Pages

Thứ Tư, 12 tháng 9, 2012

ĐẬP CHÙA NGHÌN NĂM, XÂY BẢO TÀNG MỚI: AI OÁCH HƠN AI?


Một ngôi chùa cổ hàng nghìn năm tuổi, được cấp bằng di tích cấp quốc gia bị phá tan tành, rồi đang dần xây mới tinh tươm.
Tam Thái Phunutoday) - Có hiếu thay là đám con cháu vừa đòi xây lại từ đường thờ cúng tổ tiên cho đàng hoàng to đẹp, vừa đập tanh bành cái bàn thờ cổ các cụ để lại, sắm cái khác!
Câu chuyện vừa liên quan đến tiền, vừa liên quan đến văn hóa nóng hôi hổi suốt mấy ngày qua hẳn thuộc về dự án Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, khi Bộ Xây dựng có tờ trình gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị thẩm định dự án đầu tư xây dựng bảo tàng này, với tổng mức đầu tư 11.277 tỉ đồng.
Xin mở ngoặc thêm cho quý vị độc giả được biết: Số tiền khổng lồ này chưa bao gồm chi phí dự án thành phần đầu tư xây dựng nội dung và hình thức trưng bày do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiệntức hơn 11.000 tỷ này chỉ để dành cho cái vỏ bảo tàng.
Như thường lệ, cánh nhà báo lại được một phen nhao nhao phản đối, với đủ loại ý kiến phản biện trên trời dưới biển, mà có thể gói gọn lại trong mấy từ: lãng phí, lãng xẹt, chưa đúng lúc, dành tiền cho những thứ thiết thực hơn. Mà danh sách những thứ thiết thực hơn này, khốn khổ thay, lại có thể kéo dài vô cùng tận: Dân đói dân rét, ăn mày ăn xin, đường sá xuống cấp, trường lớp hư hỏng, thiếu cầu qua sông, rồi nào trẻ em suy dinh dưỡng, bệnh viện quá tải, vân vân và vân vân…
Dĩ nhiên, những người muốn xây dựng cái vỏ bảo tàng này cũng có lý riêng của họ. Quý vị thử nghĩ mà xem, ừ thì đất nước còn lắm gian truân, mà cứ cho là còn nghèo khó đi, nhưng sẽ thật chẳng ra làm sao nếu chúng ta chỉ suốt ngày ki ki cóp cóp từng đồng như một anh chàng khốn khổ không dám cho con đi học chỉ vì sợ tốn tiền.
Nói như ngôn ngữ tuổi teen, là nghèo vẫn phải cho Tèo đi học, chúng ta có thể nghèo nhưng quyết không tiếc tiền cho cái thứ hết sức xa xỉ và cũng hết sức thiết yếu là văn hóa. Chẳng phải chúng ta vẫn thường hay vỗ ngực tự hào về lịch sử dài đến 4.000 năm của dân tộc đó sao, xây một cái bảo tàng dù có tốn đến nửa tỷ USD đi nữa cũng là xứng đáng lắm.
Nghe nói, ở những xứ sở văn minh, bảo tàng còn là thứ không thể thiếu để chứng tỏ một thành phố có ăn có học, mà Thủ đô Hà Nội của chúng ta lại to đến thế, dù đã có mấy chục bảo tàng rồi, nhưng tiếc gì thêm tí tiền để tô son điểm phấn cho đất thần kinh? Cái luận điệu giàu thì sang, nghèo thì hèn, cứ thiếu tiền là có quyền nhơn nhơn bảo rằng ta đây cóc có cần văn chương nghệ thuật, là không thể chấp nhận được.
Một luận điệu khó nghe nữa của trường phái phản đối, là đem so sánh với nước ngoài. Chẳng hạn, có người chi li đến mức tính toán, chi phí đề nghị xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam gấp 3,5 lần so với bảo tàng lịch sử Quốc gia Úc (chỉ 155 triệu USD), trong khi, thu nhập bình quân đầu người của ta chỉ bằng 1/47 của Úc.
Một lần nữa, cha ông ta lại vô cùng vĩ đại: Quý vị nên nhớ lịch sử được ghi nhận từ thế kỷ 17 của Úc chỉ là một chàng lùn so với quá khứ oai hùng của dân tộc Việt Nam. Nói như ngôn ngữ của Bộ Tài chính khi phân trần về mức thuế, phí tại Việt Nam, là cái gì cũng phải so sánh đồng chất, tính chi phí cho từng năm lịch sử thì của ta vẫn là rẻ chán!
Người ta chỉ băn khoăn rằng, chúng ta sẽ nhét những gì cho đầy một cái vỏ đồ sộ như vậy? Kể ra, với pho lịch sử đồ sộ của dân tộc, có vẻ như chúng ta sẽ không thiếu thứ để trưng bày. Nhưng cứ coi như vậy đi, thì cái vỏ và cái ruột vẫn phải nhìn nhau từng li từng tí, kẻo râu ông nội lại cắm cằm bà ngoại. Hẳn quý vị còn nhớ, khi bỏ 2.500 tỷ đồng ra xây bảo tàng Hà Nội, người ta cũng bảo hàng chục ngàn hiện vật đang nằm chờ, nhưng cho tới giờ, khi cái vỏ đã kịp xuống cấp thì phần nội dung vẫn đang ở tận đâu đâu ấy, ờ có sao đâu nhỉ?
 
Đập cổ kính ra tìm lấy bóng (lộn). Chùa Trăm Gian sau khi được trùng tu. 
Ngược với quy luật thông thường là may áo theo người, thì nay thì với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bộ Xây dựng may áo trước, còn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tìm cách để người mặc vừa áo sau. Vả lại, nếu chẳng may có không khớp, thì kinh nghiệm hỏi xoáy đáp xoay của các bộ ngành cũng vô cùng phong phú: Học theo bài học ứng xử của cơ quan thanh tra và Bộ Giao thông vận tải trong vụ bổ nhiệm Dương Chí Dũng, Bộ Văn hóa có thể trả lời dư luận rằng do Bộ Xây dựng không hỏi, còn Bộ Xây dựng có thể đáp lại là chẳng thấy cơ quan văn hóa nói năng gì. Kết quả, nếu Bảo tàng Lịch sử Quốc gia có giống một ông lão mặc đồ hip hop, hoặc vui hơn nữa là mặc đồ sơ sinh, thì cũng chả sao, có khi càng vui ấy chứ! Đã có nước nào trên thế gian này đã làm được hay đã dám làm như chúng ta chưa nào?
Một thực trạng khác trong đời sống văn hóa nước nhà, khiến người viết dù đã khá cứng tuổi cũng phải phân vân, là tình cảm hết sức đặc biệt mà giới trẻ ngày nay dành cho quá khứ của cha ông. Chẳng cần phải nhắc đến những câu chuyện hài hước khốn nạn được đám học sinh sáng tác trong các bài thi, riêng sự kiện hội thảo rầm rộ về dạy và học lịch sử do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hồi cuối tháng 8 vừa rồi cũng đủ cho ta thấy con em nhìn lịch sử ra sao.
GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam ngậm ngùi thừa nhận: Lịch sử là môn học bị coi thường nhất trong các trường phổ thông, nhiều nơi thay thầy cô dạy sử bằng giáo viên thể dục. Ta có thể nói thêm mà không sợ bị hớ: Có lẽ các thầy cô dạy thể dục cảm thấy xấu hổ vô cùng khi được điều đi dạy sử!
Người ta chẳng rõ, nên coi tình trạng này là một bằng chứng hùng hồn để củng cố cho lập luận nên xây Bảo tàng Lịch sử Quốc gia to vật vã để khơi dậy tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, hay nên coi đây là một ví dụ cho thấy ý chí sắt đá không ngán gì hết của các thiết chế giáo dục văn hóa – lịch sử dân tộc, trong đó có các bảo tàng. Dân ta chẳng biết sử ta, nhưng đó là lỗi của ai thì đừng có vắt óc mà nghĩ làm gì cho tổn thọ: lỗi không của dân, vì dân trí thấp thì của ai nào?
Cuối cùng, sẽ thật thiếu sót nếu chúng ta không nhắc lại một sự kiện văn hóa đình đám mấy tuần qua, ấy là chuyện trùng tu chùa Trăm Gian. Sau mọi sự eo sèo, người ta chỉ còn nghe thấy đúng 3 từ do sư trụ trì chùa nói trong cuộc họp kiểm điểm: Tại tôi tất!
Chẳng biết có phải tại ông không, nhưng cách đây một thời gian, khi chùa sắp sập, thì các cơ quan chức năng bảo rằng đang phải “thắt lưng buộc bụng” để chống lạm phát, cho nên không có tiền mà sửa. Không có tiền sửa chùa nghìn năm do cha ông xây, nhưng nhân dịp 1.000 năm Thăng Long, ta vẫn có 2.500 tỷ đồng để xây bảo tàng Hà Nội, hòng thể hiện tấm lòng thành kính với tiền nhân.
Đến hôm nay, lòng thành kính ấy còn được nâng lên một bậc nữa, khi giữa lúc nguồn thu ngân sách khốn khó như hiện nay, ta vẫn có hơn 11.000 tỷ đồng cho Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Cùng lúc, đám hậu sinh khả úy đập tan ngôi chùa Trăm Gian nghìn năm tuổi.
Theo quý vị, giữa việc xây lại từ đường thờ cúng tổ tiên cho đàng hoàng to đẹp và việc đập tanh bành cái bàn thờ cổ các cụ để lại, sắm cái khác, bên nào có hiếu hơn? Hoặc diễn đạt khác đi, một đằng phá, một đằng xây, bên nào bất hiếu hơn?
Dĩ nhiên, dù sao chúng ta cũng hạnh phúc hơn nhà thơ Huy Cận, khi ta hiểu vì sao các vị La Hán ngày nay lại cau mặt với tang thương nơi xứ Phật!
*
Lại tên là… “trách nhiệm”! 
Hùng Sơn-Trà My (PL&XH) -Mấy ngày vừa qua dư luận cả nước chộn rộn vì một chuyện “động trời” xảy ra tại Chương Mỹ – Hà Nội. Một ngôi chùa cổ hàng nghìn năm tuổi, được cấp bằng di tích cấp quốc gia bị phá tan tành, rồi đang dần xây mới tinh tươm.
Vấn đề sẽ chẳng có gì đáng nói nếu không phải là ngôi chùa cổ, không phải là di tích cấp quốc gia. Bao nhiêu năm nay người ta vẫn đập đi xây mới, sư sãi vẫn dựng chùa chiền khắp nơi, người ta vẫn công đức để xây dựng những ngôi chùa to như lâu đài, thành quách, những mong muốn Đức Phật thấy được lòng thành mà phù hộ độ trì…
Giá ngôi chùa Trăm Gian không quan trọng như thế, thì có lẽ ai đập cứ đập, mà ai xây cứ xây không cần biết cấp nào quản lý, nhưng ngôi chùa này lại là di tích cấp quốc gia, khi bị phá tan hoang ra, đổ bê tông cốt thép thì người ta nhất quyết phải tìm ra người nhận trách nhiệm.
Ở đời, có tiến bộ là phải có đào thải, có cái đi lên thì cũng phải có cái tụt hậu, văn hóa nó chẳng phải là cái gì bất biến, mà phải đồng hành hòa quyện cùng với con người, với xã hội đang vận động. Chẳng ai bo bo giữ để mà “ôn cố” mãi được, phải biết “tri tân” nữa chứ… Nói thế phải chăng sự đập đi xây mới ngôi chùa nghìn năm tuổi là điều hiển nhiên?
 
Chùa Trăm Gian đang được làm mới. Ảnh: TL
Không hẳn thế. Nhưng nói vậy để hiểu ra một điều rằng, phải có sự sửa chữa, phải có sự đổi mới để phù hợp, mà ở đây là thay thế cái hỏng hóc mà còn… tiếp tục sử dụng. Ừ thì đập, ừ thì sửa, nhưng điều đáng nói là ai đập và ai sửa? Đập như thế nào và sửa như thế nào, để không phủi toẹt đi nghìn năm văn hóa mà ngôi chùa đang giữ và làm đẹp thêm, làm mới thêm, ghi dấu ấn thời đại của mỗi lần trùng tu, sửa chữa?
Điều này mới thật quan trọng thì lại không thấy ai nói đến. Như trong cuộc họp gần đây nhất cùng với các ban, ngành huyện Chương Mỹ, sư trụ trì chùa Trăm Gian, Thích Đàm Khoa đã phải nức nở ngay tại hội nghị rằng: “Tại tôi tất. Không liên quan gì đến các lãnh đạo xã và huyện. Vì lời kêu cứu của tôi suốt 4 năm trời không được đáp ứng nên tôi cũng đành liều. Nếu chờ thì không biết chờ đến bao giờ”.
Nói vậy thì khổ quá, đi tu đã là người nhà Phật, cả cuộc đời chỉ biết tụng kinh, niệm Phật, nào có biết phá, xây cần phải có quy củ, quy hoạch ra làm sao, thế mà kêu cầu đến những cấp, ngành có đầy đủ chức năng quản lý, nghiệp vụ chuyên môn thì không ai đưa ra một sự hướng dẫn, chỉ bảo. Mà cấm chẳng cấm, cho chẳng cho, người ta cứ im im, người ta cứ bảo bận, để đến khi chùa hư hại xuống cấp, nhà sư lo lắng cho tính mạng bản thân mình, cho các phật tử, chạy vạy vay mượn tiền để sửa lại thì người ta mới “quyết liệt vào cuộc” tổ chức hội thảo, hội nghị, họp hành để tìm người đổ tội…
Ngay tại cuộc họp này, xã bảo hỏi huyện, mà huyện bảo trách nhiệm là của Sở VH-TT&DL, huyện chỉ có quyền trông nom về các vấn đề an ninh trật tự, quản lý diện tích thửa đất, còn vấn đề tu bổ, trùng tu thì huyện không có thẩm quyền. Ơ thế hóa cuối cùng chùa là của ai? Sư chỉ có quyền ở và tụng kinh, còn chuyện khác thì cứ phải chờ các cấp họp hành bàn bạc, chùa có sập ra đấy cũng chả phải việc của sư?
Người đáng phải đứng ra xây sửa thì còn… bận. Người “không có chức năng” thì lại đi làm. Sự “trái khoáy” ấy bỗng nhiên trở thành đề tài sôi nổi cho báo chí, dư luận không ngớt bàn tán mổ xẻ. Trách nhiệm cuối cùng chưa biết là của ai, chỉ biết ai làm người ấy chịu, trong vụ này, rõ là nhà sư đang nhận hết trách nhiệm về mình. Mà sư thì làm gì có tóc!
Cuối cùng vẫn phải hy vọng, rằng sau một loạt các cuộc họp, hội nghị sắp tới người ta sẽ tìm ra được ai đó phải đứng ra nhận trách nhiệm thật sự. Chứ đừng đổ ráo lên đầu một nhà tu hành, cả đời chỉ biết phụng sự Đức Phật và các đồng đạo của mình. Chả lẽ cái tên “trách nhiệm” lại có phép “tàng hình”?
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo vừa yêu cầu Giám đốc Sở VH-TT&DL xem xét kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tập thể và các cá nhân trong công tác quản lý Nhà nước về vi phạm di tích lịch sử văn hóa chùa Trăm Gian, huyện Chương Mỹ. UBND huyện Chương Mỹ giao ông Nguyễn Văn Doanh, Phó Chủ tịch thường trực huyện làm Chủ tịch Hội đồng kỷ luật, chỉ đạo thực hiện quy trình yêu cầu kiểm điểm tập thể, cá nhân xong trước ngày 10-9. Ngày 14-9, hoàn thành toàn bộ nội dung kiểm điểm làm cơ sở báo cáo TP vào ngày 15-9. 

Không có nhận xét nào: