Pages

Chủ Nhật, 9 tháng 9, 2012

Nền Cộng hòa là tất yếu


Nguyễn Hoàng Đức


Tuy nhiên vẫn còn rơi rớt vài nước không muốn thực hiện nền cộng hòa, hay giả đò thực hiện nền cộng hòa “giả cầy”, bởi vì họ không muốn vì quyền lợi của tất cả dân chúng mà chỉ muốn vì quyền lợi của cá nhân, gia tộc hay “nhóm lợi ích” của mình

Bầy khỉ sống trong rừng cả triệu năm, bầy kăng-gu-ru sống ở châu Úc tuổi cũng chẳng kém, nhưng chúng không thể có Lịch sử. Tại sao? Vì chúng không có nhà nước. Các dòng họ lớn, cho dù gia phả có ghi rõ tên của từng ông cha hay con cháu cũng không thể có lịch sử, vì gia tộc không bao giờ là nhà nước cả. Trong các triều đình từ xa xưa, bên cạnh vua thường có hai quan chép sử, một người ghi những lời vua nói, một người ghi những việc vua làm…

Và theo truyền thống mặc định, thì chỉ có nhà nước mới có tầm vóc của lịch sử. Thử nhìn một nhà nước khổng lồ như dân tộc Trung Hoa có dân số đông nhất thế giới, nhưng như mẫu hậu Từ Hi Thái Hậu thường nói câu cửa miệng “thiên hạ là của nhà Thanh”. Đó là một bà già lọ mọ, lẩm cẩm, xử tử cả hai đứa hầu gái vì dám chải tóc giống mình. Bà ta làm chủ nước Trung Hoa có khác gì bằng tầm nhìn của cái bếp trong cung mở rộng ra. Đó là thiên hạ của một vương gia cha truyền con nối, vua là thiên tử, nhân dân là “con dân” hay “thảo dân” hoặc “dân đen”, con chim trên trời, con cá dưới nước, rồi đến tất cả mọi thứ cứ nằm trên đất nước đều là của vua, và nghịch lý chua cay thay, trong khi vua chúa dùng tiền thuế của dân để ăn chơi sa đọa, thì họ vẫn coi là mình đang nuôi dân.

Ngay cả bây giờ vẫn tồn tại một nhà nước như Triều Tiên thực hiện tuyệt đối cha truyền con nối, quốc gia chỉ là thứ gia đình cơi nới của họ.

Mục đích chính của họ đâu có phải là làm cho dân giầu nước mạnh, mà chính là làm sao bằng mọi cách để duy trì sự cầm quyền của gia đình. Điều này cũng chính thức được cố Chủ tịch Kim Jung Il di chúc lại cho con Kim Jung Un hiện đang là đương kim Chủ tịch nước. Quốc gia hay dân tộc hoặc nhà nước chỉ là một gia tộc mở rộng, cơi nới hay kéo dài đó chính là sự lạc hậu thâm căn cố đế của người châu Á, cũng chính bởi thế người châu Á không hề có tiến bộ về lịch sử, cũng như nhà nước pháp quyền, càng rõ rệt hơn họ chưa từng có được ý thức thời đại nhắm đích tiến bộ của lịch sử. Chính lãnh tụ lập thuyết Tôn Trung Sơn có nói: Người Trung Quốc chưa hề có quốc tộc, chỉ có tông tộc và gia tộc, cả dân tộc Trung Hoa chỉ là một bãi cát rời rạc

Một nhà nước lập hiến hay pháp quyền, nghĩa là quyền thiên tử của vua chúa đã bị phế truất, nhân dân được trút bỏ mác “thảo dân” để được làm công dân. Công dân của nhà nước pháp quyền tức là có quyền được bầu ra những người lãnh đạo nhà nước. Một nhà nước không phải đè đầu cưỡi cổ họ như vua chúa độc tài, mà nhà nước giúp họ sống tốt hơn trong công lý và pháp luật. Vậy, hôm nay chúng ta thử bàn về một nhà nước hiện đại đích thực (chứ không phải cái gọi là nhà nước do gia tộc cơi nới), và một công dân đã đứng thẳng có quyền tham gia vào quyền cai quản nhà nước (chứ không phải thứ thảo dân quì mọp hèn và ngu như lợn).

1-    Tính thiết yếu của nhà nước Cộng Hòa

Thời cổ đại, triết gia Socrate đã bàn rất kỹ về mô thức tất yếu của nhà nước Cộng hòa. Điều này đã được học trò của ông là Platon ghi lại trong cuốn “Cộng Hòa” (La Republique). Một cuốn sách được mệnh danh là : nếu tất cả các thư viện trên thế giới cháy sạch, thì chỉ cần còn lại cuốn “Cộng Hòa” là được. Theo tôi cuốn “Cộng Hòa” có thể được ví như “cuốn phúc âm về chính trị”. Cuốn sách này mang ánh sáng dẫn đường đến mức: trong suốt hai ngàn năm, nó là mục đích cho cả thế giới tiến đến việc mô hình hóa nền cộng hòa từ sách vở thành hiện thực nhà nước pháp quyền. Và theo đó hàng loạt các nước cộng hòa đã ra đời. Nền cộng hòa là bước đi không thể nào khác được, không thể tránh được, cũng không thể không thực hiện của nhân loại, nếu nhân loại đó muốn anh bình, hạnh phúc và tiến bộ. Socrate đưa ra hai lý do chính thiết yếu để thực hiện nền cộng hòa:


- Một: Mục đích của xã hội cũng như mọi người là phải được sống, được tồn tại và phát triển. (Đây là điều bất khả cãi, vì ai đó hay dân tộc nào muốn diệt vong thì chỉ là số ít không đáng bàn). Xã hội muốn tồn tại, thì phải giảm bớt cạnh tranh sinh tồn, nếu cả xã hội là sư tử, lấy đâu cừu cho sư tử ăn, nếu cả xã hội là cừu, không có cỏ cừu sống bằng gì? Xã hội con người giống cá tôm ở trong ao kia. Có loài cá ăn nổi trên mặt nước như cá mè cá chép, có loài lại ăn lưng chừng như cá rô cá riếc, có loài ăn sát đáy như tôm cua… Nếu con nào cũng đòi ăn trên mặt nước để hít thở ô-xy, hay con nào cũng đòi ăn sát đáy để lấy nhiều thức ăn thì cuộc cạnh tranh sinh tồn của mọi loài sẽ rất gay gắt, chúng sẽ tiêu diệt lẫn nhau. Nhưng thiên nhiên thật vĩ đại và sáng suốt đã tạo ra nền cộng hòa và dân chủ đầu tiên. Các loài đều có tầng sống và đất sống của mình.

Ở chợ, người bán thịt, bán cá, bán rau, hay hàng xén đều có thể bán hàng, kiếm lời và sinh sống, rồi người thợ gốm, thợ mộc, hay thợ rèn đều có thể làm việc và bán sản phẩm của mình, đó chính là hình ảnh của những con cá ăn ở những tầng khác nhau, và đó chính là hình ảnh về một nền cộng hòa, đảm bảo cho tất cả mọi người, mọi ngành nghề đều có thể làm việc và kiếm sống. Quyền mọi người được tự do sống theo tay nghề và ý thích của mình, đó chính là quyền dân chủ của mỗi người.

- Hai: Lịch sử của loài người là đấu tranh sinh tồn. Khi nào thì người ta đấu tranh? Khi bị dồn ép bất công. Liên miên trong lịch sử dễ thấy nhất là cuộc đấu tranh giữa giới chủ và giới thợ. Người chủ cậy mình có nhà xưởng và phương tiện đã ép công nhân phải làm tăng ca, trong khi lại giảm trừ lương của họ. Công nhân liền phản ứng mới đầu là lãn công, trốn việc, sau đó là ăn cắp sản phẩm của chủ. Chủ điên liên liền gọi cảnh sát, quân đội đến đàn áp. Một lần rồi hai lần, công nhân bèn tụ tập lại, vùng lên đánh lại chủ… cứ thế và cứ thế, lúc chủ ra đòn, lúc công nhân phản đòn, cuộc chiến tiêu diệt nhau không bao giờ dừng lại. Nó chỉ dừng lại khi hai bên sẽ “cộng hòa” tức là cùng tồn tại có lợi lẫn nhau. Ông chủ sẽ để công nhân thành lập công đoàn, khiếu nại tất cả những gì ông chủ không làm đúng, ngược lại ông chủ sẽ gọi công đoàn lên phản ánh những gì công nhân vi phạm hợp đồng… Nhưng nền cộng hòa không chỉ đơn giản có ông chủ và giới làm công. Mở rộng ra như cái chợ. Nếu người bán thịt muốn ngồi chỗ tốt bán giá cao, người bán cá thì sao, còn người bán rau nữa… Hiệp hội những người bán hàng muốn bán giá đắt, hiệp hội mua hàng lại muốn mua giá rẻ, kết quả là phá chợ. Nay muốn thuận mua vừa bán thì mọi người phải ngồi lại bàn bạc với nhau những thỏa ước cộng hòa. Và chính phủ cộng hòa được dựng lên với tất cả các đại diện của mọi ngành nghề dân chúng, để đảm bảo rằng không một tầng lớp nào bị xử ép hay chịu thiệt thòi cả. Và chỉ có nền cộng hòa khi mọi người dược đối xử công bằng cho nhau và lẫn nhau thì cuộc đấu tranh sinh tồn mới hết lý do để nuôi dưỡng ngọn lửa bất bình.

Tuy nhiên vẫn còn rơi rớt vài nước không muốn thực hiện nền cộng hòa, hay giả đò thực hiện nền cộng hòa “giả cầy”, bởi vì họ không muốn vì quyền lợi của tất cả dân chúng mà chỉ muốn vì quyền lợi của cá nhân, gia tộc hay “nhóm lợi ích” của mình. Khi Từ Hi Thái Hậu, do sức ép đòi tiến bộ của dân Trung Quốc, đã cử hai đoàn nghiên cứu qua Nhật và qua Mỹ để học hỏi về nhà nước Cộng Hòa. Khi hai đoàn này đã hoàn thành nhiệm vụ, quay về tưởng Thái Hậu sẽ đem ra thực thi liền, nào ngờ bà ta bảo: đợi mười năm nữa mới thực hiện. Thực chất việc này là gì? Bà ta không muốn thực hiện, vì nếu có thể chế cộng hòa, thì thiên hạ đang của nhà Thanh sẽ thành thiên hạ của nhân dân. Than ôi nếu mất thiên hạ như thế thì còn đâu được ăn trên ngồi chốc, muốn yêu ai thì yêu, ghét đứa nào quát lôi ra chém là chém. Bà ta già rồi, thực hiện sự tiến bộ cho dân, cho nước, cho mọi người để làm gì khi mà người khác được sung sướng hơn thì bà ta phải giảm sự hưởng thụ sa đọa của mình đi. Vì thế trong tâm bà ta đã quyết, chỉ thực hiện cộng hòa sau khi bà ta chết, đã hạ cánh mấy lần an toàn, “sau lưng ta là nạn hồng thủy”, ta chết rồi các người muốn làm gì tiến bộ cũng được. Miễn là ta được sống cho thân ta, sướng đến tận lúc chết thì thôi.

Sau khi Từ Hi Thái Hậu chết, Viên Thế Khải lên ngôi tưởng sẽ thực hiện Quốc dân đại nghị của nền cộng hòa, nào ngờ đó chỉ là màn diễn kịch che mắt dân chúng, y và vợ hàng đêm vẫn ao ước mình được làm vua và hoàng hậu, đóng cửa đem long bào ra mặc. Dù Viên Thế Khải đã làm tổng thống, nhưng vì lòng tham của cá nhân y thấy như vậy vẫn chưa được toàn quyền như vua, chưa đủ oai như vua, và chính vì sự tham lam vô bờ đó, y đã bị lực lược cộng hòa đích thực của Tôn Trung Sơn phế truất. Và phải chết trong xấu hổ vì tội ác giết vợ và đứa con mới sinh của mình. Y đã cắt gân tự sát. Nhưng bi kịch độc tài ngai vàng của dân Trung Quốc do những thảo dân chưa kịp đào tạo ý thức công dân vẫn còn đó. Sau nền độc tài của vua chúa nhà Thanh, Viên Thế Khải, người dân Trung Quốc lại rơi vào độc tài tập thể của Đảng cộng sản Trung Quốc, ngay đến tận ngày nay, ở một nhà nước không có pháp quyền đến độ, dân chúng không được pháp luật bảo vệ, xét xử hay soi xét bằng công lý, chỉ còn biết tự thiêu, hay đánh bom ngay giữa văn phòng cơ quan quyền lực.

Trung Quốc là hình ảnh của một Việt Nam to, còn Việt Nam chỉ là bản sao không đầy đủ của một Trung Quốc bé. Thiết nghĩ hình ảnh của các bài học Độc tài, Toàn tài, cộng hòa giả cầy, cộng hòa che mắt, cộng hòa chỉ là giải pháp tình thế để quay về chế độ vua chúa độc tài, và độc tài tập thể của Trung Quốc hoàn toàn là bài học sát sườn để người Việt chúng ta tham chiếu, thấy hay mà học, thấy dở mà tránh. Bài đã dài, lần sau tôi xin bàn về “Nhà nước tiến bộ, công dân đích thực”. Xin cám ơn!

08/09/2012

Nguyễn Hoàng Đức

(Blog BĐX

Không có nhận xét nào: