu nguyện nối dài tưởng như vô tận. Mỗi một con người đều ý thức rằng, cuộc sống hôm nay đã được đắp bồi từ bao xương máu cha ông xưa. Mỗi bước đi là muôn giọt máu đào của các Thánh tử đạo đổ xuống. Các ngài đã dám sống đến cùng ơn gọi người Kitô hữu trong một hoàn cảnh đầy khó khăn thử thách. Sự hi sinh của các ngài cho thấy một điều rằng, tình yêu luôn mạnh hơn sự chết và sự chết là cửa mở vào cõi sống bất diệt. Dù mang phận người yếu đuối, nhưng nhờ ơn Chúa đỡ nâng, các ngài đã chiến thắng khải hoàn. Xin cho chúng con biết nhiệt thành làm chứng cho tình yêu bằng cách can đảm bảo vệ Sự thật, vì như lời Kinh thánh, “sự thật sẽ giải phóng anh em”.
Giữa lễ đài Đức Mẹ lặng gió, lòng mỗi người dậy lên một niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa và Mẹ hiền Giáo hội. Giáo hội Chúa đã sống qua những thời kì khủng khiếp nhất. Đã sống từ những hang toại đạo. Đã chiến thắng nanh vuốt sư tử và đao gươm. Đã chiến thắng cả chủ nghĩa cộng sản khét tiếng một thời. Thì bây giờ, những cháu con của các Thánh tử đạo xưa, có lẽ nào lại sợ hãi những gông cùm bắt bớ, những dùi cui gậy gộc, “những đám côn đồ, quần chúng tự phát” và cả những kẻ cầm quyền đang tâm phá hoại Giáo hội Chúa và đoàn chiên Chúa? Chúng ta chắc chắn không sợ. Đến lửa hoả ngục cũng không thể thiêu đốt Đức tin của con cái Chúa thì những thứ quyền lực đen tối của trần gian có là gì?
Sức mạnh của chúng ta không phải là lưỡi gươm, báng súng hay những công cụ giết người ghê rợn. Mà sức mạnh của chúng ta đã, đang và sẽ đến từ Trời cao. Chúng ta có Chúa, là Đường, là Sự thật và là Sự sống. Chúng ta không hô hào hay khởi xướng cho một sự xung đột. Mà chúng ta sẽ chiến đấu, bằng cách thức của người Công giáo, bằng Đức tin của người Công giáo, chống lại bạo tàn và những kẻ cầm quyền thích sử dụng sự bạo tàn. Hơn bao giờ hết, chúng ta tin Chúa sẽ đồng hành cùng dân Người.
Lời cầu nguyện lại vang lên hướng về với Mẹ. Xưa Mẹ đã cạn dòng nước mắt khi đi cùng Chúa trên bước đường khổ nạn. Mẹ đã đau đớn biết dường nào khi nhìn con mình chết trên thập giá. Nay Mẹ lại phải chứng kiến những đứa con vô tội đang bị chà đạp lên nhân phẩm, lên sự tự do và nhân quyền tối thiểu mà tưởng như bất kì ai cũng phải được tôn trọng. Những tên bất nhân đã ngang nhiên đập nát tượng Mẹ, ngang nhiên chiếm đoạt phá hoại nhà Chúa. Đất nước Việt Nam đã phải sống quá lâu trong hận thù và chia rẽ. Lý tưởng của chúng ta bây giờ không phải là đấu tranh giai cấp, không phải là đấu tố chính đồng loại của mình. Lý tưởng của chúng ta càng không phải là bạo lực cách mạng, không phải là chém giết những đồng bào vô tội vì một thứ chủ nghĩa quái thai vô nhân đạo, phi nhân tính. Xin Mẹ Thiên Chúa che chở và ủi an con cái Mẹ, để chúng con biết xây dựng hòa bình với nền tảng công lý, sự thật. Xin Mẹ cho quê hương Việt Nam biết quên đi quá khứ, để tiến tới một tương lai tươi sáng đầy tình yêu thương. Và xin Mẹ đỡ nâng những tâm hồn đầy thiện chí.
Tiếp sau những lời cầu nguyện dâng lên Thiên Chúa và Mẹ Người, giáo xứ Nghi Lộc đã cầu nguyện cho nhà cầm quyền đương thời. Đặc biệt là chính quyền huyện Con Cuông và tỉnh Nghệ An. Để họ biết nhận ra đường ngay nẻo chính. Để họ biết nhìn thấy hậu quả những việc họ đã làm. Và một lần nữa, xin Chúa gìn giữ những anh chị em Con Cuông vô tội, vì tình yêu Chúa mà đã và đang chịu sự khủng bố, đàn áp của bạo quyền. Cầu cho Sự thật – Công lý – Hòa bình sẽ đến với chúng con, đến với người dân Việt Nam trên khắp quê hương này.
Khép lại thánh lễ và giờ cầu nguyện, lời Kinh Hòa Bình vang lên thật xúc động, trầm hùng. Tin tưởng rằng, “chính lúc chết đi, là khi vui sống muôn đời”. Xin mượn câu nói nổi tiếng của cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II để kết thúc bài viết này, “các con đừng sợ, hãy mở rộng cánh cửa của Chúa Kitô”.
Giáo xứ Nghi Lộc, 08.07.2012
Thiên Khải Đường
* Tác giả trực tiếp gửi cho Nữ Vương Công Lý

Không có nhận xét nào: