Pages

Thứ Ba, 4 tháng 9, 2012

Trăm Gian và tâm…gian!


Kỳ Duyên


Tiếng Việt thật kỳ diệu. Đồng âm mà không đồng nghĩa. Ở nơi này, là câu chuyện về 1 ngôi chùa-  Trăm Gian. Ở nơi kia, là cái tâm…gian của con người. Cái “gian” chính đạo đang chịu kiếp nạn của con người. Còn cái “gian” tà đạo đang chịu kiếp nạn của …chính mình.

Thế là cuối cùng, vụ việc Chùa Trăm Gian, (thôn Tiên Lữ, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ- Hà Nội), di tích văn hóa quốc gia, bỗng dưng được…phẫu thuật thẩm mỹ, theo kiểu “Đập cổ kính xưa, dựng chùa mới” (Lao động, 26/8), đã được Sở Văn hóa- Thông tin và Du lịch chính thức đưa ra những kết luận ban đầu, tại cuộc họp báo chiều 30/8. Sau biết bao ồn ào, kinh ngạc, phẫn nộ và bất bình của dư luận xã hội.

Văn hóa thấp gặp cái tầm…thấp?

Theo ông Giám đốc Phạm Quang Long, đã có sự xâm hại di tích, vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản. Cụ thể 3 hạng mục bị xâm hại, trong đó 2 hạng mục quan trọng là gác Khánh, nhà Tổ, cùng với bậc cấp sân trước tiền đường.

Chùa Trăm Gian được lập từ đời Lý Cao Tông, năm 1185, công trình kiến trúc "độc nhất vô nhị". Dường như các bậc tiền nhân, khi dựng nên ngôi chùa có kiến trúc độc đáo, muốn gửi thông điệp của quá khứ cho hiện tại về tài hoa lao động, trí tuệ trác tuyệt tạo nên vẻ đẹp văn hóa và kiến trúc một thời đại.

Đâu ngờ, thế hệ hậu bối, ở thời văn minh công nghiệp, với kỹ thuật- công nghệ, và vật liệu tân tiến, lại gửi “thông điệp”…phản văn hóa, phi văn hóa cho các bậc tiền nhân. Khi sơn lại tranh tượng quý bằng sơn công nghiệp Nippon; làm mới bệ tượng, bàn thờ bằng ximăng, gạch ốp lát công nghiệp xanh đỏ tím vàng; xây mới các dãy hành lang, đánh bóng cột kèo bằng vécni…

Thì đến tiền nhân cũng khóc, chả cứ người đời.

Đến nước này, một loạt các “bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ” bất đắc dĩ cho chùa, phải chịu dao kéo, lẫn búa rìu dư luận, và bị đình chỉ hoạt động… phi pháp. Cho dù họ có ý thức hẳn hoi, chứ không phải “vô thức” nhé- như lời bà Nguyễn Thị Thùy, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP Hà Nội từng nhận định một cách…vô ý thức!

Nhưng khi cuộc họp báo chính thức đầu tiên khép lại, cũng là lúc mở ra biết bao vấn đề còn rối như mớ bòng bong, về tư duy văn hóa, về trách nhiệm, thẩm quyền tu tạo, đặc biệt là cơ chế quản lý, bảo vệ di sản văn hóa, di sản vật thể quốc gia. Liệu vụ việc Chùa Trăm Gian có gợi mở cho các nhà quản lý văn hóa kế sách gì không?

Vì sao, Chùa Trăm Gian kêu cứu vì xuống cấp quá nhiều hạng mục, cách đây đã 2 năm, và cũng đã được đưa vào danh sách đỏ của thành phố cần duy tu, sửa chữa, bảo tồn từ năm 2010, vậy mà ngay cả khi chùa bị xâm hại, bị “cưỡng bức” làm mới, ông Giám đốc Sở VH- TT và DL vẫn cứ viện lẽ kinh phí (hơn 10 tỷ đồng) quá khó khăn. Do phải thực hiện Nghị quyết 11phát triển kinh tế, nên sở đành…chờ?.

Chả lẽ, Chùa Trăm Gian “đứng ngoài” Nghị quyết? Và văn hóa không phải là sự phát triển xã hội?

Hay chính những người làm văn hóa cũng quan liêu, thờ ơ, vô cảm với sự xuống cấp của văn hóa, chỉ quan tâm tới …kinh tế? Khiến nhà chùa phải phát công đức kêu gọi người dân?

Tiếc thay, nhiệt tình + dốt nát= phá hoại. Công thức nổi tiếng của 1 nhà chính trị thời cận đại vẫn còn nguyên giá trị trong thời hiện đại.

Chứng cớ, là ngay sau khi sự việc đau lòng xảy ra, trước phản ứng dữ dội của báo chí và dư luận xã hội, ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBNDTP đã ngay lập tức chỉ đạo cấp vốn cho dự án và phê bình lối tư duy xơ cứng. Thôi thì mất…chùa mới lo cứu chữa. Muộn còn hơn không!

Nhưng vì sao, một tài sản- di tích quốc gia nổi tiếng như vậy, lại được phân cấp quản lý cho huyện? Để rồi huyện lại tiếp tục phân cấp triệt để cho xã, cấp quản lý hoàn toàn…mù tịt về cách bảo tồn, di tích và không có thẩm quyền?

 Sự nhận thức nông cạn của cấp xã về bảo tồn di sản văn hóa quốc gia, đã dẫn đến lối nghĩ tùy tiện, hồn nhiên và ngây thơ, dẫn đến sự tàn phá di sản, vi phạm luật pháp.

Cứ nghe cụ Tuệ, người phụ trách “dự án trùng tu” chùa này ở địa phương, đủ biết: Di tích còn tốt, gỗ lạt còn tốt, nhiều cái không cần thay, cứ để vậy thì còn lâu mới hỏng, nhưng có điều kiện thì chúng tôi tổ chức dỡ ra, thay mới toàn bộ cho nó bền…. Không lấy lại một cái cấu kiện cũ nào cả. Thay tất (?). Hệt một lão nông hể hả sửa căn nhà của mình, cho nó “bằng anh, bằng em”!

Vì sao, mà ông Nguyễn Xuân Thành, Chánh Thanh tra Bộ VH- TT và DL, trả lời báo Đất Việt, lại phát ngôn một cách thản nhiên, và dửng dưng, nếu không nói là thật…nông cạn: Làm lại thôi chứ có gì đâu! Chánh Thanh tra 1 Bộ quản lý văn hóa, mà tư duy văn hóa chẳng kém 1 nông dân suốt đời luẩn quẩn sau đuôi trâu!

Đến mức GS Trần Lâm Biền phải ví von bi hài: Di tích như người già bị ốm. Nếu bố tôi bị ốm, tôi đem đến cho bác sĩ chữa nhưng bác sĩ lại giết béng bố tôi đi, đưa cho tôi ông già khác bảo là bố tôi thì có chấp nhận được không? Di tích bị xây mới thì không còn là nó nữa!

Tầm của xã như vậy, lại gặp… cái tâm, cái tầm của Sở, của Bộ như vậy, trách chi Chùa Trăm Gian chả “nham nhở” như hiện nay?

Mà Chùa Trăm Gian đâu phải là “nạn nhân” đầu tiên của cái tầm, cái tâm văn hóa kiểu ấy?

Xã hội ta từng đau đớn, một nàng Vọng Phu hóa…bê tông, một Thành Nhà Mạc hóa…lò gạch. Và ngay cả Ô Quan Chưởng, tuy được bảo tồn nghiêm cẩn hơn, nhưng xung quanh, môi trường bị ô nhiễm vì khai mù, hôi hám, rác rưởi bẩn thỉu đến hổ thẹn và xót xa.

Một Ô Quan Chưởng danh tiếng trong 5 cửa ô của Hà Nội còn sót lại (Ô Cầu Giấy, Ô Cầu Dền, Ô Chợ Dừa, Ô Đông Mác và Ô Quan Chưởng) mà bị đối xử thô lậu, phũ phàng. Cơ quan chức năng đã vậy, dân cũng lại vậy, văn hóa có còn là …văn hóa?

Những di tích văn hóa mang trong lòng nó lớp lớp trầm tích của thời gian, của lịch sử, của cổ tích và quá khứ, làm rung động cả nhân gian bao thời đại. Nó là tinh hoa, là tài hoa, trí tuệ của các bậc tiền nhân. Nay bỗng trở nên vô hồn, chắp vá nham nhở.

Chùa “vô hồn” hay thực ra con người đã vô hồn, vô tình, vô cảm với chính văn hóa! Tòa án lương tâm của nhiều vị, dường như đã đóng… im ỉm từ lâu rồi?

Được biết, Chùa Trăm Gian sẽ được bảo tồn “lại”, theo kế hoạch của thành phố. Nhưng liệu “hồn vía” của chùa, sau kiếp nạn vừa rồi có quay trở về được nữa không?

Tâm gian giữa… biển Mê?

Kinh tế thị trường mở ra, diện mạo xã hội có nhiều cơ may đổi mới, tăng tiến. Nhưng cùng đó những rủi ro, họa hại cũng khôn lường. Đó là tham nhũng và các nhóm lợi ích liên kết chặt chẽ, chi phối và kìm hãm sự phát triển của quốc gia

Năm Nhâm Thìn chưa kết thúc, nhưng nhân thế đang tiếp tục chứng kiến số phận của không ít các doanh nhân, đại gia bị năm Rồng “cuốn” vào vòng lao lý.

Mới nhất là vụ bầu Kiên- 1 đại gia lừng lẫy đến mức được “tôn vinh” lên hàng Bố già, bị cơ quan chức năng bắt vào chiều 20/8. Bầu Kiên là 1 “hiện tượng”, 1 số phận, mà rồi đây chắc chắn, lịch sử bóng đá và lịch sử tài chính ngân hàng sẽ còn phải nhắc đến với tất cả tài năng cùng thủ đoạn, quyền lực ngầm thâu tóm, lũng đoạn của ông ta.

Trước đó, Phạm Thanh Bình, nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vinashin) bị 20 năm tù giam vì tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng, kéo theo cả 1 dây các cộng sự thân tín dưới quyền bóc lịch theo.

Hiện tượng con tàu nát Vinashin và “thuyền trưởng” Phạm Thanh Bình chắc chắn sẽ được “tiễn đưa” vào giáo án của Luật Kinh tế, vào lịch sử kinh tế VN, về 1 mô hình doanh nghiệp chủ đạo, trong 1 cơ chế quản lý doanh nghiệp Nhà nước còn quá nhiều sơ hở, khiếm khuyết.

Rồi 1 Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch HĐ thành viên Tổng Công ty Hàng hải VN (Vinalines), bị khởi tố đã trốn chạy, chui lủi nơi nào, giờ không ai rõ. Đến mức Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, kiêm Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương đã quyết liệt chỉ đạo: "Phải bắt bằng được Dương Chí Dũng".

Mới đây, Phạm Văn Thụ, Chủ tịch kiêm TGĐ Công ty Thép Thái Sơn cũng bị bắt về hành vi "lừa đảo, chiếm đoạt tài sản" liên quan đến các khoản vay ngân hàng. Con trai ông Thụ là Phạm Hải Thanh, nguyên TGĐ công ty Thép Thái Sơn, cũng bị khởi tố cùng tội danh. Rút cục, 2 cha con ông giờ đây… chung 1 cảnh lao tù.

Điều oái oăm, năm 2011, công ty Thép Thái Sơn từng lọt vào top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất VN. Đến khi bị bắt, 2 cha con ông cùng là… con nợ khủng, với con số 1300 tỷ đồng. Vòng nguyệt quế và thân lao tù trong thời kim tiền này, đắng thay, mong manh quá, chỉ cách nhau 1 chữ ký ...

Rồi Phan Minh Anh Ngọc - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chứng khoán Cao Su (RUBSE), nguyên Tổng GĐ Công ty Tài chính TNHH Một thành viên Cao Su Việt Nam (RFC), bị bắt tạm giam vì "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" khi còn là Tổng GĐ RFC.

Rồi Hoàng Xuân Quyến, nguyên Tổng GĐ Chứng khoán Liên Việt, Phan Huy Chí, Chủ tịch Chứng khoán SME, cũng bị bắt tạm giam, liên quan đến những hành vi sai phạm về tài chính, v.v và v.v…

Có 1 cuốn sách, hồi nhỏ, người viết bài từng đọc, và rất ấn tượng: “Bút ký người dự thẩm”. Đó là tác phẩm của một người dự thẩm chuyên dự các phiên tòa xét xử các vụ án kinh tế, giai đoạn tân kinh tế của nước Nga Xô viết (cũ). Thế nhưng, giá mà những tội phạm kinh tế thời đó còn sống, hoặc sống dậy, chắc chắn họ cũng phải vái lậy các đại gia VN giai đoạn này.

Kinh tế thị trường nước ta đi sau kinh tế thị trường nhiều quốc gia văn minh. Có thể quan sát, và dự báo được quy luật thực tiễn, để ngăn ngừa và tránh được những “vết xe đổ”.

Nhưng vì sao các doanh nhân, các đại gia nói trên lại chỉ bị phát hiện, bị truy tố và bắt giam khi đã gây ra những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng, để lại di họa cho cả xã hội, tước đoạt và lãng phí hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế mồ hôi công sức của nhân dân không thương tiếc?

Họ phạm tội, sẽ phải trả giá. Nhưng cơ chế quản lý kinh tế- xã hội, với hệ thống và vai trò giám sát, kiểm tra, thanh tra theo chức năng, liệu có…vô can? Con số 275 bị can về các tội danh tham nhũng bị khởi tố, 451 bị can bị Viện Kiểm Sát truy tố và 251 bị cáo bị tòa án xét xử về tội tham nhũng, liệu mới chỉ là “phép nổi” của tảng băng?

Vỏ quýt dầy, móng tay nhọn. Tiếc thay, móng tay nhọn- ở đây là cơ chế quản lý kinh tế- xã hội, là Luật Phòng chống tham nhũng lại chưa thật…nhọn. Thế nên, rút cục xã hội vẫn phải tiếp tục đóng “học phí giá cao” cho kinh tế thị trường ở VN.

Nhà Phật có câu: Hồi đầu thị ngạn, tức quay đầu lại là bờ giác (ngộ). Nói như một phật tử: Biển Mê và bờ Giác chỉ cách nhau có 1 cái quay đầu.

Thế nhưng, các đại gia ngày nay, mắt vẫn sáng, tai vẫn tinh, mũi vẫn thính, sức khỏe vẫn dồi dào, nhưng …biển Mê rộng dài quá, nên mắt vẫn nhìn mà không thấy bờ, tai vẫn thính mà ko muốn nghe thấy tiếng gọi của bờ. Rút cục, họ quay đầu vào chốn…lao tù

Đó là cái giá đắt cho cái tâm…gian giữa biển Mê.

Kỳ Duyên

(VHNA)

Không có nhận xét nào: