Pages

Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2013

Ngân hàng Nhà nước đang tự sát

Đến nay, thay vì nhìn nhận sai lầm, Ngân Hàng Nhà Nước CSVN vẫn biện bạch chênh lệch giữa giá vàng nội địa với giá vàng thế giới là lợi cho cả nhà nước lẫn dân. (Hình: Lao Động)

Cung cách quản lý và điều hành thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước CSVN (NHNN CSVN) giống như hành động của một người muốn tự sát, đã thắt xong thòng lọng và đã tự tròng thòng lọng vào cổ.

Sự hỗn loạn của thị trường vàng và những tác động bất lợi của nó đến cục diện kinh tế, tiếp tục trở thành đề tài bàn luận cả trong dân chúng, báo giới lẫn chuyên gia kinh tế tại Việt Nam.

Người ta vẫn tiếp tục bất bình và thắc mắc không hiểu tại sao chính quyền CSVN lại cho phép NHNN CSVN độc quyền sản xuất – kinh doanh vàng (xuất – nhập cảng, chế tác vàng miếng, dùng nhiều biện pháp để loại trừ các thương hiệu đang hiện hữu, để trong tương lai, thị trường vàng trên toàn Việt Nam chỉ còn một thương hiệu là SJC).   

Mới đây, ông Nguyễn Vạn Phú, một cây bút chuyên bình luận về các vấn đề kinh tế, nhận định, NHNN CSVN làm những điều khó hiểu như thế nhằm sửa chữa một sai lầm từ chính sách được thực hiện hồi năm 2011.

Theo ông Phú, vào thời điểm đó, tuy đã cấm các ngân hàng huy động vàng, cho vay bằng vàng, song NHNN CSVN vẫn quyết định cho năm ngân hàng thương mại (ACB, Đông Á, Eximbank, Sacombank, Techcombank) và công ty SJC tham gia kế hoạch “bình ổn giá vàng”.

Năm ngân hàng này được bán 40% số vàng mà dân chúng gửi cho họ để thu tiền mặt. Vì khi ấy, giá vàng tại Việt Nam cao hơn giá vàng thế giới từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng/lượng nên cả năm ngân hàng trở thành những đối tượng được hưởng “đặc ân” (có quyền bán ra 40% số vàng hiện có với giá cao,  mua vào với số lượng tương ứng từ thị trường vàng trên thế giới vốn có giá thấp hơn để bù đắp 40% lượng vàng đã bán ra, hưởng toàn bộ khoản chênh lệch về giá).

Ông Phú tin rằng, khi có thể kiếm lợi dễ dàng và nhanh chóng như vậy, năm ngân hàng “may mắn” này, không chỉ bán 40% số vàng họ hiện có, mà còn nhận vàng từ các ngân hàng “kém may mắn” khác để tung vàng ra thị trường. Thành ra lãi suất huy động vàng của các ngân hàng đột ngột tăng đến 2% tới 3%.
Tổng số vàng đã bán ra trong đợt “bình ổn giá vàng” hồi năm 2011, được nhiều nguồn ước đoán chừng 25 tấn.Tuy nhiên 25 tấn vàng đó không khiến giá vàng giảm xuống vì chính sách của NHNN của chế độ Hà Nội tiếp tục thay đổi. Thay vì cho các ngân hàng thương mại từng được hưởng “đặc ân” tham gia kế hoạch “bình ổn giá vàng”, tự mua vàng từ thị trường vàng thế giới, Ngân Hàng Nhà Nước CSVN lại giành quyền làm điều này (mua 60 tấn với giá rất cao).

Bởi Ngân Hàng Nhà Nước CSVN không nhập vàng ngay, giá vàng trên thị trường thế giới đột ngột tăng. Cuối cùng, các ngân hàng thương mại từng được hưởng “đặc ân” tham gia kế hoạch “bình ổn giá vàng”, không những không được hưởng đồng nào mà còn lỗ nặng. Để có đủ vàng trả lại cho dân, các ngân hàng thương mại này phải mua từ Ngân Hàng Nhà Nước CSVN lượng vàng tương ứng số đã bán ra, với giá cao hơn gấp nhiều lần. ACB lỗ 1,800 tỷ. Đông Á lỗ 137 tỉ. Eximbank không cho biết con số cụ thể, chỉ loan báo lỗ vài trăm tỉ… 

Ông Phú giải thích, sở dĩ giá vàng tại Việt Nam vẫn không giảm dù Ngân Hàng Nhà Nước CSVN đã bán ra 15 tấn vàng vì các ngân hàng thương mại giành mua hết để có vàng trả lại cho dân.
 
Mới đây, khi dự một cuộc hội thảo với Đoàn Đại biểu Quốc hội của Sài Gòn, ông Phạm Đỗ Chí, từng là chuyên gia cao cấp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, có nhiều nhận định tương tự ý kiến của ông Nguyễn Vạn Phú.

Ông Chí cho rằng, Ngân Hàng Nhà Nước CSVN đã “tự đưa mình vào thế kẹt”.

Theo ông Chí, chỉ có ba giải pháp để Ngân Hàng Nhà Nước CSVN lựa chọn, song giải pháp nào cũng là hạ sách: (1) Ngưng đấu giá vàng. Nếu ngưng thì thị trường sẽ hỗn loạn và giá vàng nội địa tiếp tục tăng mạnh. (2) Tiếp tục đem nguồn vàng dự trữ thay cho ngoại hối ra bán thì nguồn dự trữ này sẽ cạn, chưa kể nếu giá vàng trên thị trường thế giới xuống dưới mức 1.400 USD/ounce thì Ngân Hàng Nhà Nước CSVN sẽ lỗ nặng do trước đây đã mua với giá cao. (3) Nếu quyết định nhập thêm vàng để bán thì lượng ngoại hối dự trữ sẽ suy giảm.

Ông Chí nói thêm rằng, ở cương vị chuyên gia cao cấp cho Qũy Tiền tệ Thế giới, ông đã từng làm việc tại 30 quớc gia và làm cố vấn cho 20 ngân hàng quốc gia nhưng “chưa bao giờ tôi thấy ngân hàng quốc gia nào dám tự nhận vai trò quản lý vàng và đầu cơ vàng nguy hiểm như vậy!”.

Những sai lầm trong quản lý và điều hành thị trường vàng của NHNN CSVN không chỉ khiến thị trường vàng tại Việt Nam hỗn loạn. Ông Nguyễn Vạn Phú khẳng định rằng, theo sau những sai lầm đó, đồng Việt Nam đã thiếu càng thiếu hơn, rủi ro gia tăng vì xuất siêu chưa vững mà dự trữ ngoại hối lại giảm và thay vì tìm cách huy động vàng trong dân thì cách làm,  lại khiến dân gom vàng về cất.

(Người Việt)

Không có nhận xét nào: