Pages

Thứ Tư, 12 tháng 9, 2012

Dân cần khỏe nước mới giầu


Ngô Nhân Dụng - Báo Tiền Phong mới loan tin một gia đình đã biểu tình trước bệnh viện Thiện Hạnh tỉnh Ðắk Lắk vào ngày Chủ Nhật vừa qua; sau khi ông Ðào Duy Từ, một bệnh nhân 42 tuổi qua đời. Vợ con ông tố cáo bệnh viện không săn sóc ông theo đúng bổn phận.
 Tại bệnh viện tỉnh Quảng Ngãi ba tháng trước, hàng trăm người dân gồm thân nhân, hàng xóm của một sản phụ cũng biểu tình, bao vây bệnh viện Mộ Ðức phản đối các nhân viên thiếu trách nhiệm khiến bà Huỳnh Phan Thanh Tùng và đứa con chưa ra đời chết oan ức. Vào Tháng Tư, thân nhân sản phụ khác ở tỉnh Hưng Yên đã đập phá bệnh viện, thân nhân và một sản phụ ở Bắc Ninh đã biểu tình; cũng vì nghi ngờ các cơ quan y tế làm chết người.

Theo phong tục người mình, đi biểu tình lên án các bác sĩ và nhân viên bệnh viện là việc bất đắc dĩ. Trước đây, trong xã hội Việt Nam hai loại người được kính trọng là thầy giáo và thầy thuốc. Ngay cả khi họ phạm sai lầm nghề nghiệp, người ta vẫn không ai đi kiện hay chửi, mắng thầy giáo và thầy thuốc. Ai cũng biết việc giáo dục và săn sóc sức khỏe cho người Việt hiện nay rất đáng phàn nàn. Nhưng dù dân chúng có đi vây bệnh viện, đả đảo bác sĩ thì cũng chỉ nhắm vào cái ngọn thôi; không giúp cải thiện được cả hệ thống y tế.
Ai cũng biết các nhân viên bệnh viện phải được hối lộ, nhưng đó là “thủ tục đầu tiên” trong cả hệ thống xã hội chủ nghĩa. Họ cũng phải làm giống như các chú công an hay các ngài chủ tịch doanh nghiệp nhà nước vậy. Bà Bộ Trưởng Y Tế Nguyễn Thị Kim Tiến mới lên lớp với nhà báo là các nhân viên y tế phải được cải tạo về đạo đức. Nhưng cả hệ thống nó như vậy từ lâu rồi, muốn thay đổi thì phải “cải tạo” từ các ông Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng và Trương Tấn Sang! Nhưng chính biện pháp“cải tạo” các cá nhân đó cũng vô hiệu. Vì khi một hệ thống đã hư hỏng thì bất cứ ai ngồi vào chỗ của Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang, hay ngồi vào chỗ của một bác sĩ trong bệnh viện Mộ Ðức, bệnh viện Thiện Hạnh cũng hành xử giống hệt như các người trước!
Theo tài liệu của Oxford Analytica cung cấp thì người dân bốn nước phải trả lấy tiền túi cho sức khỏe nhiều nhất thế giới là Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Ðộ và Việt Nam. Dân Việt Nam hiện nay phải trả tiền túi 70% tiền chữa bệnh. Trên nguyên tắc, có chương trình y tế công nhưng không phải ai cũng được hưởng; chỉ có khoảng 53 triệu người được bảo hiểm. Nhưng khi tới bệnh viện người nào cũng phải có “bao thơ,” bản báo cáo dịch là “envelope’ payments.” Một cuộc nghiên cứu dư luận cho biết hai phần ba các bệnh nhân đã bị nhân viên y tế vòi tiền; và 70% nhân viên y tế thú nhật đã đòi hối lộ. Chắc các con số này quá thấp, vì nhiều người được phỏng vấn đã che đậy một sự thật đáng xấu hổ!
Các công ty dược phẩm thì hối lộ cấp cao nhất để thuốc của họ được đưa vào danh sách trị bệnh trong bảo hiểm. Vào trong danh sách rồi, giá tăng 30%. Và các công ty dược phẩm “khuyến khích” các bác sĩ viết toa dùng thuốc đắt tiền của họ. Ngân sách công chi cho ngành y tế chiếm 6.4% tổng sản lượng nội địa, nhưng chỉ có một phần ba là dùng vào việc phòng ngừa và khám bệnh tổng quát. Không thể nào bàn đến việc “cải tạo đạo đức” của các bác sĩ, nhân viên y tế, nếu không “trị bệnh” cho cả hệ thống cai trị độc đảng!
Theo bảng xếp hạng năm ngoái của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (World Health Organization, gọi tắt là WHO), thì Việt Nam đứng hạng 160 trong số 190 quốc gia về săn sóc sức khỏe cho dân. Thua cả Uganda, đứng hàng thứ 149! Mấy nước Châu Á khác đứng cao hơn nhiều: Singapore hạng 6; Nhật Bản hạng 10; Thái Lan hạng 47; Nam Hàn hạng 58; Philippines hạng 60; Sri Lanka hạng 76; Bangladesh hạng 88, Indonesia hạng 92, Ấn Ðộ hạng 112; Trung Quốc hạng 144; Ðài Loan không thấy nằm trong danh sách vì không phải thành viên Liên Hiệp Quốc. Trong Châu Á, Việt Nam chỉ đứng hàng cao hơn Lào, Campuchia và nước đứng cuối sổ là Myanmar. Với quý vị độc giả sống ở Mỹ, xin ghi thêm, USA đứng thứ 37 trong bảng xếp hạng này.
Việt Nam đứng hàng quá thấp so với các nước chung quanh, dân mình phải thấy đó là một nỗi hổ thẹn chung. Nhưng điều đáng lo ngại là trong tương lai mình vẫn bị họ qua mất, bỏ lại đằng sau, còn cách xa hơn nữa. Vì hiện nay các nước Châu Á đang có một phong trào cải thiện hệ thống an sinh xã hội mà tuần báo quốc tế The Economist gọi là “Cuộc cách mạng sắp tới ở Châu Á,” trên trang bìa của tờ báo trong tuần này. Sau cuộc đổi đời về kinh tế với những Con Rồng Châu Á thời 1970, nay là một cuộc cách mạng nhằm bảo đảm cho cuộc sống của mọi người dân được chăm sóc nhiều hơn. Họ đang xây dựng những mạng lưới an toàn để không người dân nào bị gạt ra bên lề, không được hưởng những tiện ích về y tế, giáo dục, hưu bổng, và lợi tức tối thiểu mà tình trạng phát triển kinh tế đem lại.
Quốc gia được tổ chức WHO mô tả là “có một lịch sử thành công lâu dài” về y tế là Thái Lan. Người Thái có triển vọng sống trên 70 tuổi, trên 98 % nhà ở được dùng nước sạch sẽ. Thái Lan đã lập quỹ bảo hiểm y tế do chính phủ đảm nhiệm từ thập niên 1990, nhưng không thành công vì chỉ có những người “kém sức khỏe” mới gia nhập, còn người khỏe mạnh không vào. Năm 2001, sau khi thủ tướng dân sự Thaksin thay thế các tướng lãnh, ông đưa ra một chương trình tên là “Dự án 30 bạt!” Mỗi lần đi khám bệnh người dân chỉ phải trả 30 đồng bạt (lúc đó tương đương với một đô la rưỡi); ngoài ra chính phủ trả hết. Người tham dự được chữa trị tại bất cứ bệnh viện nào, đi bác sĩ chuyên môn không phải trả thêm. Chưa có một quốc gia nào ở mức phát triển kinh tế còn thấp như Thái Lan dám áp dụng một chương trình bảo hiểm sức khỏe công cộng như vậy. Vì thế cho đến giờ đảng của ông Thaksin vẫn thắng cử, mặc dù ông đã phải sống lưu vong vì bị truy tố và kết án về “làm giầu bất chính.” Thái Lan chi tiêu 4.3% tổng sản lượng nội địa (GDP) vào y tế, ba phần tư do chính phủ trả, còn lại là tư nhân.
Hiện nay tại Indonesia, ngoài những người đã mua bảo hiểm tư, có 76 triệu người được bảo hiểm y tế, theo chương trình gọi tên là Jamkesmas, trong đạo luật ban hành năm 2008, gần mười năm sau khi dân Indonesia lật đổ chế độ độc tài của ông Suharto. Các chi phí chữa trị, bệnh viện, đều do chính phủ trả hết. Ngoài ra, Indonesia còn chương trình viết tắt là PNPM trợ cấp cho các làng, năm ngoái mỗi làng được phát 47 triệu rupiah, khoảng 5,300 đô la Mỹ để giúp các gia đình nghèo, cho trẻ em được đi khám bệnh, đi học, trợ cấp thức ăn, và săn sóc sức khỏe các sản phụ. Quỹ này do một hội đồng trong làng gồm 11 người quyết định chọn người được thụ hưởng. Nhưng chương trình Jamkesmas bị Ngân Hàng Thế Giới (WB) chỉ trích vì tuy được đặt ra với mục đích giúp những người lợi tức thấp nhất nước, nhưng khi áp dụng không phân biệt được ai thực sự nghèo. Hơn nửa số người thụ hưởng hiện nay không thật sự thuộc 30% dân số nghèo nhất. Ngân Hàng Thế Giới đã trợ giúp Indonesia cải thiện để chọn lọc số người thụ hưởng; căn cứ vào những tiêu chuẩn quan sát tại chỗ, như nền nhà đất hay gạch, có nhà vệ sinh riêng hay không, vân vân. Hiện nay kinh tế Indonesia chỉ phát triển bằng mức của nước Mỹ năm 1935, là năm Mỹ bắt đầu lập quỹ hưu bổng xã hội công (social security). Tháng Mười năm ngoái, Quốc Hội Indonesia đã biểu quyết một đạo luật bảo đảm tất cả mọi người trong 248 triệu dân sẽ được bảo hiểm sức khỏe, bắt đầu từ năm 2014. Khi được thi hành thì đây sẽ là chương trình bảo hiểm y tế công lớn nhất thế giới. Ðạo luật này cũng bảo hiểm cả hưu bổng, bảo hiểm lao động vào năm 2015.
Tại Philippines, chương trình bảo hiểm y tế PhilHealth của chính phủ đang có 85% dân chúng được hưởng. Tỷ lệ này vào hai năm trước chỉ là 62% trong tổng số dân 104 triệu người. Trong năm qua Ấn Ðộ đã giúp thêm 110 triệu người được bảo hiểm y tế. Chính phủ cũng bành trướng chương trình “bảo đảm việc làm” cho dân ở tất cả các vùng nông thôn nghèo, trong đó bất cứ ai nếu muốn cũng có việc làm ít nhất 100 ngày trong một năm, với mức lương tối thiểu.
Các nước Châu Á ở ngay bên nước Việt Nam đã đạt được các tiến bộ trên không phải vì chính phủ của họ nhân từ, giới lãnh đạo của họ được cha mẹ dạy dỗ, “cải tạo tốt!” Nguyên nhân chính khiến người ta lo cho dân là vì người dân ở các nước đó đã tranh đấu để có quyền quyết định việc chung cho cả nước. Khi giới quân phiệt ở Thái Lan rút lui thì chính quyền dân sự mới lo đến việc y tế cho dân nghèo; cũng vì họ muốn “kiếm phiếu” của dân. Nếu ông Marcos còn ngồi thêm đến lúc chết để nhường ngôi cho vợ hay con, thì nước Philippines ngày nay chắc cũng không khác Bắc Hàn! Sau khi ông Suharto từ bỏ quyền hành thì Quốc Hội Indonesia mới biểu quyết những luật y tế mới. Bởi vì tất cả các người làm chính trị ở các nước này ai cũng biết phải nhờ người dân bỏ phiếu thì họ mới được ngồi vào Quốc Hội, chứ không phải chỉ nhờ “đảng bố trí.”
Ai từng quan tâm tìm hiểu cũng đều biết khi người dân một nước có trình độ học vấn cao hơn và sức khỏe tốt hơn, thì kinh tế sẽ phát triển nhanh hơn. Bao nhiêu cuộc nghiên cứu khắp thế giới, nhất là ở các nước nghèo, đã chứng minh những liên hệ nhân quả này. Ðặc biệt là nếu các bà mẹ và trẻ em đều được học hành và có sức khỏe tốt thì chắc chắn kinh tế cả nước sẽ phát triển nhanh trong khoảng mười năm sau. Y tế và giáo dục là những vấn đề thiết thực, cần thiết, có ảnh hưởng lâu dài trên trình độ phát triển kinh tế quốc gia. Cải thiện giáo dục và y tế, cũng quan trọng như thay đổi hệ thống chính trị độc tài, độc đảng. Cả nước cần chú ý, bàn bạc về chuyện này, ngay trong lúc guồng máy công an của đảng cộng sản vẫn còn ngự trị. Không lẽ người ta bàn chuyện giáo dục và y tế mà công an lại tới còng tay hay sao? Nói rộng hơn nữa, mọi người Việt Nam phải quan tâm và cùng nhau thảo luận ngay bây giờ những vấn đề như mạng lưới an sinh xã hội, quỹ hưu bổng cho mọi người về hưu, trợ cấp cho những người bệnh kinh niên hoặc tàn tật không thể làm việc, bảo hiểm tai nạn trong khi làm việc, bảo hiểm thất nghiệp, vân vân. Quý ông Bầu Kiên hay Dương Chí Dũng, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng hay Trương Tấn Sang không cần nghĩ đến các vấn đề đó, vì họ đủ tiền tự lo lấy. Nhưng cả nước thì cần phải bàn đến, vì đó là tương lai của dân tộc.

Không có nhận xét nào: