Pages

Thứ Bảy, 15 tháng 9, 2012

Biển Hoa Đông: Dồn dập tiếng trống trận


Trung Quốc phái hai tàu hải giám ra khu vực tranh chấp quanh quân đảo Điếu Ngư/Senkaku, Nhật cử tàu ra “nghênh chiến”, Trung Quốc tập trận chiếm đảo… Những hành động vũ trang và chính trị dồn dập sau khi Nhật thông báo quốc hữu hóa xong nhóm đảo tranh chấp với Trung Quốc Senkaku đang khiến người ta có cảm tưởng sắp có đấu pháo trên biển giữa Trung Quốc và Nhật Bản.


Hiện vẫn chưa biết liệu 2 tàu hải giám này của trung Quốc có tiến vào khu vực bán kính 12 hải lý xung quanh Senkaku/Điếu Ngư hay không
Bất chấp lời cảnh cáo từ Trung Quốc, hôm 11/9 Chính phủ Nhật Bản vẫn ký hợp đồng mua quần đảo Senkaku đang tranh chấp với Trung Quốc với giá 25 triệu USD của chủ sở hữu người Nhật là gia đình Kurihara.

Ngay tức thì, Chính quyền Bắc Kinh thông báo đã điều 2 tàu hải giám đến vùng biển này. Trong khi đó những cuộc biểu tình chống Nhật cùng ngày cũng diễn ra ở nhiều thành phố của Trung Quốc. Đáp trả phản ứng của Trung Quốc, Nhật thông báo cử tàu ra giám sát. Báo Quân đội Nhân dân Trung Quốc (ngày 12/9) lên án Nhật Bản đang “chơi với lửa” đồng thời đưa tin các lực lượng hải quân, không quân và tên lửa chiến lược của quân đội nước này đã tiến hành các cuộc tập trận chung ở Hoàng Hải (với mục tiêu diễn tập là chiếm lại đảo) và sa mạc Gobi hồi đầu tháng này. Báo này cũng nêu chi tiết về điều kiện thời tiết và các cuộc tập trận do Quân khu Nam Kinh tiến hành.
Giới phân tích cho rằng thông tin trên của nhật báo Quân đội Trung Quốc là một tín hiệu cảnh báo Nhật Bản rằng PLA sẵn sàng bảo vệ lãnh thổ của Trung Quốc trong cuộc tranh chấp đang leo thang căng thẳng giữa hai nước xung quanh chủ quyền quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.
Một trong những nhiệm vụ chủ chốt của Quân khu Nam Kinh là bảo vệ biển Hoa Đông, nơi Trung Quốc và Nhật Bản từ lâu đã tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Kênh truyền hình vệ tinh Thâm Quyến ngày 12/9 nói rằng các quân khu khác của PLA như Thành Đô, Tế Nam và Quảng Châu cũng đã liên tiếp tiến hành các cuộc tập trận lớn trong những ngày gần đây, trong đó có các cuộc tập trận tấn công đổ bộ bằng đường biển và đánh chặn tên lửa biển đối biển.

Người Trung Quốc biểu tình đòi chủ quyền ở Điếu Ngư/Senkaku, trước cửa lãnh sự quán Nhật ở Hồng Kông, ngày 11/9/2012
Trên mặt trận ngoại giao, trong cuộc gặp ngày 12/9 với người đồng cấp Nhật Bản Shinsuke Sugiyama, Vụ trưởng Vụ châu Á thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc La Triệu Huy đã kêu gọi Nhật Bản rút lại quyết định mua quần đảo tranh chấp nói trên, trong khi ông Sugiyama nói rằng cả hai nước sẽ tiếp tục trao đổi thông tin về vấn đề quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Tuy nhiên, cũng trong ngày 12/9, tại một cuộc họp báo ở thủ đô Tokyo, Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba đã khẳng định rằng Nhật Bản không thể từ bỏ kế hoạch mua quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.
Tôn Lập Kiện, một chuyên gia kinh tế cao cấp thuộc Đại học Phúc Đán (Trung Quốc) nhận định: “Chủ nghĩa dân tộc trong nước đang bao trùm Trung Quốc thời điểm này… Việc quốc hữu hóa quần đảo Điếu Ngư sẽ phá hủy nghiêm trọng quan hệ kinh tế Trung-Nhật”. Phát biểu với hãng thông tấn Trung Tân, Kim Bách Tùng – chuyên gia nghiên cứu của Viện Hợp tác Thương mại và Kinh tế quốc tế thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc – nói rằng Bắc Kinh có thể sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế chính thức đối với Nhật Bản.
Với tất cả những thông tin ở trên, người đọc tự hỏi, liệu một cuộc chiến tranh quy mô nhỏ giữa Nhật Bản và Trung Quốc có diễn ra trong vài ngày tới? Theo nhiều chuyên gia, khả năng này là rất thấp. Những căng thẳng trên biển Hoa Đông hiện nay chỉ là kiểu “ăn miếng trả miếng”, chứ thực chất hành động quốc hữu hóa quần đảo Senkaku của chính phủ Nhật hôm 11/9 chính là đã giúp ngăn chặn một nguy cơ chiến tranh thực sự giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Để lý giải điều này, các chuyên gia cho rằng cần phải tìm lời giải cho câu hỏi tại sao Chính phủ Nhật Bản đã nhanh chóng quyết định mua quần đảo này? Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda chỉ có một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Ðào bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC ở Vladivostok, Nga, tuần trước, và người ta không thể biết hai bên có đề cập đến chuyện này hay không. Tuy nhiên, Bộ Ngoại Giao Nhật Bản cho biết hôm 11/9 đã cử Vụ trưởng Vụ Á châu đến Bắc Kinh để giải thích nhằm tránh những hiểu lầm.
Từ tháng 7/2012, Thủ tướng Noda đã hé lộ ý kiến Chính phủ Nhật sẽ mua quần đảo Senkaku. Truyền hình NHK khi loan tin ký hợp đồng mua bán với gia đình Kurihara hôm 11/9, nói thêm rằng chính quyền trung ương Nhật Bản không có ý định phát triển Senkaku. Nhiều chuyên gia về chính trị và bang giao quốc tế giải thích rằng động thái này nhằm ngăn chặn ý định của Thống đốc Tokyo, ông Shintaro Ishihara, người có khuynh hướng tích cực chống Trung Quốc và đã phát động cuộc gây quỹ được 18 triệu USD để mua quần đảo. Nếu thuộc sở hữu của thành phố Tokyo, quần đảo không có cư dân thường trú này sẽ được xây một ngư cảng và phát triển nhiều cơ sở hoạt động khác. Những việc như vậy là sự khiêu khích mạnh mẽ đối với Trung Quốc và sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa hai nước.
“Ông Ishihara đặt chính phủ Nhật Bản vào một tình thế khó xử và đẩy họ tới chỗ phải có hành động hiện nay”- Sheila Smith, thành viên cao cấp Hội đồng Bang giao Quốc tế ở Washington, Mỹ, nhận định. Bà Sheila cho rằng phản ứng của Chính phủ Nhật Bản để gạt ông Ishihara qua bên như vậy là một chiều hướng tốt. Ông này trước đây đã tuyên bố hy vọng sẽ đến thăm Senkaku vào tháng 10/2012 và nếu chuyện này xảy ra, chắc chắn Trung Quốc sẽ rất tức giận. Theo lời bà Smith, Nhật Bản không thể để cho vấn đề tranh chấp hải đảo gây trở ngại cho mối quan hệ với Trung Quốc, một đối tác mậu dịch tối thiết yếu. Tokyo cần phải giải quyết được nhiều vấn đề khó khăn với Trung Quốc để bảo đảm rằng liên hệ kinh tế giữa hai quốc gia tiếp tục phục vụ những nhu cầu cho cả hai bên.
Phản ứng mạnh mẽ của Trung Quốc tuy nhiên là điều dễ hiểu. Giáo sư Carlyle Thayer thuộc Ðại học New South Wales, Australia, chuyên viên về các vấn đề an ninh khu vực, nói rằng: “Ðấy là cách đáp trả kiểu ăn miếng trả miếng vì Trung Quốc rất nhạy cảm về những chuyện chủ quyền”.

Quần đảo này đang gây sóng gió trong quan hệ Nhật – Trung
Lực lượng tuần duyên Nhật Bản nói họ sẽ không có biện pháp ứng phó nào đặc biệt đối với các tàu Trung Quốc nhưng sẽ tiếp tục theo dõi mọi diễn tiến. Ngược lại, tàu hải giám Trung Quốc là loại tàu bán quân sự vũ trang nhẹ, có nhiệm vụ tuần tra bảo vệ duyên hải, ngăn chặn xâm nhập trái phép, xuất nhập khẩu hàng lậu và thực hiện các hoạt động cứu cấp trên biển. Ðó không phải là những chiến hạm có khả năng hải chiến và theo dự đoán của giáo sư Thayer, các tàu này sẽ không đến gần dưới 12 hải lý thuộc vùng lãnh hải Senkaku.
Ngoại trưởng Nhật Koichiro Gemba lập luận rằng việc Chính phủ Nhật mua Senkaku là hành động nhằm “duy trì hòa bình và ổn định” cho vùng hải đảo có tranh chấp.
Với những phân tích trên, vụ tranh chấp hải đảo giữa Nhật Bản và Trung Quốc hình như đang diễn biến ngược lại với hình thức bề ngoài, vụ tranh chấp này sẽ không nổ lớn hơn mà đang đi dần tới chỗ tạm thời ổn định bằng phương cách duy trì nguyên trạng.
Theo petrotimes.vn


Xem tin nguồn: http://www.ttxva.org/bien-hoa-dong-don-dap-tieng-trong-tran/#ixzz26VqwpUMG
Follow us: thongtanxavanganh on Facebook

Không có nhận xét nào: