Pages

Thứ Tư, 19 tháng 9, 2012

Căng thẳng Nhật-Trung sẽ tới đâu?


Những động thái gần đây của Trung Quốc đối với Nhật Bản ngày càng gay gắt và nghiêm trọng đến nỗi người ta lo ngại một cuộc chiến tranh có thể xảy ra.
AFP photo
Dân Trung Quốc và Đài Loan cắm cờ trên hòn đảo đang tranh chấp với Nhật Bản hôm 15/8/25012
Bắc Kinh gửi tàu hải giám cũng như hàng ngàn tàu cá tới quần đảo Senkaku mà Nhật tuyên bố chủ quyền. Thêm vào đó dân chúng Trung Quốc được thúc đẩy bởi tinh thần dân tộc biểu tình quy mô lớn bài Nhật tại đất nước của họ cũng khiến cho chính phủ Nhật phải xem lại chính sách của mình.

Trung Quốc gia tăng uy hiếp

Mặc Lâm phỏng vấn nhà báo Đỗ Thông Minh tại Tokyo để biết thêm chính sách cũng như dư luận Nhật Bản chung quanh những xung đột này.
Mặc Lâm : Thưa, anh có thể cho biết qua vụ 1.000 tàu đánh cá của Trung Quốc tiến vào đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư thì hôm nay có thêm một động thái mới nữa là họ gửi tiếp 11 chiếc hải giám vào vùng đảo này, như vậy thì dư luận của dân chúng và chính quyền cũng như báo chí Nhật đối với việc này như thế nào?

Nhà báo Đỗ Thông Minh : Phải nói rằng với lực lượng 11 tàu hải giám gần như là mở đường, được coi như là đi tiên phong, sau đó đoàn tàu có thể trên dưới một ngàn chiếc tàu đánh cá sẽ tiến vào hải phận của quần đảo mà Nhật Bản gọi là Tiêm Các, tức là Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, đây là sự kiện có thể nói là chưa từng có trong lịch sử và điều này làm cho người ta liên tưởng tới chuyện vào thế kỷ 13 quân Mông Cổ đã huy động lực lượng ở Trung Nguyên đi đánh Nhật Bản hai lần, xen kẽ với 3 lần sang đánh Việt Nam dưới thời nhà Trần, nhưng mà cả hai lần đều bị bão và đều bị thua.
Với số tàu đổ bộ này người ta liên tưởng tới sự kiện lịch sử đó và thứ hai nữa liên tưởng tới chiến thuật biển người cố hữu của Trung Quốc, thành ra đây có thể nói rằng đoàn tàu này vừa đánh cá và vừa biểu tình uy hiếp Nhật Bản. Phía Nhật Bản phải nói là rất lo ngại, có lẽ cảm giác của họ cũng giống như thời Mông Cổ định đánh nước Nhật vậy.
Với số lượng tàu bè lớn như vậy nếu họ cố tình xâm nhập và một số người lên đảo cắm cờ, v.v. thì có thể nói Nhật Bản không đủ sức để ngăn cản.
Nhà báo Đỗ Thông Minh
Với số lượng tàu bè lớn như vậy nếu họ cố tình xâm nhập và một số người lên đảo cắm cờ, v.v. thì có thể nói Nhật Bản không đủ sức để ngăn cản. Trong tình thế này phía Nhật Bản chưa cho phép nổ súng như chiến tranh ngày xưa, thành ra nếu tàu Trung Quốc vào thì Nhật Bản thực tình cũng chưa biết phải đối phó như thế nào: vừa tìm cách ngăn chặn mà vừa muốn không làm cho việc này đổ bể lớn, nếu nổ súng thì có thể ngăn chặn được nhưng nó sẽ thành câu chuyện lớn hơn.
Mặc Lâm : Anh vừa nhắc tới chuyện  họ đưa một dàn tàu như vậy giống như cuộc biểu tình trên biển thì so với cuộc biểu tình trên bộ hiện nay của dân chúng Trung Quốc, thì dư luận Nhật Bản đối với phong trào biểu tình bài Nhật ở Trung Quốc thì như thế nào?
Nhà báo Đỗ Thông Minh : Cuộc biểu tình như chúng ta đã biết khởi đi từ ngày 11 tháng  9, tức là ngày chính thức chính phủ Nhật quốc hữu hóa 3 hòn đảo mua của gia đình Kurihara. Chính vì điều này làm cho câu chuyện bùng nổ lớn và các cuộc biểu tình liên tục cho tới ngày hôm nay, cao điểm là ngày 15 & 16, đặc biệt hôm nay là ngày 18.
Sở dĩ ngày 18 trở nên cao điểm bởi vì ngày 18-9-1931 là ngày mà Nhật Bản đã ngụy tạo vụ quân Tưởng Giới Thạch đặt chất nổ phá hoại đường xe hỏa của Nhật Bản để lấy cớ đánh Trung Quốc. Cho nên đối với người Trung Quốc thì họ coi đây là một cái hận rất lớn, nó gần sát như vậy nên trên các trang nhà ở Trung Quốc đã kêu gọi biểu tình trong ngày này. Và theo như sự ghi nhận thì số người biểu tình có thể lên tới 10 ngàn, nhưng trước Tòa Đại Sứ Nhật bản ở  Bắc Kinh thì cũng khoảng 5 ngàn người và ở những nơi khác tổng cộng lên tới cỡ 100 nơi biểu tình cùng một lúc, thành ra đây cũng là đòn liên tiếp coi như thị uy và uy hiếp Nhật Bản. Điều này cũng phải nói rằng do quan hệ giữa hai nước có vẻ càng lúc càng xấu đi mà chưa biết là sẽ giải quyết như thế nào.

Dân chúng Nhật lo ngại

000_Hkg7831935.-250.jpg
Dân chúng Nhật Bản biểu tình phản đối Trung Quốc tại Tokyo hôm 18/9/2012. AFP photo
Mặc Lâm : Và chính phủ Nhật Bản có lên tiếng với công luận trong nước để mà giảm nhẹ sự bức xúc của dân chúng hay không, thưa anh?
Nhà báo Đỗ Thông Minh : Thực ra thì dân chúng Nhật ngày hôm nay không phải là người dân Nhật thời Thế Chiến. Người Nhật thời Thế Chiến thì lúc nào cũng mang tinh thần võ sĩ đạo Samurai và sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng dùng bạo lực. Nhưng ngày hôm nay người Nhật có thể tạm dùng từ “trưởng thành” cho nên họ có vẻ trung dung hơn. Dân chúng nói chung không phản ứng nhiều nhưng lo ngại thì càng lúc càng lên cao.
Chính phủ Nhật kêu gọi chung cả hai bên hãy bình tĩnh và đặc biệt là phản đối phía Trung Quốc đã có những cuộc biểu tình bạo động đe dọa tới an ninh và tài sản của người Nhật ở Hoa Lục. Hiện tại có khoảng 120 ngàn người Nhật ở tại Trung Quốc, trong khi đó có khoảng trên dưới 500 ngàn người Trung Quốc (kể cả những người đã có quốc tịch Nhật) đang sinh sống  tại Nhật Bản. Cho nên Nhật Bản yêu cầu phía Trung Quốc bằng mọi giá phải bảo vệ sinh mạng và tài sản của người Nhật ở tại Trung Quốc.
Mặc Lâm : Vừa rồi Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ LeonPanetta đã có một thỏa thuận rất quan trọng với Thủ Tướng Nhật, đó là Nhật Bản cho phép Hoa Kỳ đặt thêm một dàn lá chắn chống tên lửa để đối phó với Bắc Triều Tiên, nhưng ai cũng biết rằng đó là nhắm trực tiếp đối phó với Trung Quốc. Như vậy thì dư luận Nhật đối với việc Mỹ lắp đặt tại Okinawa – một nơi rất nhạy cảm đối với dân chúng Nhật – thì họ có biểu hiện gì, họ có chống đối hay không, hay là vì tình hình mới làm cho họ không có ý như trước đây hay không?
Nhà báo Đỗ Thông Minh : Bình thường thì một số người Nhật cũng e ngại việc tăng cường chiến tranh nhưng trong bối cảnh hiện nay đang bị Trung Quốc  uy hiếp thì có thể nói rằng lúc này rất là hợp thời cho việc tăng cường quân sự của Hoa Kỳ ở tại đây.
Về vấn đề phi cơ Ospray thì họ lo ngại cho sự an toàn thôi, nhưng với dàn radar lá chắn chống tên lửa, hoặc là theo bình thường mình gọi là hỏa tiễn chống hỏa tiễn, thì chuyện đó chúng tôi nghĩ là người Nhật không phản đối nhiều. Bởi vì nó không ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân ở địa phương mà nó bảo đảm an ninh cho nước Nhật. Thực ra chuyện lá chắn chống hỏa tiễn thì Nhật bản và Hoa Kỳ đã hợp tác thực hiện từ lâu, nhưng với sự tăng cường dàn radar này thì chúng tôi nghĩ là sẽ hữu hiệu hơn và độ chính xác cao hơn nên giúp cho Nhật bản phòng thủ tốt hơn.
Mặc Lâm : Một lần nữa xin cám ơn nhà báo Đỗ Thông Minh đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn ngày hôm nay.

Không có nhận xét nào: