Pages

Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2013

Em Uyên



Phuong-Uyen2
Trịnh Hữu Long - Em Uyên
Hôm nay đọc thư mẹ Uyên gửi cho em, chỉ thấy những dòng chữ ướt nhòe. Em mới hai mươi mốt tuổi. Bằng tuổi em, mình còn là một đứa trẻ ham chơi hơn ham học, chẳng khi nào đủ can đảm và kiến thức để vặn lại những thứ ngây ngô người ta dạy cho ở trường. Ngày qua ngày, mình chọn những niềm vui bé nhỏ, những cảm xúc hời hợt, cố tô vẽ cho manh chiếu hẹp của mình thật sặc sỡ và giả vờ đó là hạnh phúc của đời mình. Đáng thương thay cho mình, những cảm xúc đó chưa bao giờ khỏa lấp được những khoảng trống vô hình không thể lý giải.

Rồi mình cũng đi phượt, đi chơi đây đó, đôi ba lần gì đó, thử tìm kiếm một điều gì đó thật vừa vặn. Cũng ruộng đồng bát ngát, cũng đỉnh núi chơi vơi, cũng những cung đường hơi hơi ngoằn nghoèo một tý, không hoành tráng như chúng bạn, nhưng có lẽ đủ để hiểu rằng nó chẳng thể mang lại cho mình cảm xúc gì đặc biệt.
Mình cũng tập tành chụp ảnh một dạo. Chổng mông, quỳ gối, nằm trườn ra đường bấm lấy bấm để rồi về kì cạch lọc ra vài ba khung hình, háo hức nghĩ ra một cái caption nào đó thật hay ho, sướt mướt, thật nhiều xúc cảm vay mượn, cố ép nó vào một tấm ảnh chả liên quan mẹ gì, rồi lại háo hức bốt lên Facebook. Mình kết thúc những chuyện tầm phào đó trong vòng không đầy một năm.
Rồi mình, cũng như chúng bạn, chả biết làm gì ngoài than vãn chán nản với công việc, cuộc sống. Ngày qua ngày lê lết từ nhà lên công ty, vật vã 8 tiếng rồi lại lê lết về nhà, trăm ngày như một ngày. Hết việc thì lại đảo Facebook chơi, bốt dăm ba câu thơ vô nghĩa, ra điều tâm trạng, ai muốn hiểu thế nào cũng được. Hết mưa lại nắng, hết ngày lại đêm, cứ thế mà thơ với nhạc. Điều khả dĩ mang lại niềm vui nhất cho mình cũng như cho họ, là một công việc lương cao hơn, một chỗ ngồi hoành tráng hơn. Nhưng những cảm xúc quy ra được thành tiền đó nhanh chóng qua đi, bởi lòng tham của con người có bao giờ giới hạn. Những khi “cơm áo gạo tiền níu thân sát đất”, câu hỏi duy nhất luẩn quẩn trong đầu là ờ, ý nghĩa cuộc sống là cái bỏ mẹ gì nhỉ? Đoạn hăm hở lên mạng tìm dăm ba chữ thánh hiền, mấy câu “ranh ngôn” tào lao, cộp cộp bết bết, chèn mấy cái emoticon cười mỉm như Mona Lisa rồi dán lên tường lẩm ba lẩm bẩm như thằng thần kinh. Lúc sau sếp gọi điện giục nộp bài thì bốt tiếp một câu kêu giời là quá bận để yêu em. Thực ra có thêm một nghìn ngày nữa thì cũng khác gì đâu.
Ngày ngày, một số bạn chính trị gia lưu manh và con buôn lừa đảo lên báo lên đài hô hào toàn xã hội, giảng dạy đạo đức cho xã hội, xây dựng một đống các thể loại tấm gương đạo đức của đủ các thành phần. Chỉ cần bọn chúng đeo vàng xủng xoảng, mồm hét ra đô-la, hoặc khoác lên mình cái áo giảng viên là lập tức trở thành thần tượng của bao nhiêu con người. Quen khu trú trong không gian tinh thần tự bóp dái trước mọi cảm xúc lành mạnh, khi bước vào đời sống thông tin, chúng mình cứ thần tượng và khúm núm với hết thằng này đến thằng khác, hết ta rồi đến tây, như một đứa trẻ mãi không cai được bầu sữa mẹ.
Từ bỏ cảm xúc và suy nghĩ của chính mình, chúng mình cứ mãi kí sinh trên cảm xúc và suy nghĩ của người khác. Lắm lúc nghĩ thấy cũng mệt, nhưng khoái cảm hời hợt, cam chịu, ngoan ngoãn và an toàn mà nó mang lại thì không dễ dàng từ bỏ.
Đọc thư mẹ Uyên gửi cho em, thương em một phần, phục em mười phần và mừng cho em trăm phần. Nhiều trang mạng cố tô vẽ em thành “anh thư”, “Bà Triệu tái thế”, gán cho em những thứ mà tôi tin chắc là em không có. Với tôi, em chỉ là một người đã cố sống trọn vẹn với cảm xúc và suy nghĩ của mình, cho dù cảm xúc và suy nghĩ đó đã trưởng thành hay chưa. Nói cách khác, em chỉ là như một người bình thường muốn tự phân biệt được chính bản thân mình với mọi người xung quanh. Cố cứu lấy chính mình trước khi chết chìm trong sự hòa tan với tất cả, thường mỗi người đều phải trả một cái giá nào đấy. Cuộc sống chỉ đẹp khi mình chấp nhận trả giá cho nó, và phải bằng giá cao. Ta không thể ôm mãi cái nhịp điệu khiên cưỡng và hời hợt để gào khóc về sự nhạt nhẽo của cuộc sống được.
Tôi thực lòng không quan tâm đến cáo trạng của Uyên, bởi phiên tòa của em cũng sẽ giống như bao phiên tòa “công khai, đúng pháp luật” khác trên đất nước chúng ta mà thôi. Tôi quan tâm đến những giọt nước mắt của mẹ Uyên, những giọt nước mắt tuôn trào tự do, đớn đau và hạnh phúc. Ai biết được chừng ấy cảm xúc lại có thể dồn nén được vào trong một giọt nước mắt và nhỏ xuống mảnh đất tinh thần cằn cỗi của chúng ta? Tôi tin Uyên và tin cả những giọt nước mắt của mẹ Uyên.
“Con biết không, Mẹ không hề đơn độc. Khi dòng nước mắt buốt giá trong mẹ tuôn trào tự do. Rất nhiều những dòng nước mắt tuy ở cách xa, xa lắm đã chan hòa cùng mẹ, khi nhắc đến con gái bé nhỏ của mẹ. (…)
Con gái yêu của mẹ, con ngoan hiền của bố, cố lên con nhé! Bố mẹ luôn yêu quý và tôn trọng sự lựa chọn của con. Bố mẹ luôn tin ở con.
Mẹ yêu con.”
Nguyễn Phương Uyên năm lớp 4, hình ảnh trong sáng như bao đứa trẻ khác trên đời.

Không có nhận xét nào: