Pages

Thứ Tư, 5 tháng 9, 2012

Chuyên gia: Nổ lớn ở Sông Tranh ‘rất đáng quan ngại’


Bửu Lân (VTC News) – “Việc xuất hiện tiếng nổ kèm động đất lần này thật sự quan ngại đối với thủy điện Sông Tranh 2 và người dân vùng hạ du”, GS.TS Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hội cơ học Việt Nam cho biết.
Sáng 4/9, sau sự việc xuất hiện các tiếng nổ kèm rung lắc nhà dân xảy ra trong đêm 3/9 tại khu vực huyện Bắc Trà My (Quảng Nam), GS.TS Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hội cơ học Việt Nam, Trưởng Bộ môn cơ sở Kỹ thuật Thủy Lợi Khoa XD Thủy lợi-Thủy điện, ĐH Bách Khoa Đà Nẵng đã có buổi trao đổi với VTC News và quan ngại về việc xuất hiện trở lại của hiện tượng này.
- Tiếng nổ dưới lòng đất kèm hiện tượng rung chuyển nhà dân trong đêm 3/9 có liên quan gì đến vết nứt trên thân đập thủy điện Sông Tranh 2 trong thời gian qua không, thưa ông?
Theo tôi là có liên quan vì đây là vùng có khả năng xảy ra động đất. Hơn nữa, trước đây, sau khi thủy điện Sông Tranh 2 tích nước đã xuất hiện hiện tượng tương tự. Và không loại trừ việc này ảnh hưởng đến thân đập.
GS.TS Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hội cơ học Việt Nam, Trưởng Bộ môn cơ sở Kỹ thuật Thủy Lợi Khoa XD Thủy lợi-Thủy điện, ĐH Bách Khoa Đà Nẵng 
- Thế hiện tượng này có đáng lo ngại không?
 Theo tôi, khi chưa xử lý triệt để, kiên quyết không được tích nước lên mực nước dâng vì rất nguy hiểm. 
GS.TS Nguyễn Thế Hùng
Tôi đã theo dõi các hiện tượng liên quan đến công trình thủy điện Sông Tranh 2 này.
Trước tiên, đây là khu vực tâm mưa của tỉnh Quảng Nam, và là vùng có khả năng động đất. Nên khi xây dựng một công trình có quy mô lớn và tích một lượng nước với cột nước lớn như vậy sẽ gây ra động đất kích thích dưới lòng đất.
Và đã là động đất thì những ảnh hưởng đến các công trình, vật kiến trúc là không tránh khỏi.
Việc xuất hiện tiếng nổ kèm động đất lần này thật sự quan ngại đối với thủy điện Sông Tranh 2 và người dân vùng hạ du.
- Quan ngại ở chỗ nào, thưa ông?
Việc xử lý các khe nứt trên mặt thượng lưu thân đập thủy điện Sông Tranh 2 trong thời gian vừa qua, theo tôi chỉ mang tính tình huống, không triệt để và rất nguy hiểm khi xuất hiện trở lại của động đất dưới lòng đất; đặc biệt nếu đó lại là thủy điện tích nước.
Theo tôi, điều cần nhất là xử lý tận gốc vấn đề sự cố nứt thân đập ở các vị trí nền đập và gốc đập. Vì đây là phần liên kết của thân đập và kết cấu nền tự nhiên.
- Vậy theo ông, chính quyền địa phương và cơ quan quản lý theo ông cần có hành động gì ?
Theo tôi, khi chưa xử lý triệt để, kiên quyết không được tích nước lên mực nước dâng vì rất nguy hiểm. Chúng ta không thể nói trước được điều gì về sự cố thân đập và đời sống của hàng ngàn người dân phía hạ lưu thủy điện.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần có tiếng nói, yêu cầu các cơ quan chức năng và có chuyên môn vào cuộc. Tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
- Cảm ơn ông !
Quảng Nam có công văn khẩn gửi Viện Vật lý địa cầu
Ngày 4/9, ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Nam kiêm Phó trưởng Ban Phòng chống lụt, bão Quảng Nam đã có công văn khẩn gửi cho Viện Vật lý địa cầu; UBND huyện Bắc Trà My, UBND huyện Nam Trà My và Ban Quản lý dự án Thủy điện 3 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, báo cáo tình động đất tại khu vực hồ Thủy điện Sông Tranh 2.
Trước tình hình động đất như báo cáo của UBND huyện Bắc Trà My, Ban chỉ huy PCLB Quảng Nam đề nghị, Viện Vật lý địa cầu sớm kiểm tra, xác định cường độ động đất vừa xảy ra trên khu vực hồ Thủy điện Sông Tranh 2, thông tin kịp thời cho UBND tỉnh và Ban chỉ huy PCLB Quảng Nam biết để kịp thời chỉ đạo các biện pháp ứng phó, khắc phục;
Ban Quản lý dự án Thủy điện 3 kịp thời báo cáo UBND tỉnh, Ban chỉ huy PCLB Quảng Nam về tình hình an toàn đập Thủy điện Sông Tranh 2 do ảnh hưởng của trận động đất trên; UBND huyện Bắc Trà My, Nam Trà My khẩn trương tổ chức đi kiểm tra, theo dõi tình hình; đồng thời chỉ đạo công tác ứng phó kịp thời và thường xuyên báo cáo tình hình về Ban chỉ huy PCLB tỉnh để theo dõi, chỉ đạo.
Bửu Lân

Không có nhận xét nào: