Pages

Thứ Tư, 12 tháng 9, 2012

Cần một chính sách thuế khoan sức dân


Tháng Chín 10, 2012 in Phỏng vấn

“Việc cắt giảm tập đoàn kinh tế chỉ là cách nói “văn sách”, thực tế không chứng minh điều đó. Chúng ta vẫn nói “quả đấm thép vinashin”, vậy quả đấm thép đó đấm vào ai, hay là lại quay lại đấm vào chính chúng ta vì chẳng thể đấm vào ai khác”- TS Lê Đăng Doanh, một trong các tác giả của “Báo cáo kinh tế vĩ mô 2012” nói
Thuế quá cao, người dân sẽ không làm gì
Thưa TS, sau khi vấn đề thuế, phí ở Việt Nam được công bố trong Báo cáo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai trong buổi Họp báo Chính phủ cho rằng, thông tin mức thu thuế, phí tại Việt Nam gấp 1,4 – 3 lần các nước trong khu vực là “chưa chính xác”. Đang có cách đánh giá khác nhau hay cách hiểukhác nhau liên quan đến chuyện thuế, phí, thưa ông?

TS Lê Đăng Doanh: Theo kết quả nghiên cứu được công bố trong báo cáo thì  mức thu thuế và phí của Việt Nam cao nhất so với các nước khác xung quanh ta: VAT cao hơn, rồi một loạt thuế nhập khẩu cũng cao. Một đồng đánh vào thuế nhập khẩu cũng là một đồng thuế đánh vào xuất khẩu vì Việt Nam nhập để xuất. Việc đánh thuế như vậy sẽ khiến cho giá cả hàng hóa rất cao từ các loại hàng hóa lắp ráp như ô tô, cho đến giá thuốc, trong khi lại làm suy giảm năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Tôi không biết bà Thứ  trưởng dẫn một số các loại thuế và phí khác là những loại nào, nhưng rõ ràng thuế TNDN, thuế TTĐB của Việt Nam là rất cao. Đặc biệt là giá đất, hiện rất cao và có nguyên do chính là do thuế cao. Điều này dẫn đến thực tế là người dân sẽ không có khả năng mua được. Tôi nghĩ là nên có một cuộc hội thảo hoặc đối thoại một cách sòng phẳng, không nên “cả vú lấp miệng em” để nói “át” đi khiến dư luận không hiểu được thực chất của vấn đề. Đồng thời tôi cũng cho rằng Bộ Tài chính nên giải thích rõ, cụ thể như thuế TNDN, thuế VTA, thuế nhập khẩu ô tô, thuế đất có cao không và tại sao phải đẩy cao đến như vậy.
Tháng 10 tới đây, luật thuế TNCN sửa đổi sẽ được đưa ra QH, những báo cáo chính thức cho thấy, chỉ sau 3 năm thi hành Luật Thuế thu nhập cá nhân, hơn 15 triệu mã số thuế đã được cấp. Tốc độ thu, hay “tăng trưởng” hàng năm tăng cực nhanh: Năm 2009 là 14,3 tỷ đồng, và dự toán 2012 là 42,4 tỷ tăng hơn gấp 3 lần. Dường như có tư tưởng tận thu trong chính sách thuế này, thưa TS?- Thuế TNCN thời gian qua đã có thảo luận rất nhiều lần. Bộ trưởng Bộ Tài chính có nói sẽ lắng nghe và đến thời điểm này tờ trình đưa ra đã có sự điều chỉnh, nâng mức khởi điểm chịu thuế. Vấn đề ở đây còn vướng mắc đó là mức độ lũy tiến nhanh và xem xét mức độ đó có phù hợp với khả năng và sức chịu đựng của người dân hay không. “Định luật Laffer”- mang tên một nhà kinh tế học người Canada, cho rằng: Có thể thu được nhiều thuế, khi mức thuế thấp ở mức xã hội chấp nhận. Nếu mức thuế thu tới 100% thì người dân sẽ không làm gì cả, bởi càng làm, càng khiến mức thuế lên cao. Và thực tế cho thấy: Thuế càng cao người ta càng trốn thuế, lách thuế. Thụy Điển là một ví dụ. Mức thuế thu nhập lũy tiến ở Thụy Điển có lúc đã lên cao tới 65% khiến trong suốt một thời kỳ, người dân Thụy Điển không làm gì cả, một gia đình có hai  vợ chồng thì có tình trạng chỉ một người đi làm để tránh bị đưa vào nhóm đóng thuế tới 65%. Sau đó, Thụy Điển đã phải giảm thuế TNCN xuống tới mức tối đa là 50%.
Tôi nghĩ Việt Nam cũng nên có một chính sách thuế khoan sức dân thay vì thu  ở mức rất cao. Nhà nước cũng nên xem lại mức chi tiêu của mình. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị về thu chi ngân sách từ nay đến cuối năm trong đó có quy định về việc tiệc tùng, chiêu đãi, đi nước ngoài phải xem xét lại chặt chẽ. Tôi thấy đây là việc làm tích cực và nên xem xét áp dụng cho các năm sau. Nhiều nước khác như Nhật Bản, rất  giàu có, nhưng các cuộc chiêu đãi bằng tiền vốn ngân sách tuyệt đối không được sử dụng rượu, thậm chí trừ khách, những người tham dự cùng phải tự trả tiền. Còn ở mình thì một ông khách có tới 7-8 ông chủ nhà. Ngân sách hiện đang phải gánh những khoản chi tưởng là nhỏ, là không đáng quan tâm như vậy đấy.
Tăng trưởng không thể dựa vào việc bán tài nguyênCông tác thu ngân sách vượt dự toán, ngoài thuế, phí cao thì nguồn thu chủ yếu là từ nguồn dầu mỏ? Ở đây có thể hiểu là bán tài nguyên,thưa TS?- Nguồn thu từ việc bán nhà, bán dầu mỏ, hay than đá chính là thu từ việc bán tài nguyên, và thuế thu từ đất cũng vậy. Đây là những tài nguyên không tái sinh. Nếu bán đi  rồi thì sẽ cạn kiệt và  không  thể bán mãi được.Vì đó là những thứ chúng ta chỉ có thể bán được một lần, càng bán càng nghèo đi. Nên sau đó không thể có nguồn thu nào khác nữa. Sau này con cháu chúng ta sẽ không có gì để đem bán nữa. Cho nên với cách  đó thì nguồn thu ngân sách của Việt Nam  là  không bền vững. Một nền kinh tế  có nguồn thu bền vững là có thể thu  được  mãi, thu  từ  sản xuất, từ việc  bán được hàng hóa và trên cơ sở  năng suất  lao  động cao, hiệu  quả  cao thì mới ổn định. Chứ  thu từ bán than đá, dầu mỏ thì là nguồn thu sắp cạn kiệt, khiến tài nguyên ngày càng suy kiệt. Tôi thấy thực tế đã có câu trả lời khi hiện tại rất nhiều địa phương  có nguồn thu lớn về bán đất thì bây giờ cũng phải tìm cách có các nguồn thu khác.
Trong báo cáo, có một đề tựa với 3 từ  được để trong ngoặc kép là “kiểu Việt Nam”, thậm chí tăng trưởng “kiểu Việt Nam” còn được xem là nguyên nhân dẫn tới bất ổn vĩ mô, thưa TS, thế nào là tăng trưởng “kiểu Việt Nam”?- Tăng trưởng “kiểu Việt Nam” là chúng ta tăng trưởng theo chiều rộng, là  khai  thác tài nguyên và nhờ vào tiền vốn đầu tư quá nhiều. Trong khi trong thực tế thì  không thể tăng mãi đầu tư được, vì vốn là hữu hạn và tài nguyên thì hoàn toàn không phải là vô tận. Kiểu tăng trưởng này thực tế là thiếu bền vững. Cho nên trong báo cáo có nói đến việc tăng trưởng phải dựa vào việc nâng cao  năng  suất lao động, dựa vào khoa học công  nghệ, dựa vào hợp lý hóa quản lý.
Báo cáo có nói tới tình trạng lạm phát do điều hành, ở VN khi chi tiêu vượt qua khả năng thu NS thì thâm hụt được bổ sung phần lớn bởi vay nợ trái phiếu CP, thậm chí là ứng trước NS. Đây là một hình thức in tiền để tiêu như trong những năm 80 của thế kỷ trước?- Trong vấn đề lạm phát của Việt Nam hiện nay, rõ ràng có nhiều khía cạnh cần mổ xẻ. Chúng ta cứ nói do phụ thuộc nhập khẩu nên lạm phát cao, nhưng Singapore thậm chí nhập khẩu cả nước uống, vì sao họ lạm phát vẫn thấp hơn mình? Tôi cho rằng nguyên nhân chính là gánh nặng đầu tư công hiện rất cao. Lạm phát do điều hành là do có nhiều năm đầu tư công quá cao. Mình tiết kiệm thì chỉ được hơn 20 % nhưng đầu tư thì tới hơn 30% , thu ít mà chi nhiều dẫn tới khoản chênh lệch đó chúng ta phải vay ở nước ngoài. Khi tình trạng các khoản chi tiêu Chính phủ không được đáp ứng bởi tiền thuế hoặc các khoản thu khác, mà được tài trợ bằng cách làm tăng cung tiền thì chắc chắn nền kinh tế sẽ phải trải qua lạm phát cao.
Quả đấm thép đang đấm vào chính chúng taVấn đề thời sự trong 3 ngày qua là vấn đề “sở hữu chéo giữa các ngân hàng. Báo cáo cũng nói tới thực tế này  và “ngân hàng trở thành sân sau của các tập đoàn kinh tế, kể cả Nhà nước lẫn tư nhân, ở mức báo động”. Điều này có thể hiểu thế nào? Thưa ông?
Thông qua sở hữu chéo, cổ đông của ngân hàng A có thể vay tiền ngân hàng B thông qua một công ty đầu tư tài chính của mình để góp vốn vào ngân hàng A và cổ đông của ngân hàng B cũng sử dụng công ty đầu tư tài chính của mình để vay ngược lại ngân hàng A. Chính điều này đã tạo ra luồng vốn tưởng là góp “tiền tươi, thóc thật” nhưng thực chất là vốn vay lẫn nhau. Điều này tạo nên lượng “vốn ảo” trong hệ thống ngân hàng thương mại mà quy mô thực của nó chưa được làm rõ.
Sở hữu chéo cũng cho phép ngân hàng A giấu nợ xấu của mình bằng cách không khai báo nợ xấu mà nhờ ngân hàng B (mà ngân hàng A có sở hữu) cho vay, qua đó giảm được mức nợ xấu phải khai báo và không phải trích dự phòng rủi ro tương ứng. Đó cũng là một trong những lý do khiến Ngân hàng Nhà nước khó nắm được chính xác số nợ xấu của toàn bộ hệ thống ngân hàng. Còn nhiều những hệ lụy khác nữa như họ có thể liên kết với nhau để thao túng tiền tệ, lãi suất, tỷ giá, song các điều này cũng đã đủ để làm an toàn của hệ thống ngân hàng và chất lượng tín dụng của nước ta bị giảm sút đáng kể.
Trong phiên họp Chính phủ vừa rồi, thông tin chính thức là số tập đoàn kinh tế nhà nước sẽ được cắt giảm. Nhưng dường như đây không phải là một tín hiệu cho thấy có sự thay đổi trong việc xác định vai trò của kinh tế nhà nước?- Tôi thì thấy rằng việc cắt giảm đơn thuần chỉ là vấn đề con số, là cắt giảm về mặt số lượng. Trong khi tập đoàn vẫn được xác định là công cụ để điều tiết kinh tế vĩ mô. Trong Báo cáo kinh tế vĩ mô 2012, tôi có nhấn mạnh đến thực tế  “không hề thấy kinh tế Nhà nước là chủ đạo gì cả”. Đây là một thực tế bởi nếu nói các tập đoàn góp phần điều tiết kinh tế vĩ mô thì tại sao với 13 tập đoàn hiện nay mà nền kinh tế của chúng ta vẫn mất ổn định. Chẳng hạn Vinaline thì góp phần ổn định kinh tế vĩ mô ở điểm gì, có chứng minh được không, thực  chất đó chỉ là cách nói “văn sách” thôi chứ thực tế không chứng minh điều đó. Rồi chúng ta vẫn nói “quả đấm thép vinashin”, vậy tôi muốn hỏi quả đấm thép đó đấm vào ai, hay là lại quay lại đấm vào chính chúng ta vì chẳng thể đấm vào ai được cả.
Xin trân trọng cảm ơn TS

Không có nhận xét nào: