Pages

Thứ Ba, 25 tháng 9, 2012

Trung Quốc (TQ) đang sử dụng chiêu bài câu giờ để tiếp tục tranh giành biển Đông.

Nhận định này đã được nhà báo Trefor Moss ở Hong Kong nêu trong bài viết với nhan đề “Câu chuyện không hồi kết: Tình thế gay cấn ở biển Đông” đăng trên tạp chí The Diplomat (Nhật) hôm 7-9.
Tác giả ghi nhận có bốn bước làm giảm căng thẳng ở biển Đông:
- Tạm gác vấn đề chủ quyền phức tạp và dễ kích động dân tộc vì khó có thể giải quyết trong tương lai gần.
- Thiết lập chính xác các tuyên bố chủ quyền ở biển Đông. Các bên tranh chấp cùng nộp bản đồ xác định chủ quyền nêu rõ kinh độ, vĩ độ lên Tòa án Công lý Quốc tế.
- Áp dụng Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) ở biển Đông vì các bên tranh chấp đều đã phê chuẩn UNCLOS.
- Phân định các khu vực tranh chấp. Các bên tranh chấp sẽ soạn các quy tắc chỉ ra được phép và không được phép làm gì ở khu vực tranh chấp. Đây cũng là nội dung Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) mà ASEAN và TQ đang hướng đến.
Kế hoạch nêu trên tuy đơn giản nhưng khó tiến hành bởi TQ không thực tâm. Bề ngoài TQ tuyên bố mong muốn hợp tác tìm kiếm giải pháp lâu dài ở biển Đông nhằm dập tắt cáo buộc nói TQ cản trở giải quyết tranh chấp, thực ra chiến lược của TQ là duy trì hiện trạng rối rắm ở biển Đông.


TQ đã tính toán căng thẳng ở biển Đông khó dẫn đến xung đột, bởi thế TQ sẵn lòng để căng thẳng tồn tại nhằm thoải mái hành động. TQ cũng không muốn vượt quá giới hạn vì sợ tổn hại vị trí và hình ảnh của TQ ở ASEAN cũng như lo ngại Mỹ can dự sâu vào khu vực.
Do đó, TQ sẽ trì hoãn đàm phán COC, bộ máy lãnh đạo mới sắp tới của TQ cũng sẽ không vội vã thúc đẩy đàm phán COC. Các bên chỉ bắt đầu ngồi vào bàn đàm phán từ năm 2013 và khó hoàn tất COC trước năm 2014.
Đồng tình với quan điểm trên, TS Ian Storey (Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore) nhận định TQ áp dụng biện pháp câu giờ càng lâu càng tốt vì nếu thiết lập COC hiệu quả, TQ sẽ bị hạn chế quyền tự tung tự tác.
GS Carlyle Thayer (Học viện Quốc phòng Úc) nhận định thực ra TQ nhận thấy ủng hộ thiết lập COC thì hình ảnh của TQ trong khu vực sẽ được nâng cao, những lời kêu gọi Mỹ can dự sâu vào khu vực yếu đi và nguy cơ xung đột ở biển Đông sẽ lùi xa. Dù vậy, bản năng không chịu nhượng bộ đã lấn át các lợi ích trên.
PGS Trương Bảo Huy ở Đại học Lĩnh Nam (đặc khu Hong Kong) nhận định TQ sẽ áp dụng nhiều chiêu. Một là không tạo điều kiện thuận lợi cho một giải pháp lâu dài nào. Hai là chỉ phản ứng dữ dội khi nhận thấy các bên tranh chấp khác có động thái TQ cho là khiêu khích như tranh chấp ở bãi cạn Scarborough. Ba là sẽ gia tăng gây hấn ở mức độ tự cho là có thể chấp nhận được như cấp phép thăm dò dầu khí cho các công ty TQ.

Không có nhận xét nào: