Pages

Thứ Ba, 17 tháng 7, 2012

Việt Nam hạnh phúc?


Ngay sau khi New Economics Foundation (NEF) phát hành báo cáo Chỉ số Hành tinh Hạnh phúc (The Happy Planet Index - 2012 Report, nef) vào tháng Sáu 2012, xếp hạng Việt Nam là nước “hạnh phúc” chỉ sau Costa Rica, báo chí Việt Nam trong nước đồng loạt đưa tin Việt Nam hạnh phúc (1). Sau đây là bản lược dịch bài viết của Trần Quỳnh Hoa, một nhà báo viết cho VNS (Vietnam News), nhật báo tiếng Anh do TTXVN phát hành từ năm 1991. Tựa trang nhất của DCVOnline.
Chúng ta bằng lòng hay chẳng để ý?

Trần Quỳnh Hoa

Nhiều người Việt Nam rất hài lòng nếu nói là rất vui mừng khi biết rằng nước Việt Nam đứng thứ hai trên thế giới theo báo cáo Happy Planet Index (HPI) 2012 đã phát hành tuần trước.

HPI do Quỹ Kinh tế Mới (New Economic Foundation) một cơ sở độc lập tại Vương quốc Anh biên soạn xếp Việt Nam chỉ sau Costa Rica, và vượt xa các nước phát triển và thịnh vượng như Na Uy (29), Vương quốc Anh (41), Nhật Bản (45) và Mỹ (105 ) về mặt hạnh phúc.

Đó là một ý nghĩ đẹp, nhưng có thực sự đúng là những người sống ở các quốc gia giàu mạnh ít hạnh phúc hơn chúng ta?

Là á quân trong bảng xếp hạng hạnh phúc có thể làm một số người thỏa mãn, nhưng một số người khác vẫn còn hoài nghi, vì nạn ô nhiễm mãn tính, giao thông hỗn loạn, bệnh viện quá đông và giá bất động sản đắt đỏ tại Việt Nam.
Cảnh sát đụng độ với nông dân trong cuộc chiếm ruộng xây khu kỹ nghệ Bảo Minh tại Nam Định (Hanoi May 9, 2012.) Nguồn: REUTERS/Nguyen Lan Thang
Kết quả một cuộc thăm dò công bố tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos hồi đầu năm nay cho Việt Nam là một trong 10 nước hàng đầu tồi tệ nhất về nạn ô nhiễm không khí.

Trên đường lộ, mỗi ngày có khoảng 30 người thiệt mạng vì tai nạn giao thông tại Việt Nam.

Khi nói đến dịch vụ y tế, sức khỏe, thường hơn là hiếm khi thấy hai hoặc ba bệnh nhân nằm cùng một chiếc giường tại những bệnh viện lớn của Việt Nam. Trong khi đó, một cuộc thăm dò của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2010 cho thấy rằng giá của bảy loại thuốc phổ biến ở Việt Nam cao gấp 5 đến 40 lần so với mức trung bình của thế giới.

Theo ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, giá nhà trung bình hiện tại ở Việt Nam nhiều gấp 25 lần so với thu nhập hàng năm của công nhân, năm lần hơn giá nhà trong thế giới phát triển và gấp 10 lần giá nhà tại các quốc gia đang phát triển khác.

Ngay cả trong Báo cáo Phát triển Con người năm 2011, mà một phần của Happy Planet Index đã lấy làm căn cứ, không cho thấy hình ảnh tích cực đến thế về tình hình của Việt Nam. Bản báo cáo, do Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), phát hành cho thấy chỉ số của Việt Nam nằm dưới các nước trong nhóm phát triển con người trung bình và ngay cả còn thấp hơn mức trung bình ở các quốc gia ở Đông Á và Thái Bình Dương.
Bệnh viện Hà Nội: 3-4 người/giường, thậm chí nằm cả trên chiếu trải dưới đất. Nguồn: chaobuoisang.net
“Tiến bộ về mặt phát triển xã hội, gồm cả y tế và giáo dục, đã ít nhanh hơn,” Setsuko Yamazaki, Giám đốc của UNDP tại Việt Nam nói. “Cũng như ở nhiều nước có thu nhập trung bình khác, bất bình đẳng đang bắt đầu tăng ở Việt Nam.”

Bà Yamazaki cho biết sự bất bình đẳng trong giáo dục, y tế và thu nhập, môi trường đang hư hại, điều kiện thời tiết khắc nghiệt và những thách thức của sự thay đổi khí hậu, tất cả đều đe dọa các tiến bộ Việt Nam đã có về mặt phát triển.

“Vì vậy, hạnh phúc ở chỗ nào khi chúng ta bị tước mất tất cả các nhu cầu cơ bản trong cuộc sống?” Nguyễn Thanh Hiền, 31 tuổi, người đã đi du lịch nhiều nơi đặt câu hỏi. Bà Hiền không ngừng lặp lại những người sống đang ở châu Âu, Bắc Mỹ, Australia hay Nhật Bản may mắn dường nào.

Nhưng không phải là quá khó khăn để hiểu lý do tại sao Việt Nam đứng thứ hai trong Chỉ số Hành tinh Hạnh phúc khi người ta nhìn vào các thành phần chính của nó. Chỉ số, HPI, xếp hạng hạnh phúc của dân các nước dựa trên tuổi thọ, phúc lợi và sự bền vững của môi trường (Happy Planet Index = [(Cảm thấy có phúc lợi) x (Tuổi thọ)] / (Dấu chân sinh thái).

“Tuổi thọ”, trong Chỉ số Happy Planet dùng dữ liệu năm 2011 từ Báo cáo Phát triển Con người của UNDP, có lẽ là dữ liệu duy nhất không bị dị nghị và tranh cãi. Tuổi thọ của Việt Nam là 75,2.

Trong khi đó, về “dấu chân sinh thái”, mẫu số của phân số - dùng dữ liệu của Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới (World Wildlife Fund) để tính mức tiêu thụ tài nguyên. Điều này, theo Quỹ Kinh tế Mới, giải thích lý do tại sao nhiều nước có thu nhập cao lại có điểm thấp về chỉ số hạnh phúc - vì quần chúng dùng rất nhiều các nguồn tài nguyên thiên nhiên [cho tiện ích đời sống hàng ngày].

“Cảm thấy có phúc lợi” là thành phần được đánh giá bằng cách dùng một câu hỏi gọi là “bậc thang của cuộc sống” của Cuộc thăm dò Toàn cầu cua hãng Gallup. Để có dữ kiện về “Cảm thấy có phúc lợi” Quỹ Kinh tế Mới đã hỏi 1.000 người ở mỗi nước tưởng tượng ra một cái thang trong đó “0” là bậc đánh giá cuộc sống tồi tệ nhất và “10” là bậc đánh giá có cuộc sống tốt nhất, và cho biết họ cảm thấy đang đứng ở bậc thang thứ mấy. Việt Nam đứng ở bậc 5,8 (trong số 10) về mặt này.

Đối với Hiền, người đã đi du lịch nhiều nơi, số điểm “Cảm thấy có phúc lợi” của Việt Nam là quá cao nhưng có lẽ là phản chiếu sự ngây thơ của người trả lời thăm dò; nhiều người [trả lời thăm dò] có thể không bao giờ biết đến cuộc sống trong thế giới phát triển, và chỉ đơn giản là cảm thấy hạnh phúc với cuộc sống hiện có.

Bà Nguyễn Thị Vinh, 80 tuổi, người Hà Nội đã sống qua cả hai cuộc chiến tranh Pháp và Mỹ và không bao giờ đi du lịch ở nước ngoài, tin rằng bà đang sống như mơ.

“Ông bà không thể tưởng tượng cuộc sống mấy mươi năm trước nó khổ đến thế nào. Tôi không thể có một đêm ngủ yên hay ngay cả có một bữa ăn mà không phải chạy vào hầm tránh bom,” bà nói. “Bây giờ chúng tôi có thức ăn ngon để ăn, quần áo tốt để mặc và không phải thấy con cháu trong gia đình của chúng tôi hoặc bạn bè bị giết. Chúng tôi còn muốn gì hơn thế này nữa?”
Dân chúng biểu tình chống Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Viêt Nam (Hà Nội, on June 26, 2011) Nguồn: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images
Những vấn đề về đo lường hạnh phúc được nhà kinh tế Ấn Độ và cũng là người đoạt giải Nobel, Amartya Sen, đưa ra trong cuốn sách của ông, “The Idea of Justice”.

“Ngay cả với cùng một người, việc dùng bậc thang hạnh phúc có thể gây khá nhiều hiểu lầm nếu bỏ qua tầm quan trọng của những thiếu thốn khác mà có thể không được đánh giá đúng mức trong các bậc thang hạnh phúc,” ông viết. “Mối quan hệ giữa hoàn cảnh xã hội và nhận thức [cá nhân] cũng đưa đến các vấn đề khác trong sự cảm nhận về tiện ích vì nhận thức con người có thể có khuynh hướng che mắt chúng ta không cho thấy những thiếu thốn thực sự chúng ta đang có, mà chỉ với một sự hiểu biết rõ ràng hơn và nhiều thông tin hơn có thể mang lại cho chúng ta.

Để giải thích ý tưởng này, giáo sư Amartya Sen đưa vấn đề sức khỏe làm ví dụ. “Một trong những phức tạp trong việc đánh giá tình trạng sức khỏe bất nguồn từ sự hiểu biết thực tế của mỗi người về sức khỏe của họ có thể bị giới hạn vì thiếu kiến thức y tế và không quen thuộc đủ với những thông tin khác để so sánh.”

Vì vậy, người Việt Nam có thực sự hạnh phúc không – và chúng ta thực sự có cần phải đặt câu hỏi?

Theo DCVOnline
--------------------------

Không có nhận xét nào: