Pages

Thứ Sáu, 20 tháng 7, 2012

Phe nổi dậy tiến quân ở Syria, nghị quyết của Liên Hiệp Quốc bị chận

al-Pessin, Larry Freund - VOA - 20.07.2012
Hôm qua là một trong những ngày chết chóc nhiều nhất trong cuộc xung đột ở Syria. Một nhóm theo dõi nhân quyền cho hay hơn 250 người đã thiệt mạng ở nhiều nơi trong nước. Lực lượng nổi dậy nói đã chiếm đóng các cửa khẩu biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq, và tấn công nhiều tòa nhà chính phủ ở Damascus. Hàng ngàn người Syria bỏ chạy băng qua biên giới vào Lebanon. Trong khi đó, tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Nga và Trung Quốc đã phủ quyết một nghị quyết đe dọa trừng phạt Syria nếu nước này không chịu ngưng sử dụng vũ khí hạng nặng nhắm vào dân chúng. 

Một gia đình cho biết họ đã phải mất cả ngày để thực hiện chuyến đi lẽ ra chỉ mất 2 tiếng từ Damascus đến Beirut vì những đám đông ở cửa khẩu biên giới. Người tỵ nạn chạy trốn trong khi bạo động và tình hình bất định ngày càng tăng ở nhiều nơi tại Syria. Lực lượng nổi dậy vẫn tiếp tục dồn áp lực lên quân đội chính phủ sau vụ đánh bom hôm thứ tư ở Damascus gây thiệt mạng cho Bộ trưởng Quốc phòng và 2 giới chức cấp cao khác.



Hôm qua, phe nổi dậy đã nắm quyền kiểm soát các cửa khẩu biên giới giáp với Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq, và Iraq đã đóng cửa biên giới.

Tổ chức Ðài Quan sát Nhân quyền có trụ sở ở London báo cáo có 155 thường dân thiệt mạng trong các vụ giao tranh ở biên giới, tại Damascus và những nơi khác, cùng với 93 thành viên của lực lượng chính phủ, khiến cho ngày thứ năm trở thành một trong những ngày có nhiều tử vong nhất trong cuộc nổi dậy kéo dài đã 16 tháng. Chưa có tin về tổn thất về phía phe nổi dậy.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad xuất hiện trên đài truyền hình nhà nước lần đầu tiên kể từ sau vụ đánh bom hôm thứ tư, chấm dứt những tin đồn cho rằng ông ta cũng đã bị thương trong vụ đánh bom.

Chuyên gia phân tích Torbjorn Soltvedt thuộc công ty đánh giá rủi ro Maplecroft ở Anh nói rằng vụ đánh bom có thể đã gây suy yếu cho cơ sở hậu thuẫn chính phủ Assad:

“Ðiều đã trở nên rõ ràng là sự kiện này sẽ gây tác động đáng kể đến vụ xung đột. Tôi nghĩ đầu tiên và trên hết, nó sẽ cảnh báo các thành viên cốt lõi của chế độ và ta có thể thấy hậu quả là những vụ đào tỵ trong các giới chức quân sự và dân sự.”

Không có vụ đào tỵ nào được báo cáo hôm qua.

Trong khi đó, tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, sau khi hoãn cuộc biểu quyết 1 ngày để mưu tìm một quan điểm chung, Hội đồng Bảo an đã bỏ phiếu về một nghị quyết được Tây phương hậu thuẫn nhằm củng cố các nghị quyết trước đây để chấm dứt cuộc giao tranh ở Syria. Nhưng đã không có được một quan điểm chung.

Phát biểu qua một thông dịch viên, chủ tịch Hội đồng Bảo an, Ðại sứ Nestor Osorio của Colombia, loan báo kết quả.

“Kết quả bỏ phiếu như sau: 11 phiếu thuận, 2 phiếu chống, 2 phiếu trắng. Dự thảo nghị quyết đã không được phê chuẩn vì các phiếu chống của các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an.”

Đây là lần thứ ba Nga và Trung Quốc, 2 trong số 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an, đã dùng quyền phủ quyết để chống lại nghị quyết lẽ ra sẽ dồn áp lực lên chính phủ và phe đối lập tại Syria phải chấm dứt bạo lực ở nước đó. Hai nước không bỏ phiếu là Pakistan và Nam Phi.

Ông Mark Lyall Grant, đại sứ Anh ở Liên Hiệp Quốc, tuyên bố nước ông rất chán nản về quyết định của Nga và Trung Quốc phủ quyết nghị quyết mà theo ông nhắm mục tiêu đem lại sự kết thúc cho tình trạng đổ máu ở Syria. Đại sứ Grant nói:

“Quyết định của họ có tác dụng bảo vệ một chế độ bạo tàn. Họ đã quyết định đặt quyền lợi quốc gia của mình lên trên mạng sống của hàng triệu người dân Syria. Thưa ngài chủ tịch, các hậu quả của quyết định này rất rõ; sẽ có thêm đổ máu và có nhiều phần chắc sẽ biến thành một cuộc nội chiến toàn diện.”

Ðại diện Nga, ông Vitaly Churkin, qua lời một thông dịch viên, nói rằng nước ông không thể đồng ý với một nghị quyết mà ông nói là sẽ mở đường cho áp lực trừng phạt và cho sự can thiệp quân sự từ bên ngoài vào các vấn đề nội bộ của Syria. Ông nói:

“Những người bảo trợ cho dự án vừa thất bại đã tìm cách đổ thêm dầu vào lửa cho vụ đối đầu ở Hội đồng Bảo an. Dự thảo nghị quyết vừa được đưa ra bỏ phiếu mang tính thiên lệch. Những lời đe dọa chế tài đặc biệt nhắm vào chính phủ Syria.”

Ðại sứ Hoa Kỳ Susan Rice nói với Hội đồng Bảo an rằng nghị quyết bị phủ quyết sẽ không đưa đến sự can thiệp quân sự của quốc tế.

“Bất chấp những lời tuyên bố đầy nghi kỵ nếu không nói là đạo đức giả của một số người chống lại, không có cách nào nghị quyết này cho phép hay thậm chí mở đường cho sự can thiệp quân sự của nước ngoài.”

Bà Rice cũng nói tình trạng leo thang của cái mà bà gọi là những vụ tấn công của chính phủ nhắm vào nhân dân của chính mình còn đáng lo ngại hơn nhiều bởi vì những kho dự trữ vũ khí hóa học lớn của Syria. Đại sứ Rice nói:

“Chúng tôi đã khẳng định rõ rằng các vũ khí này phải được giữ an toàn và chế độ sẽ phải chịu trách nhiệm về việc sử dụng chúng, bởi vì, khi tình hình xấu hơn, thì khả năng chế độ này có thể cứu xét việc sử dụng vũ khí hóa học nhắm vào chính người dân của họ ắt phải là một mối quan ngại cho tất cả chúng ta.”

Ðặc sứ Liên Hiệp Quốc về Syria, ông Kofi Annan, nói ông lấy làm thất vọng là Hội đồng Bảo an đã không có quyết định mạnh và đồng bộ như ông đã kêu gọi.

Nhiệm vụ của phái bộ quan sát Liên Hiệp Quốc chấm dứt hôm nay. Hội đồng Bảo an nay đang cứu xét một nghị quyết gia hạn nhiệm vụ này trong một thời gian ngắn để các quan sát viên có thể rút lui một cách có trật tự ra khỏi Syria.

Không có nhận xét nào: