Pages

Thứ Ba, 24 tháng 7, 2012

Điểm mặt "bộ máy cai trị biển Đông” Trung Quốc vừa thành lập phi pháp

(GDVN) - 15 ghế còn lại của cơ quan lập pháp cái gọi là "thành phố Tam Sa" do Trung Quốc cố tình vẽ ra đại diện cho một bãi đá ngầm không người ở và ngập hoàn toàn dưới nước khi thủy triều lên
Bất chấp công luận quốc tế và khu vực, phá vỡ mọi hệ thống nguyên tắc luật pháp và thông lệ quốc tế, chiều qua 23/7 cái gọi là “thành phố Tam Sa” do Bộ Dân chính Trung Quốc lập ra để thực hiện việc quản lý phi pháp đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam đã tổ chức bộ máy nhân sự, hành chính.

Màn kịch bầu cử "bộ máy cai trị biển Đông" của cái gọi là "thành phố Tam Sa" do phía Trung Quốc dàn dựng
Theo đó, phía Trung Quốc đã dàn dựng và triển khai kịch bản bầu cử cái gọi là “hội đồng nhân dân thành phố Tam Sa” có trụ sở đặt tại đảo Phú Lâm nằm trong quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Bắc Kinh đang chiếm đóng trái phép.
Một điểm nực cười và hết sức phi lý, phía Trung Quốc đã tiến hành cái gọi là bầu ra ban lãnh đạo “thành phố Tam Sa” nhằm lấn thêm một bước thực hiện âm mưu độc chiếm biển Đông. 
"Cơ quan lập pháp địa phương" này được bầu ra với 45 đại biểu, trong đó có 15 ghế dành cho Trường Sa, 15 ghế dành cho Hoàng Sa là hai quần đảo thuộc chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam một cách phi pháp, ngang nhiên và vô lý.
15 ghế còn lại của cơ quan lập pháp cái gọi là "thành phố Tam Sa" do Trung Quốc cố tình vẽ ra đại diện cho một bãi đá ngầm không người ở và ngập hoàn toàn dưới nước khi thủy triều lên có tên quốc tế là Macclesfield mà Bắc Kinh cố tình đánh lận con đen với tên gọi "quần đảo Trung Sa". 
Một động thái nực cười chưa từng có tiền lệ trên thế giới!
Phù Tráng, người vừa được biên chế vào ghế "Chủ tịch HĐND" cái gọi là "thành phố Tam Sa, nguyên Phó tham mưu trưởng quân khu tỉnh Hải Nam được cho là sẽ thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động quân sự tại chỗ trong thời gian tới
Trong bộ máy nhân sự “cai trị biển Đông” mà phía Trung Quốc cố tình vẽ ra một cách phi lý, phi pháp và vô hiệu, đáng chú ý có Phù Tráng, được “bầu” làm Chủ tịch Đại hội đại biểu nhân dân Tam Sa, tức Chủ tịch Hội đồng nhân dân – cơ quan lập pháp địa phương trong hệ thống hành chính Trung Quốc.
Nhân vật này có xuất thân từ sĩ quan quân đội, nguyên Phó tham mưu trưởng quân khu tỉnh Hải Nam được xếp vị trí đứng đầu cơ quan lập pháp của cái gọi là “thành phố Tam Sa” cho thấy âm mưu của Trung Quốc sẽ phát triển mạnh các hoạt động quân sự tại chỗ trên biển Đông ở góc độ một cơ quan hành chính do họ cố tình lập ra để chiếm đóng trái phép.
Nhân vật thứ 2 là Bí thư kiêm Chủ tịch/Thị trưởng của cái gọi là “thành phố Tam Sa” trong màn kịch bầu cử chiều qua trên đảo Phú Lâm được phía Trung Quốc dàn dựng là Tiêu Kiệt, nguyên Tỉnh ủy viên, Giám đốc sở Nông nghiệp tỉnh Hải Nam vừa được điều động vào ghế mới.
Tiêu Kiệt, Giám đốc sở Nông nghiệp tỉnh Hải Nam được điều động làm Bí thư kiêm Chủ tịch/Thị trưởng cái gọi là "thành phố Tam Sa"
Cũng trong hoạt động bầu cử trái phép chiều hôm qua 23/7, phía Trung Quốc đã hoàn thiện bộ máy nhân sự “cai trị biển Đông” phi pháp, phi lý và vô hiệu với các nhân sự chủ chốt như Chánh án, Viện trưởng viện Kiểm sát và các Phó thị trưởng cái gọi là “thành phố Tam Sa”.
Động thái leo thang này của phía Trung Quốc là một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh có thể sẽ tiếp tục leo thang, lấn lướt trên thực địa biển Đông bất chấp phản đối của các bên liên quan cũng như các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước biển Liên Hợp Quốc 1982 mà Trung Quốc là 1 thành viên.
Những gì đã và đang diễn ra trên biển Đông từ phía Trung Quốc cho thấy, hoạt động thăm dò khai thác dầu khí, đánh bắt thủy hải sản và tổ chức du lịch trái phép trên biển Đông sẽ được Trung Quốc đẩy mạnh trong thời gian tới.
Đi đôi với các hoạt động này là việc phát triển hoạt động quân sự chủ lực – hạm đội Nam Hải cũng như tăng cường các hoạt động quân sự tại chỗ của cái gọi là “khu vực phòng thủ Tam Sa”, trong đó đặc biệt đáng chú ý là việc triển khai huấn luyện và chỉ huy các hoạt động quân sự tại chỗ cho lực lượng ngư dân Trung Quốc đang sinh sống và làm ăn trái phép trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam./Hồng Thủy

Không có nhận xét nào: