Pages

Thứ Hai, 24 tháng 9, 2012

Trung Quốc : Tranh chấp lãnh thổ khiến phe quân đội mạnh lên


Quân đội Trung Quốc
REUTERS
Lê Phước
Trước thềm Đại hội toàn quốc của đảng Cộng sản Trung Quốc, mọi động tĩnh xảy ra trên chóp bu cầm quyền đều thu hút dư luận. Gần đây, bỗng nhiên phó chủ tịch nước Tập Cận Bình vắng bóng suốt hai tuần, rồi lại rùm ben chuyện cựu bí thư thành ủy Trùng Khánh.

Chưa hết, mấy ngày nay, làn sóng chống Nhật trở nên dữ dội đến bất thường tại Trung Quốc. Tờ The New York Times cho rằng, những sự kiện vừa nêu có dây mơ rễ má với nhau, bởi cội nguồn chung là : Sự đấu đá trên chóp bu đảng cầm quyền tại Trung Quốc. Courrier International dẫn lại bài nhận định này, với dòng tựa khá ấn tượng : «Hãy tấn công người Nhật ».

Việc Nhật quốc hữu hóa các đảo tranh chấp đã gây phẫn nộ đối với người Trung Quốc, nhưng phản ứng có tính hiếu chiến của nhà cầm quyền Trung Quốc như việc điều tàu hải giám đến khu vực tranh chấp, tuyên bố bảo vệ gần ngàn ngư thuyền đến vùng tranh chấp … Sự mạnh bạo này của Bắc Kinh có mục đích : Tranh giành quyền ảnh hưởng đối với quân đội Trung Quốc.
Ai tranh giành với ai ?
Theo lời một giáo sư có quan hệ thân cận với chóp bu đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Hồ Cẩm Đào muốn duy trì ảnh hưởng sau khi về hưu, nên lo sợ toàn bộ quyền lực, mà đặc biệt là quân đội, lọt hết vào tay phe ông Tập Cận Bình. Hồi năm 2002, khi ông Giang Trạch Dân bàn giao quyền lãnh đạo Đảng và Nhà nước cho ông Hồ Cẩm Đào, thì ông Giang cũng duy trì được quyền kiểm soát quân đội thêm hai năm nữa, khi vẫn tiếp tục giữ chức chủ tịch Quân ủy Trung ương. Các nhà quan sát cho rằng, chủ tịch Hồ Cẩm Đào đẩy tranh chấp chủ quyền lên cao như vừa qua cốt ý là để minh chứng rằng, sự hiện diện của ông vẫn còn cần thiết.
Một chiến dịch đã được tiến hành với mục tiêu kêu gọi quân đội tiếp tục trung thành với Đảng, mà theo tờ báo, thực sự là để cũng cố ảnh hưởng của chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Trong các báo quân đội ở Trung Quốc còn xuất hiện những bài xã luận kêu gọi các tướng lĩnh tập hợp xung quanh Đảng dưới sự lãnh đạo của chủ tịch Hồ CẨm Đào. Vị giáo sư trên nhận định : « Ông Hồ Cẩm Đào chưa sẵn sàng từ bỏ quyền lực. Tất cả những việc nêu trên là nhằm phục vụ cho chính sách của ông ta ».
Thế nhưng, cũng có người nhìn nhận sự việc ở một góc độ khác. Theo họ, mấy năm vừa qua, sự đấu đá trong nội bộ Đảng đã dẫn đến việc phe dân sự bị yếu thế dần trước phe quân sự. Nhất là trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ liên tục với các nước láng giềng, quân đội ngày càng có tiếng nói. Mà đáng chú ý là, quân đội Trung Quốc thường bao gồm những tướng lĩnh xuất thân từ các gia đình quan chức, tức con nhà nòi, tức thuộc về « phe Hoàng Tử ». Ông Tập Cận Bình lại là người của phe Hoàng Tử, bởi vậy, ông đương nhiên dễ dàng kiểm soát được quân đội, điều mà chủ tịch Hồ Cẩm Đào không mấy hài lòng.
Theo tờ báo, sự biệt tăm của ông Tập Cận Bình suốt hai tuần vừa qua, có thể không phải vì ông đau ốm, mà là vì phải đối mặt với những vấn đề chính trị nghiêm trọng, đe dọa đến sự kế nhiệm gần như là chắc chắn của ông. Và sự xuất hiện trở lại trong tình trạng sức khỏe ổn định của phó chủ tịch Tập Cận Bình cho thấy, ông đã tạm dàn xếp được mọi chuyện. Trước mắt, theo tờ báo, trong nhiều việc hóc búa đang chờ đợi, thì một trong những việc có lẽ không mấy dễ dàng là ông Tập Cận Bình phải làm sao dàn xếp cho khéo vụ Bạc Hy Lai, người từng bị cho là muốn tranh giành quyền lực với ông. Hiện tại, dù ông Bạc Hy Lai đã mất hết chức vụ, nhưng ảnh hưởng của ông trong Đảng vẫn còn.
Bạc Hy Lai : Cuộc chiến giữa phe bảo thủ và canh tân ?
Đi sâu vào trường hợp Bạc Hy Lai, tuần san l’Express có bài : « Trùng Khánh, cuộc chiến hướng đến Bắc Kinh ».
Tờ báo nhắc lại việc, dưới sự lãnh đạo của ông Bạc Hy Lai, Trùng Khánh đã thật sự thay da đổi thịt với tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm thèm khát nhiều tỉnh thành khác ở Trung Quốc. Thế nhưng, trái ngược với nét hiện đại của Trùng Khánh, tư tưởng của ông Bạc Hy Lai hoàn toàn không hiện đại. Ông được xem là một trong những thủ lĩnh của phe bảo thủ trên chóp bu đảng Cộng sản Trung Quốc.

Tờ báo cho rằng, ông Bạc Hy Lai là người trung thành với tư tưởng Mao Trạch Đông. Trên cương vị bí thư thành ủy, ông Bạc đã ra sức tuyên truyền ca ngợi cho cựu chủ tịch Mao. Bí thư Bạc Hy Lai được coi là « tổng biên tập » thật sự của Trùng Khành, vì ông cho kiểm soát gắt gao tất cả phương tiện truyền thông, chủ trương tăng cường ca tụng thời Mao Trạch Đông trên các phương tiện truyền thông ở Trùng Khánh, ca tụng sự anh dũng của quân đội Trung Quốc hồi kháng chiến chống Nhật.
Về vấn đề này, tờ báo nêu ra một ví dụ cụ thể đáng chú ý, đó là ông Bạc Hy Lai từng buộc một đài truyền hình địa phương cắt bớt chương trình quảng cáo, và ra lệnh cứ 30 phút là phải có một mục ca ngợi Đảng. Lãnh đạo đài này đã từ chối, và trong chiến dịch truy quét mafia và chống tham nhũng năm 2010, do bí thư Bạc chủ trương, vị lãnh đạo đài truyền hình nói trên đã bị bắt và kết án tử hình vì tội tham nhũng.
Tờ báo nhắc lại, trong chiến dịch đó, hơn 2 000 người đã bị bắt. Nhiều người cho rằng ông Bạc Hy Lai có mục tiêu thật sự là nhân đó, loại trừ tất cả những ai gây cản trở cho con đường tiến về Bắc Kinh của ông trong kỳ Đại hội Đảng lần tới.
Cuối cùng L’Express dẫn lời một nhà báo ở Trùng Khánh, nhận xét tổng quát về đời sống chính trị thật sự tại Trung Quốc : Người dân Trung Quốc ngây thơ, các phương tiện truyền thông cứ đưa tin nào là chính quyền xây cầu, xây đường, nào là ra sức chống tham nhũng, thế là người dân tin ngay, « chứ còn tôi, tôi là người làm tin, nên tôi biết rõ ràng sự thật ».

Không có nhận xét nào: