Pages

Thứ Bảy, 14 tháng 7, 2012

Mafia và sự nguy hiểm


Quyền lực mafia đến từ sự chi phối cuộc sống của thuộc cấp
Nguyễn Văn Thạnh - Khi một nhà nước đi vào mô hình mafia là hiểm họa cho cả xã hội, khi đó quyền lực công đã biến thái sang quyền lực tội phạm, người nắm công quyền cao nhất sẽ là tên trùm trong hệ thống siêu băng đảng mafia này…
*
Mafia – có lẽ nhiều người biết đến từ này. Có một bộ phim có tên như vậy: một mình chống lại mafia-nếu ai đã xem phim đó sẽ biết rõ hơn từ mafia. Mafia là từ dùng chỉ loại tội phạm có tổ chức, có kẻ cầm đầu, có kế hoạch phạm tội rõ ràng và thường rất tàn bạo, độc ác khi ra tay. Mafia là một tổ chức ngoài vòng pháp luật, không có điều luật nào chi phối chúng. Mối liên kết duy nhất gắn chúng lại với nhau đó là quyền lợi, từ cái nền này chúng xây nên hệ thống quyền lực và tôn ti trật tự trong băng đảng. Quyền lực của chúng đến từ khẩu súng và tiền bạc. Một điều đặc biệt ở đây là tất cả những thành viên của chúng bị ràng buộc với nhau trong một cuộc chơi, mà ở đó lương tâm hay đạo đức là yếu tố thứ yếu. Từng người phải hành động vì sự sống còn của mình nếu tồn tại lương tâm, đạo đức thì không khác gì việc lấy búa mà ghè vào chân chính mình. Ở hệ thống này mệnh lệnh đến từ lời nói của tên Trùm, không cần văn bản gì hết. Đây là những điểm chính của một tổ chức mang tên Mafia. Tổ chức này là điều hãi hùng với bất cứ người dân lương thiện nào, nó là cái quái đảng kinh khủng đối với bất cứ đất nước nào. Nó là nỗi kinh hoàng của dân lành khắp nơi trên địa cầu từ Ý đến Hồng Kông, Macao, Mehico, Nga, Mỹ,….Nó là nhiệm vụ cần phải diệt trừ hàng đầu của bất cứ chính phủ nào.
Trong một xã hội loài người có một tổ chức quyền lực khác, ta gọi là chính phủ. Chính phủ là một tổ chức to lớn nhất, quyền lực nhất của một đất nước. Nó được lập ra để bảo đảm một điều là: người dân trong nước được yên ổn làm ăn sinh sống. Tư tưởng chính trị hiện đại chỉ rõ: quyền lực người đứng đầu tổ chức này (chính phủ) đến từ sự ủy quyền của người dân. Người đó có thể là thủ tướng, tổng thống, hay chủ tịch tùy theo pháp luật nhà nước đó qui định. Quyền lực của chính phủ hoạt động dựa trên tính chính danh của luật pháp, mọi người theo luật mà làm việc. Luật được xây dựng trên ý chí và nguyện vọng của tất cả mọi người. Tinh thần thượng tôn luật pháp là một nguyên lý lớn để vận hành hệ thống quyền lực đó. Người đứng đầu chỉ có thể có quyền lực trong khuôn khổ của luật pháp qui định và lệnh của người đó phải thể hiện qua văn bản hợp hiến mới có quyền lực với thuộc cấp. Quyền lực người đứng đầu chính phủ đến từ công quyền, đó quyền lực hợp pháp. Nó khác hoàn toàn quyền lực đến từ mối quan hệ quyền lợi và trấn áp của Mafia. Đó là tính khoa học cho một tổ chức chính phủ và quyền hành của người đứng đầu nó.
Nhưng thực tế nhiều khi không đúng như vậy. Khi mà thiết chế luật pháp, thiết chế xã hội và quyền hành người dân chưa đủ để giám sát quyền lực của người đứng đầu chính phủ thì họ hoàn toàn có thể lạm dụng quyền lực đó.
Rất nhiều chính phủ mà khi nhìn kỹ vào bên trong sự vận hành quyền lực của nó, ta thấy không khác gì một tổ chức Mafia với đầy đủ nguyên lý chính của nó. Người đứng đầu chính phủ không những có quyền lực từ luật pháp qui định mà còn có quyền lực từ sự ban phát cuộc sống, quyền lợi cho người khác. Tức là quyền đến từ con đường ngầm (mọi người tự hiểu mà làm).
Ở nước ta, quyền lực nhà nước (công quyền) từ khi rơi vào tay ĐCS VN, một tổ chức khép kín, nắm hầu hết các điều kiện ảnh hưởng đến cuộc sống của mọi người: kinh tế, chính trị, truyền thông, văn hóa. Trong điều kiện đó, hoàn toàn dễ tưởng tượng ra là người đứng đầu tổ chức này, chính phủ này có quyền vượt quá quyền do luật pháp qui định, vì sao thế? Vì người đó nắm được cái yết hầu, cái sinh tồn của người khác.
Thời chiến tranh và bao cấp, với kinh tế tuyệt đối quốc doanh, tập thể, trong khi đảng lãng đạo toàn diện đến cây kim, sợi chỉ cho nên Tổng bí thư là người có siêu quyền lực, chỉ thiếu ngai vàng nữa là vua. Do vậy Lê Duẩn và phe cánh mới nói được câu “Đảng là tao, tao là Đảng”, nhiều mệnh lệnh, chỉ thị không cần văn bản, không cần dấu vẫn có hiệu lực với người thi hành vì họ không có con đường nào khác. Minh chứng hùng hồn cho nhận định này là chỉ thị Z30.
Khi đất nước cởi mở một phần kinh tế, người dân không còn bị nhà nước nắm quyền sống qua sổ gạo nữa thì quyền lực cũng chuyển dần từ tay tổng bí thư sang thủ tướng. Tại sao như vậy? Tại vì quyền điều hành nền kinh tế, cái dạ dày của tất cả chúng ta đã ở trong tay vị này. Hãy xem thủ tướng đã nắm những gì: tất những yết hầu của nền kinh tế: xăng dầu, điện, than, nước, khoáng sản, cảng biển, viễn thông, truyền thông,……Giống như mafia, khi nắm quyền sống thì có thể điều khiển người khác mà không cần luật pháp. Bạn có thể tranh luận hùng hồn về vấn đề pháp lý nhưng bạn sẽ khốn đốn khi bị “đánh nguội” cái yết hầu sinh nhai của bạn và gia đình, khi đó bạn sẽ tự biết điều gì nên làm, điều gì nên tránh.
Hãy xem nền hành pháp ở VN thời gian qua để biết xu hướng Mafia của đất nước này: một minh chứng vô tiền khoán hậu cho nền hành pháp kiểu mafia là chỉ thị cấm biểu tình không cần chữ ký nhưng vẫn có giá thị thực thi. Hàng loạt người dân yêu nước xuống đường chống TQ bành trướng bị bắt giam, cải tạo mà không đếm xỉa đến trình tự của luật lệ. Điển hình trong số này là bà Bùi Hằng và cô Huỳnh Thục Vy. Đó là chưa kể đến vô vàn trường hợp bị bắt trái qui trình luật pháp (chưa có lệnh của tòa án, công tố) sau đó chết tại nơi giam giữ mà lý lẽ của kẻ nắm quyền luôn cùng phe cánh với nhau. Điển hình trong trường hợp này là cái chết thương tâm của anh Nguyễn Công Nhựt. Điều này là cực kỳ nguy hiểm vì mafia luôn là nổi ám ảnh của bất cứ ai, mà chính phủ mafia là tổ chức mafia to lớn, quyền lực nhất. Một đất nước không còn được quản lý bỡi luật pháp mà được cai trị theo kiểu mafia thì rất đáng sợ, ở đó không ai dám cất lên tiếng nói của công lý và lương tâm, bất cứ ai cũng có thể là nạn nhân của kẻ nắm quyền. Côn đồ, tội phạm được chính quyền sử dụng, bảo cơ thì cực kỳ nguy hiểm.
Khi một nhà nước đi vào mô hình mafia là hiểm họa cho cả xã hội, khi đó quyền lực công đã biến thái sang quyền lực tội phạm, người nắm công quyền cao nhất sẽ là tên trùm trong hệ thống siêu băng đảng mafia này.
Từ nhận định nguyên lý quyền lực và biểu hiện của nhà nước mafia, ta thấy ngoài VN ra, ta còn có thể thấy ở bất cứ nước nào, khi mà người cầm quyền có quyền ban phát ân huệ kinh tế qua sự độc quyền kinh tế và truyền thông nhà nước thì chính phủ của nó sẽ có xu hướng mafia. Ta có thể thấy điều trên ở nhà nước Nga, Venezuela, Bắc Triều Tiên hay TQ (rõ nhất dưới thời bố già Đặng Tiểu Bình).
Đây là một nhận thức soi sáng chúng ta trên đường xây dựng đất nước thượng tôn pháp luật. Chính phủ được lập ra để bảo vệ quyền lợi mọi người theo luật mà không bị lũng đoạn bỡi phe nhóm nào. Điều trên chỉ có thể có khi nguyên lý mafia của nó không còn tồn tại, tức là chính phủ đó không được nắm kinh tế. Khi đó điều kiện ban phát, nắm yết hầu người dân không còn là đặc quyền của kẻ đứng đầu chính phủ.
Có một nghịch lý là rất nhiều người căm ghét độc tài, e sợ một chính phủ mafia nhưng lại đi cổ vũ cho nguyên lý hình thành nên nó: kinh tế nhà nước, doanh nghiệp quốc doanh. Có lẽ họ đã quên một nguyên lý đơn giản trong đời sống loài người: ai nắm kế sinh nhai, người đó có quyền!

Không có nhận xét nào: