Pages

Thứ Ba, 21 tháng 5, 2013

Khối câm lặng đáng sợ

Nam Nguyên, phóng viên RFA

Người nông dân thành phần chịu thiệt thòi nhiều nhất trong xã hội
Người nông dân thành phần chịu thiệt thòi nhiều nhất trong xã hội
AFP
Nông nghiệp nông dân nông thôn đã chống đỡ cho nền kinh tế Việt Nam trong 3 năm suy thoái vừa qua. Tuy vậy cộng đồng này sống nghèo khổ, tùy thuộc vào sự may nhờ rủi chịu và sự chi phối của người khác.
Người âm thầm gánh chịu mọi thiệt thòi và bất công
Theo các số liệu chính thức, tổng kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp năm 2012 của Việt Nam đạt 27,5 tỷ USD, xuất siêu hơn 10 tỷ USD. Thế nhưng những nông dân làm ra khối lượng hàng hóa xuất khẩu trị giá lớn như vậy lại có mức sống rất thấp kém. Thu nhập bình quân đầu người của người trồng lúa ở vựa lúa xuất khẩu đồng bằng sông Cửu Long chỉ vào khoảng 550.000 đ/tháng.

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn nhận định trên Thời báo kinh tế Việt Nam: giá nông sản thấp như con dao hai lưỡi, một mặt giúp kềm hãm mức tăng giá tiêu dùng, nhưng đối với nông dân là sự thiệt thòi. Nhà nghiên cứu này nhấn mạnh rằng: “nhìn vào thắng lợi của nông nghiệp, lại càng thấy đau thêm cho bà con nông dân”. Đặc biệt hơn nữa theo lời TS Đặng Kim Sơn: “Tuy nông dân chiếm 70% dân số, nhưng đây lại là một khối câm lặng khổng lồ, vì họ không được bàn bạc.”
Nhìn vào thắng lợi của nông nghiệp, lại càng thấy đau thêm cho bà con nông dân...Tuy nông dân chiếm 70% dân số, nhưng đây lại là một khối câm lặng khổng lồ, vì họ không được bàn bạc
Tiến sĩ Đặng Kim Sơn
Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Vịnh nhà tư vấn cho nông dân cà phê Tây nguyên, cũng là một người trồng cà phê ở Đắc Lắc phát biểu:
“ Nông dân mình bơ vơ, có ai hỏi đến mà biểu nông dân trả lời. Trong khi đó nông dân luôn luôn dựa vào đội ngũ trí thức, nhưng đội ngũ này chủ yếu là công chức, đảng viên, họ phải nói theo lệnh của đảng, theo luật công chức, nói theo cấp trên, họ dám nói ngược lại không, dám phản bác không. Tôi thấy điều này bất công lắm.”
Còn ai khổ hơn người nông dân. AFP
Còn ai khổ hơn người nông dân. AFP

Bà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban tư vấn của Thủ tướng chính phủ, một chuyên gia kinh tế rất quan tâm đến vấn đề cải thiện đời sống nông dân nhận định:
“ Về dân cư hay con người, phải nói là nông dân cũng là lực lượng làm việc rất nhiều và cũng thiệt thòi rất nhiều. Bởi vì thành quả của cải cách, thành quả của phát triển kinh tế thì thông thường cho tới nay vẫn chưa được phân bổ đồng đều và khi đến được người nông dân thì thành quả đó rơi rớt khá nhiều so với cá lực lượng khác trong xã hội. Vì vậy càng phải quan tâm đến nông dân nhiều hơn.”
Trên thực tế nông dân không được bàn bạc về những chính sách liên quan đến mình, không được góp ý về việc tiêu thụ sản phẩm của mình, nông dân cũng không định giá bán lúa, cà phê, hạt tiêu hay cá tra, bàn bạc về kế hoạch tạm trữ khi thu hoạch rộ, mà hoàn toàn tùy thuộc vào doanh nhân và các nhà xuất khẩu. Thí dụ VFA Hiệp hội Lương thực Việt Nam hay VICOFA Hiệp hội Cà phê Việt Nam hay VASEP Hiệp hội xuất khẩu thủy sản.
Nông dân Việt Nam sống nghèo khổ đời này qua đời khác. AFP
Nông dân Việt Nam sống nghèo khổ đời này qua đời khác. AFP
Hãy coi trọng người nông dân
Nhà tư vấn nông dân Nguyễn Vịnh cho rằng, về danh nghĩa Hiệp hội Nông dân Việt Nam là đại diện của nông dân, nhưng bản chất Hiệp hội Nông dân là một tổ chức chính trị mang tính xã hội rộng rãi chứ không phải là một hiệp hội sản xuất. Ông Nguyễn Vịnh nhấn mạnh:
“Xu thế tới đây theo tôi nghĩ, để cho việc sản xuất của nông dân được thuận lợi, chắc chắn hơn, tiếng nói và vị thế của người sản xuất được coi trọng hơn, thì Nhà nước cho phép tiến hành xây dựng hiệp hội sản xuất theo từng ngành nghề. Khi nào có hiệp hội từng ngành sản xuất thì lúc đó có đối trọng với nhau, bên cung là người nông dân bên cầu là doanh nghiệp. Họ sẽ ngồi lại bàn bạc thỏa thuận và tìm ra được phương án buôn bán, cũng như tiêu thụ một cách tốt nhất hiệu quả nhất không chỉ trong nước mà chủ yếu đối với xuất khẩu. Ví dụ hiệp hội những người trồng cà phê, hiệp hội những người trồng cao su hay hiệp hội những người trồng lúa…”
Trong tư liệu của chúng tôi, TS Lê Đăng Doanh chuyên gia kinh tế hiện sống và làm việc ở Hà Nội nhận định rằng, việc tiếp cận thông tin của nông dân là hết sức quan trọng, và cần cải tổ toàn bộ chuỗi sản xuất kinh doanh và tiêu thụ lúa gạo. Ông nói:
Để cho việc sản xuất của nông dân được thuận lợi, chắc chắn hơn, tiếng nói và vị thế của người sản xuất được coi trọng hơn, thì Nhà nước cho phép tiến hành xây dựng hiệp hội sản xuất theo từng ngành nghề
Ông Nguyễn Vịnh
“Xuất khẩu gạo chỉ là phần cuối, có lẽ xuất khẩu gạo của Việt Nam và lợi nhuận của người dân là một vấn đề rộng lớn hơn rất nhiều. Nó bao gồm cả qui trình sản xuất, các phương tiện để phơi sấy và trữ gạo, rồi thì mối quan hệ giữa người nông dân với người chế biến, người thu mua, người xuất khẩu, kể cả chuyện để nông dân tiếp cận được với các thông tin thị trường… Đấy là vấn đề rộng lớn hơn và tôi nghĩ xuất khẩu gạo chỉ là một phần của các vấn đề đó và cần được giải quyết toàn bộ.”
Đối với các chuyên gia nông nghiệp, thí dụ trong sản xuất tiêu thụ lúa gạo, tiếng nói vai trò của nông dân có thể giải quyết một cách cơ bản trong chủ trương liên kết 4 nhà gồm Nhà nước-Nhà nông-Nhà khoa học và Doanh nghiệp, từng được nói tới hơn 1 thập niên qua mà không thể thực hiện được. Hiện nay câu chuyện liên kết được chuyển qua một mô hình mới đó là cánh đồng mẫu lớn, dù rất ít doanh nghiệp tham gia vì phải đầu tư nông cơ, kho chứa lúa, máy sấy, nhà máy xay xát và tuyển dụng một đội ngũ cán bộ kỹ thuật đông đảo, cũng như phải có nguồn tiêu thụ vững chắc.
TS Phạm Văn Tấn, chuyên gia công nghệ sau thu hoạch làm việc ở Nam bộ nói với chúng tôi, mô hình cánh đồng mẫu lớn được Công ty bảo vệ Thực vật An Giang thực hiện thành công nhưng diện tích còn hạn chế. Theo đó, nông dân liên kết với doanh nghiệp để trồng một hai giống lúa theo yêu cầu, nông dân được ứng trước giống lúa, phân bón thuốc trừ sâu, được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn và theo dõi ngay tại ruộng lúa. Khi thu hoạch lúa được chuyên chở miễn phí về kho doanh nghiệp và được sấy khô, nông dân có thể bán ngay cho doanh nghiệp với giá thỏa thuận hoặc gởi lại kho miễn phí  trong 1 tháng để chờ giá tốt. TS Phạm Văn Tấn phát biểu
“Người ta tính toán, việc Cty Bảo vệ Thực vật An Giang hỗ trợ nông dân ở khâu sấy và vận chuyển và bảo quản 1 tháng, đã làm tăng thêm lợi ích cho nông dân 100% thay vì chỉ được 32% lợi nhuận trên giá thành sản xuất. Chính phủ Việt Nam khuyến khích nhân rộng mô hình này ở các địa phương khác. Nhưng nếu chỉ có một mình Cty Bảo vệ Thực vật An Giang làm theo mô hình này, tôi nghĩ là tiến độ để phát triển lúa một cách bền vững chỉ ở đồng bằng sông Cửu Long thôi, thì cũng phải mất rất nhiều năm.”
Trên phương diện nào đó, nông dân qua liên kết với doanh nghiệp trong cánh đồng mẫu lớn đã thể hiện được một phần vai trò và quyền quyết định của mình. Bao giờ “khối câm lặng khổng lồ” sẽ có sự thay đổi tích cực? Có lẽ sẽ phải mất một thập niên nữa thậm chí còn lâu hơn.

Không có nhận xét nào: