Pages

Thứ Năm, 5 tháng 7, 2012

TQ ‘tăng cường đàn áp’ ở Tân Cương



Cảnh sát Trung Quốc trên đường phố Tân Cương
Căng thẳng và bất bình vẫn âm ỉ ở Tân Cương
Trung Quốc đã bắt giữ và đe dọa hàng chục người thuộc sắc tộc Duy Ngô Nhĩ ở khu tự̣ trị Tân Cương thuộc miền viễn tây đất nước này, Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết trong một phúc trình được đưa ra hôm thứ Tư ngày 4/7.
Những người này bị bắt giữ sau khi xảy ra các vụ bạo loạn ba năm trước ở thủ phủ Urumqi của khu tự trị Tân Cương. Theo Ân xá Quốc tế thì họ bị bắt giữ vì ‘đã lên tiếng về những vi phạm nhân quyền’ của chính phủ Trung Quốc.

Đa phần những người Duy Ngô Nhĩ, vốn theo đạo Hồi, có ngôn ngữ riêng và xem Tân Cương là quê cha đất tổ, đều bất bình với sự cai trị của Trung Quốc.
Urumqi đã chìm trong bạo lực hồi tháng 7 năm 2009 giữa những người Hán chiếm đa số và người Duy Ngô Nhĩ thiểu số làm gần 200 người chết.

‘Uy hiếp gia đình’

Kể từ khi các cuộc bạo động xảy ra ở Tân Cương, Trung Quốc đã tử hình 9 người mà họ cáo buộc là kích động bạo loạn. Họ cũng bắt giữ và truy tố hàng trăm người, đổ thêm tiền của vào bộ máy an ninh ở đây, hãng tin Reuters dẫn nguồn từ truyền thông nhà nước Trung Quốc và các nhóm hoạt động nhân quyền ở hải ngoại cho biết.
Ân xá Quốc tế cho biết họ có bằng chứng mới cho thấy Bắc Kinh tiếp tục ‘uy hiếp’ các gia đình tìm kiếm thông tin về những người thân của họ bị mất tích do đã kể lại những hành vi vi phạm nhân quyền trong và sau khi diễn ra các cuộc phản đối vào năm 2009.
"Ba năm đã trôi qua mà chính quyền Trung Quốc vẫn tiếp tục bịt miệng những người dám lên tiếng về sự kiện tháng 7 năm 2009."
Catherine Baber, giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Ân xá Quốc tế
Theo bà Catherine Baber, giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Ân xá Quốc tế, thì ‘xu hướng đàn áp mà chúng ta nhìn thấy trên khắp lãnh thổ Trung Quốc đặc biệt thể hiện rõ ở Tân Cương’.
“Ba năm đã trôi qua mà chính quyền Trung Quốc vẫn tiếp tục bịt miệng những người dám lên tiếng về sự kiện tháng 7 năm 2009,” bà nói.
“Chính quyền Trung Quốc phải cho biết nơi ở của những người mất tích một cách cưỡng bức và chấm dứt đàn áp thân nhân của họ vốn chỉ tìm kiếm câu trả lời,” bà phát biểu trong bản phúc trình có tiêu đề ‘Ba năm sau cuộc bạo loạn ở Urumqi – sự đàn áp người Duy Ngô Nhĩ càng trở nên quyết liệt’.
Theo tổ chức có trụ sở ở London này thì hàng chục gia đình Duy Ngô Nhĩ đã công khai xuất hiện để kể về việc người thân của họ bị mất tích kể từ tháng 7 năm 2009 mặc dù tất cả các gia đình này đều sợ bị trả thù.
“Những gia đình can đảm này chỉ là một phần nhỏ những gia đình có người thân bị mất tích,” bà Baber nói.
Người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương
Người Duy Ngô Nhĩ bất bình với sự cai trị của người Hán
Ân xá Quốc tế dẫn lời bà Patigul Eli, người có con trai bị mất tích, cho biết bà đã gặp ít nhất 30 gia đình khác tìm cách hỏi tin tức về người thân của họ ở trước các trụ sở chính quyền và công an ở Urumqi.

Buộc hồi hương

Tổ chức này cũng cho biết trong số 20 người Duy Ngô Nhĩ bị buộc phải trở về Trung Quốc từ Campuchia hồi tháng 12 năm 2009 thì 5 người đã bị kết án chung thân trong khi 8 người khác bị bỏ tù từ 16 đến 20 năm.
Cuộc biểu tình phản đối của người Duy Ngô Nhĩ bùng nổ ở Tân Cương hồi tháng 7 năm 2009 sau khi chính quyền địa phương được cho là không có phản ứng gì trước cái chết của một công nhân Duy Ngô Nhĩ làm việc ở một công xưởng ở miền nam Trung Quốc.
Sau khi công an có hành động đàn áp thì cuộc biểu tình đã chuyển thành bạo loạn sắc tộc.
Theo các số liệu chính thức thì 197 người, đa phần là người Hán, đã thiệt mạng trong đợt bạo loạn này.
Theo lời kể của các nhân chứng mà Ân xá Quốc tế thu thập được thì công an Trung Quốc đã sử dụng bạo lực quá mức đối với những người biểu tình Duy Ngô Nhĩ. Họ được cho là đã đánh đập, sử dụng hơi cay và bắn thẳng và đám đông người biểu tình.
Sau đó là các cuộc bắt giữ hàng loạt khi lực lượng an ninh lục soát từng căn nhà một. Kết quả là hàng trăm nếu không muốn nói là hàng ngàn người đã bị bắt giữ.
Cảnh sát đưa người bị thương ra khỏi Kashgar ở Tân Cương
Hàng trăm người đã thiệt mạng trong các cuộc bạo loạn ở Tân Cương
Tân Cương có vị trí chiến lược quan trọng đối với Trung Quốc và Bắc Kinh không có dấu hiệu cho thấy họ sẽ giảm sự cai trị đối với khu vực này.
Đây là một vùng lãnh thổ rộng lớn chiếm 1/6 diện tích Trung Quốc, có trữ lượng lớn dầu, khí đốt và than và giáp giới các nước Afghanistan, Pakistan, Ấn Độ và khu vực Trung Á.
Tổ chức Đại hội Duy Ngô Nhĩ thế giới đóng tại Đức cho biết họ sẽ tổ chức các cuộc biểu tình phản đối ở trước các phái bộ ngoại giao của Trung Quốc ở 14 nước vào thứ Năm ngày 5/7 cùng với các nhóm khác cũng vận động cho quyền của người Duy Ngô Nhĩ.
Kể từ khi xảy ra bạo loạn, Bắc Kinh đã tập trung vào việc tăng cường phát triển ở Tân Cương và tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho những người thuộc sắc dân Duy Ngô Nhĩ để tìm cách giải quyết tận gốc bạo loạn.
Tuy nhiên, chính quyền cũng cho lắp đặt khoảng 40.000 camera giám sát trên khắp Urumqi.

Không có nhận xét nào: