Pages

Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

Kế hoạch vết dầu loang trên biển Đông


Trung Quốc lại ngang nhiên xua hơn 30 tàu đánh cá vào vùng biển Trường Sa của Việt Nam nhưng vẫn lên tiếng cho rằng sẽ tuân thủ những gì mà họ đàm phán trong bộ ứng xử Biển Đông gọi tắt COC. Cách nói và làm trái ngược nhau đó cho Việt Nam thấy những gì?

32 chiếc tàu cá Trung Quốc kéo ra khu vực quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam đánh bắt trái phép
32 chiếc tàu cá Trung Quốc kéo ra khu vực quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam đánh bắt trái phép
Chiến lược “lấy thịt đè người” của Trung Quốc

Tháng ba vừa qua, Trung Quốc ngang nhiên mang tàu Ngư Chính không những ngăn cản, dọa dẫm ngư dân Việt Nam trong vùng biển Hoàng Sa mà còn công khai bắn cháy thuyền cá của anh Phạm Quang Thạnh như một cảnh báo cho ngư dân biết rằng họ không thể chống lại sức mạnh của Trung Quốc nếu còn tiếp tục đánh bắt cá trên ngư trường truyền thống của Việt Nam.

Trong khi Việt Nam chưa có động thái gì đủ mạnh để phản đối hành vi ngang ngược này thì Trung Quốc tiếp tục lấn thêm những bước nguy hiểm thọc sâu vào vùng biển thuộc chủ quyền kinh tế của Việt Nam trên khu vực Trường Sa. Sáng ngày 6 tháng 5 tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc đưa tin với hình ảnh cho thấy một đội tàu gồm 22 chiếc tàu đánh cá loại lớn trên 400 tấn đã khởi động tiến về Trường Sa để đánh bắt cá. Một viên chức cao cấp của Sở Ngư Nghiệp và Hải Dương tỉnh Hải Nam cho biết đội tàu này đang triển khai kế hoạch khai thác nguồn tài nguyên biển một cách có hệ thống và đoàn tàu này sẽ hoạt động tại Trường Sa trong vòng 40 ngày.

    Trung Quốc đang diễn trò lấy thịt đè người, bất kể công pháp quốc tế và nhất là luật biển năm 1982. Là một nước lớn nhưng thừa cương quyết và sẵn sàng hành xử với các nước trong khu vực bằng vũ lực.

Trước đó đã có 10 chiếc tàu cá khác đã tiến vào khu vực Trường Sa nâng tổng số những con tàu đánh cá bất hợp pháp tại đây lên đến 32 chiếc.

Đội tàu này một khi vào ngư trường của Việt Nam thì đương nhiên chính ngư dân Việt sẽ là thành phần chịu thiệt thòi đầu tiên. Nồi cơm người ngư dân vốn đã héo hắt nay lại càng co cụm vì sức mạnh của những chiếc tàu cá phương Bắc. Anh Phạm Quang Thạnh, chủ chiếc tàu bị Trung Quốc bắn cháy cho biết tâm trạng của người ngư dân Lý Sơn:

Dạ đó là ngư trường truyền thống thì nói chung dù sao cũng phải đi  thôi. Dù Trung Quốc có làm thế nào thì ngư dân chúng em cũng phải đi thôi vì đây là ngư trường truyền thống không thể bỏ được.

Bên cạnh nồi cơm hàng ngày có lẽ tiếng gọi chủ quyền đất nước cũng là điều thúc đẩy ngư dân cố bám vùng biển của đất nước mặc dù trong tư thế tuyệt vọng. Cho tới khi nào chính quyền có đối sách rõ ràng và sự đồng thuận của toàn dân thì may ra họ không còn cô đơn trước mặt biển nữa. Bão tố giờ đây không còn quan trọng mỗi khi họ ra biển vì dù sao máy móc và kinh nghiệm nghề nghiệp có thể giúp cho họ tránh bão. Nhưng không ai có thể biết trước tai họa ập xuống từ Trung Quốc khi chiếc tàu nào của họ cũng lớn cũng trang bị đủ kiểu và sẵn sàng đánh chìm những con tàu tội nghiệp của ngư dân Việt Nam.

Trung Quốc đang diễn trò lấy thịt đè người, bất kể công pháp quốc tế và nhất là luật biển năm 1982. Là một nước lớn nhưng thừa cương quyết và sẵn sàng hành xử với các nước trong khu vực bằng vũ lực. Sự thèm khát dầu để phát triển đang làm cho Bắc Kinh nhắm mắt đạp lên những quy tắc mà thế giới không nước nào vượt qua khi họ cố tình chèn ép láng giềng bằng sức mạnh để chiếm cho bằng được tài nguyên của lân bang.

Bảo vệ ngư dân bằng mồm

Việt Nam không có chọn lựa nào khác kể cả nhẫn nhịn để vượt qua những động thái gây hấn mà hơn một thập kỷ qua Trung Quốc luôn áp dụng. Tàu cá xuất hiện đầy trên biển, tàu ngư chính tuần tra và buộc tàu Việt Nam quay vào bờ, cộng với những hành vi ngang nhiên trấn áp đi kèm với xảo thuật ngoại giao cố hữu là lập đi lập lại những diễn giải cho quốc tế thấy Bắc Kinh đang hành xử rất hòa bình và không hề xâm phạm chủ quyền của ai khác.

Trong khi đó bằng những nỗ lực tuyệt vọng, chính phủ Việt Nam gián tiếp giao trách nhiệm cho tổ chức mang tên Khuyến Ngư đứng ra lập kế hoạch bảo vệ ngư dân bằng những phương pháp thủ công, yếu kém mọi phương tiện và chủ động bảo vệ sự an toàn của mình là chính. Phó GSTS Võ Văn Trác, Nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề Cá Việt Nam cho biết:

Hiện nay thì bọn tôi đang theo dõi tình hình trên biển và cũng có nghe 32 chiếc tàu của Trung Quốc thì nó cũng xông vào lấn áp không phải chỉ Hoàng Sa mà cả Trường Sa của mình nữa. Sáng hôm nay chúng tôi đang cố để tìm hiều thêm việc này sau khi có thông tin chính xác thì hội cũng có tiếng nói kịp thời trên cơ sở phải nắm thông tin nào đó, đúng là có những cái tin như vậy bởi vì nó xâm phạm không phải Hoàng Sa không đâu mà lấn sang Trường Sa nữa. Như vậy chuyện này không thể chậm trễ nữa mà phải kịch liệt phản đối điều này.

Chúng tôi luôn luôn tuyên truyền tập huấn cho ngư dân nắm được tình hình nhất là luật lệ trong nước và nước ngoài trên biển để cho ngư dân hiều biết để có phản ứng kịp thời thì đó là việc đầu tiên. Trước sau như một là chúng tôi sẽ tổ chức đội hình đi đánh bắt và bây giờ có trung tâm khuyến ngư các lực lượng trên biển tổ chức thành đội hình. Ngay ngư dân mà nhất là ở Quảng Ngãi, Quảng Nam thì người ta tổ chức đội hình đánh bắt có tàu giúp đỡ hỗ trợ cho nhau thì đó là việc làm thứ hai, còn việc làm thứ ba nói chung là phải phối hợp các lực lượng trên biển không để nó phân tán đề từ đó có cơ chế chính sách để người dân yên tâm người ta đi làm.

Đối với anh Phạm Quang Thạnh, nhà nước có hỗ trợ điều gì thì tốt điều đó vì anh biết ngư dân không thể trông mong gì hơn trong hoàn cảnh hiện nay, anh nói:

Nhà nước chỉ hỗ trợ về tinh thần tuy vẫn có vài phương án để hỗ trợ cho ngư dân trên biển. Theo em được biết là vừa rồi có nhiều cuộc họp thì tổng liên đoàn Lao động cho biết có thể khi ngư dân đi làm thì họ có phương án hỗ trợ ngư dân trên biển nhưng cụ thể thực hiện như thế nào thì họ chưa cho biết.

Những con tàu yếu ớt của ngư dân Việt Nam tuy đang đánh bắt trên ngư trường của mình nhưng tâm trạng không khác nào đang đi đánh trộm trên vùng biển của Trung Quốc vì không ai bảo vệ họ. Con số tàu Ngư chính Trung Quốc hiện nay cho thấy ý tưởng bảo vệ tàu cá của Ngư dân Việt Nam bằng các loại tàu thô sơ hiện có cũng chỉ là ý tưởng khó thực hiện.

Trung Quốc hơn ai hết biết rõ điều đó và việc Bắc Kinh vừa tiến công bằng tàu cá loại công xuất lớn vừa lên tiếng phủ nhận ý đồ xâm phạm chủ quyền Việt Nam đều nằm trong kế hoạch vết dầu loang mà ai cũng thấy nhưng khó bảo toàn, nếu chính phủ Việt Nam không cương quyết đấu tranh bằng tất cả các phương tiện hiện có thì hệ quả còn lớn hơn nhiều lần.

Ban đầu là lấn chiếm ngư trường, bước tiếp đến là xác định chủ quyền bằng các giàn khoan dầu loại khổng lồ tại Biển Đông, sau đó thì đường Lưỡi bò tự động trở thành hợp pháp là những nước cờ không khó nhận ra. Các chuyên gia ngoại giao đều có nhận xét gần như giống nhau rằng các nước nhỏ dù có lo lắng, chuẩn bị thế nào cũng khó tránh những cái bẫy này, đặc biệt là Việt Nam, vừa nhỏ vừa yếu lại vừa là người học trò ngoan của chủ nghĩa xã hội mà Bắc Kinh luôn trưng ra làm tê liệt lòng yêu nước của họ mỗi khi gặp gỡ bàn về vấn đề nhạy cảm này.

Mặc Lâm, biên tập viên RFA, Bangkok
2013-05-08

Không có nhận xét nào: