Pages

Thứ Bảy, 8 tháng 9, 2012

Người dân Trung Quốc nổi dậy chống các trại lao cải


Bà Đường Hội bị xử phạt 18 tháng lao cải vì tội "gây bất ổn xã hội" (Reuters)
Minh Anh
Đã đến lúc các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải thực hiện cải cách ngành tư pháp. Việc bắt giam và đưa vào các trại lao cải không thông qua trình tự pháp lý rõ ràng và vô tội vạ ngày càng làm cho người dân bất mãn. Liên quan đến chủ đề này, báo Le Figaro có bài viết đề tựa « Người dân Trung Quốc nổi dậy chống các trại lao cải ».

Sự việc bắt nguồn từ một vụ án xảy ra vào hồi tháng rồi tại tỉnh Hồ Nam. Bà Đường Hội liên tục đòi chính quyền địa phương phải phạt nặng hơn nữa các tên tội phạm đã cưỡng hiếp và ép buộc cô con gái 11 tuổi của bà làm gái mại dâm. Theo bà, cần phải đem ra xét xử cả những viên công an có liên can đến vụ việc. Không những đòi hỏi của bà không được đáp ứng, mà bà còn bị xử phạt 18 tháng trong trại lao cải vì tội « gây bất ổn và làm ảnh hưởng xấu lên xã hội ». Trước sự la ó phản đối của cư dân mạng và sự ủng hộ của hàng trăm hộ gia đình cho người mẹ can đảm, chính quyền buộc phải trả tự do cho bà Đường Hội.

Tác giả viết rằng chính Mao Trạch Đông là người đã sáng kiến ra trại lao cải. Theo lý thuyết của Mao vào năm 1957, sự cải tạo nhằm để giáo dục lại những tội phạm thông thường và những kẻ gây rối, nhất là các trí thức nhân sĩ. Trong suốt thời kỳ Cách mạng văn hóa, hoạt động của trại lao cải đã bị gián đoạn do có nhiều công cụ trừng phạt khác. Thế nhưng, vào năm 1980, các trại này lại được đưa vào hoạt động trở lại và còn phát triển mạnh hơn nữa cho đến ngày nay.
Theo Arnaud de la Grange , tác giả bài viết, nếu nhìn theo góc độ đàn áp, thì rõ ràng đây là một hệ thống tuyệt vời nhất. Nó cho phép giam giữ ngoài luật bất kỳ ai trong một thời hạn có thể kéo dài đến 4 năm mà không cần đưa ra xét xử. Chỉ cần một chữ ký là đối tượng liên quan đã đứng sau song sắt.
Trở lại vụ án bà Đường Hội, tác giả cho biết dù rằng bà đã được trả tự do, nhưng điều đó vẫn không làm nguôi được sự phẫn nộ của người dân Trung Qu ốc. Báo chí cũng như những người đấu tranh cho xã hội dân sự vẫn tiếp tục đề cập đến sự việc. Mười luật gia có tiếng tăm trong nước đã công khai gởi một bức thư đến Bộ Tư pháp, đề nghị phải có sự minh bạch trong hệ thống.
Báo chí trong nước cũng vào cuộc chẳng hạn như tờ tạp chí Nam Phong song đã cho đăng một loạt bài về chủ đề này. Hay như Tân Hoa xã còn cho đăng một kết quả thăm dò qua mạng cho biết 87% số người được hỏi mong muốn hủy bỏ hệ thống trại lao cải.

Tác giả bài viết cho rằng dường như chính quyền Bắc Kinh đã thấu hiểu thông điệp của người dân. Theo báo chí chính thống, chính phủ đang thực hiện các « dự án thí điểm » tại bốn thành phố lớn Nam Kinh, Cam Túc, Hà Nam và Sơn Đông. Bên cạnh đó, một hệ thống « giáo dục và điều chỉnh hành vi tội phạm » cũng đang được nghiên cứu. Theo đó, công an sẽ không còn được đơn phương hành động nữa và một số loại tội phạm có thể sẽ được giáo dục tại địa phương. Một luật sư đã đánh giá cao các biện pháp trên cho là đã có sự tiến bộ. Nghĩa là, thay vì tước mất hoàn toàn tự do thì nay chỉ hạn chế nó mà thôi.
Le Figaro cho biết, tại Trung Qu ốc hiện nay có đến 350 trại lao cải. Về mặt quy định chính thức, người bị kết án phải « học tập » ít nhất 3 giờ mỗi ngày. Do đó, không thể nào làm việc quá 6 tiếng một ngày. Thế nhưng, sự thật lại khác xa hoàn toàn. Tác giả cho biết, tờ tạp chí Nam Phong song trích lời thuật của một viên chức thuộc Central Institute for Correctional Police cho biết các tù nhân phải làm việc hơn 76 giờ trong tuần và chỉ nhận có 4 giờ « giáo dục » trong cùng khoảng thời gian đó. Công việc trong các trại có thể từ những việc thủ công nhỏ nhặt cho đến những công việc nặng nhọc hơn.
Theo lời giải thích của giáo sư Trần Trung Lâm (Chen Zhonglin) thuộc đại học Trùng Khánh – người đã từng đề nghị cải cách hện thống lao động cưỡng bức, với tờ South China Morning Post, hệ thống này trái với các điều khoản trong Hiến pháp Trung Qu ốc, quy định rằng sự tự do của các cá nhân chỉ có thể bị hạn chế thông qua luật chứ không phải qua các quy định.
Bài viết kết luận rằng ý tưởng cải cách vẫn còn xa vời, vì khó có thể hình dung chuyện các nhà lãnh đạo Trung Qu ốc tương lai lại có thể từ chối một công cụ hữu hiệu như vậy trong ngắn hạn để duy trì một sự ổn định xã hội bất khả xâm phạm.
Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18
Cũng liên quan đến Trung Quốc, Le Monde quan tâm đến sự kiện chính trị lớn sắp diễn ra vào tháng mười này. Theo nhận định của tờ báo, việc chính quyền Bắc Kinh cho đến thời điểm này vẫn chưa công bố ngày đại hội chính thức đang làm dấy lên nhiều « Tin đồn và nỗi bất an trước kỳ Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 ».
Cho đến giờ vẫn chưa có ai biết được ngày giờ chính thức của sự kiện chính trị quan trọng. Cứ mỗi năm năm, Đại hội Đảng diễn ra một lần, để các thành viên của Ủy ban trung ương bầu ra ban lãnh đạo mới. Le Monde cho rằng, thật ra, các « cử tri » chỉ cần thông qua các ứng viên đã được chọn từ trước vào các ngạch cao hơn.
Đại hội lần này dự kiến sẽ diễn ra vào mùa thu. Nó mang một tầm vóc chính trị rất quan trọng, là vì không những nó khép lại hai nhiệm kỳ của hai ông Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo, lên nắm quyền từ Đại hội Đảng lần thứ 16 năm 2002 mà còn mở ra một kỷ nguyên cho những người kế nhiệm là Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường.
Đối với người dân thủ đô, mỗi lần đại hội là mỗi lần rắc rối, nhất là đối với những người dân cư ngụ bất hợp pháp, các tiểu thương và những người đi xe máy. Họ hiểu rằng, tốt hơn hết là nên giữ mình.

Lần này, việc chưa công bố ngày giờ chính thức làm cho mọi người cảm thấy căng thẳng : không thể nào lên kế hoạch trước cho các sự kiện thương mại hay văn hóa. Họ chỉ đoán lờ mờ rằng Đại hội có thể diễn ra vào trung tuần tháng 10 giống như kỳ Đại hội Đảng lần thứ 17 năm 2007.
Hơn nữa, việc ông Tập Cận Bình phải hủy bỏ buổi gặp gỡ bà Hillary Clinton tại Bắc Kinh hôm 5/9 vừa qua vì lý do sức khỏe có thể tạo điều kiện cho nhiều tin đồn mới về việc tổ chức Đại hội. Theo nhận định của ông Lý Đại Đồng, cựu tổng biên tập tờ nhật báo Thanh niên Trung Qu ốc, bị cách chức vào năm 2006, với Le Monde thì không ai hiểu vì sao chính quyền vẫn chưa công bố ngày đại hội. Ông cho rằng « họ thích làm cho sự việc thêm phần bí ẩn và ngu xuẩn […]. Họ cho rằng tất cả những gì bọn họ đang làm đều có tầm quan trọng lớn nhất và họ cũng không có chút sự tự tin nào vào chính bản thân họ. […] Đối với kỳ Đại hội lần này, ai cũngcảm thấy căng thẳng, ngay cả những tỉnh lân cận gần Bắc Kinh cũng bị nhiều áp lực do phải duy trì an ninh đến mức tối đa ».
APEC : Nga muốn trở thành cầu nối hai châu lục Á - Âu
Liên quan đến hội nghị thượng đỉnh châu Á- Thái Bình Dương năm nay, quy tụ 21 nhà lãnh đạo diễn ra tại thành phố Vladivostok của Nga, báo Le Figaro cho biết ông « Putin muốn Nga trở thành chi ếc cầu nối giữa châu Á và châu Âu ».
Nhân kỳ Hội nghị thượng đỉnh lần này, mà Nga là chủ tịch luân phiên, thành phố Vladivostok – thủ phủ vùng Viễn Đông của Nga đã nhận tài trợ từ Matx-cơ-va hơn 20 tỷ đô-la để làm mới nhiều con đường, xây thêm hai chiếc cầu nối liền các đảo với lục địa, cũng như là một khu đại học bao la.
Le Figaro nhận định, đối với ông Putin, biểu tượng mang một ý nghĩa rất rõ ràng : Nga mong muốn làm "chiếc cầu nối giữa châu Âu và châu Á." Thật ra, câu nói này cũng không có gì là mới mẻ. Nó từng được nhà hiền triết Nga, ông Vladimir Lamansky thốt ra vào thế kỷ 19 rằng « Có cả châu Âu, có cả châu Á và có cả một thế giới ở giữa, đó chính là nước Nga ».
Giờ đây, trong bối cảnh tình hình kinh tế ảm đạm, Nga cho rằng khủng hoảng tại châu Âu phản ảnh sự khủng hoảng của mô hình kinh tế phương Tây. Và nước Nga có thể mở ra một hướng đi thứ hai để giải quyết khủng hoảng.
Ông Vladimir Putin đã đặt tên cho hướng đi đó là : Liên hiệp Á – Âu. Thế nhưng, nhiều chuyên gia tỏ ra nghi ngờ về lòng chân thành, và nhất là tính hiệu quả của lời đề nghị đong đưa đó. Trên thực tế, Matx-cơ-va mong muốn bán được nhiều dầu khí hơn nữa cho Trung Qu ốc và Nhật Bản. Nhưng việc xây dựng các nhà máy khí ga tự nhiên và các đường ống dẫn tại khu vực Thái Bình Dương vẫn còn chậm trễ.
Nếu như Trung Quốc vẫn dựa vào cả Kazakhstan lẫn Nga hòng thỏa mãn cơn khát năng lượng của mình, thì bên cạnh đó, « Nga vẫn sợ một Trung Qu ốc quá hùng mạnh có thể bóp méo lãnh thổ của mình » theo như lời bình luận của ông Mikhail Terskiy , giám đốc Trung tâm Thái Bình Dương, tại Vladivostok. Cuối cùng, thượng tầng lãnh đạo Nga cũng còn quá thiên về châu Âu để chấp nhận chuyển hướng sang châu Á.
Bất chấp khủng hoảng, đối với Nga, châu Âu vẫn là đối tác thương mại chính, đảm bảo đến 50% cán cân thương mại của Nga. Vì vậy, qua hội nghị APEC lần này, mà Nga là chủ tịch, một trong những thông điệp chính mà Matx-cơ-va muốn gởi đến Liên hiệp châu Âu đó là : Bằng mọi giá hãy ngăn chặn sự bùng nổ khu vực đồng euro.
Vì sao phụ nữ có mỡ bụng ở độ tuổi 50 ?
Trong một kết quả nghiên cứu đăng trên tạp chí quốc tế Diabetes, các nhà khoa học Mỹ cho biết đã tìm thấy enzym gây béo phì ở phụ nữ khi đến tuổi 50. Đề tài này đước báo Le Figaro phản ảnh lại qua bài viết đề tựa « Vì sao phụ nữ có mỡ bụng ở độ tuổi 50 ? »
Khi đến thời kỳ mãn kinh, sự phân chia lượng mỡ trong cơ thể phụ nữ bị biến đổi : mỡ ở vùng đùi sẽ ít đi, nhưng lại tăng lên ở vùng bụng. Vì sao ? Các nhà khoa học Mỹ vừa tìm ra thủ phạm của sự xáo trộn đó chính là chất xúc tác ALDH1A1. Thử nghiệm trên chuột, các nhà khoa học nhận thấy, nếu rút enzym này ra khỏi cơ thể chuột, thì cho dù có dùng nhiều chất béo đến bao nhiêu, chuột vẫn không mập lên được.
Theo giải thích của Giáo sư – tiến sĩ Ouliana Ziouzenkova, trường Đại học Ohio Mỹ, người thực hiện chương trình nghiên cứu, thì « một mặt, enzym ALDH1A1 có cùng kiểu phơi nhiễm trên cơ thể chuột và phụ nữ. Mặt khác, những phụ nữ béo phì lại có nhiều loại enzym này hơn những phụ nữ có thể trọng bình thường ».
Bình thường, cơ thể con người có hai lựa chọn trước lượng mỡ do thức ăn đưa vào : hoặc là đốt hoặc là trữ chúng. Nhóm nghiên cứu của bà Ziouzenkova đã tìm ra được nguyên nhân vì sao cơ thể phụ nữ tiêu mỡ ít hơn lại vào thời kỳ mãn kinh. Bà giải thích : « Trước giai đoạn mãn kinh, hoạt động của các chất xúc tác gây hiện tượng béo phì nội tạng bị cản trở bởi các hooc-môn nữ. Đến thời kỳ mãn kinh, do việc ngăn chặn enzym ALDH1A1 không còn nữa, các tế bào mỡ bắt đầu tích mỡ lại thay vì là tiêu chúng đi ».
Còn theo nhận định của Tiến sĩ Juliane Berdah, bác sĩ phụ khoa, nội tiết và dinh dưỡng tại Paris, có sự thay đổi về địa điểm tích trữ. Chất béo có xu hướng tập trung chủ yếu xung quanh vòng bụng theo độ tuổi.
Theo các nhà khoa học Pháp kết quả nghiên cứu trên rất thú vị. Tuy nhiên, họ cũng tỏ ra khá thận trọng vì cho rằng đấy chỉ mới là thử nghiệm trên chuột. Và enzym ALDH1 hiện diện khắp nơi trên cơ thể con người. Ngoài ra, còn có nhiều hệ thống enzym, hooc-môn và trao đổi chất khác liên quan đến hiện tượng gây béo phì. Theo họ, trước mắt, cơ chế dinh dưỡng phù hợp và hoạt động thể lực là phương cách tốt nhất để giảm béo.

Không có nhận xét nào: