Pages

Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2012

Quy Tắc Ứng Xử Biển Ðông có thể chỉ là tờ giấy vô giá trị


PHNOM PENH, Cambodia (NV) - Một bộ quy tắc ứng xử mà các nước ASEAN muốn ký với Trung Quốc để tránh các xung đột liên quan tới chủ quyền biển đảo trên Biển Ðông có thể chỉ là một tờ giấy vô giá trị.
Ngoại Trưởng Hillary Clinton (thứ ba từ trái, hàng đầu) chụp hình chung trước khi dự bữa tiệc ở Tòa Thị Chính Phnom Penh hôm 12 Tháng Bảy, khi dự cuộc họp ASEAN. (Hình: Brendan Smialowski/AFP/GettyImages)
Các tin tức từ các phiên họp của ASEAN ở thủ đô Phnom Penh nói những gì quan trọng mà các nước có tranh chấp với Trung Quốc về Biển Ðông muốn đưa vào văn bản đều bị Bắc Kinh bác bỏ.
Một mặt, Bắc Kinh áp lực với nước chủ nhà Cambodia, chủ tịch luân phiên ASEAN, không đem vấn đề Biển Ðông ra thảo luận. Mặt khác, Bắc Kinh muốn một bộ quy tắc ứng xử kiểu lời lẽ mơ hồ để có thể bên nào cũng có cách giải thích theo ý mình mà vi phạm.

Trong trường hợp này, Bắc Kinh, với thế mạnh quân sự và hải quân hơn hẳn tất cả các nước đang tranh chấp, sẽ tận dụng mọi đòn phép để chiếm ưu thế mà trên hết vẫn là muốn nuốt hết khối dầu khí khổng lồ nằm dưới đáy biển.
Theo hãng thông tấn AFP, các nước ASEAN muốn một bộ Quy Tắc Ứng Xử (Code of Conduct-COC) căn cứ trên luật lệ và thông lệ quốc tế bao gồm cả Công Ước Quốc Tế Về Luật Biển (UNCLOS).
Công ước UNCLOS ấn định giới hạn các nước ven biển được quyền xác định lãnh hải tới đâu và các vùng đặc quyền kinh tế. Nhưng Bắc Kinh kịch liệt chống đối một bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc pháp lý chặt chẽ và rõ ràng.
Bắc Kinh coi chuyện tranh chấp Biển Ðông chỉ là chuyện giữa một số nước với Bắc Kinh chứ không phải với cả khối ASEAN, nên tìm đủ mọi cách ảnh hưởng và chống đối để COC thành hình một cách có lợi cho mình.
“Vấn đề Biển Ðông không phải là chuyện giữa Trung Quốc và ASEAN mà chỉ là giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN,” ông Lưu Vi Dân, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, phát biểu hôm Thứ Tư.
Ngoại Trưởng Dương Khiết Trì của Trung Quốc, khi đến Phnom Penh dự hội nghị, cũng như hệ thống tuyên truyền của Bắc Kinh, chỉ cổ võ cho một thứ văn bản “tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau.” Rồi “tới khi chín mùi” thì mới thảo luận một bộ quy tắc ứng xử.
Hoa Kỳ, Việt Nam, và Philippines muốn cuộc thảo luận đa phương để giải quyết tranh chấp Biển Ðông, nhưng Bắc Kinh luôn luôn bác bỏ. Ðàm phán song phương sẽ dễ cho Bắc Kinh áp đảo các nước láng giềng nhỏ và yếu hơn.
Một bộ quy tắc ứng xử kiểu không thể xác định ranh giới sẽ không có khả năng áp dụng và trở nên không có tác dụng đích thực.
Trong chiều hướng đó, người ta thấy văn bản sẽ phản ảnh sự chia rẽ của khối ASEAN do hậu quả từ các áp lực của Trung Quốc với riêng từng nước.

Không có nhận xét nào: