Pages

Thứ Ba, 7 tháng 5, 2013

Có thật là Đảng cộng sản Việt Nam không có đối thủ?


“…Một lực lượng chính trị đối lập ôn hòa có trách nhiệm và có tính xây dựng sẽ tốt đẹp hơn vạn lần những cá nhân bất mãn và chống đối chính quyền bằng mọi giá. Những kẻ chống đối đôi khi sẽ là quá khích và những hành động chống đối ngấm ngầm đó sẽ làm băng hoại xã hội và gây mất niềm tin…”

Nhân dịp 30 tháng 4, phóng viên Quốc Phương của đài BBC đã  làm một cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Đình Tấn, giáo sư, Giám đốc Viện Xã Hội học, thuộc Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh. Điểm nổi bật nhất trong bài phỏng vấn này là lời khẳng định của ông Nguyễn Đình Tấn rằng: “Thực chất ở Việt Nam hiện nay, có thể nói với Đảng Cộng sản Việt Nam thì không có đối thủ. Nếu thể hiện là đối thủ của Đảng Cộng sản Việt Nam với tư cách là một tổ chức, tôi nghĩ là không có"…"Nó chỉ có thể có những ý kiến của những cá nhân, những nhóm người ta có những khác biệt với Đảng Cộng sản. Với tư cách đối thủ, tôi quan niệm là không có và trong tương lai tôi nghĩ là không có".

Điều đầu tiên, theo tôi đây là một bài phỏng vấn hay, “hay” ở chỗ nó đã đề cập đến một vấn đề rất nhạy cảm ở Việt Nam hiện nay, đó là việc xuất hiện và hình thành các “lực lượng chính trị đối lập với đảng cộng sản Việt Nam”. Ông Nguyễn Tấn Dũng đã từng tuyên bố trong một cuộc gặp gỡ với lực lượng công an rằng “kiên quyết không để các tổ chức đối lập nhen nhóm và hình thành”.

Về một khía cạnh nào đó thì câu nói trên của ông Nguyễn Đình Tấn là đúng với sự thật, 68 năm từ khi đảng cộng sản Việt Nam “đảm nhận” trách nhiệm lãnh đạo đất nước và sau 38 năm thống nhất tổ quốc thì quả thật tại Việt Nam vẫn chưa xuất hiện một tổ chức chính trị nào là có tầm vóc và có thể cạnh tranh với đảng cộng sản Việt Nam. Vì sao lại như vậy? Có lẽ bài viết “Vượt lên trên ngày 30 tháng 4” (đăng trên Thông Luận) của ông Nguyễn Gia Kiểng đã lý giải cho những gì đã và đang diễn ra tại Việt Nam suốt thời gian qua. Bài viết của ông cách đây đã 25 năm, nhưng nếu đọc kỹ thì chúng ta có cảm giác như là nó vừa viết ngày hôm qua. Theo ông Nguyễn Gia Kiểng thì Việt Nam thiếu vắng một tầng lớp “nhân sự chính trị”, một “tư tưởng chính trị” và cả “văn hóa chính trị” để làm kim chỉ nam cho các hoạt động chính trị tại Việt Nam. Vì thế các hoạt động đấu tranh cho dân chủ tại Việt Nam từ trước đến nay đều mang tính cá nhân, tức là manh mún và không có tổ chức. Khi không có tổ chức thì đối lập Việt Nam cũng giống như câu chuyện về “bó đũa”.

Ông Nguyễn Đình Tấn có thể xem như là một nhà trí thức chính thống hàng đầu của Việt Nam, không những thế ông còn là người chịu trách nhiệm đào tạo ra những công chức, là những người nắm vai trò lãnh đạo Việt Nam trong tương lai. Thế nhưng những suy nghĩ của ông, qua bài phỏng vấn của BBC, lại rất hạn hẹp và mâu thuẫn. Ông ca ngợi chế độ đa đảng tại Mỹ rằng “Hai đảng rất văn minh, trên thực tế nó không phải là hai cái đảng đối lập theo nghĩa là nó tiêu diệt lẫn nhau. Mà đây, hai Đảng có thể có những khác biệt, nhưng trong đó người ta tranh đua với nhau để đưa ra những phương án tốt nhất."…"Đồng thời đảng này sẽ bị đảng khác giám sát, nếu anh làm không tốt, thì đến một ngày nào đó, anh phải trao quyền lực, luân phiên một cách khách quan, thông qua bầu cử”. Điều này đúng. Sự thật và bản chất của đa nguyên, đa đảng trên thế giới là vậy. Không đảng nào tiêu diệt đảng nào cả mà chỉ có sự tranh đua, cạnh tranh nhau một cách lành mạnh để người dân có cơ hội lựa chọn những đảng cầm quyền tốt nhất. Thế nhưng ông vẫn cho rằng “ Việt Nam bây giờ có nhiều vấn đề, nhưng về cơ bản, uy tín của đảng cộng sản Việt Nam vẫn còn lớn”…”Trong tương lai xa, Việt nam sẽ đi vào quĩ đạo văn minh quốc tế…” Nói như vậy, có nghĩa là Việt Nam ngày nay không đi theo quĩ đạo văn minh của thế giới? Tức là mông muội và kém văn minh? Ông Tấn lại cho nhân dân Việt Nam tiếp tục ăn “bánh vẽ” rằng “trong tương lai xa” Việt Nam mới (có thể) đi theo “quĩ đạo văn minh quốc tế”? “Tương lai xa” là bao lâu? Một trăm năm hay một nghìn năm nữa? Tiến sĩ Alan Phan thì cho rằng tương lai xa đó là năm…2051.

“Đối lập chính trị” không phải là kẻ thù của bất cứ một tổ chức chính trị đang cầm quyền nào, mà nó là “tấm gương soi”, là công cụ để đảng cầm quyền hoàn thiện mình. Thử hỏi nếu không có đảng đối lập thì chính quyền có thể loại bỏ những con sâu mọt trong tổ chức của mình không? Chắc chắn là không? Tất nhiên việc xây dựng bất cứ một “tổ chức chính trị đối lập” nào cũng không phải là mong muốn của đảng cộng sản Việt Nam mà đó là nhiệm vụ của giới trí thức tinh hoa Việt Nam, những người đồng ý với nhau rằng đảng cộng sản Việt Nam không phải là giải pháp tốt, đúng đắn và duy nhất cho dân tộc Việt Nam.

Tuy nhiên giới trí thức Việt Nam vì không có “tư tưởng chính trị” và “nhân sự chính trị” lẫn “văn hóa chính trị” nên họ không biết phải làm gì? Nên bắt đầu từ đâu? Nên làm cái gì trước? Họ đã không dành những quan tâm cần thiết cho việc xây dựng một tổ chức chính trị thật sự. Qui trình bắt buộc để dẫn một tổ chức chính trị đi đến thành công phải đi qua 5 giai đoạn:

1)   Xây dựng một cơ sở tư tưởng

2)   Xây dựng một đội ngũ cán bộ nòng cốt

3)   Xây dựng và kiểm điểm các phương tiện

4)   Xây dựng cơ sở quần chúng

5)   Tiến công dành chính quyền.

Tiếc thay hầu hết các nhân sĩ và các tổ chức chính trị tại Việt Nam chỉ chú trong đến khâu cuối cùng trong lộ trình vận động dân chủ hóa đất nước mà bỏ qua hai khâu quan trọng nhất của 5 giai đoạn trên là “xây dựng một cơ sở tư tưởng” và “xây dựng một đội ngũ nòng cốt”. Chỉ khi nào những người dấn thân cho dân chủ tại Việt Nam ý thức được điều này thì cục diện chính trị sẽ thay đổi rất nhanh. Lời “nhắc nhở” của ông Nguyễn Đình Tấn cần nhìn nhận như là một điểm yếu cần khắc phục của lực lượng dân chủ Việt Nam.

Tuy nhiên, có lẽ, không nhiều người đồng ý với ông Tấn rằng “uy tín của đảng cộng sản Việt Nam vẫn còn rất lớn”. Nếu ông Tấn và đảng cộng sản của ông thật lòng tin như vậy thật thì tại sao đảng của ông không chấp nhận việc xuất hiện các đảng chính trị đối lập? Và rồi chấp nhận cạnh tranh lành mạnh với các đảng đó? Ông nên nhớ rằng tính chính danh của một chính quyền thời đại văn minh là phải thắng cử trong các cuộc bầu cử tự do và minh bạch. Đất nước là của chung của mọi người chứ không phải là chiến lợi phẩm, để rồi, kẻ nào, đảng nào chiếm được nó là có thể giữ rịt lấy nó và muốn làm gì thì làm. Thời của những suy nghĩ mông muội đó đã qua đi lâu rồi.

Ngay cả khi đối lập dân chủ vẫn chưa đoàn kết, gắn bó và chia sẻ với nhau với một dự án chính trị chung để tạo thành một lực lượng chính trị có tầm vóc cạnh tranh với đảng cộng sản, thì có thể nói như ông Tấn rằng “Đảng cộng sản Việt Nam không có đối thủ” không? Tôi nghĩ là không đúng và không nên nghĩ như thế? Một lực lượng chính trị đối lập ôn hòa có trách nhiệm và có tính xây dựng sẽ tốt đẹp hơn vạn lần những cá nhân bất mãn và chống đối chính quyền bằng mọi giá. Những kẻ chống đối vì không có người hướng dẫn và lãnh đạo nên đôi khi sẽ là quá khích và những hành động chống đối ngấm ngầm đó sẽ làm băng hoại xã hội và gây mất niềm tin nghiêm trọng của người dân. Một sự thật đang diễn ra tại Việt Nam mà chính quyền không muốn thừa nhận là những người bất mãn với các chính sách của nhà nước, xuất phát từ quyền lợi của các nhóm lợi ích…ngày càng đông đảo. Đó là hàng triệu dân oan mất đất, những người bất đồng chính kiến, những người mất tự do về tín ngưỡng tôn giáo… Nếu không có đảng đối lập thì dù có muốn, đảng cộng sản Việt Nam cũng không thể giải quyết các vấn nạn này được.

Các lực lượng dân chủ Việt Nam phải làm gì? Một tín hiệu rất đáng mừng là sau một thời gian dài mò mẫm và loay hoay với các giải pháp khác nhau nhưng vẫn không đạt được kết quả thì rất nhiều tiếng nói có uy tín trong phong trào dân chủ đã nhận ra điều quan trọng đặc biệt: “muốn thành công thì đối lập dân chủ phải có tổ chức”. Ông Nguyễn Thanh Giang, một nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng cho rằng “Đấu tranh dân chủ ở VN cần phải có chiến lược. Phải vừa đấu tranh, vừa có lý luận, phải tổ chức lực lượng quần chúng. Phải đồng thời xây và chống, nhiều tổ chức mới chỉ làm được chống mà chưa làm được xây”. Điều này đúng, chỉ khi có tổ chức thì mới có thể hoạch định được chiến lược, cách thức đấu tranh và nhất là lý luận chính trị. Bất cứ một cuộc cách mạng nào, dù ôn hòa, cũng cần đến tư tưởng và một dự án chính trị để thuyết phục quần chúng. Người dân cũng như hành khách trên một chuyến xe, họ phải biết rõ hành trình đi về đâu thì họ mới có thể tin tưởng và ủng hộ hết mình. Người dân không bao giờ lãng mạn và ngây thơ để có thể ủng hộ cho một lực lượng nào đó mà họ không biết chắc là có thể dẫn họ đến thắng lợi hay không.

Thời cơ đang xuất hiện trước mắt? Ông Nguyễn Thanh Giang cũng nhận định và tin rằng phong trào dân chủ đối lập đang đứng trước những cơ hội vì Việt Nam đang chuyển mình trong khi đảng cộng sản tỏ ra suy yếu lại xuất hiện phân hóa nội bộ và đấu đá, tiêu diệt lẫn nhau. Chủ nghĩa cộng sản, tư tưởng Mác-Lenin đã chết từ lâu, tại Việt Nam nó chỉ là tấm áo rách che đậy cho tấm thân trần trụi về tư tưởng của đảng cộng sản. Nó chẳng còn bịp được ai nữa. Khi không “thuyết phục” được dân chúng thì chính quyền Việt Nam chỉ còn một biện pháp duy nhất là “khuất phục” người dân bằng vũ lực. Điều này làm gia tăng quyền lực cho lực lượng công an và quân đội, đương nhiên nó sẽ dẫn đến hậu quả là hai lực lượng này, nhất là công an sẽ lạm quyền. Trấn áp sẽ gia tăng và bất bình của người dân cũng tăng lên. Rồi sẽ đến lúc ngay cả lực lượng quân đội cũng không chịu nổi sự lộng hành của lực lượng công an. Khi quân đội đã can thiệp và có chính kiến thì thay đổi sẽ xảy ra.

Ban lãnh đạo cộng sản Việt Nam đang nhóm họp Hội nghị Trung ương 7, nhưng có lẽ là không có vấn đề nào quan trọng sẽ được mang ra mổ xẻ nên ông Nguyễn Phú Trọng mới rãnh rỗi bàn việc “chống biến đổi khí hậu tại Việt Nam” trong khi hàng trăm nghìn doanh nghiệp đang trên bờ vực phá sản. Họ đã bế tắc hoàn toàn. Lý tưởng không còn, mà chỉ còn quyền lợi, và các nhóm lợi ích thì thao túng toàn bộ nền kinh tế. Chỉ có mỗi 100.000 đồng để tăng lương tối thiểu cho công nhân mà cũng không có, lẽ nào chính quyền sắp hết tiền để trả lương cho bộ máy của mình? Ngân hàng nhà nước đã lấy 12 tấn vàng dự trữ quốc gia đem ra bán với giá cao ngất ngưỡng so với thế giới, nhưng bán cao bao nhiêu cũng có người mua hết. Liệu nhà nước có đủ vàng để bán mãi thế không? Hay  nếu không bán vàng để các ngân hàng mua lại để trả cho người dân trước hạn 30/6 thì hệ thống ngân hàng sẽ sụp đổ?

Việt Nam đang đứng trước một cuộc thay đổi và lột xác thật sự để tiến lên, thế nhưng không một ai trong giới lãnh đạo chóp bu đảng cộng sản đủ tâm, đủ tầm để phát động và lãnh đạo một cuộc thay đổi như vậy. Sứ mệnh này đang đặt trên vai các lực lượng dân chủ đối lập và những thành phần tiến bộ trong đảng cộng sản Việt Nam.

Việt Hoàng

(Thông luận)

Không có nhận xét nào: