Pages

Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2013

Dùng hàng ngàn công an trong vụ xử 'bất đồng chính kiến'

Tòa án Tối cao của CSVN đã quyết định giảm án cho bốn người và giữ nguyên bản án sơ thẩm đã tuyên, đối với bốn người khác, ở phiên xử phúc thẩm 8 thanh niên Công giáo.

Bốn người được giảm án là: Lê Văn Sơn giảm từ 13 năm xuống còn 4 năm. Nguyễn Văn Duyệt giảm từ 6 năm xuống còn 5 năm rưỡi. Nguyễn Văn Oai giảm từ 3 năm xuống còn 2 năm rưỡi. Nguyễn Xuân Anh giảm từ 3 năm xuống còn 2 năm rưỡi.

Bất chấp sự hung hãn của những kẻ “thi hành pháp luật”, dân chúng vẫn giơ cao những biểu ngữ bày tỏ suy nghĩ của họ về vụ án, trước khi những biểu ngữ này bị giựt mất. (Hình: Nữ vương Công lý)
Bốn người mà Tòa án Tối cao của CSVN quyết định giữ nguyên hình phạt như án sơ thẩm đã tuyên là: Hồ Đức Hòa (13 năm), Thái Văn Dung (5 năm), Trần Minh Nhật (4 năm) và Nguyễn Đình Cương (4 năm).

Cuối năm ngoái, Tòa án tỉnh Nghệ An đưa 14 thanh niên Công giáo và Tin lành ra xử sơ thẩm về tội “âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân”. Sau đó, có 8 trong 14 bị cáo kháng án.

Vụ khởi tố - truy tố - xét xử những thanh niên này đã bị nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế xem như một trong những bằng chứng, cho thấy chính quyền CSVN vi phạm nhân quyền. Đã có nhiều lời kêu gọi trả tự do vô điều kiện và ngay lập tức cho những thanh niên này, cũng như cho những người tranh đấu vì tự do, dân chủ một cách ôn hòa nhưng vẫn bị giam giữ, kết án tùy tiện.

Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF), ngay sau phiên tòa sơ thẩm 9/1/2013, ra một bản tuyên bố kèm theo hình ảnh nói Paulus Lê Sơn dự khóa huấn luyện về an toàn viết blog do họ tổ chức ở Bangkok chứ không phải Việt Tân nào cả. RSF lên án Hà Nội là bỏ tù những người bất đồng chính kiến bằng các bằng chứng ngụy tạo.

Human Rights Watch đả kích CSVN là việc kết án tù 14 nhà hoạt động nói trên đánh dấu «một sự leo thang rõ rệt trong chiến dịch trấn áp những tiếng nói chỉ trích chính quyền.»

Còn Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ ra một bản tuyên bố nói “Hành xử của nhà cầm quyền đối với những cá nhân này tỏ ra không phù hợp với các nghĩa vụ của Việt Nam theo Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị, cũng như các điều khoản của Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền liên quan đến tự do ngôn luận và xét xử (không) theo đúng trình tự.”

Ngoài sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế, việc khởi tố - truy tố - xét xử 14 thanh niên Công giáo, Tin lành còn bị công chúng tại Việt Nam phản đối mạnh mẽ. Lo ngại trước những phản ứng đó, một ngày trước khi thực hiện cái gọi là “xét xử phúc thẩm vụ án âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân”, nhà cầm quyền CSVN đã điều động hàng ngàn công an, dân phòng, ngăn chặn mọi người đổ về trụ sở Tòa án tỉnh Nghệ An, tham dự phiên xử được giới thiệu là “công khai”.

Bà Nguyễn Thị Hóa, mẹ của bị cáo Nguyễn Đình Cương bị một nhóm phụ nữ cô lập và lôi ra khỏi khu vực có trụ sở Tòa án tỉnh Nghệ An vì bà cầm tờ giấy có hàng chữ “Con Tôi Vô Tội”. Không những vậy, bà còn bị một phụ nữ bịt mặt chích một thứ thuốc gì đó vào đùi. (Hình: blogger Con Đường Việt Nam)
Một vài nguồn tin cho biết, chiều ngày 22 tháng 5, trên đường từ huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An về thành phố Vinh, tham dự phiên xử phúc thẩm 8 thanh niên kháng cáo, khi ghé vào nhà thờ Trại Gáo dự lễ, thắp nến cầu nguyện cho những thanh niên đang bị giam cầm, giáo dân Công giáo phát giác có ba kẻ lạ mặt trà trộn vào cộng đoàn của họ, mưu toan gây rối. Họ đã bắt, trói và giam cả ba vào một nhà kho.

Tại đó, ba kẻ lạ mặt thú nhận họ là nhân viên an ninh của Công an CSVN. Sau sự kiện này, Công an tỉnh Nghệ An phải liên lạc với Tòa Giám mục Giáo phận Vinh nhờ can thiệp. Một vài nguồn tin cho biết, cũng vì sự kiện này, đêm 22 tháng 5, các đơn vị quân đội của tỉnh Nghệ An đã được đặt trong tình trạng báo động.             

Do bị chặn từ xa, sáng 23 tháng 5, chỉ có khoảng 400 người đến được khu vực có trụ sở của Tòa án tỉnh Nghệ An. Tại đó, nhiều kẻ lạ mặt mặc thường phục đã chực sẵn để giựt những băng rôn, biểu ngữ, phản đối việc kết án - giam giữ các thanh niên Công giáo, Tin lành.

 Những kẻ lạ mặt mặc thường phục cũng đã chia tách đám đông thành nhiều nhóm nhỏ, cô lập họ và bắt giữ một số người. Trong đó có mẹ của bị cáo Nguyễn Đình Cương và một số blogger từ Hà Nội vào Vinh để tham dự phiên xử phúc thẩm.

Theo một vài nguồn tin thì Tòa án chỉ cho gia đình mỗi bị cáo cử ba người tham dự phiên xử. Một vài người trong số 24 thân nhân được phép dự khán kể rằng, trong suốt phiên xử phúc thẩm, Hội đồng xét xử thường xuyên ngắt lời các bị cáo, không cho họ nêu ý kiến về bản án mà cấp sơ thẩm đã tuyên đối với họ.

Những người này kể thêm rằng, các bị cáo rất xanh xao, gầy yếu. Điều đó cho phép suy đoán, môi trường giam giữ họ hết sức khắc nghiệt, khiến sức khỏe của các bị cáo suy kiệt.

Vụ xử phúc thẩm tám thanh niên Công giáo kết thúc lúc 5 giờ chiều cùng ngày

(Người Việt)

Không có nhận xét nào: