Pages

Thứ Ba, 22 tháng 1, 2013

TS.Lê đăng Doanh :Tiền của dân, nếu bị thất thoát, ai chịu trách nhiệm?


Tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang nợ hơn 1,3 triệu tỷ đồng. TS. Lê Đăng Doanh nhận định: Núi nợ này trở thành gánh nặng rất lớn cho nền kinh tế và hoàn toàn không có khả năng giải quyết được trong năm 2013.
* Ông nhận định thế nào về mức nợ của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước mà Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp vừa công bố?- Nợ lên đến 1,3 triệu tỷ đồng, một con số cực lớn và tăng tới 10,3% so với 1,28 triệu tỷ đồng năm 2011. Như vậy, nợ của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước ngày càng tăng và tăng rất cao.

Đáng lưu ý, tổng nộp ngân sách đạt 294.000 tỷ đồng, một con số lớn so với tổng doanh thu trên 1,6 triệu tỷ đồng mà các tập đoàn, tổng công ty có được.
Như vậy, trong nộp ngân sách có cả tiền bán dầu thô, cả thuế thu nhập đặc biệt của thuốc lá, bia, những cái mà tập đoàn nộp thay cho người tiêu dùng. Tôi thấy cần xem xét nghiêm túc các số liệu phân tích một cách khoa học và khách quan.
Núi nợ này trở thành một gánh nặng rất lớn cho nền kinh tế, nhưng đáng ngạc nhiên là trong cuộc họp tuần trước với người đứng đầu Chính phủ – có lãnh đạo của 9 tập đoàn kinh tế, 10 tổng công ty 91, 84 tổng công ty 90 và 20 tổng công ty đã cổ phần hóa – mọi người có vẻ thản nhiên trước mất mát khủng khiếp đó.
Không thấy ai đứng ra chịu trách nhiệm và cũng không ai đả động đến việc sẽ giải quyết số nợ này ra sao, trách nhiệm của tập đoàn thế nào, các tập đoàn có định trả nợ không…
Không những thế, tất cả các tập đoàn, tổng công ty đều xin Chính phủ hỗ trợ thêm và xin có thêm giải pháp đặc biệt.
* Số nợ trên được Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cho là “trong giới hạn cho phép”. Ông có bình luận gì không ?
- Tôi không biết giới hạn này là ai cho phép và cho phép dựa trên căn cứ gì. Nhưng so với tỷ suất nợ trên vốn thì nợ của một số tập đoàn đã vượt xa mức độ an toàn. Làm sao một đồng vốn có thể trả nợ cho một ngàn đồng nợ? Với kiến thức bình thường người ta cũng tính được là nợ đến mức đấy thì doanh nghiệp không có khả năng hoàn trả.
* Số nợ này có thể không lớn bằng vốn sở hữu của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, nhưng đủ để xem xét lại quy định cho vay gấp 3 lần vốn chủ sở hữu?
- Ở đây, vốn vay không chỉ gấp 3 mà đã lên tới 7, thậm chí 10 lần. Ngay cả việc cho vay gấp 3 lần vốn chủ sở hữu này cũng rất không bình thường, đi ngược các quy định của ngân hàng thương mại.
Thông thường, doanh nghiệp phải thế chấp tài sản, ngân hàng mới cho vay và chỉ cho vay 60 – 70% giá trị tài sản thế chấp. Vậy ai đưa ra quy định này và bây giờ ai chịu trách nhiệm giải trình? Đó là tiền của dân, nếu bị thất thoát, ai chịu trách nhiệm?
* Người ta đang lo ngại nợ của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có thể chuyển thành nợ của Chính phủ, vậy còn ông?
- Trong nợ của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước này có nợ do Chính phủ bảo lãnh hoặc là Chính phủ chỉ thị cho vay. Tôi cho rằng, những khoản nợ đó nên được bóc tách xem Chính phủ chịu trách nhiệm đến đâu.
Bây giờ đã quá muộn để thắt chặt việc Chính phủ bảo lãnh cho tập đoàn, tổng công ty nhà nước vay vốn mà phải có biện pháp cấp bách. Đây là việc rất không bình thường và đã đến hồi nguy kịch, không nên cứ ngồi thản nhiên thảo luận như một chuyện bình thường.
* Theo ông, số nợ này sẽ được giải quyết trong năm 2013 ?
- Cái đó thì còn tùy thuộc vào các biện pháp giải quyết nợ xấu như thế nào. Trong dự án giải quyết nợ xấu của Chính phủ có đề cập đến việc giải quyết nợ xấu của các doanh nghiệp nhà nước này hay không, điều đấy đến nay vẫn chưa được công bố.
Nhưng theo tôi, trong năm 2013 hoàn toàn không có khả năng giải quyết được cả cục nợ lớn như thế.
* Cảm ơn ông!
HẢI VÂN thực hiện

Không có nhận xét nào: