Pages

Thứ Năm, 2 tháng 5, 2013

30 Tháng Tư: Khác Cách Nhìn, Cùng Tâm Nguyện


   Ts. Nguyễn Đình Thắng

                                                      
Hoa Thịnh Đốn, ngày 30 tháng 4, 2013
Nếu không có gì trục trặc vào phút chót, Luật Nhân Quyền Cho Việt Nam sẽ chính thức được đệ trình Hạ Viện tuần tới. Từ đầu năm DB Smith đã cố gắng, trong phạm vi lịch trình cho phép của Hạ Viện Hoa Kỳ, đưa ra dự thảo luật này gần thời điểm 30 tháng 4. Ông đặc biệt quý trọng những hy sinh của đồng minh Việt Nam Cộng Hoà trong cuộc chiến và những đóng góp của người Việt tị nạn suốt 38 năm qua cho lý tưởng tự do và dân chủ. 

Theo thần thoại Tây Phương, chúng ta là con Phượng Hoàng đã hồi sinh và trỗi dậy từ nắm tro tàn. Một quốc gia độc lập bị xoá sổ trên bản đồ thế giới, nhưng hàng triệu con dân vẫn nuôi dưỡng lý tưởng nhân bản, vẫn giơ cao ngọn đuốc dân chủ, vẫn hào hùng tranh đấu miệt mài trên khắp thế giới tự do, thế hệ này nối tiếp thế hệ khác.

Đó là cách nhìn về ngày 30 tháng 4 của vị ân nhân này của rất nhiều thuyền nhân, người tị nạn, cựu tù nhân trong chương trình HO và HR cũng như con cái của họ, những cô gái bị buôn tình dục, những công nhân “xuất khẩu” bị bán làm lao nô, và biết bao nhà tranh đấu cho nhân quyền và dân chủ bị đàn áp ở trong nước. Qua những lần trò chuyện, tôi hiểu tâm tình và cách nhìn ấy của vị dân biểu người Mỹ này mà cũng là một nhà tranh đấu hàng đầu cho nhân quyền toàn thế giới.
Ngày 30 tháng 4 có thể mang ý nghĩa khác nhau cho những người khác nhau. Có người thấy đó là ngày để tang cho một quốc gia bị bức tử, cho biết bao sinh mạng bị dập vùi hay mất mát, cho cả một dân tộc bị nhận chìm vào điêu linh. Những cảm tình ấy thiêng liêng và chính đáng, chúng ta phải tôn trọng.
Có người, từ góc nhìn khác, cho rằng ngày ấy phải là ngày quật cường để thay đổi tương lai cho dân tộc và đất nước, để người dân thôi không quằn quại và cho non sông không còn bị gặm nhấm bởi ngoại bang. Cách nhìn này chí lý và chí tình, chúng ta cũng phải tôn trọng.
Lại có người, thường là người ngoại quốc, thấy nơi tập thể người Việt tị nạn sự tiếp nối lý tưởng của một miền Nam tự do trên quê hương mới, dù Việt Nam Cộng Hoà không còn nữa. Trong con mắt họ, miền Nam Việt Nam vẫn còn đó, trong tinh thần, trong hơi thở, trong nhịp tim, và trong hành động. Cách nhìn này sâu đậm ân tình chung thuỷ, chúng ta cũng cần trân quý.
Những khác biệt ấy không chỏi nhau, mà thực ra bổ túc cho nhau. Nền dân chủ đa nguyên ở Hoa Kỳ bao dung các cách nhìn khác nhau ấy. Chính vì vậy mà đất nước Hoa Kỳ đã dung hoà được những sự khác biệt để làm phong phú thêm cho xã hội trong mọi lãnh vực, từ chính trị đến văn hoá, từ kinh doanh đến công nghiệp.
Còn riêng tôi, ngày 30 tháng 4 là ngày để suy niệm về những đau thương của quá khứ, và để nhắc nhở lẫn nhau và cho thế hệ đi sau về những hy sinh của người đi trước và về trách nhiệm của những người dân tha hương nhưng không mất gốc. Sang ngày 1 tháng 5, thì đó là ngày để hành động nhằm chấm dứt đau thương cho dân tộc và bảo vệ đất nước trước móng vuốt của ngoại bang.
Hôm sau ngày 30 tháng 4 năm 2010, tôi khởi bước trong hành trình 10 năm để vận động những ai là “hào kiệt nước Nam” hãy cùng nhau góp sức chuyển biến cộng đồng và thay đổi đất nước. Cộng đồng ở hải ngoại cần có nền móng vững chãi để vừa quốc tế vận vừa tiếp sức với đồng bào đang tranh đấu ở trong nước. “Suy Niệm Ngày 30 Tháng 4: Chuyển Đau Thương Thành Vận Hội”, viết cách đây đúng 3 năm, đánh dấu sự khởi đầu của hành trình ấy.
Trong 3 năm tôi đã đến nhiều thành phố để chia sẻ “Thông Điệp Hy Vọng & Trách Nhiệm” gói ghém trong quyển sách cùng tên. Và ngày càng có thêm những bạn đồng hành toả đến nhiều thành phố khác nữa, gặp gỡ thêm nhiều người nữa. Nhiều người trong số ấy đã tụ về Hoa Thịnh Đốn ngày 2 tháng 7 năm 2011 tại hội nghị lãnh đạo Mỹ gốc Việt, 5 và 6 tháng 3 năm 2012 cho Ngày Vận Động Cho Việt Nam lần đầu, và rồi 3 và 4 tháng 6 tới đây cho Ngày Vận Động Cho Việt Nam lần hai.
Đối mặt với đại hoạ của dân tộc, chúng ta cần tâm niệm “góp vốn”. Khả năng riêng và sở trường đặc thù của mỗi người, nếu gom lại cho đúng việc, chúng ta có thể làm nổi cơ đồ và thay đổi đất nước. Hành trình dài sẽ sớm đến đích. Những mất mát và đau thương của năm xưa sẽ là động lực và kinh nghiệm để thành công, không phải cho mình mà cho cả dân tộc Việt Nam. Có vậy, những hy sinh trong cuộc chiến đã tàn và sự dấn thân ròng rã 38 năm sau đó ở hải ngoại sẽ không là uổng phí
Nếu đó là tâm nguyện chung, xin hãy cùng nhau góp sức mình cho đại cuộc.

Không có nhận xét nào: