Pages

Thứ Ba, 10 tháng 7, 2012

Thư Ts Trần Nhơn gửi Trương Tấn Sang về Luật Tài nguyên nước


Câu chuyện “chèo kéo, tranh chấp chức năng quản lý lưu vực sông kéo dài hơn 6 năm trời giữa Bộ TN-MT và Bộ NN&PTNT”; việc “đùn qua đẩy lại, đá loanh quanh” của sự cố đập Sông Tranh và xả lũ “đúng quy trình vận hành” nhưng lại gây ngập lụt, cuốn trôi nhà cửa, ruộng vườn vùng hạ du các Thủy điện Miền Trung… là hậu quả trực tiếp hoặc gián tiếp của tình trạng quản lý bất cập…

Hà Nội ngày 8 tháng 7 năm 2012 
Kính gửi Anh Trương Tấn Sang
Thưa Anh, trong bức Tâm thư gửi đến Anh hôm nay, tôi xin trình bày 2 việc:
Một là, việc đã qua cần rút kinh nghiệm:
Quốc hội vừa thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) ngày 21 tháng 6 năm 2012 và đã trình lên Anh, cho dù Luật này rất phiến diện, kém chất lượng, không kế thừa đầy đủ Luật Tài nguyên nước (TNN) 1998. Điều này chắc Anh cũng đã nắm rõ phần nào. Tuy nhiên, tôi vẫn phải nhấn mạnh và phản ảnh đến Anh để biết và khả dĩ tùy nghi xử lý. Chí ít là có sự rút kinh nghiệm sâu sắc. Chủ trương ban đầu của Chính phủ và Quốc hội là làm Luật sửa đổi, nhưng Ban soạn thảo (chuyên môn, nghiệp vụ đều yếu lại khá bảo thủ) đã viết lại mới hoàn toàn (phiến diện, chất lượng kém như vừa nêu trên). Vậy nên bây giờ đành phải lấy tiêu đề là Luật Tài nguyên nước, thực chất là một luật mới: Luật TNN 2012, thay cho Luật Tài nguyên nước 1998 (*).
Hai là, việc sắp tới “cần làm ngay”Quản lý nhà nước về tài nguyên nước cần sớm thu về một đầu mối.
Qua các cuộc hội thảo, tọa đàm (tôi được tham dự) đóng góp ý kiến vào Dự Luật TNN (sửa đổi) lần này, nổi lên một yêu cầu bức xúc:
Phải gắn việc sửa đổi Luật TNN lần này với việc thu về một đầu mối cơ quan ngang Bộ quản lý nhà nước về nước. Không thể để phân tán, chia cắt như hiện nay. Tình trạng đó làm cho công tác quản lý nhà nước về Tài nguyên nước xuống cấp rất nghiêm trọng, chưa bao giờ tệ hại như bây giờ! Câu chuyện “chèo kéo, tranh chấp chức năng quản lý lưu vực sông kéo dài hơn 6 năm trời (từ năm 2002 đến năm 2008) giữa Bộ TN-MT và Bộ NN&PTNT”; việc “đùn qua đẩy lại, đá loanh quanh” của sự cố đập Sông Tranh và xả lũ “đúng quy trình vận hành” nhưng lại gây ngập lụt, cuốn trôi nhà cửa, ruộng vườn vùng hạ du các Thủy điện Miền Trung… là hậu quả trực tiếp hoặc gián tiếp của tình trạng quản lý bất cập đó.
Nhiều chuyên gia, cán bộ hoạt động thực tiễn tha thiết, bức xúc: Không làm được việc thu về một đầu mối cơ quan ngang Bộ quản lý nhà nước về nước vào dịp này thì không biết sẽ có thể còn làm được vào lúc nào nữa!
Có 3 phương án khả thi sơ bộ được đề xuất (nêu trong phần Phụ lục). Đề nghị Anh quan tâm tham khảo, giao nhiệm vụ và trao đổi thêm với cơ quan hữu trách, giới chức hữu quan để đề xuất với Bộ Chính trị; có ý kiến với Chính phủ, sớm cứu vớt ngành thủy lợi thoát khỏi cảnh “xẻ nghé tan đàn”, đầu một nơi, mình mẩy tay chân một nẻo. Làm được điều này, và sớm đưa vào cuộc sống những ý tưởng, quan điểm đề xuất trong phần Phụ lục đính kèm (đã được ghi nhận trong Quyết định Phê duyệt Chiến lược quốc gia về TNN đến năm 2020 – QĐ 81/2006/QĐ-TTg), là góp phần giảm thiểu một “bầy sâu” lớn đang hoành hành trong xã hội ta hiện nay.
Thưa Anh,
Trong 2 việc trình bày với Anh trên đây thì việc thứ hai là quan trọng và chủ yếu. Đó cũng là việc rất cấp bách (SOS!).
Nếu không có sự “xẻ nghé tan đàn”, đầu một nơi, mình mẩy tay chân một nẻo của ngành Nước (kéo dài trong 10 năm qua) do cựu Bộ trưởng Lê Huy Ngọ không nghiêm túc thực hiện Nghị quyết 02/2002/QH11, ngày 5/8/2002, trong việc bàn giao tổ chức và lực lượng nhân sự tương thích cho Bộ TN-MT (do nhận thức chưa đến nơi hay vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm?) thì cũng đã không xảy ra sự việc đáng tiếc (đó là việc đưa ra dự thảo văn bản Luật kém chất lượng vừa được QH thông qua do thiếu vắng nguồn nhân lực công chức am hiểu sâu về quản lý ngành nước) như đã nêu ở điểm 1 của thư này.
Nhân đây cũng xin phản ảnh với Anh, ý kiến của một số thức giả cho rằng: việc chọn lựa một trong 3 phương án (hay thêm một vài phương án nữa để so sánh) và chỉ đạo kiên quyết, rốt ráo để phương án được chọn sớm trở thành hiện thực, cũng không đơn giản, dễ dàng trong tình hình hiện nay. Bởi các nhóm lợi ích và các cá nhân có ảnh hưởng, không ít người, thường khi nói thì rất “hùng biện” vì cái này cái nọ và vì sự nghiệp chung, nhưng trên thực tế, họ chỉ nhìn sự việc qua lăng kính lợi ích: thực hiện theo phương án này hay phương án kia ta sẽ được gì và mất gì. Họ cảm nhận vấn đề rất nhanh, và tìm mọi lý lẽ ngụy biện để tham góp ý kiến với nhà nước theo hướng “ra sức chiến đấu” cho lợi ích cá nhân và lợi ích nhóm của mình. Điều này Anh cũng biết quá rõ. Tôi chỉ xin nêu như vậy để mong Anh dành thêm sự quan tâm thích đáng cho chủ đề “Quản lý nhà nước về TNN cần sớm thu về một đầu mối”, là yêu cầu khách quan, cũng là nỗi niềm bức xúc của các thế hệ cán bộ, chuyên gia ngành Nước. Tôi chỉ là người chịu khó tìm hiểu, lắng nghe và “đứng mũi chịu sào” phản ảnh tình hình đến nhà chức trách và các vị lãnh đạo mà thôi.
Kính chúc sức khỏe và xin gửi đến Anh lời chào trân trọng.
Kính thư
Trần Nhơn
189 Chùa Bộc – Hà Nội
Mob: 0989 889 686
E-mail: 3d@trannhon.com
_________________________
gửi Dân Làm Báo
_________________________
Chú thích:
(*) Thông thường ở QH ta, sau một số lần có các “Luật sửa đổi và bổ sung một số Điều” của một “Luật gốc” nào đó, rồi sau đó, khi thực sự có nhu cầu chín muồi, mới soạn ra Luật mới thay cho “Luật gốc” cũ. Ví dụ như đối với Luật Đất đai 1993 (89 Điều), đã có 2 Luật sửa đổi và bổ sung một số Điều của Luật Đất đai 1993 vào năm 1998 và năm 2001. Đến năm 2003 mới ra luật Đất đai mới: Luật Đất đai 2003 (146 Điều).
PHỤ LỤC:

Không có nhận xét nào: