Pages

Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2013

Bộ Công an triệt thoái tinh thần báo chí


Cảnh sát Việt Nam
Bộ Công an có ẩn ý gì khi yêu cầu truy xét nguồn tin của báo chí?

Việc Bộ Công an đòi truy xét nguồn tin của báo chí trong tình hình tham nhũng đang ngày càng trở nên một vấn nạn và bi kịch của đất nước như hiện nay chỉ làm triệt thoái tinh thần chống tham nhũng của báo chí, thay vì động viên họ, theo nhận xét của nhà báo tự do từ trong nước.

Trao đổi với BBC hôm 04/5/2013 từ Sài Gòn, ông Phạm Chí Dũng, người đang được tại ngoạisau khi bị Công an TP Hồ Chí Minh câu lưu bốn tháng, cho rằng thời điểm mà ngành Công an đưa ra yêu cầu buộc ngành báo chí chia sẻ nguồn tin là rất không hợp lý.

Ông Dũng đặt câu hỏi: "Tại sao vào đúng thời điểm này Bộ Công an lại nêu một đề xuất như thế mà tại sao không phải một thời điểm khác? 

"Tại sao năm 2012 khi tình hình tham nhũng rất căng thẳng trong bối cảnh suy thoái kinh tế nặng nề, và đầu năm nay, khi đã có hướng mở về một số chủ trương chống tham nhũng, thì Bộ Công an không đề xuất, mà lại đề xuất vào thời điểm này?

"Tôi cho là có một hàm ý, một ẩn ý gì đó. Nhìn chung tôi cho rằng đề xuất này không nên đặt ra và nói chung là không hợp lý."

Ông Dũng đưa ra con số so sánh và cho rằng chính ngành báo chí, truyền thông có vai trò mạnh mẽ hơn cả các hệ thống điều tra thuộc ngành tư pháp, trong việc phát giác tham nhũng thời gian gần đây.

Người được cho là cựu cán bộ ngành an ninh trước khi được điều sang làm cán bộ thuộc chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng bị câu lưu trong một vụ án có thể 'có màu sắc chính trị', nói:

"Trong tình hình đó lại đặt ra vấn đề này, vấn đề truy xét nguồn tin từ báo chí, tôi cho là, như một số anh em báo chí phản ánh trong vài ngày vừa rồi, làm như vậy gần như là một cái gì đó làm triệt thoái tinh thần chiến đấu của anh em báo chí, thay vì hỗ trợ cho họ"
Ông Phạm Chí Dũng
"Một số quan chức nhà nước và cả một số phản biện gia đã nhận xét là có đến 70-80%, thậm chí là hơn, các vụ việc tham nhũng, tham ô, tiêu cực là do báo chí phát hiện.

"Như vậy chỉ còn lại từ 20-30% là do hệ thống tư pháp phát hiện hoặc do người dân tố cáo trực tiếp, và có thể nói tỷ lệ phát hiện do các cơ quan tư pháp vẫn là ẩn số, cho tới giờ này. Tức là hiệu quả làm việc không cao.

'Lạ lùng và kỳ quặc'

Ông Dũng cho rằng hiệu quả chống tham nhũng của các cơ quan tư pháp, điều tra của nhà nước không đạt yêu cầu và đánh giá tình hình tham nhũng càng ngày càng nặng nề, trở thành một vấn nạn, bi kịch của đất nước.

"Trong tình hình đó lại đặt ra vấn đề này, vấn đề truy xét nguồn tin từ báo chí, tôi cho là, như một số anh em báo chí phản ánh trong vài ngày vừa rồi, làm như vậy gần như là một cái gì đó làm triệt thoái tinh thần chiến đấu của anh em báo chí, thay vì hỗ trợ cho họ.

"Có thể nói là tham nhũng móc xích chằng chịt dây dợ lẫn nhau và thông tin có thể lộ ra ở bất kỳ nguồn nào, cho nên việc đưa ra ánh sáng một vụ việc tham nhũng là điều hết sức quý giá.

"Một trong những điều quan trọng nhất như các nước phát triển trên thế giới làm, thí dụ như ở Pháp, là phải bảo vệ bằng được nguồn tin cá nhân, người cung cấp tin và kể cả nhà báo viết bài, viết tin, làm bài," ông nói.

Móc xích các sự kiện với các đề xuất trước đó của Bộ Công an như cho phép nổ súng vào đối tượng chống người thi hành công vụ, nhà báo tự do nhận xét:

"Tôi cho cái này cũng liên quan tới một cái gì đó, cái quyền nổ súng vào người chống người thi hành công vụ, và Bộ Công an gần đây có vài đề xuất có thể nói lạ lùng và kỳ quặc và tính thời điểm đưa ra, tôi cho là không ổn."

Nhân ngày Tự do Báo chí Thế giới năm nay, 03/5/2013, ông Phạm Chí Dũng nói với BBC rằng ông đồng quan điểm với nhiều bloggers và truyền thông lề dân, truyền thông xã hội khi cho rằng tự do báo chí trong nước đang bị nhà nước, chính quyền hạn chế chặt. Ông nói:

"Họ đánh giá, họ dùng những tính từ, tôi xin nhắc lại như là ông Phạm Minh Hoàng nói là 'quằn quại'... Và tôi cho là bị hạn chế rất nhiều.

"Trong thực tế, quyền này bị hạn chế do tất cả các cơ quan báo chí, báo đài, cơ quan truyền thông đều nằm trong tay của nhà nước và đươc kiểm soát rất chặt chẽ bởi các đảng viên tin cẩn"
Blogger Huỳnh Ngọc Chênh
"Tôi chưa muốn dùng những tính từ nặng hơn nhưng nếu cứ để vấn đề như thế này và nó lại móc xích với vấn vừa đề cập, tức là đề xuất của Bộ Công an, thì lúc đó tính chiến đấu và chống tham nhũng của báo chí gần như không còn gì hết."
Hôm thứ Sáu, cũng nhân ngày này, đánh giá tình hình về tự do báo chí trong nước, bloggerHuỳnh Ngọc Chênh, người được Tổ chức Phóng viên Không Biên giới và hãng Google đồng trao giải thưởng Công dân mạng Netizen năm 2013 cho hay:

"Ở Việt Nam, pháp luật công nhận quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của người dân, và nhà nước Việt Nam cũng tự nguyện tham gia các tổ chức quốc tế, trong đó cam kết bảo vệ các quyền tự do của con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí.

"Tuy nhiên trên thực tế, quyền này bị hạn chế do tất cả các cơ quan báo chí, báo đài, cơ quan truyền thông đều nằm trong tay nhà nước và được kiểm soát rất chặt chẽ bởi các đảng viên tin cẩn.

"Và do vậy những tiếng nói khác với tiếng nói và đường lối của Đảng không được thông tin lên; tuy nhiên, người dân Việt Nam vẫn đấu tranh cho quyền tự do của mình nhờ có hệ thống Internet và qua hệ thống đó thì các trang blogs, các mạng xã hội truyền tải được những thông tin, suy nghĩ của dân."

'Tình hình khả quan lên?'

Tuy nhiên, ông Huỳnh Ngọc Chênh cũng cho rằng việc chính quyền cho phép ông hay ông Bùi Thanh Hiếu, được biết đến với tên Blogger Người Buôn Gió, được đi lại nước ngoài là một dấu hiện mới. Ông nói:

"Như ông Bùi Thanh Hiếu, hay như tôi được ra vào tự do thì tôi nghĩ cũng là xu hướng chung, không được ngăn chặn và xâm phạm vào quyền con người một cách thô bạo. Chuyện đi ra nước ngoài là nằm trong quyền của con người được tự do đi lại, có lẽ nhà nước càng ngày càng nới ra trong chuyện đó."

Về phần mình, ông Phạm Chí Dũng nói ông khá ngạc nhiên về việc ông Chênh không bị chính quyền ngăn cản tới Pháp nhận giải, nhưng ông liên hệ sự việc đó với sự kiện sau khi ông Chênh tới Pháp, Việt Nam và Pháp đã làm việc ở cấp Ngoại trưởng nâng tầm quan hệ song phương lên đối tác chiến lược.
"Tôi không cho là có vấn đề gì đó quá nặng nề đối với anh Huy Đức, nhưng chắc sẽ có những chuyện mà anh không mong muốn. Hiện nay, bối cảnh 2013 nó đang khác khá nhiều so với 2012"
Ông Phạm Chí Dũng
"Tôi cho đó là lý do duy nhất để anh Huỳnh Ngọc Chênh được đi Paris nhận một giải thưởng mà chính quyền vẫn cho là không phù hợp với thể chế chính trị ở Việt Nam một cách dễ dàng mà không bị ngăn cản gì."

Còn về việc ông Bùi Thanh Hiếu hay Blogger Người Buôn Gió được phép sang Đức, ông Dũng nhận xét việc này liên quan tới một giấy mời theo đó ông Hiếu sang Đức để 'đi học' một việc 'nhẹ nhàng hơn là nhận giải.'

Song ông Dũng cũng liên hệ chuyến đi này với sự kiện bang giao quốc tế của Việt Nam và nói nó xảy ra "chỉ ba ngày sau sự kiện đối thoại nhân quyền Việt Mỹ" diễn ra ở Hà Nội.

Nhân dịp này, nhà báo tự do Phạm Chí Dũng, người vừa được tờ Tuổi Trẻ xin lỗi chính thức về việc đưa thông tin sai lệch về ông trong thời gian ông bị Công an TP Hồ Chí Minh câu lưu, cũng bình luận về blogger Osin, tức nhà báo Huy Đức, sau khi tác giả này công bố cuốn sáchBên Thắng Cuộc.

Ông Dũng nói: "Nếu Huy Đức viết cuốn Bên Thắng Cuộc và trở về Việt Nam vào cuối năm 2012, đặc biệt thời điểm tháng 11, tháng 12/2012, là thời gian lúc đó tôi vẫn bị câu lưu, thì không ổn cho nhà báo Huy Đức đâu. Tại vì lúc đó còn căng thẳng, rất căng thẳng.

"Và tôi còn nhớ lúc đó vụ bắt Lê Quốc Quân là cuối cùng tính cho tới thời điểm hiện nay, nhưng nó xảy ra vào thời điểm ngày 27/12/2012, và thời gian đó là thời gian Bên Thắng Cuộc phát hành. Nếu Huy Đức trở về thời gian đó thì sẽ có những vấn đề gì đó từ phía cơ quan chức năng.

"Tôi không cho là có vấn đề gì đó quá nặng nề đối với anh Huy Đức, nhưng chắc sẽ có những chuyện mà anh không mong muốn. Hiện nay, bối cảnh 2013 nó đang khác khá nhiều so với 2012, tôi đánh giá tình hình hiện nay khả quan hơn, thậm chí khá nhiều, so với năm 2012," ông nói với BBC.

Quốc Phương
BBC Việt ngữ

Không có nhận xét nào: