Pages

Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2012

Vũ Khí Chiến Lược


Minh Văn.


Máy bắn đá thời Trung Cổ
Để giành thắng lợi nhanh chóng trên chiến trường, hoặc tạo nên bước ngoặt của cuộc chiến thì phải có vũ khí vượt trội. Vũ khí đó có thể khiến cho đối phương bị bất ngờ hoặc không có khả năng chống đỡ. Người ta có thể bảo vệ đất nước bằng sức mạnh quân sự, nhưng ưu điểm đó thường sử dụng trong chiến tranh xâm lược. Vì rằng với sức mạnh quân sự vượt trội, sẽ nhanh chóng giành thắng lợi trên mọi chiến trường, khiến cho đối phương không kịp trở tay. Trong lịch sử quân sự, người ta gọi đó là: Vũ khí Chiến Lược.
Lịch sử nhân loại tự cổ chí kim, nhiều cuộc chiến triền miên đã diễn ra để phân định cục diện, biên giới và bất đồng chính trị. Vì vậy, mà nghệ thuật quân sự và công nghệ vũ trang cũng không ngừng phát triển để đáp ứng nhu cầu của thời đại. Cho dù nghệ thuật quân sự (ở phương Đông gọi là Binh pháp) có hơn hẳn đối phương, nhưng vũ khí lạc hậu cũng khó tránh khỏi một thất bại, chứ chưa nói đến việc giành thắng lợi nhanh chóng. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của vũ khí trên chiến trường. Xưa và nay đều chứng tỏ như vậy, cần có vũ vũ khí chiến lược để giành thắng lợi và tạo cân bằng cục diện.
Thời Trung cổ, tuy nghệ thuật quân sự chưa phát triển, nhưng một số quốc gia tiến bộ về quân sự đã trở nên lớn mạnh do tiến hành chiến tranh mở rộng lãnh thổ. Do xâm chiếm được những vùng đất màu mỡ và trù phú, mà các quốc gia này đã trở nên những đế quốc hùng mạnh, chiếm đóng và cai trị các nước khác. Để giành được thắng lợi thì ngoài tinh thần chiến đấu, mưu lược chiến trận giỏi thì điều không thể phủ nhận là họ được trang bị vũ khí tối tân hơn đối phương. Vì chưa có súng đạn và bom mìn như ngày nay, thời đó để phá thành trì người ta sử dụng máy bắn đá. Những cỗ máy thô sơ đó là một thứ vũ khí ưu việt thời bấy giờ và gây nhiều kinh hoàng cho đối phương. Với cỗ máy này, người ta có thể tấn công từ xa, gây đỗ vỡ hệ thống phòng ngự và thương vong cho quân địch. Khi thành trì bị phá, trước sức tấn công như vũ bão của kẻ chinh phục, đối phương buộc phải đầu hàng hoặc tháo chạy.
Một thứ vũ khí nổi tiếng nữa của thời Trung Cổ, đó là: Nỏ Liên Châu. Đây là một loại máy bắn tên, có thể bắn ra một lúc nhiều mũi tên, gây sát thương lớn. Thứ vũ khí này cũng đã gây kinh hoàng trong nhiều cuộc chiến thời đó, và tạo nên thắng lợi nhanh chóng cho phe sở hữu nó. Tần Thuỷ Hoàng nhờ có sử dụng loại vũ khí này mà nhanh chóng thống nhất được Trung Quốc, lên ngôi Hoàng Đế. Thời Tam Quốc, Khổng Minh trước khi mất có truyền lại binh thư cho Khương Duy, trong đó có phép chế nỏ Liên Châu. Khi thứ vũ khí này được mang ra sử dụng, gây nên sự khiếp sợ cho quân địch. Ở Việt Nam ta, Thục An Dương Vương cũng từng sử dụng loại vũ khí này. Do nắm được bí quyết chế tạo nỏ liên châu, mà có thể giữ vững biên cương trong một thời gian dài trước khi bị quân Triệu Đà xâm lược.
Kỵ Binh Mông Cổ
Hẳn ai cũng từng biết đến đế quốc Mông Cổ của Thành Cát Tư Hãn. Vị Hoàng Đế vĩ đại này cai trị một đế chế rộng lớn từ Á sang Âu. Đó là một thành tích mà tự cổ chí kim, chưa ai làm được như vậy. Ngoài tài năng xuất chúng về quân sự của Thành Cát Tư Hãn, quân Mông Cổ lúc bấy giờ sử dụng một thứ vũ khí chiến lược khác: đó chính là Kỵ Binh. Quân mông cổ cưỡi ngựa bắn tên như đi trên đất bằng, thoắt ẩn thoắt hiện khiến cho đối phương luôn bị bất ngờ và không thể chống đỡ. Thời đó, kỵ binh là thứ vũ khí cơ động và thần tốc nhất, sử dụng giỏi lại càng có ưu thế vượt trội. Vì thế mà vó ngựa quân Mông Cổ đi đến đâu thì thành trì bị san phẳng, “cỏ không mọc được” đến đó.
Trong Đệ Nhị thế chiến, quân Đức Quốc Xã đã nhanh chóng chiếm được Ba Lan, Pháp, Áo...rồi tấn công Liên Xô. Giành được thắng lợi nhanh chóng như vậy là do quân Đức chiếm ưu thế về quân sự, đặc biệt là sự vượt trội về vũ khí. Không quân, hải quân, bộ binh của quân Đức đều được trang bị tốt hơn quân Đồng Minh. Mỗi binh chủng, người Đức đều có những loại vũ khí vượt trội, khiến cho đối phương bị bất ngờ và khó chống đỡ. Khi phe Đồng Minh cũng như Liên Xô lấy lại được sự cân bằng về vũ khí chiến lược, lúc này cục diện cuộc chiến mới dần được thay đổi. Phe Phát Xít yếu thế dần, và cuối cùng dẫn đến thất bại.
Các cường quốc thường giành được thắng lợi nhanh chóng trong các cuộc chiến là nhờ có sự vượt trội về vũ khí chiến lược. Điều đó làm nên sức mạnh quân sự, giúp duy trì sự ổn định chiến lược, bảo vệ an ninh quốc gia.
Chiến đấu cơ của Đức Quốc Xã
Từ sau thế chiến II, nước Mỹ đã vươn lên trở thành một cường quốc. Và vai trò siêu cường số một thế giới đó của Mỹ vẫn được duy trì cho đến tận bây giờ. Có thể nói, người Mỹ hiện sở hữu nhiều vũ khí chiến lược quan trọng nhất, chiếm hẳn ưu thế về tính hiện đại quân sự. Mỹ là nước đầu tiên sở hữu bom nguyên tử, tạo nên chiến thắng quyết định trong thế chiến II. Ngày nay, với việc sở hữu nhiều tàu chiến, tàu sân bay cũng như máy bay hiện đại, người Mỹ vẫn đi đầu trong cuộc chạy đua vũ trang. Ngoài sức mạnh về kinh tế - chính trị, việc sở hữu nhiều vũ khí chiến lược khiến cho nước Mỹ vẫn duy trì được vị trí siêu cường số một thế giới.
Lịch sử quân sự thế giới, thì vũ khí chiến lược luôn đóng vai trò quan trọng trong việc giành thắng lợi trên mọi chiến trường. Giúp cho quân sĩ bớt phải hy sinh xương máu, do không phải kéo dài cuộc chiến. Đó là tính ưu điểm của vũ khí chiến lược, nó giúp cho cục diện chiến tranh nhanh chóng được quyết định. Dù là chiến tranh vệ quốc hay chiến tranh thôn tính, thì người ta không thể phủ định vai trò quyết định của vũ khí. Tuy nhiên vũ khí chiến lược thường có tính sát thương lớn, gây nhiều thiệt hại cho đối phương.
Do đó, việc nên sử dụng vũ khí chiến lược hay không luôn là một câu hỏi khó trả lời. Theo ngu ý của người viết thì nên đặt câu hỏi là con người có nên tiến hành chiến tranh hay không thay vì có nên sử dụng vũ khí chiến lược hay không? Và nữa, nếu buộc phải tiến hành chiến tranh thì đó là loại chiến tranh nào, chính nghĩa hay phi nghĩa? 
 

Không có nhận xét nào: