Pages

Thứ Hai, 17 tháng 9, 2012

Lá phiếu tín nhiệm cần công khai để người dân được biết

GS Nguyễn Minh Thuyết, người từng đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm thành viên Chính phủ, trao đổi về Đề án Quy trình, thủ tục, cách thức lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn – vừa được đưa ra thảo luận tại TVQH.
PV: Theo Đề án,việc lấy phiếu được coi như thăm dò, coi nhưcăn cứ để có thể dẫn đến một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm. Thưa GS, phải chăng quy định bỏ phiếu đã có từ 10 năm qua không thể thực hiện được nên phải có một hình thức khác là lấy phiếu tín nhiệm?
GS Nguyễn Minh Thuyết:


Theo Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội, QH thực hiện bỏ phiếu đối với các chức danh được QH bầu hoặc phê chuẩn theo đề nghị của ít nhất một cơ quan của QH (Hội đồng Dân tộc, các ủy ban) hoặc của 20% ĐBQH. Thực tế 10 năm qua cho thấy những quy định này rất khó thực hiện. Làm sao có thể lấy được ý kiến của 20% số ĐBQH trong khi 92% ĐBQH là Đảng viên và luật không quy định ĐBQH được quyền vận động bỏ phiếu tín nhiệm? Nhưng vì sao các cơ quan của QH cũng chưa baogiờ thực hiện quyền mà Hiến pháp và pháp luật đã dành cho mình? Theo tôi, vướng mắc lớn nhất ở đây là pháp luật chưa quy định rõ ràng về quan hệ giữa tổ chức Đảng với QH nói riêng, cơ quan dân cử nói chung trong công tác nhân sự. Mặc dù được Hiến pháp và pháp luật trao quyền nhưng trên thực tế cơ quan dân cử không thể bỏ phiếu tín nhiệm đối với bất kỳ ai nếu không có ý kiến của tổ chức Đảng.
Đề án lần này được trình giữa lúc chúng ta đang thực hiện NQ TƯ4. Theo tôi, nghị quyết TƯ 4 chính là nhân tố trực tiếp quyết định việc Đề án được thảo luận lần này.
Về nguyên tắc, QH bỏ phiếu tín nhiệm đối với tất cả các chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn. Nhưng số lượng đó quá lớn. Nếu mở quá rộng đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm thì sẽ làm loãng việc lấy phiếu. Vì vậy, theo tôi, chỉ nên tập trung vào khối các cơ quan hành pháp, tư pháp bởi hoạt động của họ ảnh hưởng trực tiếp đến KT-XH, đến đời sống, đến dân chúng. Còn đối với chức danh trong các cơ quan QH, chỉ nên lấy phiếu tín nhiệm đối với Uỷ viên UBTVQH trở lên.
PV: Thưa GS, ông có tán thành quy định 2 lần lấy phiếu mà tỷ lệ tín nhiệm dưới 50% mới bỏ phiếu tín nhiệm?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Theo tôi, viêc lấy phiếu tốt nhất nên thực hiện hằng năm bởi mục đích của việc lấy phiếu không phải để hạ bệ ai mà để đôn đốc, thúc đẩy công việc. Do đó, nếu quy định 2 năm mới lấy phiếu tín nhiệm 1 lần và chỉ sau 2 lần lấy phiếu mà tỷ lệ tín nhiệm dưới 50% mới chính thức tiến hành thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm thì quá “rón rén, rề rà”. Thử tưởng tượng xem: Một nhiệm kỳ chỉ có 5 năm, một người làm việc không đạt yêu cầu mà QH phải đợi đến 4 năm sau mới bãi nhiệm được thì công việc nhà nước sẽ như thế nào? Theo tôi, nếu không đủ 50% số phiếu tín nhiệm thì miễn nhiệm ngay là đúng nhất. Nhưng ở ta, Đảng mới là người quyết định công tác nhân sự, nếu QH miễn nhiệm ngay thì tổ chức Đảng can dự vào lúc nào? Giải pháp khả thi nhất là trong trường hợp người được lấy phiếu tín nhiệm không đạt được 50% số phiếu tín nhiệm thì tổ chức Đảng cùng cấp cần họp để xem xét và có ý kiến. Nếu chức danh đó không đủ tín nhiệm thì đưa sang cơ quan dân cử làm thủ tục chính thức bỏ phiếu tín nhiệm. Còn nếu xét thấy có lý do để lưu nhiệm thì tổ chức Đảng gửi văn bản đề nghị QH cho lưu nhiệm; đến lần bỏ phiếu năm tiếp theo vẫn không hội đủ số phiếu tín nhiệm thì sẽ nghỉ luôn.
Bên cạnh việc bỏ phiếu định kỳ, cũng cần quy định thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm bất thường theo đề nghị của một cơ quan QH hoặc của ĐBQH. Nếu một trong các cơ quan này hoặc một ĐBQH đề nghị và được ít nhất 2 đại biểu khác đồng tình thì QH phải biểu quyết xem có tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm bất thường không. Một ĐBQH (ĐBHĐND) đại diện cho vài trăm ngàn cử tri, con số đó không phải là nhỏ và ý kiến của ĐB xứng đáng được QH tiếp thu.
PV: Trong quá trình thảo luận Đề án, “văn hóa từ chức” đã được nói tới để dành cho những người không đủ tín nhiệm? Nhưng dường như đây không phải là một biện pháp sau khi sự mất tín nhiệm đã được thể hiện qua việc lấy phiếu, thưa GS?GS Nguyễn Minh Thuyết: Từ chức có rất nhiều lý do, không chỉ liên quan đến chuyện không hoàn thành nhiệm vụ hay phải chịu trách nhiệm về sự cố trong lĩnh vực mình phụ trách. Nói đến chuyện này, tôi nhớ Bộ Nội vụ trước đây có đề án xây dựng Quy chế từ chức. Không biết lâu nay Bộ còn quan tâm đến đề án ấy không, nhưng theo tôi thì không nên có quy chế này. Từ chức để chịu trách nhiệm về một việc nào đó là văn hóa, tức là gắn với trình độ nhận thức. Nó là sự tự nguyện. Nhưng qua đó, người dân đánh giá được văn hoá ứng xử của người có chức danh. Trong việc lấy phiếu tín nhiệm, theo tôi, chỉ cần công khai kết quả cho người dân biết là được.
PV: Về lý thuyết, việc bỏ phiếu tín nhiệm sẽ diễn ra khi một chức danh “mất tín nhiệm đối với cử tri”, nhưng thưa GS, dường như “mất tín nhiệm đối với cử tri” chưa hề được giải thích, hoặc quy định như một tiêu chí trong một văn bản mang tính quy phạm?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Có thể có rất nhiều căn cứ để tiến hành việc lấy phiếu tín nhiệm, ví dụ: kết quả giám sát của cơ quan dân cử, hành động, lời nói hoặc sai sót trong quá trình chỉ đạo, điều hành v.v… của một quan chức. Nếu kết quả giám sát cho thấy công việc của một lĩnh vực nhất định có nhiều khuyết điểm lớn hoặc quá trình chỉ đạo, điều hành bộc lộ nhiều yếu kém, tiêu cực thì người đứng đầu lĩnh vực ấy phải chịu trách nhiệm, và đó là căn cứ để đề xuất bỏ phiếu tín nhiệm.
PV: Nhưng thực tế cách hiểu, cách đánh giá đối với một hành động, sự việc, hậu quả không phải lúc nào cũng giống nhau. Trong những trường hợp đó, ai sẽ là người quyết định việc một chức danh là mất hay không mất tín nhiệm, thưa GS?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Đây chính là cái gốc của vấn đề. Về lý thuyết thì ĐBQH là người quyết định, vì họ được cử tri uỷ quyền. Nhưng thực tế thì không phải như vậy. Thực ra ai cũng hiểu điều này, chỉ khác nhau là có người nói ra, còn có người tránh trớ. Để đảm bảo thực quyền của ĐBQH, theo tôi, cần xây dựng thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm thật cụ thể. Riêng đối với quy định có từ 20% ĐBQH trở lên đề xuất mới bỏ phiếu tín nhiệm đối với một chức danh thì tôi tin chắc trước sau cũng phải sửa. Nếu chưa sửa được ngay thì cần có quy định để việc đó có tính khả thi. Ví dụ, chỉ cần 1 ĐBQH đề xuất và được tối thiểu 2 ĐBQH khác ủng hộ là QH phải biểu quyết xem có tán thành đề xuất của ĐB không; nếu có tối thiểu 20% ĐBQH ủng hộ thì QH sẽ tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm. Việc đề xuất của ĐBQH, thực ra cũng là đề xuất của cử tri, của nhân dân. Và ở đây, nguyên tắc đa số phải được tôn trọng. Nếu đề xuất đó lại còn phải chờ ý kiến chỉ đạo thì không bao giờ có thể thực hiện được.
PV: Một vấn đề khác là liệu bộ máy giám sát của QH hiện nay có thể xác định vi phạm, hoặc sự “mất tín nhiệm” của các chức danh, nhất là của các vị đứng đầu bộ, ngành, thưa GS?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Quan trọng là ý chí của các ĐBQH. ĐB phải thực hiện sự uỷ quyền của cử tri, chứ không thể uỷ quyền tiếp cho bộ máy nào được. Theo tôi, lá phiếu rất công bằng. Mặc dù cũng có thể có ĐB bỏ phiếu theo cảm tính, nhưng so với lúc bỏ phiếu bầu hoặc phê chuẩn các chức danh lãnh đạo thì bỏ phiếu tín nhiệm đỡ cảm tính hơn nhiều. Bởi vì lúc bầu hoặc phê chuẩn, có vị nào trình bày chương trình hành động của mình đâu, thậm chí nhiều ĐB còn không biết mặt hay chưa từng biết tên các vị. Còn khi bỏ phiếu tín nhiệm thì ít nhất các vị đó cũng đã làm việc được 1 năm rồi, tài năng, đức độ đã bộc lộ rồi.
Cơ chế trách nhiệm hiện nay là làm việc tập thể. Tuy nhiên, người đứng đầu có vai trò và trách nhiệm lớn nhất, trong đó có trách nhiệm giải thích, thuyết phục tập thể thuận theo ý kiến của mình. Nếu để tập thể thông qua những quyết sách bất lợi cho nước, cho dân thì người đứng đầu vẫn phải chịu trách nhiệm trực tiếp, không thể “náu mình” vào tập thể để trốn tránh hay giảm nhẹ trách nhiệm được. QH bầu và phê chuẩn người có chức danh, QH chỉ biết xem xét trách nhiệm của người đó; còn trách nhiệm của cấp dưới thế nào là việc của cơ quan khác. Nếu cứ để quả bóng trách nhiệm chạy vòng quanh, không buộc được trách nhiệm của người đứng đầu thì sẽ chẳng giải quyết được việc gì cả.
PV: GS có cho rằngĐề án lần này sẽ là cơ sở cho 1 cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đầu tiên của QH Việt Nam?GS Nguyễn Minh Thuyết: Lần này, QH xem xét Đề án bỏ phiếu tín nhiệm. Đó là một điểm mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Tôi nói như vậy vì từ  trước đến nay ai cũng biết các quy định của Hiến pháp và pháp luật về vấn đề này không thực hiện được, nhưng không ai đề xuất biện pháp nào để giải quyết vấn đề. Bây giờ, nếu QH ban hành được các quy định cụ thể về việc bỏ phiếu tín nhiệm thì đó sẽ là một bước ngoặt lớn trong việc thực hiện chức năng giám sát của QH.
Vấn đề bây giờ là thực hiện. Để các quy định của pháp luật không chỉ tồn tại trên giấy, trước hết phải đảm bảo điều kiện để ĐBQH thể hiện được chính kiến của mình. Chứ trước mỗi lần bỏ phiếu mà đoàn ĐBQH hoặc tổ đảng lại “làm công tác tư tưởng” và “định hướng” thì rất khó để ĐBQH thực hiện quy định của pháp luật và thể hiện ý chí của cử tri. Tôi nhớ hồi quyết định việc mở rộng thủ đô, lúc bỏ phiếu thăm dò thì kết quả là 226 phiếu thuận, 226 phiếu chống. Nhưng sau khi đưa về “quán triệt” thì kết quả bỏ phiếu chính thức có tới 92,9% phiếu thuận.
Về lâu dài, lý tưởng nhất là công khai hóa nội dung phiếu của các vị ĐBQH (Đồng ý, Không đồng ý hoặc Không có ý kiến). Bởi cử tri đã bỏ phiếu cho ĐB của mình, họ phải được quyền biết người đại diện cho họ thể hiện sự uỷ quyền của mình như thế nào. Nhưng điều này phải gắn với quyền bỏ phiếu tín nhiệm của cử tri đối với ĐB. Có các quy định này, ĐBQH sẽ phải có trách nhiệm cao hơn trước cử tri.
Xin trân trọng cảm ơn GS

Không có nhận xét nào: