Pages

Thứ Bảy, 8 tháng 9, 2012

Góp ý xây dựng Hiến pháp Việt Nam trong tương lai



PhamVanThanhUSA (Danlambao) - Các nhà soạn thảo Hiến Pháp 1992 “cài” Điều 4 vào đã tạo sự mâu thuẫn “sinh tử” cho công việc điều hành từ thượng tầng trung ương xuống đến địa phương. Nguyên do có lẽ các nhà soạn thảo Hiến Pháp nước ta chỉ muốn vay mượn “tư tưởng dân chủ siêu việt” của Hoa Kỳ để làm cái vỏ “trình diễn” bề ngoài cho bản Hiến Pháp CHXHCNVN mà họ, hoặc chưa hiểu thấu đáo cách áp dụng tư tưởng đó một cách đúng đắn hoặc cố tình thêm vào để “đứng trên Hiến Pháp” độc quyền quyết định mọi việc...

*

Phần I: Điều 4 trong Hiến Pháp 1992 của nước CHXHCNVN 

Hiến Pháp 1946 tu chỉnh thành Hiến Pháp 1992 và rồi Hiến Pháp 2001 của nước CHXHCNVN đã đặt căn bản trên Hiến Pháp Hoa Kỳ. Điều đó cũng dễ hiểu là vì Hiến Pháp Hoa Kỳ là bản Hiến Pháp đầu tiên của nhân loại và cũng là bản Hiến Pháp nổi tiếng nhất thế giới. 

Dựa theo tư tưởng dân chủ với tam quyền phân lập của triết gia Montesquieu người Pháp đề xướng, Hiến Pháp Hoa Kỳ được soạn thảo năm 1787 và có hiệu lực năm 1789 sau khi được phê chuẩn trong Hội Nghị gồm 13 tiểu bang tiên khởi. 

Trên tinh thần bản Hiến Pháp Hoa Kỳ, tam quyền phân lập giữa ba ngành Lập Pháp (Quốc Hội), Hành Pháp (Tổng Thống) và Tư Pháp (Tòa Án) được cân bằng và kiểm soát lẫn nhau. Tư tưởng dân chủ được thực thi bởi một chính quyền dân cử đã được Hiến Pháp Hoa Kỳ khai triển một cách khoa học, nhân bản và tiến bộ đã trở thành nền tảng và mô hình tiêu biểu cho nhiều bộ Hiến Pháp của các quốc gia theo thể chế dân chủ, cộng hòa “lấy dân làm gốc” như Tổng thống Abraham Lincoln (1809-1865) đã định nghĩa: “Một quốc gia dân chủ là một quốc gia mà chính quyền là của dân, do dân, vì dân!” 

Tuyên Ngôn Độc Lập do ông Hồ Chí Minh đọc ngày 2/9/1948 đặt căn bản trên tinh thần dân chủ của bản Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ 1776. Tương tự, Hiến Pháp nước CHXHCNVN năm 1992, cũng đặt căn bản trên tinh thần dân chủ, nhưng lại phục vụ quyền lợi của Đảng CSVN, thay vì quyền lợi quốc gia và người dân như các điều khoản dựa theo Hiến Pháp Hoa Kỳ. 

Điển hình:

Điều 2 của bản Hiến Pháp 1992 viết: “Nhà nước CHXHCNVN là nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân…” Điều 2 khẳng định nước CHXHCNVN là một nước dân chủ. 

- Thêm vào đó, theo Điều 83: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của nước CHXHCNVN. Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp…” 

Như vậy, Điều 2 và Điều 83 cùng khẳng định nhân dân có quyền tối cao đối với nước CHXHCNVN. 

- Tuy nhiên, Điều 4 trong bản Hiến Pháp lại viết: “Đảng Cộng Sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.” Điều 4 cho phép Đảng CSVN có quyền tuyệt đối về mọi lãnh vực của quốc gia như chính trị, kinh tế, pháp luật, văn hóa, tôn giáo, v.v. Điều 4 cũng khẳng định là nước CHXHCNVN theo chế độ “Đảng Trị” ngược với chế độ “Dân Chủ” xác định bởi Điều 2 và Điều 83 trong Hiến Pháp 1992. 

Sở dĩ có sự mâu thuẫn giữa Điều 4 với Điều 2 và Điều 83 cùng vài Điều khác nữa là vì Đảng CSVN đã chủ tâm sử dụng chiêu bài “Dân Chủ” để mê hoặc dân chúng, cho người dân “uống nước đường” nhưng thực chất của Nhà Nước CHXHCNVN là chế độ độc tài, Đảng trị tuyệt đối, nhằm phục vụ Đảng và giai cấp cai trị mà thôi. 

Phần II: Hiến pháp Việt Nam hiện hành và tương lai 

Hiến Pháp 1992 của nước CHXHCNVN gồm 12 Chương, 147 Điều do Quốc Hội thông qua và được Chủ Tịch Quốc Hội Nông Đức Mạnh ký ngày 15 tháng 4 năm 1992. Đương nhiên Hiến Pháp của một quốc gia phải được soạn thảo dựa trên thể chế chính trị, cách tổ chức guồng máy chính quyền và những điều lệ áp dụng cho toàn thể tổ chức chính quyền và quan trọng hơn chính là cho nhân dân. 

Trên thực tế, việc thực thi HP tại nước ta hiện nay lâm vào tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” loạn xà ngầu. Sở dĩ có chuyện đó xảy ra vì nguyên nhân căn bản là Điều 4 trái ngược với đa số điều lệ mang tính chất dân chủ của Hiến Pháp 1992. 

Các nhà soạn thảo Hiến Pháp 1992 “cài” Điều 4 vào đã tạo sự mâu thuẫn “sinh tử” cho công việc điều hành từ thượng tầng trung ương xuống đến địa phương. Nguyên do có lẽ các nhà soạn thảo Hiến Pháp nước ta chỉ muốn vay mượn “tư tưởng dân chủ siêu việt” của Hoa Kỳ để làm cái vỏ “trình diễn” bề ngoài cho bản Hiến Pháp CHXHCNVN mà họ, hoặc chưa hiểu thấu đáo cách áp dụng tư tưởng đó một cách đúng đắn hoặc cố tình thêm vào để “đứng trên Hiến Pháp” độc quyền quyết định mọi việc. 

Khi Điều 4 có quyền bao trùm cả Điều 2 và Điều 83, thì dẫu hai điều kia được thi hành nghiêm chỉnh cũng khó thể được chấp nhận như phán quyết cuối cùng vì quyết định ngược lại của cấp lãnh đạo cao do Điều 4 cho phép sẽ đứng trên quyết định do cấp dưới thừa hành. Từ Điều 4 đó, Hiến Pháp CHXHCNVN trở thành “Luật Rừng” cho dù nhân viên thừa hành có “hiểu và hành” theo đúng HP cách mấy đi nữa. Lý do, dầu và nước là hai loại chất lỏng có cấu tạo hóa học khác nhau hoàn toàn nên không thể trộn lẫn để thành một dung dịch mới đồng chất. Tương tự, Điều 2 và Điều 83 cùng các điều khác thích hợp cho thể chế dân chủ mà Điều 4 ngược với tinh thần dân chủ thì gộp chung lại, HP khó mà khả dụng. 

Tóm lại, thể chế độc tài tại nước ta hiện nay không thích hợp để áp dụng đa số các điều lệ có tính dân chủ qui định trong HP 1992; ngoại trừ Điều 4; nói cách khác, nếu bỏ Điều 4, luật pháp tại nước ta có lẽ khá hơn, nhưng cũng không thể thực thi tốt vì Hiến Pháp dân chủ chỉ khả dụng, khả thi trong thể chế dân chủ và phải đi đôi với cơ cấu tổ chức chính quyền đúng nghĩa tam quyền phân lập. Muốn sử dụng tam quyền phân lập có hiệu quả thì cả ba ngành phải riêng biệt, nhưng cả ba ngành đều phải có thực quyền và có quyền chế tài lẫn nhau. Hơn nữa, nhân sự điều hành ba ngành đều do dân bầu lên, ủy nhiệm những quyền hạn riêng biệt cho mỗi ngành không thể lẫn lộn hay tập trung quyền hành vào tay một người, một đảng chính trị nào. Ví dụ, các dân biểu do “đảng cử, dân bầu” làm sao hội đủ tính chính danh đại diện cho người dân khi dân biểu đó không tự ý ứng cử và được dân chúng tự do chọn lựa? Làm sao Nhà Nước (Hành Pháp) có quyền chế tài BCT khi chính những nhà lãnh đạo Nhà Nước và ngành Tư Pháp đều do BCT tuyển chọn? Làm sao tòa án nào dám định hình phạt nghiêm khắc khi các quan to chức lớn của Đảng tham nhũng, hối lộ, phạm tội tày đình? 

Chúng ta nhận thấy không khó khăn khi muốn sửa chữa HP nước CHXHCNVN. Nước và dầu không thể hòa tan thành một dung dịch đồng chất thì chỉ có cách là phân tách hai chất đó ra: gạn dầu vào một chai và nước vào một chai riêng. Cũng vậy, một số điều trong HP 1992 nếu không áp dụng được hoặc bổ túc cho các điều khác trong thể chế dân chủ tập quyền, ta phải nhặt chúng riêng ra. Cuối cùng ta sẽ có hai nhóm riêng biệt; nhóm thứ nhất gồm các điều áp dụng cho thể chế dân chủ; nhóm thứ hai gồm những điều có thể áp dụng cho thể chế độc đảng. 

Tới đây, toàn dân phải có sự chọn lựa nghiêm chỉnh; nếu chọn thể chế dân chủ thật sự thì phải chọn nhóm 1; nếu chọn thể chế độc đảng độc quyền thì phải chọn nhóm 2; lúc đó HP mới khả thi trong thể chế chính trị quốc gia do toàn dân chọn lựa. Soạn thảo HP cho quốc gia, không phải là chuyện dễ dàng, nhưng cũng không quá khó khăn nếu nhà soạn thảo có tầm nhìn chiến lược, nhìn xa trông rộng, có tâm huyết phục vụ quyền lợi đất nước và nhân dân. 

Nếu soạn một Hiến Pháp Dân Chủ cho thể chế chính trị dân chủ tương lai cho VN thì chúng ta cần 3 điều kiện: 

1. Theo thể chế chính trị dân chủ thật sự. 

2. Tổ chức cơ cấu hành chánh theo tam quyền phân lập, phân quyền nhưng kiểm soát lẫn nhau để không ngành nào có toàn quyền hành động. 

3. Hiến Pháp phải là bộ luật cao nhất của quốc gia, xác định những quyền hành riêng biệt cho mỗi ngành; đặc biệt quy định những quyền của nhân dân một cách công bằng. 

Tuy cũng là hình thức trung ương tập quyền, nhưng thể chế dân chủ hiện đại ngược lại với “thể chế độc tài, độc quyền, độc đảng.” Chế độ độc tài của Nhà Nước CHXHCNVN hiện nay được gọi là “phản dân chủ” vì toàn quyền kiểm soát và có độc quyền về mọi lãnh vực từ truyền thông, kinh tế đến chính trị. Trong chế độ dân chủ, tam quyền phân lập thật sự, các ngành kiểm soát và chế tài lẫn nhau một cách hiệu quả để tránh tình trạng một người hoặc một nhóm nhỏ độc quyền thao túng mà không ai kiểm soát nổi. Không những thế, tam quyền phân lập cũng tránh cho nhóm đa số áp dụng quyền hành hoặc luật lệ một cách bất công đối với một nhóm thiểu số nào. Tam quyền phân lập cũng cho phép các nhóm thiểu số có quyền đưa nội vụ việc lạm dụng quyền hành của nhóm cầm quyền ra ánh sánh cho luật pháp xét xử; do đó, nhóm cầm quyền, hoặc các chính đảng kèn cựa với nhau đều phải tự chế để tránh vi phạm. 

Tuy nhiên, điểm bất lợi của tam quyền phân lập là làm chậm tiến trình điều hành của chính quyền vì thời gian cộng tác để giái quyết vấn đề giữa các ngành thường kéo dài hơn hoặc nhiều khi một ngành có thể “ngâm tôm” một đề án do ngành khác chuyển qua vì lý do gì đó làm tắc nghẽn cả hệ thống công quyền. Ngược lại, trong thể chế độc tài, tiến trình nếu thực hành đúng thì thời gian từ lúc quyết định đến lúc thi hành sẽ rất ngắn, đôi khi xảy ra ngay lập tức. 

Kết luận, Việt Nam cần có Hiến Pháp khả dụng cho thể chế chính trị thích hợp được toàn dân chọn lựa, cho phép thành lập cơ cấu tổ chức chính quyền hiệu quả, bầu lên được thành phần lãnh đạo xứng đáng có tài đức; áp dụng nghiêm minh pháp trị để điều hành và phát triển quốc gia nhằm phục vụ quyền lợi tối thượng của tổ quốc và người dân. Đạt được mục tiêu nêu trên, dân Việt thật sự cần một cuộc cách mạng toàn diện; khó thể vá víu vì sai lầm nghiêm trọng ngay từ căn bản là Hiến Pháp (Đảng còn trên cả Hiến Pháp quốc gia nữa) thì làm sao thực hiện dân chủ và pháp trị? 



Không có nhận xét nào: