Pages

Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2012

Việc Moody's hạ điểm tín nhiệm gây thêm lo ngại về hệ thống ngân hàng Việt Nam



Giao dịch tại một ngân hàng Việt Nam.Reuters

Thanh Phương / RFI

Vào lúc hàng loạt lãnh đạo ngân hàng, trong đó có cả cựu bộ trưởng Trần Xuân Giá, bị khởi tố về vụ bê bối tài chính ở ngân hàng ACB, việc cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody's hạ điểm của Việt Nam gây thêm lo ngại về hệ thống ngân hàng nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung.
Hôm qua, Moody's đã hạ điểm tín nhiệm của Việt Nam từ « B1 » xuống thành « B2 », tức là mức thấp nhất từ trước đến nay đối với Việt Nam, đồng thời hạ điểm tín nhiệm của 8 ngân hàng Việt Nam, trong đó có ngân hàng ACB đang bị điều tra về những bê bối tài chính.
Thật ra, theo các nhà phân tích, việc Moody's hạ điểm chưa có nghĩa là hệ thống ngân hàng Việt Nam đã lâm vào khủng hoảng toàn diện và nếu chính phủ Hà Nội có những hành động kiên quyết thì nền kinh tế sẽ được hồi phục.


Thế nhưng, việc hạ điểm tín nhiệm nói trên phản ánh mối quan ngại ngày càng lớn về tình trạng nợ xấu của ngân hàng Việt Nam và về nhịp độ cải tổ kinh tế của Việt Nam. Điều đáng nói là Việt Nam bị hạ điểm tín nhiệm vào lúc mà các nước láng giềng Đông Nam Á đang trên con đường hồi phục kinh tế. Chẳng hạn như tháng 12 năm ngoái, Indonesia đã được tăng bậc điểm về mặt đầu tư và Philippines sắp tới đây sẽ đạt được quy chế giúp cho họ vay tiền với lãi suất thấp và mở cửa đón nhận thêm đầu tư ngoại quốc.
Hãng tin Reuters cho biết, chính phủ Việt Nam đã phản đối việc Moody's hạ điểm, khẳng định rằng cơ quan này đáng giá không giống như các cơ quan xếp hạng tín nhiệm khác như Standard & Poor’s và Fitch. Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Đối ngoại Bộ Tài chính, ông Nguyễn Thành Đô, nói rằng việc hạ điểm như vậy sẽ khiến cho chi phí vay tiền của Việt Nam cao hơn. Ông kêu gọi Moody's xét lại quan điểm của cơ quan này, tức là phải nhìn thấy cả những mặt « tích cực » của kinh tế Việt Nam. Theo ông Nguyễn Thành Đô, mức tăng tín dụng bị hạn chế và tăng trưởng kinh tế chậm lại, đó chính là do Việt Nam đã nỗ lực kềm chế lạm phát.
Nhưng ngoài lý do chính phủ siết chặt tín dụng để kềm chế lạm phát, chính các ngân hàng Việt Nam, mà hiện có tỉ lệ nợ xấu rất cao cũng đã phải giảm bớt vốn cho vay, khiến các doanh nghiệp thêm khó khăn trong việc tìm tín dụng để mở rộng hoặc duy trì hoạt động.
Theo nhận định của ông Jonathan Pincus, nguyên là một kinh tế gia chuyên về Việt Nam của Liên Hiệp Quốc, tuy rằng ít có nguy cơ khủng hoảng ngân hàng, việc Moody's hạ điểm chủ yếu sẽ tác động lên tăng trưởng kinh tế. Ông Pincus cho rằng « Việt Nam không thể tiếp tục tăng trưởng mà không giải quyết các vấn đề của hệ thống ngân hàng. Chính phủ cần phải có hành động và hành động sớm tốt hơn là trễ ».
Theo đánh giá của Moody's, kế hoạch cải tổ ngân hàng mà chính phủ đề ra là tích cực nếu nó được thực thi đầy đủ, nhưng vấn đề là thiếu tính minh bạch và quá chậm chạp trong việc cải tổ.
Hãng tin Reuters trích lời ông Matt Hilderbrant, kinh tế gia tại ngân hàng JPMorgan ở Singapore dự báo rằng trong vòng 6 hoặc 9 tháng nữa, Việt Nam có nguy cơ bị hạ bậc thêm nữa, lý do là vì có quá nhiều nợ xấu ngân hàng và chắc chắn phải cần có sự hỗ trợ của chính phủ.
Chính phủ Việt Nam đang có kế hoạch tái cơ cấu các thị trường tài chính và củng cố các doanh nghiệp Nhà nước và đầu tư công, nhưng do những quan hệ lợi ích chồng chéo lên nhau, kế hoạch này sẽ khó mà được thực hiện.
Mấu chốt của vấn đề cuối cùng vẫn là, cũng giống như Trung Quốc, kinh tế Việt Nam phần lớn dựa trên các doanh nghiệp Nhà nước, các doanh nghiệp này lại nằm dưới sự lãnh đạo của những quan chức yếu kém về năng lực quản lý, nhưng có quan hệ chặt chẽ với giới cầm quyền. Những vụ bắt giữ hay khởi tố các lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước hay lãnh đạo ngân hàng trong thời gian qua có vẻ như là hậu quả của các vụ thanh toán chính trị hơn là thể hiện quyết tâm làm trong sạch guồng máy kinh tế Việt Nam.

Không có nhận xét nào: