Pages

Chủ Nhật, 23 tháng 9, 2012

Phía sau việc các "sếp lớn ngân hàng" từ nhiệm?


(PL&XH) - Đến hôm qua 22-9, những tin đồn phía sau các trường hợp từ nhiệm này vẫn chưa chấm dứt. Nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB Trần Xuân Giá đã phải mang căn bệnh ung thư của mình ra để giải thích cho lý do từ nhiệm, phủ nhận tin đồn bị khởi tố…

Từ nhiệm và tin đồn

Trong những ngày gần đây, thông tin gây choáng váng và khiến giới đầu tư tài chính bàn tán, đồn đoán nhiều nhất là việc từ nhiệm của 4 sếp lớn tại hai ngân hàng: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). Hai ngân hàng này cũng đang là tâm điểm gây chú ý của dư luận sau sự kiện bắt bầu Kiên - người được cho là nắm nhiều cổ phần của cả ACB và Eximbank, rồi vụ bắt nguyên Tổng GĐ Ngân hàng ACB Lý Xuân Hải. Đặc biệt ở chỗ, 4 nhân vật này đều có liên quan tới “vụ án” 718 tỷ đồng của ACB.  Phải nói là ngày 19-9, giới đầu tư trong lĩnh vực tài chính ngân hàng khá chấn động khi ACB công bố ông Trần Xuân Giá, Chủ tịch HĐQT từ nhiệm vì lý do sức khỏe, ông Lê Vũ Kỳ và ông Trịnh Kim Quang - 2 Phó Chủ tịch HĐQT từ nhiệm vì lý do cá nhân. Điều đáng nói, đi kèm thông tin về việc từ nhiệm thì ACB còn cung cấp thêm thông tin rằng, các vị này "có liên quan đến việc phê chuẩn cho ông Lý Xuân Hải ủy thác 19 nhân viên ACB thực hiện việc nhận 718 tỷ đồng của ACB để gửi vào Ngân hàng Công thương Việt Nam". Trước đó, như đã biết, ông Lý Xuân Hải đã bị khởi tố, bắt giam.

Ông Trần Xuân Giá và ông Phạm Trung Cang lên tiếng phủ nhận tin đồn liên quan đến bản thân.     Ảnh: TL

Ngay sau khi ACB công bố thông tin nói trên thì Eximbank cũng thông báo ông Phạm Trung Cang – Phó Chủ tịch HĐQT của EIB đã có đơn xin từ nhiệm kể từ ngày 19-9-2012. Trong đơn từ nhiệm viết tay, ông Cang cho biết lý do xin từ nhiệm là “việc cá nhân”. Eximbank cho biết, ông Cang là đại diện phần vốn góp cho nhóm cổ đông ACB tại Eximbank. Theo Eximbank, hiện nhóm cổ đông này đang nắm giữ khoảng từ 7 - 8% cổ phần của Eximbank. Các thành viên trong HĐQT của Eximbank đã đồng thuận về việc xin từ nhiệm của ông Cang…

Thông tin thêm về sự kiện này, ông Lê Hùng Dũng - Chủ tịch Eximbank úp mở cho rằng nguyên nhân từ nhiệm có thể do ông Cang có liên quan đến một số trách nhiệm trong thời kỳ ông Cang còn giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT ở Ngân hàng ACB. Ông Lê Hùng Dũng khẳng định việc từ nhiệm của ông Cang, nếu có ảnh hưởng đến hoạt động, quản trị điều hành của Eximbank là chỉ một phần nhỏ, không đáng kể.

Ông Trần Xuân Giá và ông Phạm Trung Cang lên tiếng phủ nhận tin đồn liên quan đến bản thân.     Ảnh: TL

Có đáng lo?

Việc từ nhiệm có lẽ là bình thường, trước đây đã có nhiều lãnh đạo ngân hàng từ nhiệm để chuyển sang ngân hàng khác hoặc công việc khác. Tuy nhiên, ở thời điểm này, việc lãnh đạo các ngân hàng “đang được chú ý” như ACB, Eximbank từ nhiệm thì lại là chuyện khác. Nhiều người đã liên tưởng đến việc ngay sau khi gửi đơn từ nhiệm, nguyên Tổng giám đốc ACB Lý Xuân Hải đã bị khởi tố, bắt giam. Thế nên, ngay sau khi thông tin về việc từ nhiệm được công bố, đã xuất hiện ngay tin đồn về việc ông Trần Xuân Giá bị khởi tố, rồi ông Phạm Trung Cang viết đơn từ nhiệm ở nơi bị tạm giữ,… Sự việc khiến cả ông Cang và ông Giá buộc phải lên tiếng phủ nhận tin đồn. Để lý giải thuyết phục cho cái “lý do sức khỏe” của mình, ông Trần Xuân Giá đành phải chia sẻ rằng, ông bị ung thư từ nhiều năm và nay sức khỏe đã suy giảm nhiều không thể tiếp tục đảm đương nhiệm vụ Chủ tịch HĐQT của ACB…

Việc từ nhiệm của lãnh đạo 2 ngân hàng trên và những tin đồn liên quan đã gây ảnh hưởng ít nhiều về mặt tâm lý. Các cổ phiếu ngân hàng trong phiên giao dịch ngày 19 và 20-9 đa phần chìm trong sắc đỏ, tuy nhiên trong phiên giao dịch ngày 21-9 các cổ phiếu ngân hàng có tín hiệu hồi phục rất rõ ràng, với khối lượng giao dịch thỏa thuận rất lớn. Bên cạnh việc dòng tiền vào thị trường tốt hơn thì nguyên nhân quan trọng của việc thị trường hồi phục là do các nhà đầu tư đã bình tĩnh trở lại.

Theo các chuyên gia kinh tế thì việc từ nhiệm của lãnh đạo ngân hàng là việc rất bình thường, không phải là dấu hiệu chứng tỏ ngân hàng đó đi vào khủng hoảng hay gặp khó khăn.

Xét dưới góc độ người gửi tiền tại ngân hàng, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc từ nhiệm của lãnh đạo ngân hàng không đáng lo ngại đối với người gửi tiền, dù đó là thông tin được nhiều người quan tâm theo dõi. Về thực chất, trong hoàn cảnh bình thường, sự kiện các sếp lớn ngân hàng đồng loạt từ nhiệm không gây chấn động hay khó khăn cho ngân hàng nói riêng và hệ thống ngân hàng nói chung. Ngân hàng Nhà nước cũng như Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia cũng luôn giám sát chặt chẽ hoạt động của các ngân hàng, luôn yêu cầu các ngân hàng phải đảm bảo tỉ lệ dự trữ bảo đảm an toàn trong hoạt động. Đã không ít lần, Chính phủ khẳng định, dù bất cứ ngân hàng nào có vấn đề gì thì tiền gửi của người dân luôn được bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Vì thế, các chuyên gia kinh tế cho rằng, các nhà đầu tư cũng như người dân gửi tiền phải hết sức tỉnh táo trước những tin đồn, cũng như không có lý do để phải lo ngại trước những thông tin như việc lãnh đạo ngân hàng nào đó từ nhiệm.

Hải Đăng

Không có nhận xét nào: