Pages

Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2013

Không chỉ Quyền Lập Hội mà cả Quyền Lập Đảng!



Anh Ba Sàm - Không những “quyền lập hội” mà cả quyền lập đảng! Điều này chúng tôi cũng đã đề cập khi nói tới một thứ tổ chức chính trị chưa từng có, đó là “Đảng Mạng”, “Đảng Net”.
Qua Internet, mọi người dân ở khắp nơi, cả trong lẫn ngoài nước đều có thể liên kết với nhau trong một tổ chức chính trị, xã hội, một đảng đối lập với ĐCSVN. Họ có thể hội họp, bầu bán, quyên góp, ra lời hiệu triệu, lên tiếng bảo vệ thành viên của mình khi bị đàn áp, kêu gọi sự ủng hộ quốc tế, bàn luận về mọi vấn đề cùng quan tâm, tập dượt dân chủ, học hỏi kiến thức mọi mặt v.v..

Những người cộng sản sợ nhất là việc dân chúng gắn kết được với nhau trong những tổ chức không do họ kiểm soát. Chính vì vậy mà bản Dự thảo Luật về Hội qua bao nhiêu lần sửa đổi, để rồi bị ném vào ngăn kéo giấu nhẹm không một lời giải thích thỏa đáng, không rõ lý do, không có ai chịu trách nhiệm về hành động ngăn cản quyền tự do tối thiểu của người dân, suốt gần 10 năm qua.
Thế nhưng, họ không thể ngăn cản được những người dân yêu chuộng tự do đến được với nhau; chỉ trong hơn 4 tháng qua, kể từ khi phong trào đòi quyền tự do qua “góp ý Sửa đổi Hiến pháp” bất ngờ được khơi dậy. Những “húy kỵ” quái gở suốt 80 năm qua đã bị đạp bỏ chỉ trong có mấy tháng, chỉ bằng những bản kiến nghị, các bài viết, lời kêu gọi, những chữ ký, lời bình luận của độc giả, và nhiều sáng kiến liên tiếp được đưa ra, … tất cả đều thông qua “Đảng Net”.
Những người đứng đầu ĐCSVN nếu không nhận ra sự biến chuyển khác thường này, sự chín muồi, hội tụ những điều kiện giúp thay đổi căn bản đời sống chính trị toàn xã hội, … để từ đó biết lựa theo ý nguyện của dân mà cải tổ toàn bộ hệ thống chính trị mục nát này, thì chắc chắn sẽ lãnh hậu quả ghê gớm, bị ghi danh ô nhục vào lịch sử, con cháu đời đời nguyền rủa.
Mặt khác, sự biến chuyển quá nhanh chóng cũng làm cho những người trong cuộc ngỡ ngàng, trong khi còn thiếu kinh nghiệm. Họ có thể lúng túng, có thể có những nhầm lẫn nào đó. Nhiều câu hỏi phải được đặt ra. Ví như:
+ Những bước đi tiếp theo trong cuộc “sửa đổi Hiến pháp” thời gian tới sẽ như thế nào, trong khi còn những 5 tháng, thậm chí có thể hơn nữa?
+ Những tập thể gắn kết được hình thành một cách tự nhiên qua phong trào này cần phải có những hành động gì để liên kết với nhau, bảo vệ nhau hơn nữa?
+ Họ có cần có những người đại diện khả dĩ tạo ra kênh đối thoại với giới cầm quyền, giúp những kẻ nắm quyền sinh sát không dễ chịu thỏa hiệp có được lối thoát trong “danh dự”? Cũng bằng những người đại diện này, họ có được “ngọn cờ”, nhân tố tối cần thiết cho những tổ chức chính trị, xã hội.
+ Từ đó, cũng có những dấu hỏi cho những người hội đủ tố chất lãnh đạo quần chúng, đã đến lúc họ phải lấy quyết định dũng cảm, dám đứng ra “đứng mũi chịu sào” hay chưa?

Không có nhận xét nào: