Pages

Chủ Nhật, 22 tháng 7, 2012

Hy vọng nào cho COC?



Có thể nói COC được coi là “bản lề” để có thể kiềm chế cũng như tạo ra các định chế nhằm kiểm soát hành vi của các bên trên Biển Đông, tránh để xảy ra một cuộc xung đột, nếu có.
Có thể tóm tắt quan điểm chung ASEAN về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trong tương lai cần phải có những điểm chính như sau:
(i) Quy định nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Công ước Luật Biển 1982 (UNCLOS), Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC), Tuyên bố ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC).

(ii) Quy định mục tiêu của COC là nhằm tạo ra khuôn khổ dựa trên quy định luật pháp để điều chỉnh hành vi của các bên ở Biển Đông theo những nguyên tắc trên.
(iii) Quy định về các nghĩa vụ và hành vi ứng xử của các bên ở Biển Đông: Trước hết, đó là phải vì mục tiêu hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, thúc đẩy hợp tác xây dựng lòng tin, ngăn ngừa tranh chấp leo thang và giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển. Đồng thời, nhấn mạnh việc tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia ven biển theo Công ước Luật Biển 1982.
(iv) Quy định cơ chế bảo đảm thực hiện COC, trong đó có việc thiết lập cơ chế giám sát và bảo đảm thực hiện COC, xây dựng các cơ chế xử lý vi phạm COC và bảo đảm giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển, TAC.
Rõ ràng DOC chưa có nhiều tác động thực chất và cho thấy sự thiếu hiệu quả. Từ sau khi DOC ra đời năm 2002, căng thẳng thoạt đầu có dấu hiệu giảm bớt nhưng lại bùng lên ngay sau đó, với việc các bên liên quan liên tục cáo buộc nhau vi phạm DOC.
Không chỉ các quốc gia xung quanh Biển Đông, mà các nước khác ngoài khu vực cũng bị vướng vào tranh cãi. Vì thế, có nhiều ý kiến của học giả liên quan đến vấn đề COC cho rằng, liệu một COC khi ra đời có đáp ứng được đầy đủ các kỳ vọng đã được đưa ra trước đây hay không? Và cần làm gì để COC trở thành một văn bản pháp lý mang tính ràng buộc cao hơn?
Thực chất trên thế giới cũng như tại Việt Nam chưa có văn kiện nào đề cập đến tính chất pháp lý và giá trị pháp lý của các Bộ Quy tắc ứng xử. Trên thế giới cũng không tồn tại một Bộ Quy tắc ứng xử nào ràng buộc nghĩa vụ giữa các quốc gia với nhau, chưa kể các điều kiện kỹ thuật đề thông qua một Bộ Quy tắc là chưa có tiền lệ.
COC, nếu được ký kết, cũng sẽ không có được những tính chất như một Công ước quốc tế, vì thế sẽ gây ra rất nhiều rào cản cho việc thực thi giữa các bên liên quan.
Tuy các Bộ Quy tắc ứng xử không được ký kết như những điều ước quốc tế có giá trị pháp lý ràng buộc theo luật điều ước quốc tế, nhưng chúng được coi như những văn kiện “luật mềm” (soft law), có tính định hướng hành động và khuyến khích các bên tôn trọng trên cơ sở tự nguyện.
Sự khác biệt giữa một điều ước quốc tế có giá trị pháp lý ràng buộc với một văn kiện luật mềm có tính “khuyến khích” còn thể hiện ở hệ quả pháp lý đối với hành vi vi phạm.
Cụ thể là việc vi phạm một điều ước quốc tế sẽ dẫn đến trách nhiệm của quốc gia (phải bồi thường hoặc có hành vi khắc phục tương ứng), trong khi vi phạm một quy định có tính chất khuyến nghị chỉ mang đến hệ quả chính trị, tức là sự chỉ trích, lên án.
Nhưng trong Bộ Quy tắc ứng xử thường có những quy phạm hành vi liên quan đến chuẩn mực hiện hành của luật pháp quốc tế. Điều đó cho phép các bên đưa vào Bộ Quy tắc ứng xử quy định về việc khởi động các cơ chế hiện hành của luật quốc tế trong trường hợp có vi phạm nghiêm trọng.
Khó khăn đối với ASEAN là rất lớn để có thể thuyết phục Trung Quốc đồng ý với một COC mang tính pháp lý ràng buộc. Trên thực tế, COC thể hiện quyết tâm của ASEAN trong việc cố gắng duy trì một môi trường hòa bình và ổn định trên Biển Đông.
Vì vậy, cơ chế pháp lý của COC cần được hoạch định sao cho khéo léo và phù hợp với diễn biến của tình hình tranh chấp. Khi những điểm cốt lõi của COC được thống nhất trong nội bộ ASEAN trước khi tiến hành đàm phán với Trung Quốc, nhiều người vẫn tưởng rằng mọi chuyện sau đó sẽ tương đối “thuận buồm xuôi gió”.
Tuy vậy, quá trình đàm phán COC từ 1999 với kết quả chỉ mới được nửa đường bằng sự ra đời của DOC lỏng lẻo năm 2002 cũng đã tốn hết ba năm với nhiều khúc quanh.
Diễn biến Hội nghị Ngoại trưởng khối ASEAN lần thứ 45 (AMM-45) không như mong đợi với việc lần đầu tiên gần nửa thế kỷ hình thành và hoạt động của ASEAN một thông cáo chung không thể thành hình do bất đồng giữa các nước về Biển Đông lại lần nữa chứng minh con đường để đạt đến COC quả thật còn nhiều gian nan và thử thách.
VŨ THÀNH CÔNG – NGUYỄN THẾ PHƯƠNG

Không có nhận xét nào: