Pages

Thứ Ba, 25 tháng 9, 2012

Vụ tiền polymer: Đại diện Thương Mại Úc thú nhận lên giường 2 lần với Lương Ngọc Anh


MELBOURNE, Aus. 25-9 (NV) .- Nữ Đại diện Thương mại Úc, bà Elizabeth Masamune, thú nhận tại tòa án là bà từng lên giường hai lần với Lương Ngọc Anh, Tổng giám đốc Công ty Phát Triển Công Nghệ (AFTD) và là người môi giới để công ty Úc trúng mối thầu in tiền giấy nhựa polymer cho Ngân Hàng Nhà Nước CSVN.
Bà Elizabeth Masamune từng là Đại diện Thương Mại Úc tại Hà Nội khai với tòa án là đã hai lần
lên giường với đại tá tình báo công an Lương Ngọc Anh. (Hình: Sydney Morning Herald)
Điều tai tiếng quan hệ tình dục giữa bà Masamune và đại tá tình báo Công an CSVN Lương Ngọc Anh từng bị báo chí Úc khui ra trước đây nhưng bà vẫn giữ yên lặng. Cho đến khi phải ra trả lời ở tòa án trong tư cách nhân chứng của vụ truy tố 8 viên chức thuộc 2 công ty Securency và Note Printing Australia bị cáo buộc hối lộ quan chức ngoại quốc để tranh mối thầu in tiền, người ta mới được nghe tiếng nói của bà.
“Cuối bữa tiệc, ông ta hỏi tôi có đi lên phòng trên lầu khách sạn với ông ta không.” Cựu Đại diện Thương Mại Úc tại Hà Nội viết trong bản khai với cảnh sát được nộp ở tòa hôm Thứ Hai 24/9/2012. “Do sự thôi thúc bất ngờ, tôi đã đồng ý”.
Trong bản tường thuật phiên tòa hôm Thứ Hai của báo Sydney Morning Herald, bà cho biết trong bản lời khai rằng bà đã có hai lần “riêng biệt” về hành động tình dục với đại tá tình báo Lương Ngọc Anh (two ”isolated” sexual interactions with spy Colonel Anh Ngoc Luong), người đã giúp chiếm được hợp đồng in tiền mà cảnh sát cáo buộc số tiền công ty thầu Securency phải hối lộ lên đến $20 triệu Úc kim.
Báo chí Úc từng cho rằng Lương Ngọc Anh chỉ là người đứng bình phong nhận số tiền đó làm nhiều lần , bỏ vào một số trương mục khác nhau ở Thụy Sĩ và một số nước khác, trước khi chuyển tới những người thụ hưởng ở Ngân Hàng Nhà Nước và cấp cao hơn ở trong chính phủ và Bộ Chính Trị CSVN.
Securency là công ty bán công, một nửa do Ngân Hàng Trung Ương Úc (RBA) làm chủ và một nửa kia do một công ty Anh quốc làm chủ. Tất cả các viên chức cầm đầu Securency đều là công chức do RBA cử tới điều hành.
Những lần “lên giường” đó bà Masamune đã không khai cho cảnh sát khi bị thẩm vấn lúc ban đầu. Chúng đã diễn ra sau khi bà tin rằng “Dự án đã an toàn (ký hợp đồng) và vai trò của tôi không còn cần thiết nữa.”. Bà nói trong tờ khai với cảnh sát là bà “gặp rắc rối trong đời sống hôn nhân và thích Anh”.
Bà kể rằng vào Tháng Tư hay Tháng Năm 2002, lúc đó có bữa tiệc mừng Ngân Hàng Nhà Nước CSVN quyết định mua kỹ thuật in tiền giấy nhựa của Securency và Lương Ngọc Anh đã đề nghị với bà lần đầu.
“Lúc đó là sự hân hoan lớn. Cuối bữa tiệc, mà tôi đã thấy Anh uống nhiều rượu, tôi tin anh ta đã làm cái gì tương tự như bỏ tay lên đầu gối tôi ở dưới gầm bàn. Tôi nhớ lại là lúc đó tôi hơi bị sốc vì tôi chưa từng nghĩ có thể anh ta lại có cảm tình cá nhân đối với tôi.”
Khoảng một tháng sau đó, bà kể, ông ta mời bà đi ăn và lại gạ nữa.
“Phụ nữ Việt Nam nổi tiếng là ghen tuông và Anh có vẻ như tôi thấy hơi sợ vợ.” Bà Masmune kể.
Bà nói bà không thấy có tình cảm lãng mạn hay có sự “cam kết trung thành đặc biệt” nào đối với Anh và ông ta “cứ tiếp tục đi tới nếu không thấy gì xảy đến”.
Tòa án được cho xem một điện thư mấy tháng sau đó, khoảng Tháng Bảy 2002, trong đó bà Masamune viết cho các cấp chỉ huy của Securency thuật lại rằng Anh tức giận mà theo lời bà, “bà tin rằng nếu Securency không giảm giá bỏ thầu xuống thì sẽ không có hợp đồng”.
Theo bà kể, lần hẹn hò sau xảy ra vào năm 2006 sau khi bà đã rời Việt Nam.
Bà viết trong tờ khai là bà “rất hãnh diện về công việc đã làm. Tôi cố gắng duy trì sự trung thực…từ trước đến sau và tôi không muốn làm thiệt hại lợi ích của khách hàng.”
“Tôi hiểu rằng các cáo buộc đã được đưa ra và đây là một phiên xử mà, bất kể những gì thiệt hại đáng kể cho cá nhân tôi, tôi tình nguyện khai những chi tiết này.” Bà cho biết trong bản khai thứ nhì với cảnh sát và đó là bản lời khai duy nhất của bà đem trình tại tòa án tại Melbourne hôm Thứ Hai.
Bà cho hay tội tham nhũng bị án tử hình ở Việt Nam và bà tin rằng có ít tham nhũng ở đó. Bà cũng tin rằng “Securency do RBA làm chủ một phần …không nên tham gia vào hay tính tới chuyện dính líu đến các hành động tham nhũng”.

Không có nhận xét nào: