Pages

Thứ Hai, 9 tháng 7, 2012

Trung Quốc gặp rắc rối mới tại biển Hoa Đông



Ảnh minh họa internet

Trung Quốc gặp rắc rối mới với các nước láng giềng xung quanh tranh chấp biển Hoa Đông.

Cũng như tại Biển Đông, việc Trung Quốc ra sức áp đặt chủ quyền tại biển Hoa Đông khiến nước này gặp rắc rối mới với hai nước láng giềng là Nhật Bản và Hàn Quốc.

Hai nhà hoạt động chính trị Nhật Bản đến đảo thuộc Senkaku

Ngày 6/7, hai công dân Nhật Bản đã đặt chân lên một hòn đảo thuộc Senkaku ở biển Hoa Đông hiện do Nhật Bản kiểm soát.
Hitoshi Nakama, một chính trị gia vùng Ishigaki của tỉnh Okinawa, cùng một người khác đã đặt chân lên Kitakojima, thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Người phát ngôn của Lực lượng Phòng vệ bờ biển Nhật Bản nói: “Bất chấp cảnh báo của chúng tôi, họ đã nhảy xuống biển từ một tàu cá và bơi vào đảo này”; hai người này lưu lại trên đảo trong 90 phút. Mặc dù Tokyo khẳng định Senkaku là vùng lãnh thổ của Nhật Bản, nhưng vẫn nghiêm cấm người dân của nước này tới các đảo mà không được phép.


Phản ứng về vụ việc trên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố: “Quần đảo Điếu Ngư và các đảo phụ cận là vùng lãnh thổ vốn thuộc Trung Quốc từ thời xa xưa. Những hành động bất hợp pháp của các nhà hoạt động cánh hữu Nhật Bản vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc”.

Nhật Bản ngăn chặn người Đài Loan đến Senkaku

Lực lượng Phòng vệ bờ biển Nhật Bản cho biết đã phát hiện một tàu cá chở các nhà hoạt động Đài Loan di chuyển gần quần đảo Senkaku trên biển Hoa Đông sáng 4/7, sau đó đi vào lãnh hải Nhật Bản.
Tàu của Lực lượng phòng vệ bờ biển của Nhật Bản chặn tàu cá chở các nhà hoạt động Đài Loan khi họ tìm cách tiến gần đảo thuộc SenkakuDi chuyển gần đó là bốn tàu tuần tiễu của Đài Loan. Sau khi Lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản ra cảnh báo yêu cầu các tàu trên rời khỏi khu vực này, một trong các tàu tuần tra của Đài Loan đã phản ứng bằng cách ra dấu hiệu cho biết vùng biển này thuộc Đài Loan. Tiếp đó, ba nhân viên bảo vệ bờ biển của Đài Loan không có vũ trang đã lên tàu cá trước khi nó rời khỏi vùng biển trên và quay trở về Đài Loan.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Tokyo, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Osamu Fujimura cho biết: “Chúng tôi không rõ ý đồ của họ nhưng bất kể vì mục đích gì, chúng tôi dứt khoát sẽ không dung thứ cho hành động xâm phạm vùng biển (của Nhật Bản)”. Một nhóm liên lạc đã được thành lập tại Văn phòng Thủ tướng để theo dõi vụ việc.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Trung Quốc “kêu gọi phía Nhật Bản kiềm chế, tránh có hành động có thể gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản, trong đó có cả đồng bào Đài Loan của chúng tôi”.

Thủ tướng Noda: Nhật Bản đang xem xét mua các đảo tranh chấp

Ngày 7/7, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda cho biết nước này đang xem xét việc mua một chuỗi các đảo ở Biển Hoa Đông trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc và đảo Đài Loan đang gay gắt. Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda thừa nhận chính phủ của ông đang đàm phán với một “chủ sở hữu tư nhân” nhằm quốc hữu hóa 3 trong số 8 hòn đảo không có người ở thuộc quần đảo Senkaku. Trả lời báo giới, ông Noda nói: “Không có gì phải bàn cãi khi Senkaku là một phần lãnh thổ không thể tách rời của đất nước chúng tôi. Không có vấn đề lãnh thổ hay vấn đề chủ sở hữu khi mà Nhật Bản đang kiểm soát quần đảo này. Từ quan điềm làm thế nào để duy trì và quản lý Senkaku một cách yên bình và ổn định, chúng tôi đang tiến hành nghiên cứu toàn diện về vấn đề này bằng cách thường xuyên liên lạc với chủ sở hữu các đảo”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc liền lên tiếng: Bất kỳ ai cũng không được phép “mua lại lãnh thổ thiêng liêng” của Trung Quốc.
Ngày 3/7, phát biểu tại Bắc Kinh trong buổi tiếp đoàn thương gia đến từ Nhật Bản, Phó Chủ tịch Tập Cận Bình đề nghị chính phủ hai nước “nên kiên quyết ngăn chặn hành động sẽ hủy hoại những quan điểm mang tính chất dân tộc của cả hai nước”. Lời cảnh báo ám chỉ tới kế hoạch gây tranh cãi do Thị trưởng Toky Shintaro Ishihara đề ra nhằm mua một số đảo thuộc Senkaku ở biển Hoa Đông.
Trong khi đó, một đơn vị hải quân ra thông báo cấm tàu thuyền không được đi lại tại năm khu vực biển thuộc Biển Hoa Đông, nơi đơn vị này tổ chức diễn tập bắn đạn thật trong khoảng thời gian từ ngày 7/7-15/7/2012. Động thái này không ngoài ý đồ cảnh cáo ngầm Nhật Bản.

Trung Quốc không đồng tình việc Hàn Quốc mở rộng ranh giới thềm lục địa

Chính phủ Hàn Quốc gần đây tiết lộ kế hoạch gửi hồ sơ về vấn đề mở rộng ranh giới ngoài thềm lục địa tại Biển Hoa Đông lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa (CLCS) của Liên hợp quốc trong năm nay. Trong hồ sơ đệ trình, Hàn Quốc dự kiến sẽ khẳng định thềm lục địa của bán đảo Hàn Quốc kéo dài từ vùng biển lục địa đến vùng lõm Okinawa (hay còn gọi là đới hút chìm Okinawa) thuộc Biển Hoa Đông, vượt quá vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ sở của nước này. Theo Công ước Luật Biển của LHQ, các nước có nhu cầu phân định thềm lục địa vượt quá 200 hải lý phải gửi thông tin liên quan lên CLCS.
Trung Quốc đã yêu cầu Hàn Quốc giải quyết vấn đề phân định lại thềm lục địa ở Biển Hoa Đông thông qua đàm phán giữa các nước liên quan, đồng thời nhấn mạnh phía Hàn Quốc nắm rõ việc Trung Quốc đã khẳng định chủ quyền lãnh thổ ở Biển Hoa Đông một cách rõ ràng và nhất quán.
Năm ngoái, một tàu đánh cá Trung Quốc cố ý đâm vào một tàu thuộc lực lượng bảo vệ bờ biển của Hàn Quốc và viên thuyền trưởng người Trung Quốc đã đánh chết một sĩ quan Hàn Quốc đang thi hành công vụ. Hàn Quốc đã phạt viên thuyền trưởng càn rỡ này 30 năm tù./.
Nguồn: Hoài Nam/ Toquoc

Không có nhận xét nào: