Pages

Chủ Nhật, 9 tháng 9, 2012

Nhận diện cách thức lũng đoạn ‘dòng chảy tiền’


-(Petrotimes) - Mối quan hệ giữa các ngân hàng (NH) với các doanh nghiệp (DN) đang nổi lên với rất nhiều vấn đề “nóng”, đặc biệt là “dòng chảy” tiền trong mối quan hệ này. 
Hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại đang được đặt nhiều hoài nghi.
Với việc một loạt các vụ việc cũng như các ý kiến hồ nghi của các Đại biểu Quốc hội đưa ra thời gian gần đây, câu chuyện của các đại gia Việt Nam giàu đến mức nào, giàu như thế nào?… đã được đặt ra. Người ta cũng hoài nghi cả sự phát triển quá “nóng” của hệ thống các NH Thương mại cổ phần thời gian gần đây. Lý giải vấn đề này như thế nào đây, Petrotimes sẽ cùng bạn đọc phác thảo một số nét chính trong chuỗi quan hệ NH – DN – NH.

NH là người có tiền và kinh doanh tiền, còn DN lại là người cần tiền để đầu tư kinh doanh, sản xuất… để sinh lợi nhuận. Như vậy, chưa cần phân tích sâu cũng có thể thấy, NH – DN tự bản thân nó đã có những mối quan hệ vô cùng mật thiết và gắn bó không thể tách rời, mối quan hệ đó có tính chất qua lại. Tuy nhiên, nếu mối quan hệ này được chi phối bởi một hay một nhóm cá nhân thì sẽ ra sao?
Giả sử, một nhân vật A có mối quan hệ, thậm chí là có khả năng chi phối một NH B, cá nhân này đồng thời cũng nắm quyền chi phối, điều hành một công ty là C. Để công ty C hoạt động, bằng những mối quan hệ của mình, nhân vật A sẽ có những tác động nhất định để NH B giải ngân cho công ty C.
Ở đây, công ty C có thể là các công ty đầu tư, công ty tài chính và thậm chí là các Quỹ đầu tư do các NH hoặc chính những ông chủ NH đứng ra thành lập. Các công ty này được hình thành lên có thể thực hiện các việc sau: Cho vay các dự án đầu tư, các dự án bất động sản, các công trình được… nhưng được định giá rất cao so với giá trị thật; các phương án kinh doanh không có thật; mua cổ phiếu trên sàn chứng khoán…
Như vậy, bằng những mối quan hệ nhất định, cá nhân A có thể giúp công ty C lấy được tiền từ NH một cách rất hợp lý và rất lớn. Có điều, mức độ tin cậy và chuẩn xác trong khâu thẩm định các dự án, các kế hoạch kinh doanh trên sẽ rất thấp bởi nó được quyết định bởi mối hệ của cá nhân A. Và nếu cá nhận A chính là chủ của các công ty C và lại chính là cổ đông của NH B thì câu chuyện sẽ hết sức khó lường.
Tiền từ NH B về đến tài khoản của công ty C sẽ chảy vào túi cá nhân A. Nhân vật này sẽ dùng chính số tiền đó để góp vốn vào các NH, mua lại các NH, đầu tư bất động sản, đầu tư chứng khoán… và vô hình chung, vị trí và vai trò của cá nhân này đối với NH B sẽ ngày một lớn. Chuỗi chu trình trên sẽ lại tái lập, sẽ lại được thực hiện nhưng có điều, các khoản giải ngân từ NH B sẽ ngày một lớn bởi tầm ảnh hưởng của cá nhân này ngày càng cao.
Nếu nhìn tổng thể vào chu trình trên có thể thấy, mọi hoạt động có thể bị chi phối bởi một cá nhân A. Và rất có thể, chỉ bằng những mối quan hệ cá nhân, nhân vật A sẽ huy động được một khoản tiền lớn từ NH mà không hề có tài sản thế chấp hay đảm bảo nào. Số tiền trên sẽ được chính cá nhân đó mua cổ phiếu của các NH, thậm chí là của chính NH đã cho vay để tăng tầm ảnh hưởng chi phối của mình.
Còn nếu các dự án trên là có thật thì dù có thất bại trong phương án kinh doanh, trong nhiều trường hợp, các tài sản thế chấp, các dự án vẫn thuộc quyền sở hữu của cá nhân A. Tuy nhiên, trong quá trình này, một khoản tiền lớn đã chảy vào cá nhân này vì bản thân các tài sản thế chấp, các dự án đã được định giá cao hơn rất nhiều so với thực tế.

Không có nhận xét nào: