Pages

Thứ Hai, 3 tháng 9, 2012

Cử tri Mỹ gốc Việt nghĩ gì về ứng viên tổng thống?



Kết thúc Đại hội toàn quốc Đảng Cộng Hòa, cựu thống đốc tiểu bang Massachusetts Mitt Romney chính thức được đề cử làm người đối đầu cùng đương kim tổng thống Barack Obama trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới đây.
AFP
Đại hội đảng Cộng Hòa tại Tampa, Florida ngày 29 tháng 8 năm 2012.

Một ứng viên nhiều kinh nghiệm

Cam kết "khôi phục ước nguyện Mỹ” cũng như những lời hứa sẽ thực hiện các kế hoạch riêng của mình trong đó có các điểm như độc lập về năng lượng, cắt giảm để phục hồi kinh tế, rút lại một đạo luật về y tế mà chính quyền tổng thống Obama đã đưa ra, cùng một thái độ cứng rắn hơn trong vấn đề ngoại giao, đặc biệt là đối với Trung Quốc, là một số điều mà ứng cử viên Mitt Romney thu hút được sự quan tâm của cử tri Hoa Kỳ, trong đó có cử tri gốc Việt.
Chia sẻ cảm nghĩ của mình về ứng cử viên Mitt Romney của Đảng Cộng Hòa, ông Tyler Diệp, nghị viên thành phố Westminster, nơi tập trung rất đông người Mỹ gốc Việt sinh sống, nói rằng:


Hy vọng với những kinh nghiệm của một ứng cử viên có kinh nghiệm về thương mại như ông Romney sẽ giúp cho nền kinh tế nước mỹ sẽ hồi phục.
Thomas Trần
“Thưa chị cũng như quí thính giả đài RFA, cá nhân tôi rất là phấn khởi vì đảng Cộng Hòa đã chính thức để cử ông Mitt Romney và dân biểu Paul Ryan là hai người trong một liên danh chính thức đại diện cho đảng cộng hòa ra tranh cử chức vụ tổng thống vào tháng 11 này. Liên danh này cũng cho cử tri toàn quốc một sự lựa chọn khá rõ ràng về chính sách đối ngoại cũng như những chính sách trong nước. Ví dụ như chúng ta muốn cải tổ về hệ thống Medicare hay không, và sẽ làm những gì với vấn đề y tế hay di dân trong nước. Ngoài ra thì ứng cử viên Mitt Romney cũng có những lời nói hay những thái độ rất cứng rắn phê bình đương kim tổng thống Obama đã có những sự nhân nhượng quá đáng đối với Trung Cộng. Và nhiều lần trong quá trình vận động tranh cử, ứng cử viên Mitt Romney đã nói rằng ông ta sẽ có những thái độ cứng rắn hơn đối với Trung Quốc. Một là vấn đề như là đồng tiền nhân dân tệ quá thấp so với giá thị trường hiện nay. Hai là vấn đề Trung Quốc có nhiều hành động khá táo bạo trong vùng Biển Đông.”
Cũng đồng suy nghĩ với nghị viên Tyler Diệp về ứng cử viên tổng thống Mitt Romney là ông Thomas Trần, cư dân thành phố Huntington Beach, người đang làm công việc kinh doanh về lãnh vực địa ốc và phát triển gia cư.
Là một người Mỹ gốc Việt, tôi rất quan tâm đến những cuộc bầu cử ở nước Mỹ, nhất là kỳ bầu cử tổng thống.
Những cái mà tôi quan tâm khi là người ghi danh theo đảng cộng hòa tôi cũng để ý đến những đường lối chính sách mà đảng cộng hòa đưa ra. Chẳng hạn như kỳ này ông Mitt Romney được đảng cộng hòa chính thức đưa ra để tranh cử với tổng thống đương nhiệm Obama. Nhìn chung chính sách của đảng cộng hòa kỳ này mà tôi nhìn thấy là họ đưa ra một ứng cử viên có rất nhiều kinh nghiệm như ông là một doanh nhân thành công nên vấn đề kinh tế nước Mỹ hiện nay đang xuống rất là nhiều thì hy vọng với những kinh nghiệm của một ứng cử viên có kinh nghiệm về thương mại như ông Romney sẽ giúp cho nền kinh tế nước mỹ sẽ hồi phục lại, đó là điều mà tổng thống Obama đã không làm được trong 4 năm vừa qua. Ngoài những điều đó ra, tôi thấy tôi là một người công giáo, thì trong chính sách health care của tổng thống Obama mới đưa ra có những điều tôi thấy đi ngược lại với những quan niệm của người công giáo, như chính sách về health care đòi hỏi tất cả những cơ quan, những cơ sở mướn người làm có trách nhiệm phải trả tiền cho những nhân viên, kể cả chuyện phá thai. Mà phá thai thì như chị biết điều đó đạo công giáo không bao giờ chấp nhận, nên chính sách đó làm tôi phải suy nghĩ khi tôi chọn lá phiếu kỳ này.”

Không hoàn toàn đồng ý

7902916370_1a0ae92254_250.jpg
Ông Mitt Romney và ông Paul Ryan tại Đại hội đảng Cộng Hòa ở Tampa, Florida ngày 29 tháng 8 năm 2012. Courtesy mittromney.com
Tuy nhiên, sự quan tâm ở đây không đồng nghĩa với việc cử tri gốc Việt hoàn toàn đồng ý với những điều mà ứng cử viên Mitt Romney nêu ra.
Ông Diệp Bảo Khương, cư dân thành phố Tampa, thuộc tiểu bang Florida, nơi diễn ra Đại hội đảng Cộng hòa vừa qua nêu suy nghĩ:
“Tôi nghĩ chính trị cũng vẫn là chính trị, mỗi khi đứng ra làm một chuyện gì để trở thành tổng thống thì họ hứa hẹn rất là nhiều nhưng mà chuyện hứa hẹn rồi làm được hay không lại là một chuyện khác. Những chính sách đưa ra của Đảng Cộng Hòa nhìn rất là hay nhưng mà những gì đản Dân Chủ đang làm bây giờ cũng hay không kém, nên tại sao mình phải bỏ những cái đang có trong tay để đi tìm những chuyện mà mình không biết như thế nào?”
Nhìn về vấn đề chính trị đất nước, thông qua cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào tháng 11 sắp tới, cử tri gốc Việt Diệp Bảo Khương phát biểu:
“Tôi chỉ là một người bình dân, vấn đề chính trị không quan tâm nhiều lắm nhưng thiết nghĩ một nhiệm kỳ 4 năm không đủ cho một vị tổng thống làm hết mọi việc đã hứa hẹn. Nên tôi nghĩ là không cần phải chọn một tổng thống mới mà cần một nhiệm kỳ nữa cho tổng thống đương nhiệm để cho vị tổng thống đương nhiệm có thời giờ nhiều hơn nữa để làm những việc mà ông ta đang và sẽ làm. Tôi không có vấn đề gì về đảng phái giữa Cộng Hòa và Dân Chủ, không quan tâm đến chuyện đó, mà chỉ quan tâm đến tiền đồ nước Mỹ mình sẽ như thế nào thôi.”
Là một kỹ sư điện toán tại tiểu bang Arizona, ông Steven Zhao, cử tri gốc Việt cư dân thành phố Sierra Vista, nêu ý kiến:
Các ứng cử viên đều muốn nói lên sự thay đổi và cố gắng làm cho quốc gia Mỹ tốt hơn. Nhưng mà sự bầu cử dân cử thì có rất nhiều điều mà người Mỹ gọi là ‘negative campaign,’ tức người này nói xấu người kia người kia nói xấu người nọ làm cho người dân không hiểu biết được cái nào là thật cái nào hư. Đó là điểm mà tôi không thích. Muốn làm sao thì làm chứ đâu có cần nói xấu người này người kia. Như ông Mitt Romney thì cứ đem chuyện khai sanh của ông Obama ra để nói chế giễu. Còn Obama thì cứ nói ông Mitt Romney trốn thuế. Toàn nghe những chuyện đó. Ứng cử viên này nói tôi sẽ cắt giảm thuế, dân chúng giới trung lưu nước Mỹ sẽ khá hơn, người dân sẽ tốt hơn. Ứng cử viên kia phản ứng lại nói ông này nói không rõ ràng chỉ nói để thắng phiếu thôi. Ngày hôm nay hai bên cũng thấy tương đương nhưng Obama thấy có vẻ trên cơ hơn.”
Chia sẻ về sách lược của ông Mitt Romney đối với Trung Quốc, các cử tri gốc Việt cũng có những cách suy nghĩ và nhìn nhận khác nhau.
Ông Khương Diệp, cử tri Floria, nhận xét:

Mỗi khi đứng ra làm một chuyện gì để trở thành tổng thống thì họ hứa hẹn rất là nhiều nhưng mà chuyện hứa hẹn rồi làm được hay không lại là một chuyện khác.
Diệp Bảo Khương
“Chương trình thay đổi cách nhìn về Trung Quốc thì bên Dân Chủ họ vẫn đang làm, có nghĩa là họ đang kéo lần lần những hãng xưởng của Mỹ tại Trung Quốc trở lại nước Mỹ thì họ vẫn đang làm. Hai đường lối tôi thấy cũng giống như nhau. Tôi chỉ thấy là người điều hành nó khác hay không vậy thôi.
Trong khi đó, ông Thomas Trần, cử tri vùng Little Saigon, nhìn nhận đường lối này theo một hướng khác.
Dù tôi đã ra khỏi Việt Nam từ năm 1975, và cũng chưa có dịp để trở lại nhưng tôi rất quan tâm đến vấn đề sinh tồn của đất nước. Trung Quốc trong thời gian gần đây đã có chính sách lấn chiếm biển đông. Họ đã lập ra những cơ quan chính quyền cấp xã, thành ra một chính quyền mạnh ở nước Mỹ, một chính quyền như ông Romney nói rằng sẽ đương đầu, đối phó mạnh mẽ với ý bành trướng của Trung Quốc thì tôi nghĩ rằng một chính phủ ở Mỹ có cái nhìn như vậy thì những nước ở vùng Đông Nam Á như là Việt Nam sẽ hưởng được sự bảo vệ của nước Mỹ, thì đó cũng là điều mà không riêng cá nhân tôi mà tất cả những người Việt Nam đều mong muốn Mỹ có một chính sách mạnh đối với Trung Quốc.”
Nghị viên Tyler Diệp của thành phố Westminster, ngay Little Saigon, cũng cho rằng:
Tôi nghĩ những người Việt Nam yêu nước và đang quan tâm đến quê hương chúng ta sẽ rất hài lòng về đường lối của ông Mitt Romney, nhất là đường lối chính sách đối ngoại có liên quan đến Trung Quốc. Tại vì chúng ta ai cũng biết rằng hiện nay chỉ có Hoa Kỳ mới là một quốc gia có đủ thực quyền và lực lượng để đối phó với bá quyền Trung Quốc thôi. Kể cả Việt Nam chúng ta cũng muốn bắt tay với những nước Âu Châu hay Hoa kỳ để làm cách nào chống đỡ lại sự bành trướng về vấn đề quân sự hay là muốn chiếm lấy lãnh thổ Việt Nam.”
Ông Steven Zhao, kỹ sư điện toán tại Arizona, nhận thấy “chắc chắn sẽ có sự thay đổi,” nhưng chỉ đợi đến khi nào Mitt Romney bước chân vào Nhà Trắng thì mới sự thay đổi đó là như thế nào.
“Theo mình nhận thấy thì chắc chắn sẽ có nhưng để có thay đổi hay không thì khi ông ta vô nhà, vô tòa Bạch Ốc rồi thì mình mới biết có hay không. Nhưng theo chiến dịch tranh cử của ông ta thì ông ta có vẻ như kiềm chế Trung Quốc hơn về mặt kinh tế lẫn quân sự ở Đông Nam Á. Ông Obama thì cũng có chủ trương riêng của ông ta. Cũng như phóng viên biết đó thì bà bộ trưởng bộ ngoại giao Hillary Clinton trong vòng mấy năm nay đã công du không biết bao nhiêu chuyến ở Đông Nam Á và Á Châu. Obama cũng muốn tăng cường sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Á Châu. Mình thấy những chuyện đó đã xảy ra rồi. Còn muốn kiềm chế kinh tế Trung Quốc thì có vẻ ông Obama có vẻ hơn yếu đuối về mặt đó một chút. Nhưng chưa hẳn là ông ta sẽ không làm. Nhưng nói cho cùng thì có lẽ vẫn còn hơi sớm. Nhưng người ta có lẽ cũng thấy được là Obama có thực hiện được kế hoạch đó. Còn ông Mitt Romney thì ông ta chỉ mới nói thôi. Nhưng trong quá khứ bao giờ đảng Cộng Hòa cũng ngoại giao mạnh mẽ  hơn và cứng rắn hơn so với đảng Dân Chủ.”

Không có nhận xét nào: