Pages

Thứ Ba, 11 tháng 9, 2012

Kẻ Phản Bội : Bán Linh Hồn cho Quỷ Đỏ



  Trong cuộc chiến bảo vệ miền Nam, quân lực non trẻ của Việt Nam Cộng Hòa đã phải vất vả đương đầu với hai lực lượng đối nghịch : Mặt trận Giải phóng miền Nam và bộ đội chính quy từ Bắc. Những người chiến sĩ miền Nam đã phải hy sinh thầm lặng, và thầm lặng đến độ qua cách nhìn thiển kiến của những phóng viên, nhiếp ảnh chiến trường có tinh thần thiên tả lẫn lộn trong những tờ báo ngoại quốc, ít khi nhắc đến những cái chết đau thương đó. Và trong số những người làm việc cho báo ngoại quốc cũng có vài người được sinh trưởng va giáo dục bởi miền Nam. Mặc dù họ đã và đang mang ơn những hạt gạo miền Nam, cùng mức sống sung túc cho bản thân, gia đình, nhưng trên hết, khi cuộc sống đầy đủ, con người thường có lòng tham vọng xa hơn về “cái tiếng.” Cuối cùng, họ chính là một trong số kẻ phản bội : bán linh hồn cho quỷ đỏ.

1- Sự Kiện Tiêu Biểu :    
      Với bức hình chụp về “Cô bé Napalm” tại quận Trảng Bàng trong chiến trường sôi động mùa hè đỏ lửa 1972 đã đưa một nhiếp ảnh chiến trường, gốc miền Nam giành được giải Pulitzer.
(Huỳnh Công Út tự Nick Út trong sắc phục Quân đội Việt Nam Cộng Hòa)
          Đó là một giải thưởng hàng năm dành cho 21 tiết mục được điều hành bởi Đại học Columbia, New York, Hoa Kỳ –ngoài số tiền mặt theo giá hiện thời (2012) khoảng 10.000 USD là tiếng tăm nghề nghiệp. Cũng như nhiếp ảnh viên báo chí Eddie Adams với bức hình Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan “triệt tiêu một người dân sự” (mà sau nầy được biết là Đại úy đặc công Nguyễn Văn Lém, tự Bảy Lốp — có nguồn tin khác cho rằng đó là Lê Công Nà, tự Bảy Nà– chính là người vừa mới ra tay hành quyết cả gia đình 4 mạng người –trong đó có cả 2 bé nhỏ) giữa phố Sài Gòn vào lúc chiến trận Tết Mậu Thân 1968, Nick Út nắm được thời thế nên sau nầy trở thành Phó chủ tịch hội nhiếp ảnh của nhà nước Việt Nam hiện thời (2012).
Một bức ảnh mà ông ta luôn cầu nguyện linh hồn người anh trai Huỳnh Thanh Mỹ là “một bức hình đem lại hòa bình cho đất nước và được nổi tiếng thế giới” (trích từ  Nick Út trải lòng sau 40 năm bức hình Em bé Napalm, 5/04/2012). Có hay không, đó chính là bức ảnh mang lại “hòa bình cho đất nước” khi nhóm chữ nầy cũng đồng nghĩa với ý : “công cuộc tấn công xâm chiếm miền Nam tự do từ miền Bắc cộng sản hoàn thành” ? Chắc chắn một điều là ông ta không có ý “hòa bình” là ngưng chiến, vì lẽ dễ hiểu, chính cuộc chiến đó là do miền Bắc cộng sản phát động cho đến khi nào đạt được “giải phóng” hoàn toàn miền Nam.
Cũng không sai, khi người chiến binh đồng minh từng tham gia nhiều trận chiến ở miền Nam đã nhận định về bức ảnh đó qua câu nói đầy đủ ý nghĩa nhất của vị Thiếu tá Phi công Trực thăng Hoa Kỳ, Ronald N. Timberlake :
Bức ảnh đã gây ngượng ngùng cho chính phủ Mỹ, nhưng cực kỳ gây tổn hại cho chính phủ miền Nam Việt Nam. Đó chính là một công cụ tuyên truyền tuyệt vời cho những người cộng sản, và có thể làm được nhiều hơn thế nữa so với bất kỳ hình ảnh nào khác đểngăn cản Quốc hội Mỹ cho phép sự hỗ trợ chính phủ miền Nam Việt Nam khi miền Bắc Việt Nam phát động cuộc xâm lược quy mô đất nước đó vào năm 1973.” (từ loạt bài “This is the Trang Bang lie!” (Đây là Lời giảo ngôn về Trảng Bàng) trang 1, 01/1998)
Dù rằng, trước đó cũng có những bức ảnh khác cũng “có tiếng tăm” trong cùng mục đích của Nick Út, và nhát dao kết liểu của ông ta ban cho quân lực Việt Nam Cộng Hòa như là một ân huệ của “hòa bình cho đất nước” mặc dù lúc bấy giờ ông ta vẫn còn đang mang sắc phục của một người lính Cộng Hòa.
2- Nick Út và “Cô bé Napalm” :
Bài viết Nick Út trên wikipedia cho biết tên thật là Huỳnh Công Út, sinh năm 1951 ở Long An, Việt Nam, bắt đầu nghề nhiếp ảnh viên cho tuần báo Associated Press (A.P.) Hoa Kỳ có chi nhánh ở Việt Nam vào lúc 16 tuổi (1967) –vì có người anh mới vừa tử nghiệp cho A.P. ở đồng bằng Mê Kông– sau khi rời bỏ nhà trường nửa chừng –nếu tính theo đúng tuổi học là vào khoảng lớp 10– dưới nền giáo dục của miền Nam Việt Nam Cộng Hòa. Với kiến thức cơ bản của một học sinh lớp 10, lại là một vùng khá quê mùa nếu so với thành phố Sài Gòn, thì chưa đủ trình độ vào đâu –kể cả khả năng ngoại ngữ tiếng Anh– để tạo cơ hội cho chàng thiếu niên Út bước vào nghề nhiếp ảnh chuyên nghiệp cho một hảng thông tấn A.P. tiếng tăm, nếu không nhờ vào cái chết của người anh và sự cứu xét rộng lượng của A.P. Và bức hình mà được gọi là nổi tiếng nhất của chàng thanh niên vào lúc 21 tuồi nầy, vào ngày định mệnh dung rủi là ngày 8 tháng Sáu năm 1972 trong trận chiến tại quận Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh.
Đó là khoảng thời gian mà Tướng cộng sản Trần Văn Trà nhận xét là “mặt trận Đông Nam Bộ năm 1972 là một trong cách chiến trường quan trọng.” Đến độ cộng quân tuôn đổ nhiều sư đoàn còn lại sau cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân 1968 thất bại (nhưng phần lớn là lực lượng Mặt trận Giải phóng miền Nam gần như bị triệt tiêu) như sư đoàn 5, 7, 9, và trung đoàn 209, 271 (C30B), 24 (C30B), 1, 2 (quân giải phóng); thêm vào 2 đội xe thiết giáp T-54, PT-76, pháo, cối, hỏa tiễn H12 v.v. Và có lẽ Trung đoàn biệt lập 271 đóng vai tró chính trong việc công phá quận Trảng Bàng, sau khi chiếm được họ xây dựng cộng sự, đào hầm, ở chợ và vòng đai bên ngoài. Chính vào lúc nầy, phi đoàn của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH) được kêu gọi nhằm đánh bật lực lượng cộng sản đang chiếm đóng sau một ngày giao tranh không phân thắng bại. Hoàn toàn không có bất kỳ lực lượng Hoa Kỳ nào tham chiến, và ban cố vấn cách xa khoảng 80 km. Sau vài đợt thả bom, một đội ngũ cộng sản lùa dân đang ẩn náu trong Tòa Thánh Cao Đài tuôn chạy ra ngoài vòng đai. Trên Quốc lộ 1, đám thường dân ùa về hướng QLVNCH xen lẫn những người cầm súng. Từ trên cao, chiếc phi cơ nhìn thấy lực lượng cộng sản đang nương vào đám dân để phá vòng vây, nên quyết định đánh chận trước khi có nguy cơ cho QLVNCH đang nằm chận. Kết quả là ngoài lực lượng cộng sản bị tiêu trừ, thêm khoảng 10 người trong đó có ít nhất là 5 chiến sĩ của QLVNCH phải hy sinh. Và cuối cùng là những hình ảnh chạy thoát được của “Cô bé Napalm” cùng 2 người anh, một phụ nữ ôm con bị phỏng nặng cùng hai đứa trẻ khác được theo sau để bảo vệ là 4 người lính VNCH.
Là một nhiếp ảnh viên chiến trường, chắc chắn Nick Út thừa biết sự sôi động của chiến trường đến mức độ nào vào mùa hè 1972 đó. Và bao năm săn tìm hình ảnh chiến tranh, chắc chắn rằng ông ta từng chứng kiến nhiều cảnh tàn khốc hơn bức ảnh “hòa bình cho đất nước” của ông ta, cũng như thừa hiểu rằng nguyên nhân trận chiến từ đâu đến. Vì không thể nào, dù là một kẻ mù trong thành phố –không cần mang máy ảnh như Nick Út– cũng nhận thức được rằng cuộc chiến đó đang xảy ra trên mảnh đất miền Nam Việt Nam, do chính QLVNCH phát động. Những chiến sĩ miền Nam nằm xuống ngay lúc bức ảnh “nổi tiếng” được định mệnh hóa đó đưa tên tuổi Nick Út lên cao vút đến nổi trở thành “bức ảnh huyền thoại” như tác giả Thoại Hà của vnexpress đã huyền thoại hóa nó lên một bậc (qua bài Nick Út: ‘Ảnh báo chí phải cho thấy lương tâm người chụp’, 7/04/2012) như cái huyền thoại của Hồ Chí Minh. Và… không mấy ai buồn nhắc đến tên tuổi của những chiến sĩ hy sinh đó, cũng như đa số thiên hạ không hề biết rằng nếu không có những chiến sĩ nằm xuống ngay lúc trái bom napalm nổ tung đó sẽ không ai biết đến Nick Út. Và chắc chắn rằng cũng không một ai biết đến “Cô bé Napalm” quê mùa đó.
Tuy nhiên, cho đến nay, người ta chỉ biết đến Phan thị Kim Phúc hay Cô bé Napalm và Nick Út. Họ đau buồn trong chia sẻ những bài diễn thuyết cho nhau vì tình nhân loại. Có bao giờ ai tự hỏi hay nêu lên, những người chiến sĩ VNCH nằm xuống đó, họ không là con người ? Họ không có thân nhân hay gia đình ? Ngay cả, họ không có tình nhân loại ? Mà duy chỉ những người còn sống mới đáng tiêu biểu là đầy tình nhân loại (?) Và trong những bộ quân phục đầy máu tan nát của họ, chắc chắn cũng là sắc phục mà Nick Út đã và đang trong lúc đó mặc trên người mà họ vẫn tin tưởng là bạn bè đến lúc phải hy sinh. Nơi bên kia thế giới, có lẽ họ đang suy tư về hai chữ tình đồng đội đáng tội nghiệp và chờ đợi câu trả lời thỏa đáng !
3- Những Kẻ Phản Bội Hiện Thực :
          Cô bé Napalm sau khi lành mạnh và trở thành tâm điểm sống động nhất cho dịch vụ quảng cáo “tội ác Mỹ ngụy” sau năm 1975, bên cạnh chiến dịch “chất độc da cam,” và những di tích “tội ác chiến tranh” –đáng kể nhất là vụ thảm sát làng Mỹ Lai (hoặc đúng hơn là thôn Mỹ Lai, làng Sơn Mỹ, tỉnh Quảng Ngãi)– mà tác giả cũng đã từng đến và thăm hỏi thêm về câu chuyện.
Được biết rằng, đó là một làng hẻo lánh, nên dân lành luôn sống phải chung giữa hai chế độ thù nghịch. Bề ngoài là thường dân, nhưng thực chất những thanh niên, đàn ông làng bị bắt buộc tuyển dụng theo cộng sản. Do đó họ chỉ còn cách là phải bảo vệ người thân trong những căn hầm ngụy trang và chống lại việc truy xét của đoàn lính Hoa Kỳ. Vì những cuộc hành quân truy lùng luôn bị bắn sẻ làm thiệt hại quân lính nên sinh ra nhiều bất bình và căm tức. Kết quả là cuộc thảm sát diễn ra với khoảng 350 người. Kể từ đó, những người lính ân hận đã bỏ thời gian trở lại hàng năm với mục đích tìm cách xoa dịu nổi đau dân Việt, thêm vào những trợ giúp vật chất cho dân cư hiện đang tạo lại một đời sống mới. Nhưng nếu so ra con số đó với vụ thảm sát Tết Mậu Thân 1968 ở Huế do chính quân đội miền Bắc và Mặt trận miền Nam, quả là khác xa. Và mãi đến hôm nay, không những lực lượng cộng sản chối bỏ và đổ lỗi cho QLVNCH và tìm mọi cách che giấu sự thật, cũng như lớn tiếng mạ lụy những tác giả –mà cũng là những nhân chứng– viết về thảm kịch có thật đó.
Tác động của Cô bé Napalm sinh năm 1963 cũng được tận dụng tối đa không ngoài mục đích công kích QLVNCH là thủ phạm. Vì thế cô bé trưởng thành Phan thị Kim Phúc được ưu đãi riêng biệt bởi nhà nước như là một minh tinh quốc tế ngoại hạng với chuyến du học Cuba về ngành Y vào năm 1986. Không những thế, sau khi kết hôn với Bùi Huy Toàn vào năm 1992 ở Cuba dù chưa hoàn tất chương trình, còn được nhà nước ưu đãi đi hưởng tuần trăng mật tận Moscow. Trên đường trở lại Cuba, trong lúc máy bay dừng lại tiếp nhiên liệu, họ quyết định tìm cách ở lại tỉnh bang Newfoundland, Canada qua sự giúp đỡ của nhóm Xã hội Bằng hữu Tôn giáo (còn được gọi vắn tắt là Quakers) của một chi nhánh Tin Lành, trước khi dọn về định cư tại thị trấn Ajax thuộc tỉnh bang Ontario.

a-    Cuộc hội ngộ theo ý Thượng Đế :

Vào lúc 33 tuổi, bà Kim Phúc được mời qua Hoa Kỳ dự ngày Tưởng Niệm (Memorial Day) vào năm 1996 do một số cựu quân nhân Hoa Kỳ có tinh thần chống chiến tranh hoạch định. Trong lúc diễn thuyết về đề tài “Cô bé Napalm” (đó luôn là đề tài chính trong mỗi chuyến giao du), có một mục sư thuộc nhóm Giám lý (Methodist là một chi nhánh của Tin Lành) tên là John Plummer chuyền tay mẫu tin xin phép được lên nói chuyện và xin được thứ lỗi bởi bà Kim Phúc. Và sau khi tuyên bố rằng chính ông ta là người ra lệnh cuộc dội bom ở quận Trảng Bàng khi còn trong quân đội Hoa Kỳ ở miền Nam lúc thời điểm đó, bà Kim Phúc tỏ ra ngạc nhiên và  xúc động ôm chầm lấy, và ban ơn thứ lỗi cho ông ta.
(Mục sư John Plummer và bà Kim Phúc)
Tiếp theo là những cuộc phỏng vấn dành cho Mục sư Plummer và bà Kim Phúc được thực hiện bởi chương trình truyền hình Nghệ thuật và Giải trí (Arts & Entertainment), Đường dây Đêm của ABC (ABC’s Nightline) và đồng loạt nhiều tờ báo rầm rộ đưa tin, vẽ vời thêm câu chuyện về bà Kim Phúc. Và ngay trên trang mạng The Kim Foundation International (Tổ chức Quyên góp Quốc tế của bà Kim) của bà ta hiện tại vẫn còn ghi lại cuộc gặp gỡ mà vị Mục sư đó gọi là “Cuộc hội ngộ theo ý Thượng Đế.”

b- Huyền thoại và sự thật của biến cố Trảng Bàng :

Đó cũng là tựa đề của bài viết The Myth and The Truth of “Trang Bang Incident” đăng lại bài viết “The Myth of the Girl on the Photo” (Huyền thoại của Cô bé trong Bức ảnh) ngắn gọn vào tháng Giêng năm 1998 của vị cố Đại tá Không quân Hoa Kỳ Ronald N. Timberlake (qua đời vì tai nạn xe gắn máy vào ngày 5 tháng Năm, 1999) hoặc chi tiết hơn được ông ta kể lại qua bài “The Story Behind the Myth” (Câu chuyện Phía sau sự Huyền thoại)  trong loạt bài “This is the Trang Bang lie!” (Đây là Lời giảo ngôn về Trảng Bàng).
(Vị Thiếu tá Phi công Trực thăng Hoa Kỳ, Ronald N. Timberlakelúc còn ở miền Nam Việt Nam)
          Sau khi vị Thiếu tá Timberblake đọc được bài viết “A Miracle at the Wall” (Phép mầu tại Bức tường Vinh danh Tử sĩ) qua một người bạn gởi cho mà người viết là bạn của người bạn đó. Bài viết đó tường thuật lại cuộc gặp gỡ của vị Mục sư John Plummer và bà Kim Phúc tại Bức tường Vinh danh Tử sỉ (vào năm 1996) và lời tuyên bố “tha thứ” của bà Kim Phúc cho vị Mục sư Plummer, vốn là người tự nhận đã ra lệnh dội bom Trảng Bàng khiến đưa đến tai nạn cho riêng bà Kim Phúc. Ông ta kể lại rằng khi vừa mới đọc qua, ông ta đã biết chắc rằng đó là một câu chuyện ngụy tạo nhưng ông ta cũng không ngờ ngay lúc bấy giờ rằng đó chính là một sự lường gạt toàn bộ  đến như thế.
Vào ngày 1 tháng Mười Một, ông ta nhận được cú điện thoại của vị cựu Trung tướng James Hollingsworth, là vị chỉ huy của một đơn vị mà vị Mục sư (lúc bấy giờ Đại úy) làm việc với toàn thể nhân viên trong thời gian biến cố xãy ra. Sau đó vị Trung tướng gọi đến một Sĩ quan Chiến Dịch, cựu Thiếu tướng Niles Fulwyler, vốn là vị Đại tá chỉ huy trực tiếp của Đại úy Plummer (tức là vị Mục sư) vào thời gian của năm 1972 để xác nhận anh chàng Plummer, 24 tuổi, là nhân viên thừa hành của TRAC (Third Regional Assisstance Command : Bộ chỉ huy Hỗ trợ Vùng Ba). Phải mất đến gần 2 năm, qua những trao đổi thư mạng liên tục với nhiều người, chất vấn ông Plummer, và nghiên cứu sâu vào những tài liệu của TRAC, cuối cùng vị Thiếu tá Timberlake đi đến kết luận :
1_ Vị Mục sư Plummer, tức nhân viên Đại úy của TRAC không có thẩm quyền ra lệnh bất kỳ cuộc dội bom nào.
2_ TRAC không có quyền điều khiển những chiến dịch không kích của lực lượng Không quân miền Nam Việt Nam và lúc bấy giờ không có cố vấn nào ở cấp tiểu đoàn.
3_ Tham chiến trận đánh là những quân lực đối lập của chính người Việt Nam.
Và theo vị Thiếu tá, ông ta biết chắc, bà Kim Phúc thừa hiểu rằng đó là cuộc dội bom của Không lực miền Nam vì Nick Út là nhiếp ảnh viên theo chiến trường lúc đó. Thêm vào những chứng cứ đó, vị Thiếu tá tìm hiểu về “Cuộc hội ngộ theo ý Thượng Đế” qua việc sắp xếp cuộc gặp gỡ của vị Mục sư Plummer, bà Kim Phúc, và người trung gian giới thiệu cho hai người là nhà thơ Võ Duy Linh. Sau khi nhiều lần chối bỏ rằng ông ta không hề có sự liên lạc gì với bà Kim Phúc trước đây, vị Mục sư đành thú nhận khi nhà thơ Võ Duy Linh đưa ra những bức thư mạng mà qua đó vị Mục sư yêu cầu số điện thoại, địa chỉ của bà Kim Phúc, cũng như lời giới thiệu của nhà thơ cho cuộc gặp gỡ được sắp xếp trước sau nầy với bà ta. Và bà Kim Phúc cũng từ chối bất kỳ cú điện thoại nào hỏi về “Cuộc hội ngộ theo ý Thượng Đế” đó.

c- Tha thứ :

Sau khi hội nhập vào xã hội mới ở Canada, bà Kim Phúc cảm thấy niềm tin ở đạo Cao Đài không đủ xoa dịu vết thương lòng của mình, nên cuối cùng quyết định trở thành một tín đồ Tin Lành và thường xuyên có mặt ở nhiều nhà thờ khác nhau ngay cả trong những chuyến giao du nhằm mục đích có dịp diễn thuyết về đề tài “Cô bé Napalm” hầu tạo một cơ sở chắc chắn hơn sau nầy trong vòng tay mở rộng và sự ủng hộ của những chi phái Tin Lành khác nhau.
Qua lá thư mạng được gởi cho những tín đồ Tin Lành của George Mooth vào ngày 30 tháng Năm, 1998 trong loạt bài “This is the Trang Bang lie!”, trang 3, có đoạn :
“According to a story in the Minnesota Christian Chronicle, Kim Phuc was invited to Washington in 1996 to speak at the Vietnam Veterans Memorial. As she spoke, she said she would forgive the pilot if they were to meet. Incredibly, John Plummer was in the audience. He had heard that Kim would be there, so he came to hear her speak. After the ceremony, the two met. Plummer repeated, “I’m sorry, I’m sorry.” Kim replied, “It’s all right, I forgive.” How could she forgive the one responsible for scarring her for life? Kim had become a Christian since the Vietnam War, and so had John.”
(Theo một câu chuyện ở Sử biên niên Tin Lành thuộc tiểu bang Minnesota, bà Kim Phúc được mời đến Washington vào năm 1996 để nói chuyện tại Đài tưởng niệm Cựu chiến binh Việt Nam. Như bà ta diễn thuyết, bà ta rằng sẽ tha thứ cho người phi công nếu họ được gặp gỡ. Thật kỳ lạ vô cùng, John Plummer có mặt trong đám khán giả. Ông ta đã nghe nói rằng bà Kim sẽ có mặt ở đó, vì vậy ông ta đã đến nghe bà nói. Sau buổi lễ, hai người gặp nhau. Ông Plummer lặp đi lặp lại, “Tôi xin lỗi, tôi xin lỗi.” Bà Kim trả lời: “Không sao đâu, tôi tha thứ.” Làm thế nào bà ta có thể tha thứ cho người chịu trách nhiệm gây nên vết sẹo mình suốt đời? Bà Kim đã trở thành một tín hữu Tin Lành kể từ khi chiến tranh Việt Nam, và ông John cũng vậy.)
Có ba điều sai lầm là bà Kim Phúc trở thành tín hữu Tin Lành sau khi đến Canada và ông John Plummer trở thành Mục sư không phải chỉ sau khi trở lại Hoa Kỳ mà sau cả một thời gian vài năm chán đời, ghiện rượu vì gia đình tan vỡ. Dù vị Thiếu tá Timberlake đã tung bài vào tháng Giêng, cũng như nhiều tờ báo và chương trình truyền hình (Baltimore Sun, Washington Post, CNN, A & P, v.v.) cải chính bài viết sau nầy, ngay cả UNESO cũng điều chỉnh lại bản tin, nhưng lá thư mạng tháng Năm nầy cho thấy rằng vòng tròn ủng hộ của Tin Lành cho bà Kim Phúc không thay đổi.
Riêng về phần bà Kim Phúc, nhà thơ Võ Duy Linh đã nêu lên câu hỏi :
“Educate me where in a history book that I can find the story of a Jewish Girl who once came to America’s capitol to forgive the Americans and allies for accidentally hurting the children while liberating the Holocaust victims…”
(Hãy chỉ cho tôi biết nơi nào trong một cuốn sách lịch sử mà tôi có thể tìm thấy câu chuyện của một cô gái Do Thái vốn là người có lần đến thủ đô nước Mỹ để tha thứ cho dân Mỹ và những đồng minh vì vô tình làm tổn thương các trẻ em trong khi giải thoát những nạn nhân của nạn Diệt Chủng do Đức quốc Xã…)
Nhận xét của nhà thơ quả chính xác, vì trong bất kỳ cuộc chiến nào cũng không thể tránh được việc gây thiệt hại cho thường dân vì vô tình. Tuy nhiên, nếu thêm vào đó là sự cố ý lợi dụng dân làm bia đỡ đạn hoặc thảm sát họ vì oán hận lòng dân không cùng phe như sự kiện thảm sát Mậu Thân Huế 1968 với ít nhất 1.500 người bất kể là ai do cộng sản ra tay, 4 năm trước khi bức hình “Cô bé Napalm” bão nổi, thì đó là điều khó tha thứ. Nhưng sự kiện đó lại bị chìm mau như hòn đá quá nặng đau thương đến nổi chẳng mấy ai trên thế giới có dịp biết đến. Trong bom đạn giũa hai bên đối đầu thì không chỉ riêng lực lượng nào phải gánh trách nhiệm gây thiệt hại cho thường dân trong đó. Cũng như không chỉ một mình bé Kim Phúc bị thiệt hại mà còn nhiều người khác như một người quen của tác giả bị mất một chân lúc mới 9 tuổi trong cùng năm 1972 và cuối cùng được miền Nam trợ giúp và đưa qua Úc chữa chạy thêm. Người đó sau khi bình phục được trả về Việt Nam với một chân giả nhưng đến năm “Hòa bình 1975” cũng tìm cách trốn chạy trở qua Úc. Và người đó chưa bao giờ lên tiếng oán hận QLVNCH hay lực lượng cộng sản, ngoài lòng cảm ơn miền Nam cứu giúp như đã từng đối với cô bé Kim Phúc kia.
Và vị Thiếu tá Timberlake trong bài viết The Myth of the Girl in the Photo”” thêm một nhận định như sau :
“It appears to be a politically sound strategy for Ms. Kim Phuc, resulting in an appointment as ambassador of goodwill for UNESCO, and the formation of a foundation in the United States, to solicit money in the name of this new Canadian citizen.”
(Dường như là một chiến lược chính trị hợp lý cho bà Kim Phúc, tạo nên kết quả cho việc bổ nhiệm như là đại sứ thiện chí của UNESCO, và sự hình thành của một cơ sở quyên góp ở Hoa Kỳ, nhằm thu hút tiền bạc vào tên của người công dân Canada mới này.)

d- Vô tình hay cố ý :

Trở ngược thời gian vào năm 1996, khi bà Kim Phúc đến Washington nhân ngày Tưởng niệm Tử sĩ và đọc bài diễn thuyết. Ngoài sứ mạng “tha thứ” của bà ta qua “cuộc hội ngộ theo ý Thượng Đế” làm đau điếng những cựu chiến binh Hoa Kỳ mãi đến hai năm sau mới được vị Thiếu tá Timberlake giải oan. Nhưng dường như chiều hướng cuối cùng là nhắm vào vị Mục sư háo danh vì nghĩ rằng nương theo gió bà Kim Phúc và Nick Út sẽ được bay cao hơn trong sự nghiệp Mục sư mình dù phải bịa chuyện đi ngược lại quy củ của một người Tin Lành thuần hành. Bà Kim Phúc dù có dính liếu đến phần nào nhưng vẫn có thể vượt qua dễ dàng trong cách ngây ngô không biết gì, tuy bà ta vẫn song đôi trong những cuộc phỏng vấn với vị Mục sư.
Cứ cho là vô tình nên có ít nhiều hệ lụy đến với bà Kim Phúc lúc đó, nhưng đôi khi có quá nhiều cái vô tình đến nổi người ta khó kiểm soát để tự nó biến thành sự cố ý một cách lồ lộ. Và trong trở lại loạt bài “This is the Trang Bang lie!”, trang 2, qua bài viết “Energetic Vet Exposes Big Vietnam” (Cựu chiến binh đầy nghị lực phơi bày một Việt Nam khoác lác)  của Joseph C. Goulden, là Giám đốc của Media Analysis Accuracy in Media (Tính chính xác qua sự Phân tích Truyền thông trong Môi trường), có đoạn như sau :
“Kim Phuc knew that Plummer would be in her audience. . According an account in Biography Magazine [September 1997] Kim Phuc gave an emotional speech in which she claimed that two of the brothers had been killed in the air strike. [Actually, they were cousins, not brothers.]”
(Bà Kim Phúc biết rằng ông Plummer sẽ có mặt trong đám khán giả của mình… Theo lời tường thuật trong Tạp chí Tiểu sử [tháng Chín, năm 1997] bà Kim Phúc đưa ra một bài phát biểu đầy cảm xúc mà qua đó bà ta tuyên bố rằng hai người trong số những anh em đã từng bị giết chết trong các cuộc không kích. [Trên thực tế, họ là anh em họ, chứ không phải anh em])
Với một khả năng tiếng Anh đứng lên diễn thuyết giữa hàng ngàn cựu chiến binh Hoa Kỳ thì khó thể nào cho là bà ta lầm lẫn giữa hai từ đơn giản brother (anh em) và cousin (anh em họ) trong bài văn. Như vậy, càng khó cho là sự vô tình như chuyện liên hệ với vị Mục sư Plummer. Và sau đó, hàng loạt báo chí cứ theo y bài diễn thuyết viết lại và cả trong những cuộc phỏng vấn trên truyền hình. Nếu không vì mục đích nào đó, có lẽ cũng cứ xem là …sự vô tình dù được lập lại nhiều lần cùng một câu phát biểu ở nhiều nơi khác nhau.
4- Những Trái tim của Thiên sứ Hòa Bình :
Trong vai trò mới như là Đại sứ Hòa bình, bà Kim Phúc dành nhiều thời gian đến những trường Trung, Tiểu, Đại học ở Hoa Kỳ, Canada, và nhiều tổ chức của các nước khác –ngoài việc trợ cấp vật chất qua cơ sở quyên góp của tên riêng mình, là bài diễn thuyết cũng với chủ đề “Cô bé Napalm,” cùng tặng phẩm thường là bức hình “huyền thoại” của Nick Út, sách“The Girl in the Picture : the Kim Phuc Story” (Cô bé trong hình : Câu chuyện của Kim Phúc) của Denise Chong, và CD về bà.
Có phải chăng đó là những việc làm của một Thiên sứ Hòa bình hay là cách tuyên truyền quen thuộc của cộng sản không ngoài mục đích đổ lỗi chiến tranh là do Hoa Kỳ và chính quyền miền Nam Việt Nam ? Vì trong bất kỳ bài phát biểu nào, bà Kim Phúc cũng đưa ra luận cứ là do Không quân miền Nam với sự kết hợp của Hoa Kỳ qua nhân vật Mục sư Plummer. Hoàn toàn không bao giờ nói đến nguyên nhân chiến trận đó là do sự xâm lược của miền Bắc cộng sản.
(Những đôi mắt của “Thiên sứ Hòa bình” vào năm 2007)
 Với Nick Út sau khi chạy thoát khỏi miền Nam sau ngày “Hòa Bình” năm 1975 –mà ông ta hằng mơ ước cho đất nước, như lời ông ta thường nói– qua Hoa Kỳ định cư, trong vai trò nhiếp ảnh thuộc loại săn hình đeo đuổi những người có tiếng tăm. Bức ảnh “Cô bé Napalm” còn được mang thêm tên mới là “Bức ảnh Hòa bình” vì nhờ nó nên có ngày “Hòa Bình 75” như ông ta thường tuyên bố. Và đặc biệt được hân hạnh đặt chiếc máy ảnh hiệu Leica M2 trong Viện Bảo tàng Báo chí ở Washington D.C, Hoa Kỳ và nó phải được bảo hiểm 100.000 USD khi muốn mượn đem triển lãm như Viện Bảo tàng Khoa học London, Anh quốc. Với dòng chữ kiêu hảnh : “Đây là chiếc máy ảnh đã làm thay đổi cách bạn nhìn về thế giới.” (theo bài Trải nghiệm mới của Nick Út, 1/04/2012, Quang Thi).
(Ống kính to dài để khám phá thế giới Đại Đồng mới)
 Có phải chăng dòng chữ đó ngụ rằng bạn nên nhìn về một thế giới Đại Đồng ? Vì nhờ chiếc máy ảnh đó, Việt Nam hôm nay được xem là Tiểu Đồng và đang bước vào Đại đồng. Đồng thời dòng chữ khuyên nhủ rằng hãy mạnh dạn bước vào Đại Đồng với Trung Cộng như Tiểu Đồng Việt Nam đang thực hiện. Và đó cũng là lời cầu nguyện của Nick Út với linh hồn người anh của mình. Tuy nhiên, giá mà Nick Út đừng “trót lỡ” định cư bên Hoa Kỳ mà về lại Tiểu Đồng Việt Nam thì có lẽ giấc mơ được hoàn thiện hơn và tuyệt vời hơn. Hoặc cũng có thể Nick Út đã thấy trước –như ngày nào biết trước rằng bức hình “huyền thoại” đó sẽ mang lại “Hòa Bình” tốt đẹp cho Việt Nam– rằng Hoa Kỳ hay Canada hoặc Anh quốc v.v. trước sau cũng sẽ bước vào Đại Đồng, nên việc định cư ở đâu cũng sẽ thuộc về Đại Đồng Cộng Sản (?).
Có lẽ có cùng ý nghĩ đó nên bà Kim Phúc bảo lãnh mẹ mình qua Canada và được nhà nước Việt Nam “sẵn sàng” chấp thuận dù bà ta tuyên bố trốn bỏ Đảng (defected). Tuy nhiên, theo thống kê cho biết, dường như trường hợp bảo lãnh gia đình của bà Kim Phúc như thế rất là
hiếm hoi, nếu không nói là không bao giờ có thể xảy ra, trừ khi Đảng hài lòng với công việc được giao phó như là : Thiên sứ Hòa bình.
Trong bài Nick Út trải lòng sau 40 năm bức hình Em bé Napalm, 5/04/2012, Phượng Hoàng, với trái tim Thiên sứ Hòa bình Nick Út luôn có cái nhìn rất ư là tốt đẹp như đã ông ta nói : “Bây giờ, hầu như đất nước Việt Nam chỗ nào cũng thay đổi. Cuộc sống thanh bình quá, khó tìm thấy dấu vết chiến tranh nữa…” Chỉ tiếc là dường như ông ta không tìm thấy cảm hứng qua ống kính với những người dân thuyền chày miền biển, hay đám dân oan trú ngụ ở công viên, hay dễ tìm hơn là cảnh cưỡng chế đất tương tự bức ảnh “Một người Định cư Do Thái đơn độc Thách đố những Công an Israel” của Oded Bality đoạt giải Pulitzer năm 2007. Và còn nhiều rất nhiều cảnh khác rất có triễn vọng mang lại giải Pulitzer cho Nick Út lần thứ hai, lần thứ ba, lần thứ 10 cũng khôn chừng mà ông ta không cần than phiền rằng“khó tìm dấu vết chiến tranh” để phóng máy ảnh lần nữa.
(“Một người Định cư Do Thái đơn độc Thách đố những Công an Israel”)
 5- Giải Thưởng Lương Tâm :
Trong mọi giải thưởng mà con người tạo ra nhằm khuyến khích mọi người thi đua hầu mang đến kết quả tốt hơn về khía cạnh nầy hoặc khía cạnh khác trong cái đa dạng của cuộc sống. Và riêng về ngành nhiếp ảnh nếu không mang tính nghệ thuật nhiều thì cũng phản ảnh góc cạnh hiếm hoi nào đó của cuộc sống. Tuy nhiên, trong việc tranh đua danh lợi, người ta thường thích thủ thắng, bổng lộc và được tâng bốc hơn là tìm đến Giải thưởng Lương Tâm. Vì đối với họ, giải thưởng đó chẳng đem khoe ra thiên hạ được, nói chi đến lợi lộc. Nhưng phàm làm người, không có gì là vĩnh cữu, thì bản thân vật chất cũng chỉ là cát bụi một sớm, ngoại trừ cái gì đó có khả năng nằm ngoài sức hút của trái đất mà chắc chắn rằng trong con người chúng ta có cái đó. Vâng, đó là linh hồn lương tâm, mà không một quyền lực xã hội nào có thể chế ngự được nó.
Hãy thử so sánh hai bức hình dưới đây giữa cô bé Kim Phúc chạy bom vừa la khóc (nhưng lúc đó chưa biết phản đối chính phủ miền Nam Việt Nam gây ra chiến tranh (?)) và anh chàng Tây Tạng lưu vong dũng cảm 27 tuổi, Janphel Yeshi, tự thiêu trong tư thế vừa chạy, vừa hô khẩu hiệu trong cuộc biểu tình ở New Delhi, thủ đô Ấn Độ nhằm phản đối Trung Cộng cướp nước.




     (Cô bé Napalm 6/1972)                           (Đuốt sống cho Tự do 3/2012)
Nhưng chỉ có bức hình “Cô bé Napalm” được giải Pultizer và khiến cả thế giới nhảy tưng lên gào thét lên án chiến tranh miền Nam Việt Nam hoặc ngậm ngùi nước mắt lẩm bẩm hai chữ “Hòa bình” trong nghẹn ngào khi nghe diễn thuyết. Đồng thời cũng là sức nóng của lửa, nhưng nổi kinh hoàng của bé Kim Phúc chưa thấm vào đâu nếu so với anh chàng Janphel Yeshi nầy. Và đây là lần thứ 34 tự thiêu đến chết người, nhưng không thấy thế giới gào khóc như họ nhìn thấy “Cô bé Napalm” còn sống và trưởng thành và đi loanh quanh thực hiện sứ mệnh Thiên sứ Hòa bình được quy định trước. Mà đã nhiều lần bà Kim Phúc luôn tự hào đó là “Thượng Đế dùng tôi ngày đó. Điều đó đã cứu vớt nhiều linh hồn và mang đến sự chấm dứt chiến tranh” (God used me that day. It saved a lot of souls and brought an end to the war).
Nhưng tại sao Thượng Đế không dùng anh chàng Janphel Yeshi ? Hay ít ra cũng một trong 34 người tự thiêu cho Tự do đó ? Thượng Đế nào cho bà Kim Phúc kinh nghiệm cảm nhận được đến nổi bà ta chỉ cần ước bảo lảnh người mẹ qua Canada là được ngay ! Trong khi, anh chàng Tây Tạng cháy tan da thịt chớ không phải chỉ là phỏng cấp ba như cô bé Kim Phúc mà Thượng Đế lại chẳng thèm biết đến.
Dù sau, chắc chắn một điều rằng người chụp bức ảnh “Đuốt sống cho Tự do” sẽ được Giải thưởng Lương tâm mà không cần giải Pulitzer nào cả, cũng như chắc chắn một điều nữa rằng anh chàng Janphel Yeshi nầy không thèm làm Thiên sứ Hòa bình ở trần gian giả dối, điêu ngoa, và đầy toan tính tranh giành lợi ích cá nhân. Anh ta đã có một vị trí thích hợp trong tim của những người yêu chuộng Công bằng, Tự do, Dân chủ đầy màu xanh da trời, không phải là màu đỏ sắc máu.
6- Thay Lời Kết Luận :
Nhưng xét cho cùng, theo thiển kiến của nhiều người cho rằng bức ảnh “Cô bé Napalm” mang đến sự chấm dứt chiến tranh là hoàn toàn sai lầm nếu không nói là quá nông cạn kiến thức thời sự lúc đó và Bộ Chính trị miền Bắc nắm bắt ngay yếu tố ngu muội của những kẻ thời cơ để ca ngợi “Bức ảnh Hòa bình” cũng như nhân vật chính trong đó bay cao như bong bóng nước. Sự thật là Ngoại trưởng Hoa Kỳ Henry A. Kissinger đã có cuộc gặp gỡ không chính thức với Thủ tướng Trung cộng Chu Ân Lai vào ngày 20 tháng Sáu năm 1972 tại Đại Sảnh đường ở Bắc Kinh.
Mục đích cuộc gặp gỡ nầy là sự trao đổi ý kiến sơ bộ về vấn đề hợp tác phe cách đối đầu với Liên Xô, xét đoán về phản ứng Âu Châu và quan trọng nhất là vấn đề Đông Dương mà qua đó ông Kississger đã chính thức tiết lộ những dự trù của Hoa Kỳ về vấn đề chiến tranh Việt Nam : chấm dứt chiến tranh, rút quân, và trao trà tù binh. Có nghĩa là thái độ Hoa Kỳ trong chính sách chiến tranh Việt Nam đã quá rõ và hình thành trước thời gian 1972 trong kế hoạch bàn thảo nhằm ổn định kinh tế trong nước và nhẹ gánh nặng mặt Đông Dương để đương đầu với Liên Xô.
Cho dù bức ảnh “Cô bé Napalm” giành được giải Pulitzer chắc chắn rằng nó chẳng mang lại vấn đề chấm dứt chiến tranh hay hòa bình gì cả. Tại sao ? Rất đơn giản vì thí dụ bức ảnh “Một người Định cư Do Thái đơn độc Thách đố những Công an Israel” của Oded Bality đoạt giải Pulitzer năm 2007 cũng không làm thay đổi tình hình Trung Đông hoặc loạt bức hình của những nhân viên tờ báo New York Times về cuộc tấn công hai tòa nhà Thương mại Quốc tế cao chọc trời cũng đoạt giải Pulitzer năm 2002, nhưng không ai cho là những bức ảnh đó gây tác động đưa đến cuộc chiến của Hoa Kỳ và lực lượng Taliban ở Afghanistan
(Chiếc máy bay thứ hai đang tiến đến khu Trung Tâm Thương mại Thế giới 11/09/2001, do Kelly Guenther chụp)
               Chỉ một kết luận đúng nhất là tất cả là bản chất tuyên truyền của cộng sản mà trong đó những kẻ phản bội sẵn sàng bán rẻ linh hồn họ cho quỷ đỏ vì danh lợi mà không cần nghĩ đến hai chữ quốc gia hay dân tộc. Họ đang đứng ở một góc khuất của lịch sử, lấm lét nhìn “hậu quả hòa bình” mà họ góp tay nhưng không bao giờ dám sống trong “mảnh đất hòa bình” đó. Nếu có chăng, họ “dám sống” bằng lời nói hoặc bút giấy hay thỉnh thoảng làm người Việt kiều yêu nước “ghé chơi” vài tuần, vài tháng rồi chuồn khỏi cái đất nước mà đáng lý ra họ nên định cư ngay trên quê cha đất tổ đó.
Hàn h Khuất

Không có nhận xét nào: