Pages

Thứ Tư, 19 tháng 9, 2012

Tàu quân sự Trung Quốc ồ ạt tiến vào Senkaku/Điếu Ngư


(VnMedia) - 11 chiếc tàu Trung Quốc, trong đó có đến 10 tàu hải giám, đã ồ ạt tiến vào khu vực gần vùng lãnh hải tranh chấp với Nhật Bản. Tàu hải giám của Trung Quốc thực chất là tàu quân sự trá hình bởi chúng đều được trang bị vũ khí và được huấn luyện bởi lực lượng hải quân.

Theo Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản cho biết, 3 trong số 11 con tàu nói trên đã xâm nhập bất hợp pháp vào khu vực lãnh hải xung quanh một trong những hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Đây chính là quần đảo đang là trung tâm của một cuộc tranh chấp chủ quyền quyết liệt giữa hai cường quốc hàng đầu Châu Á.

Tuyên bố của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản cho hay, 3 con tàu của Trung Quốc đã xâm phạm vùng lãnh hải quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trong khoảng thời gian từ 5h20 đến 6h02 chiều qua. Sau đó, 10 tàu hải giám Trung Quốc tiếp tục lượn lờ gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.



Gần hai thập niên trở lại đây, để thực hiện tham vọng trên biển của mình, Trung Quốc đã đẩy mạnh phát triển một đội tàu hải giám. Thực chất, những con tàu hải giám là phương tiện quân sự giả danh tàu dân sự. Nhiệm vụ của chúng là thực hiện các nhiệm vụ quấy nhiễu và xâm phạm các vùng biển của những nước khác.

Theo nhiều nguồn tin không chính thức, tàu hải giám Trung Quốc thường được trang bị pháo hạng nhẹ. Nhân viên trên tàu hải giám được trải qua các khóa huấn luyện của hải quân và được trang bị súng tiểu liên.

Hiện tại, Trung Quốc đang có trong tay 300 tàu hải giám, trong đó có 30 chiếc tải trọng hơn 1.000 tấn. Có khoảng 10 chiếc trực thăng tuần tra, giám sát đã được trang bị cho 30 tàu hải giám lớn nói trên.

Trước đó, lực lượng Nhật Bản cũng đã xua đuổi một tàu tuần tra của Trung Quốc khỏi vùng biển tranh chấp. "Các tàu tuần tra của tôi đã phát đi cảnh báo qua radio và các phương tiện khác. Chúng tôi đã yêu cầu họ không được đi vào vùng lãnh hải thuộc chủ quyền của chúng tôi”, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản cho biết.

Đáp lại, con tàu của Trung Quốc đã trả lời các tàu Nhật Bản rằng, nó “đang thực hiện các hoạt động hợp pháp”, khẳng định quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là thuộc chủ quyền Trung Quốc.

Trong một diễn biến khác, ngày hôm qua, hai người dân Nhật Bản cũng đã bơi đến Uotsurijima, một trong những hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. "Hai người Nhật Bản đã đặt chân lên đảo Uotsurijima lúc khoảng 9h sáng. Sau đó, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển cho biết, họ đã rời đi”, Tổng thư ký nội các Nhật Bản – ông Osamu Fujimura cho các phóng viên biết.

Đây là lần thứ 4 trong năm nay, người Nhật Bản đổ bộ lên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Lần đổ bộ mới nhất diễn ra vài tuần sau khi người Trung Quốc xông lên quần đảo tranh chấp để cắm cờ “khẳng định chủ quyền”, châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng đang diễn ra giữa hai nước.

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc dọa “hành động thêm” với Nhật Bản

Giữa lúc căng thẳng leo thang, Bộ trưởng Trung Quốc Lương Quang Liệt hôm qua đã bày tỏ hy vọng, vấn đề tranh chấp lãnh thổ quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa họ với Nhật Bản sẽ được giải quyết hòa bình. Tuy nhiên, ông này cũng không quên đưa ra một lời cảnh báo cứng rắn về việc sẽ “hành động thêm nữa” với Nhật Bản.

Sau cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta ở thủ đô Bắc Kinh, Bộ trưởng Lương Quang Liệt cho các phóng viên biết: "Chúng tôi đang theo dõi sát sao diễn biến tình hình quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và chúng tôi có quyền được đưa ra những hành động thêm nữa. Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng, vấn đề sẽ được giải quyết một cách đúng đắn thông qua các biện pháp hòa bình và qua các cuộc đàm phán”.

"Tôi muốn khẳng định rõ rằng, quần đảo Điếu Ngư là thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Điều này đã được chứng minh trong lịch sử vào theo cả luật pháp. Bộ trưởng Panetta và tôi đã thảo luận về vấn đề này”, Bộ trưởng Quốc phòng Lương Quang Liệt cho hay.

Ông Lương Quang Liệt cũng đổ lỗi cho Nhật Bản đã “đốt nóng” vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư khi quyết định mua lại quần đảo tranh chấp này.

Chính phủ và nhân dân Trung Quốc phản đối quyết liệt hành động “quốc hữu hóa” quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đó của phía chính phủ Nhật Bản. Điều đó là hoàn toàn bất hợp pháp, ông Lương Quang Liệt nói thêm.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta đã đến thăm Trung Quốc từ ngày hôm qua. Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Panetta đến Bắc Kinh kể từ khi ông này tiếp nhận vị trí ông chủ Lầu Năm Góc.

Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư gồm 5 hòn đảo nằm cách đảo Okinawa, phía nam Nhật Bản, khoảng 160km, và cách Vùng lãnh thổ Đài Loan khoảng 200km. Chùm đảo nằm giữa Nhật Bản và Đài Loan này có nguồn cá dồi dào và có thể có cả dầu mỏ. Nó cũng nằm gần với các tuyến đường biển quan trọng.

Cả Nhật Bản và Trung Quốc đều đòi chủ quyền đối với một quần đảo ở biển Hoa Đông mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư trong khi Nhật Bản gọi là Senkaku. Nhật Bản đang kiểm soát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nhưng Trung Quốc không chấp nhận điều này. Cuộc tranh chấp xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là nguyên nhân chính khiến quan hệ Trung-Nhật thường xuyên rơi vào căng thẳng. Mới đây nhất, sóng gió ở biển Hoa Đông lại nổi lên sau sự kiện một nhóm các nhà hoạt động Trung Quốc hôm 15/8 đổ bộ lên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư cắm cờ nhằm mục đích “khẳng định chủ quyền của Trung Quốc” đối với vùng lãnh thổ này.

Nhật Bản cũng đáp trả bằng một loạt động thái đầy thách thức, trong đó đỉnh điểm là việc nước này mua lại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Kiệt Linh - (tổng hợp)

Không có nhận xét nào: