Pages

Thứ Hai, 10 tháng 9, 2012

Clinton thúc châu Á xử lý tranh chấp



Ngoại trưởng Mỹ Clinton tại Thượng đỉnh Apec
Chủ đề tranh chấp lãnh thổ bao trùm chuyến công du châu Á của bà Clinton
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đã kêu gọi các nước châu Á đừng để tranh chấp lãnh thổ làm gián đoạn hợp tác ở một khu vực mà bà gọi ‘động lực’ của kinh tế thế giới.
Bà Clinton đưa ra phát biểu này vào hôm bế mạc hội nghị thượng đỉnh của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (Apec) ở thành phố Vladivostok của Nga hôm Chủ nhật ngày 9/9.

Các quan chức Mỹ cũng nói họ muốn thấy Nga đóng vai trò tích cực hơn trong khu vực.
Bà hối thúc Trung Quốc và các nước láng giềng của nước này giải quyết các căng thẳng về tranh chấp tại các vùng Biển Đông và Biển Hoa Đông.

“Dù là Biển Đông hay Biển Hoa Đông, bây giờ là lúc mọi người cùng nhau nỗ lực làm giảm căng thẳng và tăng cường kênh ngoại giao,” ngoại trưởng Mỹ phát biểu.
“Khu vực này là đầu máy trong nền kinh tế toàn cầu hiện vẫn còn yếu ớt,” bà nói.
“Các nước châu Á không có lợi ích gì, cũng như Mỹ hay phần còn lại của thế giới chắc chắn không có lợi ích gì, trong việc đưa hòa bình và ổn định của khu vực vào thế nguy,” bà nói thêm.
"Dù là Biển Đông hay Biển Hoa Đông, bây giờ là lúc mọi người cùng nhau nỗ lực làm giảm căng thẳng và tăng cường kênh ngoại giao."
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton
Bà cũng cho biết bà đã thảo luận vấn đề tranh chấp lãnh thổ với nguyên thủ các nước Nhật Bản và Nam Hàn vốn hiện đang tranh chấp một hòn đảo mà phía Seoul gọi là Dokdo còn phía Tokyo gọi là Takeshima.
Clinton nói bà sẽ làm việc chặt chẽ với các nước có tranh chấp trong khu vực để đảm bảo rằng các tranh chấp này không leo thang đến mức nghiêm trọng.
Trước đó, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào của Trung Quốc đã nói với Thủ tướng Yoshihiko Noda của Nhật hôm thứ Bảy ngày 8/9 rằng tình hình xung quanh quần đảo có tranh chấp trên Biển Hoa Đông mà Nhật gọi là Senkaku còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư hiện là ‘nghiêm trọng’.
Ông Hồ cũng yêu cầu Nhật Bản không nên có các bước đi sai lầm.
Tranh chấp chủ quyền không nằm trong nghị trình chính thức của Apec vốn tập trung bàn về việc thúc đẩy hội nhập kinh tế và thương mại tự do.

Không có nhận xét nào: